Thư cuối tuần - 24/11/2024
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Nguyễn Quốc Tấn Trung
Sau gần nửa tháng tung hoành tại các rạp phim trên toàn thế giới, có lẽ bạn đọc của Luật Khoa đều đã xem qua siêu phẩm mãn nhãn của mùa hè – Captain America: Civil War. Tuy nhiên, bỏ qua những hình ảnh, thước phim đẹp mắt hay những đoạn hội thoại hài hước và màn trình diễn cơ bắp ngoạn mục của các diễn viên chính, cuộc chiến pháp lý tâm điểm của bộ phim mới là điều mà tác giả hướng tới trong bài viết dưới đây.
Cuộc chiến “ý thức hệ” của những anh hùng
Có những khác biệt cơ bản giữa Marvel Cinematic Universe – Thế giới Marvel màn ảnh rộng và Marvel Comic Universe – Thế giới Marvel truyện tranh. Tuy nhiên, tác giả sẽ nhắm đến yếu tố đầu tiên làm chia rẽ hai thủ lĩnh của hai bên bờ chiến tuyến Iron Man và Captain America trong Thế giới Marvel màn ảnh rộng, bởi đạo diễn chắc chắn sẽ thêm vào nhiều tình tiết để tăng độ kịch tính cho bộ phim. Nội dung phim cũng vì vậy mà có cốt truyện thay đổi liên tục. Việc chỉ tập trung vào một yếu tố cũng nhằm đảm bảo tính khách quan trong bài phân tích.
Tranh chấp khởi đầu bởi một bản Điều Ước quốc tế yêu cầu các anh hùng đăng ký và hoạt động nhân danh Liên Hiệp Quốc, dưới sự quản lý và điều hành bởi một cơ quan chuyên môn của tổ chức đa quốc gia có ảnh hưởng nhất thế giới này. Biện giải cho hành động của mình, các chính phủ cho rằng cả thế giới đang bị cuốn theo những trận kịch chiến tại nhiều quốc gia khác nhau của những siêu anh hùng mà họ thậm chí còn không biết điều gì đang xảy ra. Thiệt hại về người và của vẫn vô cùng lớn trong khi người dân và chính phủ vẫn phải gánh chịu những thiệt hại để lại. Chẳng còn cách nào khác, việc lập một khuôn khổ để nhóm các siêu anh hùng chỉ hành động theo và chỉ theo yêu cầu của Liên Hiệp Quốc được xem là cần thiết.
Nhân vật Captain America, về cơ bản chống lại sự quản thúc của một thể chế hành chính đối với Avenger. Anh lo ngại sự có mặt của các chính thể này sẽ làm giảm đi hiệu quả của một đội quân phản ứng nhanh như Avenger. Một trong những câu nói đáng nhớ của Captain trong bộ phim: Nếu bạn có khả năng thực hiện một việc tốt, nhưng bạn không làm điều đó, thì hệ quả xấu xảy ra là do lỗi ở bạn. Anh cũng khẳng định rằng, các mất mát (đã xảy ra ở các phần phim trước) là vì một lợi ích lớn hơn, và cứu được nhiều người hơn.
Nhân vật Ironman, ngược lại, chịu rất nhiều áp lực trước những thiệt hại của nhiều công dân, trong đó đặc biệt là những người có thân nhân mất trong các cuộc chiến của nhóm. Ông tự hỏi điều gì xảy ra nếu những quyết định của các siêu anh hùng không phải luôn luôn là hoàn hảo nhất? Một định chế dân sự có thẩm quyền hơn nên đứng ra kiểm soát, hay ít nhất bảo đảm những hành động của các nhóm như Avenger là phù hợp có phải là một bước tiến cần thiết hay không? Sau những trăn trở đó, cùng sự quyết tâm của các chính phủ trên thế giới, Ironman ủng hộ Điều Ước này.
1. “Những đứa trẻ hay ba người đàn ông – bạn chọn ai chết?”
