Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
“Việc phát biểu của mình là việc có ích và việc nên làm“, đó là phát biểu của MC Phan Anh để đáp lại câu hỏi “động cơ của bạn là gì?” của nhà báo Tạ Bích Loan. Bài phân tích dưới đây dựa vào lý thuyết công lợi và lý thuyết về các quyền tự nhiên của mỗi cá nhân để phân tích lập luận của nhà báo Tạ Bích Loan và MC Phan Anh quanh câu chuyện chia sẻ về clip cá chết ở Vũng Áng.
Chương trình “60 phút Mở” là một chương trình mới ra mắt của Đài truyền hình Việt Nam (VTV) với biên tập viên, người dẫn chương trình (MC) là nhà báo Tạ Bích Loan, người được biết đến với nhiều chương trình truyền hình nổi tiếng Bảy sắc cầu vồng, Đường lên đỉnh Olympia, Người đương thời và Khởi nghiệp đã và đang phát trên sóng VTV3.
Mở đầu chương trình “60 phút Mở”, nhà báo Tạ Bích Loan xuất hiện với các câu hỏi: “Chia sẻ trên mạng xã hội để làm gì? Bạn nhấn những nút like, những nút chia sẻ trên mạng facebook để làm gì? Đó là câu hỏi của chương trình 60 phút mở ngày hôm nay”.
Tiếp ngay theo đó là một phóng sự của chương trình phân tích về clip hai con cá chết dài gần 4 phút của đài VTC: “Vũng Áng: thử nghiệm cho thấy, sau 2 phút, cá bơi trong nước biển đã chết”.
“Clip này được cộng đồng mạng chia sẻ với tốc độ chóng mặt, chỉ một ngày sau thí nghiệm đã vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ của các nhà khoa học và trung tâm Quan trắc và Kỹ thuật môi trường Hà Tĩnh vì thử nghiệm thiếu tính khoa học”, lời người đọc phóng sự.
Phóng sự minh họa bằng cách gạch dưới bằng chữ màu đỏ dòng tin tức của báo Tiền phong để chứng minh cho nhận định của mình: Đại diện đơn vị này cho hay, phóng viên giới thiệu là của VTC không có sự phối hợp với đoàn của trung tâm trong quá trình lấy mẫu nước biển tại khu vực tàu bè Lý Hộ (xã Kỳ Lợi, Kỳ Anh, Hà Tĩnh)”.
“Mặc dù vậy, chỉ trong 19 ngày chia sẻ clip đã thu hút 105.693 lượt thảo luận trên mạng xã hội, điều đáng nói là chưa biết tính xác thực của thí nghiệm nhưng những hình ảnh này vẫn được cư dân mạng chia sẻ một cách rầm rộ khiến dư luận thực sự hoang mang”, lời người đọc phóng sự.
Bạn đọc có thể nhận ra trong lời bình luận của phóng sự do chương trình thực hiện khi phân tích tác động của việc chia sẻ thông tin trên FB về clip 2 con cá chết có hàm ý rằng việc chia sẻ thông tin thiếu tính khoa học sẽ khiến dư luận hoang mang. Việc khiến dư luận hoang mang sẽ gây tác động tiêu cực đến cho xã hội.
Tác động tiêu cực đến xã hội là lập luận thường xuyên của những người theo chủ nghĩa Công lợi (hay còn có một tên khác là chủ nghĩa Vị lợi) cho rằng tiêu chuẩn cuối cùng của hành vi đạo đức của cá nhân là làm điều lợi cho xã hội theo nguyên tắc “hạnh phúc lớn nhất cho số đông người nhất”. Bởi vì việc chia sẻ clip cá chết làm cho dư luận hoang mang, tác động tiêu cực đến xã hội (đến số đông người) nên mỗi cá nhân không nên chia sẻ clip đó.
Câu hỏi đặt ra, xã hội có bị tác động tiêu cực bởi việc chia sẻ clip hay không, hay việc chia sẻ clip làm cho xã hội tốt hơn khi thông tin được lan truyền nhanh chóng tác động đến các cơ quan chức năng buộc họ phải vào cuộc để giải quyết vấn đề xã hội đang quan tâm?
Ngay cả khi có bằng chứng để chứng minh rằng xã hội bị tác động tiêu cực thì liệu điều đó có thể dùng để hạn chế quyền được share, được like của người sử dụng facebook không?
