Obama có đạo đức giả không khi nói về nhân quyền với người Việt Nam?

Obama có đạo đức giả không khi nói về nhân quyền với người Việt Nam?
Thái độ “tiêu chuẩn kép” đã luôn là vấn đề với các diễn ngôn nhân quyền của Hoa Kỳ (Ảnh: platosguns.wordpress.com)

Ngày 24/5, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã có một bài phát biểu gây chú ý được truyền hình trực tiếp từ Trung tâm Hội nghị Quốc gia tại Hà Nội. Không có gì ngạc nhiên khi một trọng tâm trong bài phát biểu này của ông Obama là liên quan đến các vấn đề nhân quyền tại Việt Nam.

Obama phát biểu tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia ở Hà Nội ngày 24/5. Ảnh: REUTERS/Carlos Barria

Điều thú vị là phản ứng của giới truyền thông chính thống tại Việt Nam. Một số người phiên dịch cho ông Obama trên kênh VTV1 có lẽ đã rất bối rối khi dịch đến đoạn về nhân quyền, họ lắp bắp và có vẻ… hết hơi. Nhiều tờ báo Việt Nam cho đăng lại bản dịch bài phát biểu này của ông Obama thì hoàn toàn lược bỏ phần nói về nhân quyền, hoặc dịch chung chung bỏ thiếu vài ý, vài từ quan trọng.

Những phản ứng ấp úng và lấp liếm giống như thế của giới truyền thông chính thống cũng không cho chúng ta thấy được những phản ứng đa dạng trong thực tế của người Việt Nam trước những lời nói lấp lánh về nhân quyền của ông Obama. Phải lên các trang mạng xã hội như Facebook và các trang mạng không chính thống, chúng ta mới thấy được bên cạnh những ý kiến tán đồng, hoan nghênh và ủng hộ phát biểu về nhân quyền của ông Obama cũng đã bắt đầu có những luồng ý kiến khác có tính phản biện hơn.

Nhiều ý kiến này có chung quan điểm: một tổng thống Mỹ như Obama (và thật sự là bất kỳ ai đại diện cho cả nước Mỹ và chính quyền Mỹ) không có tư cách để nói về nhân quyền tại Việt Nam vì việc nói như thế thể hiện một sự đạo đức giả khi bản thân nước Mỹ và chính quyền Mỹ không biết tôn trọng nhân quyền.

Quan điểm này không mới. Nó đã luôn tồn tại và thường được khơi dậy mỗi khi chính phủ Hoa Kỳ lên tiếng về các vấn đề vi phạm nhân quyền tại Việt Nam.

Lần gần đây nhất chúng ta được nghe nhiều ý kiến với quan điểm này là vào cuối năm ngoái khi đại sứ Mỹ tại Việt Nam ông Ted Osius ra thông cáo báo chí ngày 29/12 bày tỏ quan ngại về các vụ sách nhiễu và giam giữ các nhà hoạt động nhân quyền ôn hòa.

human-rightsVN-4

Một vài ý kiến đáp lại thông cáo tháng 12/2015 của Đại sứ Ted Osius trên trang Facebook chính thức của ông này.

Vậy quan điểm này có lý không? Và nếu có thì có tới mức độ nào?

“Lươn ngắn lại chê chạch dài”

Những ý kiến phê phán diễn ngôn về nhân quyền của các quan chức Mỹ như ông Osius và ông Obama dựa trên tư cách phê bình của Hoa Kỳ có vài đặc điểm chung.

Thường có hai luận điểm cơ bản làm nền tảng cho phần nhiều những ý kiến này:

  1. Việt Nam là nước độc lập có chủ quyền. Ông Ted Osius, ông Barack Obama hay bất kỳ ông nào người nước khác không có quyền can thiệp theo bất kỳ cách nào.
  1. Nước Mỹ, chính quyền Mỹ không có tư cách để nói về nhân quyền vì bản thân họ đã và vẫn vi phạm nhân quyền cả tại nguyên quán và tại nhiều nơi trên thế giới. Rao giảng về những gì mà họ không làm được thể hiện một sự đạo đức giả.

Những ý kiến này đều xoáy vào những vi phạm nhân quyền cả trong quá khứ và trong hiện tại của chính quyền Mỹ. Những ví dụ được đưa ra thường rất đa dạng như có thể thấy ở các ý kiến ví dụ phía trên.

Từ sự tồn tại của nạn phân biệt chủng tộc đến nạn diệt chủng người bản xứ Bắc Mỹ đến những cuộc chiến và can thiệp quân sự của nước Mỹ trên thế giới. Cả những tội ác chiến tranh khủng khiếp của người Mỹ gây ra với người Việt Nam trong chiến tranh Việt Nam cũng hay được lấy ra làm bằng chứng cho sự chà đạp nhân quyền của người Mỹ.

