Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Nguyễn Quốc Tấn Trung
Bản thân người viết không phải là khán giả yêu thích cách trình diễn của “Diva” Mỹ Linh, ngay từ khi cô chỉ mới bắt đầu bước vào làng nhạc Việt. Vậy nên yêu, thích, giận, ghét là chuyện rất thường của con người, đặc biệt khi nói đến âm nhạc – thứ vốn không có một chuẩn mực cố định nào. Có thể dùng mọi từ ngữ để miêu tả buổi diễn này – “ngờ nghệch”, “báng bổ”, “ngu ngốc” hay “không thể chấp nhận được”. Nhưng đến khi một nhóm các cá nhân mong muốn có một hành động pháp lý để “trừng trị” Mỹ Linh, chúng ta có một câu chuyện khác để bàn đến.
Sự nhầm lẫn về đối tượng điều chỉnh của pháp luật
Pháp luật dùng để điều chỉnh những mối quan hệ cụ thể, cần thiết và chỉ nên được sử dụng để bảo vệ những mối quan hệ quan trọng. Các quan hệ này phải được duy trì cho sự phát triển kinh tế, xã hội. Có thể sẽ có nhiều người cho rằng, sau màn trình diễn của ca sĩ Mỹ Linh, đối tượng bị xâm hại và cần được bảo vệ là “sự thiêng liêng, hùng hồn” của Quốc ca. Nhưng họ đã nhầm lẫn rằng thứ gọi là “thiêng liêng, hùng hồn” thật ra chỉ là cảm nhận cá nhân, không phải là một sự thật khách quan như tài sản hay tính mạng, sức khỏe của các cá thể trong xã hội. Điều đó cũng đồng nghĩa, nhiều người chúng ta đang kêu gọi áp đặt cảm nhận cá nhân thành pháp luật.
Sự nguy hiểm của “quá trình pháp luật hóa ý chí” hay “kiểm soát cảm xúc bằng pháp luật” này không quá hiếm thấy trong lịch sử Việt Nam hiện đại. Chúng ta có thể kể đến các vấn đề liên quan đến Nhân Văn Giai Phẩm, có thể tóm gọn nhất trong lời đấu tố của Tố Hữu (mà chính Văn Cao – tác giả của bài Quốc ca, cũng là nạn nhân):
“Lật bộ áo “Nhân Văn – Giai Phẩm” thối tha, người ta thấy ra cả một ổ phản động toàn những gián điệp, mật thám, lưu manh, trốt-kít, địa chủ tư sản phản động, quần tụ trong những tổ quỷ với những gái điếm, bàn đèn, sách báo chống cộng, phim ảnh khiêu dâm…”
(Qua cuộc đấu tranh chống nhóm phá hoại “Nhân Văn – Giai Phẩm” trên mặt trận văn nghệ, nhà xuất bản Văn Hoá, 1958).
Một số tác gia danh tiếng của phong trào Nhân Văn Giai Phẩm.
Thi sĩ Quang Dũng từng bị kỷ luật với bài thơ danh tiếng Tây Tiến; hay cuộc “cách mạng văn hóa” tại miền Nam sau năm 1975 khi sách và thơ của các tác giả như Khái Hưng, Nhất Linh, Nguyên Hồng, Thạch Lam… bị cấm và tiêu hủy vì truyền bá và ủng hộ “tư tưởng tiểu tư sản” (dù nội dung tác phẩm đôi khi chỉ vu vơ về hai đứa trẻ ngắm tàu).
Đề rồi bằng Đổi Mới, tự do biểu đạt và cảm nhận cá nhân bắt đầu được xem xét bảo vệ hơn, những tác giả năm nào được minh oan, trao giải thưởng Hồ Chí Minh, tác phẩm được đưa vào sách giáo khoa để giảng dạy… sau khi họ đã chết.