Việc nhiều người like, share đồng nghĩa với việc điều đó mang lại lợi ích cá nhân cho họ, tổng lợi ích của toàn xã hội là lợi ích của cá nhân. Vậy tại sao phải hạn chế việc share, like của mỗi cá nhân?
Khái niệm “dư luận” được Tạ Bích Loan sử dụng trong chương trình hai lần. Và hai luồng dư luận được sử dụng tùy vào mục đích của Tạ Bích Loan.
“Điều đáng nói là chưa biết tính xác thực của thí nghiệm nhưng những hình ảnh này vẫn được cư dân mạng chia sẻ một cách rầm rộ khiến dư luận thực sự hoang mang”, đó là luồng dư luận được dùng để chứng minh rằng phóng sự gây cá chết gây tiêu cực cho xã hội.
Và ngay sau đó, lại sử dụng luồng dư luận khác: “Sau khi bạn chia sẻ câu chuyện về cá chết, một câu chuyện không chính xác đúng không ạ, và đã bị dư luận phản ứng rất là nhiều”.
Điểm trừ cho Tạ Bích Loan đó là sử dụng một khái niệm khó định danh như “dư luận” để chứng minh cho quan điểm của mình.
Việc sử dụng quan điểm của dư luận có rất nhiều khuyết điểm. Thứ nhất, trong một sự việc có rất nhiều luồng dư luận khác nhau. Thứ hai, cần có con số thống kê để biết được rằng tỷ lệ giữa các luồng dư luận với các quan điểm khác nhau như thế nào.
Đó lại là điểm cộng cho Phan Anh khi chỉ cần sử dụng đến cá nhân để khẳng định quan điểm của mình: “Tôi luôn luôn dừng một nhịp trước khi chia sẻ một điều gì đó trên FB, tất nhiên là nó không thể nào luôn luôn được chính xác, nhưng không có nghĩa là tôi không được nói ra quan điểm của mình”.
Tạ Bích Loan: “Tuy nhiên, có những người cho rằng với những người có một lượng người theo dõi, lượng fan hâm mộ lớn như Phan Anh, mỗi chia sẻ nếu như nó không đúng thì nó sẽ gây một tác hại rất lớn.”
Hàm ý của Tạ Bích Loan đó là phải chia sẻ những điều đúng vì nếu không đúng sẽ gây ra tác hại lớn cho xã hội vì Phan Anh là người của công chúng. Vì lợi ích xã hội nên cần phải hạn chế các quyền tự do cá nhân là lập luận mà những người theo chủ nghĩa Công lợi thường xuyên sử dụng.
Câu hỏi được đặt ra ở đây đó là: Điều gì là đúng? Làm thế nào để biết được một thông tin nào đó là đúng hay sai để quyết định chia sẻ hay không chia sẻ? Nếu đúng theo lập luận của Tạ Bích Loan thì để có những chia sẻ đúng facebook cần có một cơ quan kiểm duyệt, khi người sử dụng chia sẻ thông tin lên thì cơ quan đó sẽ đọc trước dựa vào các quy định điều gì là đúng, điều gì là sai mới quyết định cho đăng hay không đăng lên.
Phải nhắc lại quan điểm cá nhân của Phan Anh một lần nữa: “Tôi luôn luôn dừng một nhịp trước khi chia sẻ một điều gì đó trên FB, tất nhiên là nó không thể nào luôn luôn được chính xác, nhưng không có nghĩa là tôi không được nói ra quan điểm của mình”.
Đó cũng là quan điểm của triết gia người Anh J. S. Mill thế kỷ 19 khi bàn về tự do: “Cái xấu xa đặc biệt của việc bắt một ý kiến không được trình bày ra là sự đánh cắp đối với loài người, với các thế hệ mai sau và hiện nay, thiệt hại nhiều cho người bất đồng với ý kiến đó hơn là cho người giữ ý kiến đó. Nếu ý kiến đó là đúng thì người ta đã bị tước mất cơ hội bỏ cái sai lấy cái đúng; nếu ý kiến đó là sai thì họ mất đi một cái lợi lớn là cảm nhận được cái chân một cách minh triết hơn và ấn tượng về cái chân sống động hơn.”
Phan Anh cũng khẳng định động cơ của mình khi chia sẻ clip 2 con cá chết: “Cái quan trọng là tôi muốn toàn xã hội phải có những tiếng nói trao đổi cởi mở, dân chủ và thẳng thắn hơn nữa. Việc phát biểu của mình là việc có ích và việc nên làm”.