Tất cả đều được sử dụng làm bằng chứng cho việc bản thân nước Mỹ và chính quyền Mỹ không biết tôn trọng nhân quyền trên thế giới, cả trong quá khứ lẫn hiện tại.

Cần thẳng thắn nhìn nhận rằng một số những ý kiến này không phải là không có cơ sở, đặc biệt khi nói về những khiếm khuyết nhân quyền vẫn tồn tại hiện nay của chính phủ Mỹ.

Trong một bài báo năm 2010, học giả chính trị học Stephen Zunes phê phán rằng ngay từ cách đây 6 năm bản thân chính phủ Obama đã có một bảng thành tính rất đáng thất vọng trong các vấn đề nhân quyền. Nhà báo này phê phán việc chính phủ Obama không kiên quyết xử lý những trường hợp lính đánh thuê người Mỹ vi phạm nhân quyền tại Iraq và đồng thời vẫn viện trợ tiền tỷ cho chính phủ lâm thời không biết tôn trọng nhân quyền của Iraq. Cũng tại Trung Đông khi ấy, vũ khí do Mỹ tài trợ vẫn được nhà nước Israel sử dụng để bắn phá vào dân thường tại dải Gaza.

Gần đây hơn vào năm 2012, chúng ta được nghe ý kiến của triết gia và nhà ngôn ngữ học Noam Chomsky khi ông phê phán rằng ngay cái cách mà chính phủ Obama ngang nhiên xông vào Pakistan truy tìm và lạnh lùng hạ sát tên khủng bố khét tiếng Osama Bin Laden tự nó đã cho thấy một sự xem thường nhân quyền trên bình diện thế giới.

Chomsky đặc biệt phê phán việc chính phủ Obama dùng máy bay không người lái để hạ sát không thông qua xét xử một số công dân Mỹ tham gia khủng bố và việc Obama không thực hiện được lời hứa đóng cửa nhà tù Guantanamo, nơi từng được sừ dụng để giam giữ và tra tấn những nghi phạm khủng bố.

Thái độ “tiêu chuẩn kép” đã luôn là vấn đề với các diễn ngôn nhân quyền của Hoa Kỳ (Ảnh: platosguns.wordpress.com)

Thái độ “tiêu chuẩn kép” đã luôn là vấn đề với các diễn ngôn nhân quyền của Hoa Kỳ (Ảnh: platosguns.wordpress.com)

Cơ quan giám sát nhân quyền thế giới Human Rights Watch trong Báo cáo nhân quyền thế giới năm 2015 cũng xác nhận rằng Hoa Kỳ không có một thành tích hoàn hảo trong việc bảo vệ nhân quyền tại chính nước Mỹ.

Trong các vấn đề nhân quyền nổi trội mà HRW xác định bao gồm nạn phân biệt chủng tộc, cảnh sát đàn áp người biểu tình, chính sách giám sát hàng loạt phương tiện truyền thông (mass surveillance) của người dân Mỹ và sự thất bại của chính quyền Obama trong việc đưa ra trước công lý những ai đã áp dụng chính sách tra tấn tù nhân trong cuộc chiến chống khủng bố.

Không thể phủ nhận rằng rất khó để có thể kể ra cho hết những tội ác chống lại nhân quyền trong cả quá khứ và trong hiện tại của nhà nước Hoa Kỳ.

Ca dao Việt Nam hát rằng:

“Con Chó chê Khỉ lắm lông,
Khỉ lại chê Chó ăn dông ăn dài.
Lươn ngắn lại chê Chạch dài;
Thờn Bơn méo miệng chê Trai lệch mồm.”

Phải chăng là quan điểm phản đối tư cách phê bình nhân quyền của Mỹ từ Việt Nam có lý?

Phải chăng lươn ngắn Mỹ quốc vì thế mà không có tư cách phê phán chạch dài Việt Nam?

Hồi đáp của ông Obama: Ừ thì Lươn ngắn, nhưng mà…

Trong bài phát biểu hôm nay của mình, ông Obama đã có một số những hồi đáp gián tiếp dành cho quan điểm phản đối tư cách phê bình nhân quyền của Mỹ.

Bằng cách khẳng định “tương lai của Việt Nam sẽ được chính người dân Việt Nam quyết định” và “Việt Nam sẽ đạt được những điều này bằng cách khác Hoa Kỳ đã làm”, ông Obama có lẽ đã đáp trả thỏa đáng luận điểm cơ bản thứ nhất liên quan đến độc lập chủ quyền.

