Café Luật Khoa: Obama và cuộc bầu cử chức Tổng biên tập Tạp Chí Luật Harvard

Café Luật Khoa: Obama và cuộc bầu cử chức Tổng biên tập Tạp Chí Luật Harvard
Official portrait of President-elect Barack Obama on Jan. 13, 2009. (Photo by Pete Souza)

Ảnh: Pete Souza

Barack Obama (sinh năm 1961) là vị tổng thống thứ 44 của Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ.

Ông trở thành vị tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ vào năm 2008. Trong cả 43 đời tổng thống Mỹ kéo dài 220 năm trước đó, chức vụ tổng thống Mỹ đã luôn giành cho những người đàn ông da trắng.

Vì thế, sự đắc cử tổng thống vào năm 2008 của Obama có một ý nghĩa lớn lao với đất nước đã luôn tự hào gọi bản thân họ là Hợp Chúng Quốc. Chiến thắng của Obama đã được xem là một minh chứng cho sự tự do bình đẳng không phân biệt màu da của nước Mỹ.

18 năm trước khi đi đến chiến thắng đó, Obama cũng đã có một lần trở thành “người đầu tiên” trong lịch sử của một định chế khác: Tạp chí Luật Harvard (Harvard Law Review).

Thành lập năm 1887, Tạp chí Luật Harvard cho ra ấn bản hàng tháng bao gồm những bài viết nghiên cứu pháp lý được tuyển chọn và biên tập bởi một ban biên tập bao gồm toàn các sinh viên luật của trường luật đại học Harvard.

Trong suốt lịch sử tồn tại, những ai được tuyển chọn vào ban biên tập này đều là những ngôi sao sáng giá nhất trong trường luật Harvard, nhiều người trong số họ sau này trở thành những luật sư, giáo sư, thẩm phán và chính trị gia danh tiếng.

Trước năm 1990, Tạp chí Luật Harvard chưa bao giờ có một vị Tổng biên tập nào là người gốc Châu Phi, cho đến khi chàng sinh viên năm hai Barack Obama được bầu chọn sau một cuộc bầu cử khá thú vị.

Cuộc bầu cử này được thuật lại rất sống động trong cuốn sách “Cây Cầu: Cuộc Đời và Sự Thăng Tiến của Barack Obama” (The Bridge: The Life and Rise of Barack Obama) của nhà báo David Remnick.

Tên cuốn sách này bắt nguồn từ một lời nói của nhà hoạt động nhân quyền da màu John Lewis khi Obama thắng cử Tổng thống: “Barack Obama là thứ chúng ta đạt được tại cuối cây cầu đó ở thành phố Selma.”

Năm 1965, bản thân Lewis cùng những thủ lãnh đấu tranh nhân quyền khác gồm có mục sư Martin Luther King Jr., đã lãnh đạo một đoàn người tuần hành ôn hòa đòi quyền bầu cử bình đẳng cho người da mầu.

Ngày 07 tháng 03 năm 1965, đoàn người này đang đi trên cây cầu Edmund Pettus bên ngoài thành phố Selma thì bị chặn lại bởi hơi cay, dùi cui và bạo lực dã man của lực lượng cảnh sát đàn áp. 17 người biểu tình đã phải nhập viện và 50 người khác bị thương.

Và Barack Obama chính là thứ họ đạt được phía cuối cây cầu đẫm máu và nước mắt.

Trích đoạn “Cây Cầu: Cuộc Đời và Sự Thăng Tiến của Barack Obama”

David Remnick (Alfred A. Knopf xuất bản năm 2010):

“… Giải thưởng danh giá nhất cho việc tham gia Tạp chí Luật học thuật chính là chức vụ Tổng biên tập của tờ báo này. Hàng năm thường có một tỷ lệ khá khôi hài của các thành viên Tạp chí tham gia ứng cử cho chức vụ Tổng biên tập, với gần hơn nửa số bọn họ tham gia.