Cũng cần nhớ rằng những cảm nhận tiêu cực nói trên chỉ là của bạn, của một cá nhân trong cả một xã hội lớn. Cảm xúc và kỳ vọng của một cá nhân, dù có vị trí và tiếng nói quan trọng thế nào, không hẳn (và chắc chắn không nên) được xem là cảm xúc và kỳ vọng của những người khác. Thậm chí nếu cảm nhận của một cá nhân tương tự với 90% dân số, điều đó cũng không thể đồng hóa với việc thứ cảm nhận đó phải được biến thành luật và phải được chế tài để đảm bảo thi hành.
Hãy suy nghĩ rằng, ngay cả khi chỉ có một mình Mỹ Linh chấp nhận phong thái trình bày như trên, ca sĩ này cũng có đầy đủ quyền tự do để thực hiện nó. Người nghe cũng có đầy đủ quyền để tẩy chay ca sĩ này, nhưng không thể mong muốn cô phải vào tù hay bị cấm diễn.
Mong muốn áp đặt cảm xúc, suy nghĩ của người này lên người khác luôn là một vấn đề được nhiều người lên án trong xã hội. Nhưng khi nói đến pháp luật, cũng có một bộ phân không nhỏ mong muốn áp đặt pháp luật để bảo vệ cảm xúc của họ. Họ đã và đang đóng góp vào sự lớn mạnh của một nhà nước “anh cả” mà không hề nhận ra.
Hãy cẩn thận với xu hướng chuyên chế và sự độc quyền cảm xúc
Luật Khoa đã từng giới thiệu đến bạn đọc loạt bài viết về khuynh hướng chuyên chế và sự trỗi dậy của ứng cử viên Donald Trump – người đã chính thức giành vị trí ứng cử đại diện Đảng Cộng Hòa, một đảng phái lâu đời và vẻ vang của Hoa Kỳ. Dù thật sự rằng Donald Trump là một người công khai phân biệt chủng tộc, thường phát ngôn ngờ nghệch và thiên về chủ nghĩa “tách biệt”; các cử tri Hoa Kỳ chỉ bắt đầu bị chi phối và ủng hộ ông ta khi họ nhận thấy có quá nhiều mối đe dọa hữu hình đối với họ, từ chủ nghĩa khủng bố, Nga, Trung Quốc hoặc làn sóng nhập cư ào ạt.
Tại Việt Nam, chỉ vì việc một ca sĩ hát Quốc ca không thỏa mãn cảm xúc, chúng ta đang kêu gọi xử lý hình sự và hành chính, áp đặt quyền lực nhà nước lên một người chỉ vì họ hát trái ý mình.
Hãy khoan bàn tới quyền tự do ngôn luận, quyền tự do biểu đạt được Liên Hợp Quốc thừa nhận hay tu chính án Thứ Nhất từ một quốc gia xa xôi ở bên kia bán cầu. Với tư duy pháp lý hằn học và vũ lực, có lẽ đây là một trong nhiều cơ sở để giải thích xu hướng chuyên chế của một bộ phận người dân Việt Nam cùng những lựa chọn lịch sử.
Vậy nên, trước khi giận dữ và yêu cầu nhà nước “vào cuộc” xử lý, hãy bình tâm suy nghĩ rằng: có quá nhiều cách ứng xử khác nhau, tại sao chúng ta lại chọn quyền lực nhà nước? Chúng có thật sự bảo vệ một mối quan hệ xã hội nào đó quan trọng, hay chúng chỉ đơn thuần bảo vệ cái cảm xúc cá nhân của chúng ta?
Đây không phải là lần đầu tiên sự hằn học của một số người dân Việt Nam được thể hiện. Từ việc cho rằng người bán hàng rong bị công anh quật ngã là đúng, cho đến yêu cầu chính quyền địa phương bắt giữ một nhóm vận động LGBT diễu hành tại phố đi bộ Nguyễn Huệ thành phố Hồ Chí Minh, có thể thấy xu hướng chuyên chế ủng hộ một chính quyền “anh cả” vẫn đang rất mạnh mẽ tại Việt Nam, vốn sẽ chỉ có hệ quả xấu cho nền tư pháp về lâu dài.
