Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1: Vốn xã hội
Từ lúc chính thức ngồi vào ghế tổng bí thư, ông Tô Lâm đã có một số diễn ngôn đưa
PGS.TS Nguyễn Đức An, nguyên là nhà báo ở TPHCM, hiện giảng dạy và nghiên cứu Báo chí tại Đại học Bournemouth (Anh), cho rằng “dù pháp luật có cụ thể mức nào cũng không thể bao quát được đạo đức” khi Luật Khoa (LK) đề nghị ông trả lời liệu “vi phạm đạo đức báo chí cũng là vi phạm luật pháp” như phát biểu của một Phó chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam.
LK: Đạo đức báo chí thường được viện dẫn khi nói đến hành xử của nhà báo. Vậy đạo đức báo chí là gì?
Để hiểu đạo đức báo chí là gì, trước hết phải hiểu nghề báo thuộc một nhóm nghề đặc biệt, gọi là nhóm chuyên nghiệp (profession trong tiếng Anh). Cũng như bác sĩ, luật sư…, nhà báo hoạt động dựa trên sự tự trị nhất định về chuyên môn, dựa trên hệ thống tri thức và kỹ năng chuyên biệt. Tuy nhiên, mọi hành vi nghề nghiệp lớn nhỏ ở cấp độ cá nhân – từ việc lựa chọn, tiếp cận nguồn tin đến việc thể hiện thông tin trên trang báo – đều có tiềm năng ảnh hưởng rộng lớn trong xã hội. Để quyền lực xã hội đó không bị lạm dụng và để báo chí hoàn thành sứ mệnh, cần một hệ thống quy tắc ứng xử, còn gọi là quy chế đạo lý nghề, để từng nhà báo theo đó mà xử lý các tình huống hành nghề thường ngày.
Bác sĩ sẽ không hoàn thành sứ mệnh bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ cho cộng đồng nếu không dựa trên nguyên tắc vị tha, lấy bệnh nhân là lợi ích lớn nhất, cởi mở và tôn trọng bệnh nhân và thân nhân, liêm chính và chịu trách nhiệm trong phán xét chuyên môn… Cũng vậy, nhà báo không thể truy tìm, truyền đạt và chuyển giao thông tin và sự thật khách quan đến công chúng nếu thiếu những chuẩn tắc cơ bản như đặt lợi ích công chúng trên mọi lợi ích khác khi hành nghề, liêm chính, trung thực, chính xác, công bằng vân vân… trong khai thác và thể hiện thông tin, tôn trọng đời tư, bảo vệ nguồn tin khi cần…
Như tôi từng nói trên các báo, đạo đức nghề nghiệp đôi khi xung đột với những chuẩn mực đạo đức đời thường như hiếu thảo, trách nhiệm với gia đình, chung thuỷ với bạn bè. Chẳng hạn, một nhà báo đang cần tiền gấp để lo chuyện học hành cho con phải làm sao khi đứng trước một bì thư “bồi dưỡng” từ đối tượng đang có vấn đề hay từ một tổ chức đang muốn mua danh? Giải quyết được cái giằng co giữa “đạo nghề” (làm nhà báo) và “đạo người” (làm cha mẹ) này luôn luôn là một bài toán hóc búa.
LK: Có ý kiến cho rằng “vi phạm đạo đức báo chí cũng là vi phạm pháp luật”. Ông nhìn nhận thế nào?
Đạo đức báo chí thường dựa trên sự tự nguyên tuân thủ, hơn là ép buộc qua luật pháp. Để có hiệu lực, chuẩn mực đạo đức nghề phải nằm ngay trong tâm thức từng nhà báo, tức thấm nhuần trong từng hành vi tác nghiệp mà người thực hiện có vẻ như không để ý đến. Muốn thế, nhà báo vào nghề phải được trang bị cơ sở lý luận này qua giáo dục và qua việc liên tục được nhắc nhở trong một mội trường làm việc lấy chuẩn tắc nghề làm nền tảng cho thành công.
Dĩ nhiên là có nhiều hành vi mà cả luật pháp và đạo đức đều đòi hỏi. Nhưng cần nhớ pháp luật là hữu hạn còn đạo đức là vô biên. Pháp luật, dù có cụ thể đến mức nào, cũng không thể bao quát hết mọi ngõ ngách đạo đức. Pháp luật thường thiên về ngăn cản những cái không hay hơn là khuyến khích người ta sống và làm theo cái hay, cái đẹp như đạo đức.