Ban đầu, Obama không sẵn lòng muốn ứng cử. Cuộc bầu chọn sẽ diễn ra vào tháng Hai trong năm học thứ hai của ông. Ông đã và đang tạo được một danh tiếng với giới sinh viên người gốc Châu Phi và với các thành viên ban giám hiệu trường.

Giáo sư luật tại Harvard Christopher Edley Jr., người có cha từng làm việc dưới trướng Thurgood Marshall (vị thẩm phán da màu đầu tiên của Tối cao pháp viện Hoa Kỳ – ND), là một trong những biên tập viên người da đen đầu tiên của Tạp chí Luật Harvard trong suốt nhiều năm. Khi ấy giáo sư Edley đã nhìn ra triển vọng lớn lao của Obama.

“Việc học luật có thể đem lại đôi ba thứ vô cùng quý giá,” Edley nói. “Thứ nhất, dĩ nhiên là việc nghiên cứu về cách mà các định chế cai trị và định chế tài sản hoạt động: cách mà tòa án, nhánh lập pháp và các cơ quan chức trách hoạt động.

Thứ hai, việc học luật làm thấm nhuần vào tâm trí một quyền năng vĩ đại có thể được sử dụng ngay cả khi bạn không làm gì liên quan đến thứ có thể được xem một cách khắt khe là ‘luật’. Với người sinh viên luật, khả năng hiểu được mặt kia của tranh luận là rất quan trọng. Nếu bạn là một luật sư tranh tụng, một kỹ năng tối quan trọng là việc đoán trước và ứng phó với luận điểm mạnh nhất mà đối phương sẽ đưa ra. Bạn phải dày công tìm hiểu và phải nắm chắc luận điểm của đối phương như thể nó là của chính bạn.

Barack-Obama2.JPG__1232402548_0037

Obama khi còn là sinh viên luật. Ảnh: Boston Review.

Việc tìm hiểu này cho bạn một sự khiêm nhường vì nó bắt bạn phải tự nhìn ra những điểm yếu trong lập luận của bạn và cảm nhận được rằng trong bất kỳ vấn đề khó khăn nào cũng có thể có những luận điểm tốt từ cả hai phía của vụ việc. Barack rất giỏi trong việc này.

Tại sao trông cậu ta có vẻ ghét các cuộc tranh luận trong tranh cử Tổng thống và không thật sự tranh luận tốt lúc ban đầu? Bởi vì sự khác biệt giữa một luật sư giỏi và một người tranh luận giỏi chính là ở chỗ người luật sư giỏi biết nhạy cảm với sự đa dạng sắc thái (nuance) trong tranh luận (không chỉ chăm chăm vào trắng hoặc vào đen – ND) và cuối cùng luôn chú tâm vào việc tìm ra cách truyền đạt thích hợp.

Tài năng của Barack chính là thói quen trong tâm tưởng đó. Nó hiển hiện qua sự cởi mở của cậu ta khi tiếp xúc với những người mà cậu ta bất đồng.

Sẽ không thích hợp làm một người luật sư giỏi nếu anh ta có một niềm tin cùng với thái độ cao đạo là anh ta có một sự độc quyền chân lý. Người luật sư được luyện tập để cảm nhận được sự phức tạp. Cảm nhận đó không mang màu sắc tương đối chủ nghĩa (cho rằng cái gì cũng tương đối, không gì là tuyệt đối – ND), mà là một cảm nhận có tính chuẩn tắc đạo đức đồng thời thể hiện sự khiêm nhường.

Bạn đến với cuộc tranh luận mang theo la bàn của riêng bạn, ý kiến và nguyên tắc của riêng bạn, nhưng bạn phải cởi mở. Và Barack là một người như vậy.”