Câu hỏi với nhiều biến thể được hỏi đi hỏi lại tại các giảng đường của Trường Đại Học Luật Harvard là lập luận trước tiên để người viết phủ định quan điểm pháp lý của Captain America:
Nếu bạn là người lái một chiếc tàu điện chở đầy những đứa trẻ đang trên đường đi học. Tuy nhiên, trên đoạn đường này lại có ba người đàn ông đang sửa đường chắn ngang; và cũng một cách ngẫu nhiên, phanh xe của bạn không hoạt động. Nếu bạn tiếp tục đi thẳng con đường đó, ba người đàn ông được cho là chắc chắn sẽ chết. Nhưng nếu bạn chọn cứu ba người đàn ông và bẻ lái, toa xe sẽ lật và tất cả những đứa trẻ được cho là chắc chắn sẽ chết. Bạn sẽ chọn phương án nào?
Vấn đề trong lập luận của Captain America ở chỗ anh ta cho mình một thứ thẩm quyền tuyệt đối ở kết quả nào tốt và kết quả nào là không tốt, bằng niềm tin của riêng của mình về “công lý” và “lẽ phải”. Nếu trái tim và lý trí anh ta cho rằng đó là điều tốt, thì đó là điều nên làm, và anh ta sẽ làm điều đó đến cùng. Đây chắc chắn không phải là một mô hình pháp lý tốt có thể phát triển bền vững về lâu dài.
Cũng như ví dụ nói trên, không ai, trong bất cứ trường hợp nào đủ năng lực và tầm nhìn để nhìn ra toàn bộ các mặt của vấn đề; và không ai – bằng tư cách cá nhân của mình – có thể phán quyết rằng việc những đứa chết hay ba người đàn ông chết – hậu quả nào tốt hơn, hay, ít ra, ít tệ hại hơn. Đây chính là lý do chúng ta tạo nên pháp luật. Thường dân hay những học giả đều tin tưởng vào một hệ thống các giả định, quy định, nguyên tắc và tiền lệ hơn là một “niềm tin đạo đức” vô thưởng vô phạt.
2. Mọi quyền lực đều phải từ nhân dân mà ra – và phải do nhân dân nắm giữ
Nguyên tắc dân quản là một trong những nguyên tắc cơ bản nhất của việc thành lập một nhà nước hiện đại. Hiểu đơn giản rằng, bất cứ cơ quan, chính thể nào nắm giữ quyền lực công đều có một sự kết nối nhất định với quyền lựa chọn của nhân dân.
Việc nhiều người ủng hộ sự “độc lập” của các tổ chức siêu anh hùng với lý luận cho rằng các chính trị gia là những kẻ bị mua chuộc và dễ bị tha hóa là một kiểu lập luận dễ bị “gậy ông đập lưng ông”. Về mặt lý thuyết, các chính trị gia đều là những người được cử tri hoặc một nhóm cử tri tin tưởng và lựa chọn theo một trình tự pháp định phù hợp để đại diện cho vùng địa lý hoặc toàn thể quốc gia đó. Nếu ngay cả những chính trị gia thuần chất dân sự như vậy còn có thể bị cáo buộc là dễ bị mua chuộc và dễ bị tha hóa, liệu quần chúng có thể hoàn toàn tin tưởng rằng những kẻ với quyền năng vật lý vô hạn sẽ tuân thủ những nguyên tắc đạo đức mơ hồ do chính họ đặt ra?
Một điểm dễ nhận thấy ở tập hợp các siêu anh hùng như Avenger là họ có những nét rất tương đồng với hai loại tổ chức thực tế tồn tại trong đời sống chúng ta: Quân đội và Những tổ chức chính trị độc đoán.
Hiển nhiên, các siêu anh hùng sở hữu những “siêu năng” vượt sức chịu đựng của con người bình thường, hoặc có trí tuệ siêu việt. Điểm chung giữa họ với hình thái tổ chức quân đội tự cổ chí kim ở chỗ họ là một trong những tổ chức có quyền năng ít dân chủ nhất trong số tất cả các chính thể tồn tại ở mọi nhánh quyền lực nhà nước, dù là lập pháp, hành pháp hay tư pháp; đơn giản bởi vì họ được lựa chọn dựa trên kinh nghiệm chiến trường và năng lực chiến đấu với một hệ thống cấp bậc riêng vốn hạn chế dựa vào các thủ tục dân sự. Bằng một tư duy chính trị thông thường, chắc chắn sẽ rất ít người chấp nhận cho phép quân đội tham gia vào một cuộc chiến tranh mà không ai được ủy quyền hay dùng quyền lực vật lý của mình để can thiệp một hoạt động dân sự thuần túy (như thu hồi đất hay giữ gìn an ninh trật tự…). Nếu đây là một sự thật hiển nhiên dành cho quân đội, sẽ rất khó để tìm kiếm một ngoại lệ cho những tổ chức siêu anh hùng có chức năng tương đương.