Trong báo chí, có hai điều cần để ý. Thứ nhất, có những điều luật yêu cầu nhưng đạo đức nghề không cho phép. Nhiều nhà báo Anh hay Úc mà tôi biết, khi bị toà án (đại diện cho luật pháp) ra lệnh, đã thà phạm luật và ngồi tù, chứ không chịu tiết lộ nguồn tin. Lý do là đạo đức nghề thúc đẩy họ phải bảo vệ nguồn tin đến cùng. Có thế, người ta mới dám tin cậy và chấp nhận nhiều nguy cơ tiềm tàng để cung cấp những thông tin độc mà thiếu nó, nhà báo không thể đi đến tận cùng sự thật nhiều vấn đề.
Thứ hai, có những thứ pháp luật không bắt buộc nhưng đạo đức bảo anh phải tránh xa ra. Chẳng hạn, luật báo chí không cấm các báo làm cái gọi là “hợp đồng truyền thông” (thực chất là tuyên truyền, làm đẹp cho một số doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân có tiền thông qua trang báo). Hiện tượng này gần đây trở thành như chuyện thường ngày ở nhiều báo đài VN, vốn lấy lý do bế tắc và khó khăn về kinh tế để biện minh. Nhưng từ góc độ đạo đức, bản chất các hợp đồng truyền thông này là một sự tấn công thẳng vào cốt lõi nghề báo, nói thẳng ra là đi viết thuê và lừa dối công luận một cách có hệ thống.
LK: Nhiều nhà báo hoặc nghiên cứu báo chí tại Việt Nam cứ loay hoay khi đi tìm những nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp. Chúng tôi cho rằng nguyên nhân một phần là do chuẩn mực nghề bị chi phối bởi chính trị và sự thiếu tự do báo chí, ông nghĩ thế nào?
Báo chí, theo nghĩa lý tưởng, là một quyền lực thứ tư giám sát chính hệ thống chính trị, để phục vụ lợi ích công chúng. Nhưng trên thực tế, ở đâu và thời nào cũng vậy, luôn có những con đường khác nhau, chính thống hoặc không chính thống, để chính trị tác động để báo chí.
Nhưng dù là ở đâu thì báo chí vẫn phải tuân thủ những nguyên tắc phổ quát cơ bản. Không có những nguyên tắc phổ quát đó thì khó gầy dựng được niềm tin trong công chúng, và như thế thì khó có thể tồn tại hay phát triển bền vững. Tuy nhiên, cách người ta định nghĩa hay hiểu các chuẩn mực này có thể sẽ rất khác nhau, do sự khác biệt về không chỉ chính trị mà cả nền tảng văn hoá, lịch sử tư tưởng, cũng như hoàn cảnh xã hội.
Chẳng hạn, khái niệm sự thật ở đâu cũng được xem là mục tiêu của báo chí. Nhưng sự thật hiểu theo kiểu Việt Nam (và nhiều nước khác) thường dừng ở mức thông tin chính thống, trong khi ở phương Tây, thông tin chính thống chỉ là một trong nhiều nguồn khác nhau, cần được kiểm chứng, đối chiếu, tổng hợp lại trên con đường đi đến sự thật.
Tự do báo chí cũng vậy, nên tuỳ theo từng xã hội, từng quốc gia mà đánh giá thì tốt hơn là dựa hoàn toàn trên thang quy chiếu nào. Trái với nhiều người, tôi nhìn từ góc độ một nhà nghiên cứu từng làm báo ở VN và hiện có nhiều cọ xát với báo chí và trường báo chí trong nước. Tôi nghĩ rằng nhà báo VN cũng có một không gian nhất định để tự quyết theo đạo đức chuyên nghiệp. Vấn đề là họ chưa làm rõ cho chính mình cái ranh giới giữa làm báo và làm chính trị, cũng như giữa làm báo và các nghề truyền thông khác, cho nên việc xác định chuẩn mực gặp khó khăn.
Điển hình, ở ta, nhiều nhà báo xem PR như “anh em chung nhà”. Hay ai làm chương trình ở đài truyền hình là được gọi là nhà báo. Đâu có đơn giản như vậy – anh làm truyền hình giải trí hay sản xuất phim tài liệu sẽ không phải hành xử theo những chuẩn tắc mà một anh phóng viên hay biên tập viên làm tin. Nếu xem tất cả như một thì nên theo chuẩn mực của ai?
Điều cuối cùng: khi vào nghề báo còn quá dễ dãi như hiện nay thì có ai cần để tâm đến chuẩn mực đạo đức nghề làm gì? Phải chuyên nghiệp hoá báo chí.