Sau khi trò chuyện với vài người bạn thân như Cassandra Butts, Obama quyết định tranh cử chức Tổng biên tập Tạp chí Luật Harvard. “Phần đông các thành viên cùng ban biên tập Tạp chí với tôi trẻ hơn tôi đôi ba tuổi,” Obama nói. “Tôi đã nghĩ là tôi có thể áp dụng thường thức (common sense) và kỹ năng quản trị của mình vào công việc. Tôi thật sự đã đầu tư rất nhiều thời gian cho Tạp chí Luật và thái độ khi ấy của tôi là Tại sao tôi không quản lý Tạp chí Luật luôn?”

Sự già dặn, chứ không phải giáo điều, có vẻ là sức hút của Obama.

“Một việc có lẽ ít người nhớ nhưng có thật đó là thỉnh thoảng các thành viên ban biên tập hay có trò đảo mắt (eye-rolling) khi nói về Obama (trẻ con phương Tây hay có thói quen đảo mắt thể hiện thái độ vùng vằng với người lớn – ND) bởi vì dường như Obama là một thành viên ban giám hiệu, anh ta người lớn hơn một sinh viên luật bình thường,” David Goldberg nói. Ông là một cựu ứng cử viên cho chức Tổng biên tập, có khuynh hướng tự do (liberal) ra tranh cử cùng đợt đó với Obama.

“Phần đông các giáo sư thường tỏ ra lãnh cảm với sinh viên. Nhưng với Barack họ thường tỏ vẻ bợ đỡ. Rõ là vì anh ta rất tuyệt và cũng vì anh ta là người Mỹ gốc Phi. Anh ta già dặn một cách kinh ngạc, luôn đầy suy tư và biết đặt trái tim đúng chỗ.”

Lần bầu cử năm đó, 19 trên tổng số 35 thành viên năm hai của ban biên tập Tạp chí Luật Harvard ra tranh cử chức Tổng biên tập. Các sinh viên sắp rời ban biên tập cùng các sinh viên không tham gia ứng cử tụ tập tại phòng sinh hoạt lớn tại Pound Hall nơi họ tổ chức đại hội và bình bầu.

Các ứng cử viên tranh cử phải ngồi chờ trong căn bếp bên cạnh phòng sinh hoạt; họ được giao nhiệm vụ nấu ăn cho cử tri trong lúc cử tri làm việc. Các cử tri thì phải đọc những tập hồ sơ dày về các ứng cử viên. Các tập hồ sơ này chứa các bài viết có tuyển chọn cùng với các nghiên cứu đã làm cho Tạp chí Luật của các ứng cử viên. Quá trình bình bầu rất chi tiết, đầy tranh cãi và sự tự tôn của những người tranh cãi này kéo dài hết ngày đến đêm muộn.

obama-quote-1_00000

Goldberg nhớ lại: “Vài lúc sẽ có ai đó thò đầu vào bếp kêu cô cậu X, Y hay Z vào phòng sinh hoạt. Những người này đã bị loại và theo đó phải tham gia bình bầu luôn. Những người còn lại trong bếp sẽ thở phào nhẹ nhõm.”

Ứng cử viên duy nhất có khuynh hướng bảo thủ (conservative) còn sót lại trong cuộc đua tranh sau những phiên đấu loại ban đầu là Amy Kett, một ứng cử viên giỏi chuyên môn nhưng ít khả năng thắng cuộc. Các thành viên thuộc nhánh bảo thủ cứng cỏi nhưng ít ỏi trong ban biên tâp Tạp chí Luật biết rằng ứng cử viên của họ không có cơ hội thắng nhưng cùng nhau họ vẫn cố tìm ra cách để tạo ảnh hưởng lên kết quả chung cuộc.

Brad Berenson và các thành viên bảo thủ khác cố gắng tìm một ứng cử viên có thể làm việc với họ một cách cởi mở nhất. Một người “không cá nhân hóa các khác biệt chính trị.”