Thêm vào đó, những quan điểm cho rằng những tổ chức siêu anh hùng có một vai trò thiêng liêng và nên nằm ngoài sự kiểm soát dân sự lại vướng vào một kiểu lý tưởng rất xem thường nhân loại đã và đang tiếp tục tồn tại trong xã hội con người hiện nay. Đây là nguyên nhân tồn tại của rất nhiều các cá nhân và thể chế bất khả xâm phạm. Chúng ta có thể xem Lãnh Tụ Tôn Giáo Tối Cao (The Spiritual Supreme Leader) và Hội Đồng Tôn Giáo của Nhà Nước Hồi Giáo Iran hoặc Đảng Cộng Sản Trung Hoa của Nhà Nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa làm ví dụ cho những kiểu tổ chức như thế.
Lấy ví dụ của Lãnh Tụ Tôn Giáo Tối Cao tại Iran hiện nay, đang được duy trì theo hình thức “life-term” với tính chính danh được lý giải là do Đức Chúa Trời sắp đặt (thực ra được “bầu” lên bởi Hội Đồng Tôn Giáo – Council of Expert, vốn gồm các thầy tu Hồi Giáo), đã và đang nắm quyền quyết định toàn bộ vận mệnh của nhà nước Iran (bao gồm chỉ định gần như toàn bộ các chức danh quan trọng của bộ máy nhà nước, người đứng đầu quân sự lẫn dân sự). Dù chính phủ Iran là chính phủ dân chủ theo Hiến Pháp, nhưng vị lãnh tụ này lại có quyền phế truất Tổng Thống Cộng Hòa Iran theo ý muốn – một vị trí được lập nên bởi bầu cử toàn quốc. Nói cách khác, bản thân việc cho rằng một người hay một tổ chức con người có năng lực và trí tuệ vượt trội dân chúng một cách tuyệt đối để có thể được nằm ngoài phạm vi kiểm soát của pháp luật và các định chế dân chủ đã là một quan điểm vô cùng phi dân chủ, chưa nói đến việc họ tự đặt mình ở vị thế lãnh đạo của toàn quốc gia hoặc sử dụng vũ lực tùy ý.
3. Phạm vi địa lý trải dài toàn thế giới và các hoạt động mang tính quân sự
Câu hỏi đặt ra của nhiều độc giả là các tổ chức anh hùng hoàn toàn có thể hoạt động dưới hình thức phi chính phủ và đa quốc gia như Hội Chữ Thập Đỏ Quốc Tế. Câu hỏi này dẫn đến nguyên nhân thứ ba để lựa chọn ủng hộ #teamironman.
Trước tiên, chắc chắn là không quốc gia có chủ quyền nào lại cảm thấy thoải mái khi một số tổ chức không rõ danh tính với năng lực “dời núi, lấp biển”, trang bị tận răng các trang thiết bị quân sự thượng thặng lảng vảng trong khu vực thuộc chủ quyền tài phán của mình. Các quốc gia hẳn sẽ yêu cầu kiểm tra giấy tờ, đăng ký, cấp phép và cả sự chấp thuận của chính quyền trước khi các nhóm bất danh này được hoạt động trên lãnh thổ họ. Ở đây, chúng ta còn chưa kể đến khả năng phân rã và tạo địa cực chính trị giữa các quốc gia trên thế giới, vốn đã rất dễ bị nghi ngờ với quan niệm về sự thống trị của các cường quốc. Vì vậy, người dân trên toàn thế giới ắt sẽ phải quan ngại rằng các tổ chức tư nhân siêu anh hùng sẽ hành động dựa trên lợi ích và theo ý nguyện của những quốc gia có tiềm lực tài chính dồi dào, có những nguồn lực mạnh mẽ về khoa học và công nghệ mạnh. Kiểm soát những “siêu chiến binh” có năng lực đánh bại cả một quân đoàn tinh nhuệ quy chuẩn, về dưới trướng của Liên Hiệp Quốc có vẻ như là hướng tiếp cận tốt nhất để đảm bảo tính hợp pháp và hợp lý của các chiến dịch chứa đựng nhiều yếu tố nhạy cảm như trên.