Mỹ Linh có xuyên tạc tác phẩm và tác giả?
Ngoài các lập luận của nhiều khán giả bình dân, nhiều luật sư cũng theo dòng giận dữ đả kích ca sĩ Mỹ Linh. Họ nói rằng, theo Luật Sở hữu Trí tuệ (SHTT) thì ca sỹ (người biểu diễn) có nghĩa vụ phải tôn trọng quyền tác giả (Khoản 2, Điều 25 “không gây phương hại đến các quyền của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả”).
Trong các quyền tác giả, có quyền nhân thân (vô thời hạn) về “Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.” (Khoản 4, Điều 19).
“Bài hát thì phải có nốt nhạc, hát phải đúng nốt, quãng v.v. Tất cả cái đó tạo nên sự toàn vẹn của tác phẩm.” – vị này bình luận. Kết luận này, theo người viết có phần vội vã và khiên cưỡng, và cùng nhắm đến mục tiêu của các khán giả muốn trừng trị người trái ý mình – một cách “luật” hơn.
Trong quy định nói trên, chúng ta có hai điều kiện cần và đủ. Một là “sửa chữa, cắt xén và xuyên tạc” tác phẩm cũng như “gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả”. Người cho rằng Mỹ Linh đang sửa chữa, xuyên tạc tác phẩm của Văn Cao có lẽ sẽ khá bận bịu với xử lý vi phạm của hàng nghìn ca sĩ tại Việt Nam. Chỉ vì một ca sĩ hát một tông quá trầm, ngân quá dài hay thêm thắt vào luyến láy không đồng nghĩa với việc họ cắt xén và xuyên tạc tác phẩm.
Nội dung bài hát vẫn được thể hiện một cách trọn vẹn, vấn đề chỉ là không phải ca sĩ nào cũng hát cùng một cao độ. Việc giảm một quảng hay nửa quảng cao độ của bài hát gần như là một điều kiện bắt buộc để ca sĩ có thể trình bày được bài hát đó, tùy theo chất giọng của mình. Trong khi, luyến láy, ngân nga cũng là cách mà ca sĩ thực hiện quyền sở hữu trí tuệ thứ cấp của mình; truyền cảm xúc vào bài hát và góp phần quan trọng cho thành công của chúng. Cái nhìn có phần hung tợn của một số luật sư nói trên sẽ chẳng giúp ích gì cho nền âm nhạc nước nhà, ngoài triệt tiêu sức sáng tạo của giới văn nghệ sĩ và vô cùng phi thực tế.
Điểm thứ hai là trả lời câu hỏi liệu cách trình bày nói trên có “gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả” hay không? Có thể lấy ví dụ về việc dùng các phôi ảnh của bộ truyện tranh Doraemon rồi kèm vào các câu chuyện có nội dung không phù hợp với lứa tuổi đối tượng của bộ truyện tranh làm ví dụ cho danh dư, uy tín bị ảnh hưởng của tác giả.
Tuy nhiên, điều này sẽ chỉ diễn ra nếu người tiếp nhận hiểu lầm đây thật sự là tác phẩm gốc của tác giả, hoặc là một biến thể được tác giả chấp thuận, hoặc việc sửa chữa cắt xén nhằm mục đích bình luận và công kích tác giả. Trong trường hợp người tiếp nhận đều hiểu đây không phải là một sản phẩm gốc, hoặc trong trường hợp của Mỹ Linh, đây chỉ là cách trình bày riêng của cô ấy, thì danh dự, uy tín của Văn Cao bị ảnh hưởng như thế nào? Cách nói hát lệch tông, hát quá trầm, ngân quá dài gây phương hại đến danh dự và uy tín tác giả, một lần nữa, chỉ là dùng vỏ bọc pháp luật để che giấu cảm xúc riêng của người bình luận đó thôi .