“Tại những nơi như Harvard hay Yale, những người trẻ thường có khuynh hướng ác hóa bất kỳ ai có quan điểm chính trị khác biệt với họ,” Berenson nói, “và có khá nhiều người trẻ như thế tại Harvard vào năm 1990 khi mọi thứ dường như lúc nào cũng mang tính chính trị.

Barack không phải là một trong số họ. Anh ta giành được sự mến mộ và tin tưởng của gần như tất cả mọi người. Điểm phê bình duy nhất từ phía bảo thủ chúng tôi là anh ta dường như có vẻ ‘hai mặt’, đã luôn làm cho ai cũng nghĩ là anh ta theo bên nào cũng được, và luôn che dấu những cảm xúc thật của anh ta. Tuy nhiên tôi chưa bao giờ đồng tình với phê bình này.”

Khi các thành viên ban biên tập Tạp chí Luật Harvard nhớ lại quá trình bầu cử hồi đó, phần đông bọn họ nghĩ nó giống một show truyền hình thực tế, một tập “Survivor” dài dòng và xoắn não (Survivor là chương trình truyền hình thực tế trò chơi sinh tồn nơi hoang đảo của Mỹ – ND).

Một đại diện của nhóm cử tri vào phòng bếp và thông báo kết quả. Amy Kett bị loại – phải rời đảo. (Sự nghiệp của bà ta không bị suy xuyển gì; Kett sau này làm trợ lý (clerk) cho thẩm phán Tối cao pháp viện bà Sandra Day O’Connor.)

“Lúc đó thì lựa chọn cuối cùng chỉ là giữa các ứng cử viên theo khuynh hướng tự do. Tôi nhớ là toàn bộ phe bảo thủ đã dồn phiếu cho Barack,” Berenson kể. “Thật sự có một cảm giác chung là anh ta không coi chúng tôi là những kẻ ác, anh ta chỉ coi chúng tôi là những kẻ lầm lạc, và anh ta luôn tỏ ra thiện chí đối với thành ý và sự khôn ngoan của chúng tôi.”

Quá 12 giờ rưỡi khuya, các ứng cử viên còn lại bao gồm David Goldberg, một người da trắng theo khuynh hướng tự do với khát vọng có một sự nghiệp làm luật sư bảo vệ nhân quyền, và Barack Obama.

Cuối cùng, ai đó vào bếp và kêu hai người bọn họ ra để báo tin. Obama đã được bầu làm Tổng biên tập mới.

“Tôi chưa kịp nói gì thì một cậu sinh viên da đen khác” – Ken Mack – “chạy lại ôm choàng lấy tôi và xiết chặt,” Obama nhớ lại. “Khi đó tôi nhận ra rằng chiến thắng này không chỉ là của mình tôi. Nó là của tất cả chúng tôi. Tôi đang bước qua rất nhiều cánh cửa đã được mở bởi những người đi trước.”

Tin chiến thắng lịch sử của Obama – ông là Tổng biên tập người gốc Phi đầu tiên của Tạp chí Luật Harvard – được truyền thông toàn thế giới nhanh chóng nắm bắt.

Trả lời phỏng vấn với nhà báo Fox Butterfield của tờ New York Times, Obama thể hiện một thái độ ngoại giao đứng đắn. Ông xác nhận cả những kỳ vọng mà các sinh viên da đen giành cho ông cũng như những trách nhiệm ông phải gánh vác.

“Thực tế việc tôi được bầu cho thấy sự tiến bộ lớn,” Obama nói. “Nó rất đáng khích lệ. Nhưng quan trọng là những câu chuyện giống như của tôi không thể được dùng để nói rằng mọi thứ đang ổn thỏa cho các sinh viên da đen. Chúng ta cần nhớ rằng cứ một người như tôi thì có hàng trăm, hàng nghìn những sinh viên da đen khác có phẩm chất tương đương tôi nhưng không được hưởng cùng cơ hội…Bản thân tôi thì quan tâm đến việc thúc đẩy một quan điểm mạnh mẽ của dân thiểu số bên trong ban biên tập. Tôi khá là cứng đầu trong vấn đề này. Nhưng trong vai trò Tổng biên tập Tạp chí Luật, tôi chỉ có một vai trò giới hạn của một người đứng đầu không chính thức trong một nhóm các cá nhân bình đẳng.”