Các lĩnh vực hoạt động của nhóm những siêu anh hùng như Avenger cũng mang nặng tính quân sự, chính trị, khác hẳn các hoạt động thuần túy dân sự như của Hội Chữ Thập Đỏ Quốc Tế. Bản thân điều này cũng khiến gần như tất cả các nhà nước trên thế giới buộc phải không công nhận những nhóm siêu anh hùng như thế là các tổ chức tư nhân, chưa kể đến các hoạt động thực tế của họ như “đổ bộ quân sự lên một quốc gia” hoặc các vấn đề liên quan đến văn bản Định Nghĩa Xâm Lược của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc. Rõ ràng, thế giới thực tế không phải chỉ bao gồm người tốt và kẻ xấu, nơi mà người tốt được ủng hộ và hỗ trợ một cách tuyệt đối. Chúng ta có quy chuẩn, thủ tục và pháp luật để bảo đảm rằng không ai có thể lạm dụng lòng tốt và danh nghĩa; đối với các nhóm siêu anh hùng cũng vậy.
4. Quan niệm về “dịch vụ công” của công chúng và vấn đề trách nhiệm bồi thường nhà nước
Đây là một vấn đề cơ bản bởi công chúng luôn có niềm tin rằng họ có khả năng và quyền lực gây ảnh hưởng lên chính phủ và các cơ quan công quyền hơn là lên các tổ chức tư nhân. Các loại “dịch vụ công” có liên quan đến vũ lực, lợi ích công cộng… thường chỉ được công chúng tin tưởng giao cho cơ quan công quyền, vì ít ra đó là những cơ quan do họ, dù trực tiếp hay gián tiếp, mà hình thành.
Khi có vấn đề về minh bạch và thiệt hại công cộng, tại đa số quốc gia, người dân cho rằng việc đặt ra yêu sách đối với chính phủ sẽ dễ dàng hơn. Và trên thực tế, chính phủ cũng là người có khả năng chi trả cao hơn các nhóm, hội tư nhân. Như vậy, các hoạt động của những nhóm siêu anh hùng này sẽ gặp hai sức ép “công hữu hóa”. Một là, các công dân có tài sản bị hủy hoại trong quá trình “tác nghiệp” của các nhóm siêu anh hùng, sẽ yêu cầu chính phủ đứng ra chi trả những khoản thiệt hại hợp lý, với các lý do kể trên. Ở chiều ngược lại, các cơ quan chính phủ cũng sẽ tác động và thúc đẩy, hoặc sử dụng quyền hạn lập pháp nếu cần thiết để đưa các hoạt động của các siêu anh hùng vào khuôn khổ, vì dù gì chăng nữa, các khoản chi phí họ bỏ ra đền bù cũng có giới hạn, và là tiền thuế của người dân.
5. Quan điểm về điều chỉnh ngành nghề và thiếu vắng các quy định pháp luật liên quan
Khi mà giới luật sư, bác sĩ hay kỹ sư, những nghề nghiệp mang tính chất dân sự nhưng có ảnh hưởng cao đến lợi ích công cộng đều bị điều chỉnh bởi pháp luật tại hầu hết các quốc gia, không có lý do gì siêu anh hùng được cho là ngoại lệ; đặc biệt khi họ có thể mang đến những thành tựu vượt trội hoặc thiệt hại kinh hoàng hơn những ngành nghề kể trên.
Thêm vào đó, các mối quan hệ xã hội liên quan đến siêu anh hùng; từ hành chính (triệu tập, đăng ký, “hoạt động hành nghề”); cho đến dân sự (nếu phát sinh thỏa thuận hợp đồng dịch vụ giữa siêu anh hùng và công dân, địa điểm và vị trí dân sự được phép sử dụng siêu năng lực…) hoặc cả đến các mối quan hệ hình sự luôn có thể có (như có cần cấu thành hình sự đối với sự cẩu thả trong việc sử dụng siêu năng lực, các quy định cho phép siêu anh hùng tham gia giúp đỡ trong những hoàn cảnh đặc biệt nào…).
Nhìn chung, nếu thế giới của các siêu anh hùng là có thực, một hệ thống các quy định pháp luật nhằm điều chỉnh các mối quan hệ xã hội liên quan đến họ là một vấn đề hiển nhiên sẽ được cân nhắc và xem xét./.