Bạn của Obama là Earl Martin Phalen là một trong những sinh viên Mỹ gốc Phi trong trường đã rất xúc động với kết quả cuộc bầu cử. Các sinh viên da đen này đã gắn bó cùng nhau sau những giờ trên lớp lắng nghe về những tội ác đáng căm giận mà ông bà cha mẹ họ đã phải chịu – nạn nô lệ, treo cổ, luật Jim Crow, hàng sa hàng số những hình thức phân biệt và làm nhục. Thế nên với thế hệ sinh viên da đen đó, trong chiến thắng này, Obama chính là Charles Hamilton Houston của thế hệ họ (Houston là một trong những luật sư da đen nổi tiếng đầu tiên của nước Mỹ và là thầy giáo của Thurgood Marshall – thẩm phán da màu đầu tiên của Tối cao pháp viện Hoa Kỳ – ND).

Phalen bây giờ là một nhà hoạt động trong lĩnh vực giáo dục. Ông kể rằng: “Chiến thắng đó là sự khẳng định năng lực trí thức và khả năng sự hòa đồng bằng trí thức của người da màu. Barack đã rất tự hào với điều đó và anh ta hiểu ý nghĩa lịch sử của nó, nhưng anh ta không coi nó là sự đền đáp cho những thương đau của quá khứ.” Phalen là một người da đen được nhận làm con nuôi bởi một gia đình sống tại vùng ngoại ô Boston với phần đông cư dân da trắng.

“Bạn có thể cảm nhận được sắc tộc,” Phalen nói, “và bạn hiểu ý nghĩa của nó, nhưng cuối cùng thì chúng tôi đều được nuôi dưỡng giống nhau và chúng tôi biết điều chính yếu là tính cách của chúng tôi*. Barack biết điều đó.”…”

*Gợi nhớ lời Martin Luther King: “Tôi có một giấc mơ, rồi sẽ có một ngày bốn con nhỏ của tôi sẽ sống trong một đất nước mà chúng không còn bị đánh giá bởi màu da, mà bởi tính cách của chúng…”

Tìm Đọc Thêm:

Sách “Cây Cầu: Cuộc Đời và Sự Thăng Tiến của Barack Obama” trên Amazon

Bài báo New York Times năm 1990 về chiến thắng của Obama

Sách nói “Tiểu Sử Tổng thống Mỹ Barack Obama” trên Youtube

Sách “Những giấc mơ từ cha tôi – Hồi ký Barack Obama” trên Tiki.vn

Sách “Hy Vọng Táo Bạo – Suy Nghĩ Về Việc Tìm Lại Giấc Mơ Mỹ trên Vinabook.com

Lời giới thiệu Column của Ban Biên Tập LKTC:

Luật Khoa tạp chí xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc một chuyên mục hàng tuần mới: Café Luật Khoa. Mỗi sáng chủ nhật hàng tuần, Café Luật Khoa sẽ tuyển chọn và đăng một đoạn trích từ một quyển sách, một bài diễn thuyết hoặc một tài liệu thú vị, giàu cảm hứng và khơi gợi suy nghĩ về các đề tài luật pháp và chính trị từ các tác giả cả trong và ngoài nước, hiện đại lẫn kinh điển.

Coffee-and-book_00000

Hy vọng chuyên mục này có thể giới thiệu được đến với bạn đọc những tác phẩm luật và chính trị sâu sắc, nhiều ý nghĩa, để có thể làm giàu thêm cho tủ sách và vốn đọc của các bạn.

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.