Ông Obama đã nhấn mạnh rằng những nhân quyền cần được Việt Nam tăng cường bảo vệ chính là những nhân quyền đã có sẵn trong Hiến pháp Việt Nam và việc bảo vệ chúng là trách nhiệm của bản thân nước Việt Nam, một nước “đã tuyên bố mình thuộc về nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân”. Phía Mỹ có thể phê bình nhưng không áp đặt hay xâm phạm chủ quyền.

Liên quan đến luận điểm thứ hai về những khiếm khuyết nhân quyền của chính nước Mỹ, ông Obama đã đáp trả bằng cách lựa chọn một thái độ không hề kiêu ngạo mà nhìn nhận và thấu hiểu rõ ràng chính những khiếm khuyết đó.

Ông Obama phát biểu:

“Không một quốc gia nào hoàn hảo cả.

Hai thế kỷ trôi qua và nước Mỹ vẫn đang phải nỗ lực để đạt đến những ý tưởng khởi sinh ra nó. Chúng tôi vẫn phải đối đầu với các vấn đề của mình như tiền bạc chi phối chính trị, sự bất bình đẳng kinh tế ngày càng cao, phân biệt chủng tộc trong hệ thống tư pháp hình sự, phụ nữ vẫn chưa được trả lương bằng nam giới trong cùng công việc. 
Chúng tôi vẫn có vấn đề và vẫn bị chỉ trích; tôi cam đoan với các bạn, tôi nghe những lời chỉ trích đó hàng ngày.”

Tuy nhiên, chính tại đây, ông Obama đã chuyển hướng tranh luận theo một chiều khác: “Nhưng chính sự kiểm tra, giám sát (scrutiny) đó, những tranh luận mở đó, việc đối mặt với những khiếm khuyết của chính mình, và việc cho phép mọi người đều được có tiếng nói, đã giúp chúng tôi lớn mạnh hơn, thịnh vượng hơn, và công bình hơn.”

Sẽ là đạo đức giả nếu ông Obama dành cả bài phát biểu chỉ để phê phán những khiếm khuyết nhân quyền của Việt Nam mà không nhắc gì đến những khiếm khuyết nhân quyền của nước Mỹ.

Sẽ là đạo đức giả nếu ông Obama dùng một giọng cao đạo của người đứng đầu một quốc gia vờ như trong sạch, không tội lỗi để nói với người Việt Nam về những quyền tự do biểu đạt, quyền tự do ngôn luận, quyền tự do tín ngưỡng và quyền tự do hội họp.

Nhưng không.

Có thể phê phán ông Obama nói quá chung chung, không nói trắng ra hết những vấn đề nhân quyền nghiêm trọng của Mỹ. Nhưng trong khuôn khổ một bài phát biểu mà trọng tâm là tình hình đất nước ông đang viếng thăm, không thể mong chờ một màn thú tội dài dòng nhân danh nước Mỹ từ vị tổng thống này.

Thực sự là bằng vài ví dụ vấn đề nhân quyền đã nêu ra, Obama đã không hề trốn tránh thực tế thành tích nhân quyền không hoàn hảo của Mỹ. Ông ta không phủ nhận việc nước Mỹ vẫn có những vấn đề của riêng họ, bản thân ông và chính phủ của ông vẫn đang phải cố gắng hàng ngày để hiện thực hóa những lý tưởng cao đẹp về nhân quyền đã có từ những người khai sinh ra nước Mỹ.

Ông Obama không che giấu và lấp liếm việc chính quyền Mỹ có những khiếm khuyết nhân quyền mà ngược lại, ông đã xác nhận một thái độ rõ ràng của chính quyền Mỹ với những khiếm khuyết đó: Đối mặt với chúng, đối mặt với sự kiểm tra, giám sát thể hiện qua những chỉ trích về chúng từ bên ngoài chính quyền để từ đó giải quyết chúng.

Đạo đức giả là chỉ biết nói, nói mà không làm. Vậy vừa nói vừa nỗ lực làm có đạo đức giả nữa không? Người viết cho là không.

Với ý kiến này của mình, ông Obama đã đưa tranh luận đi xa hơn rất nhiều so với những ý kiến chỉ đơn thuần vạch ra và chỉ trích thành tích nhân quyền của Mỹ. Ông đã đưa tranh luận vượt ra khỏi biên giới thuần tranh luận để tiến về phía của hành động thực tiễn để giải quyết vấn đề.

Khi đi về phía của hành động thực tiễn để giải quyết vấn đề, chúng ta có thể nhận ra khuyết điểm lớn nhất của quan điểm phản đối tư cách phê bình nhân quyền của Mỹ.

Quan điểm phản đối tư cách phê bình nhân quyền của Mỹ tại Việt Nam cổ súy cho sự trì trệ và thụ động của chính Việt Nam

Lươn ngắn, vâng, Chạch đã đúng khi chỉ ra điều đó.

Nhưng Lươn đang nỗ lực hết mình để cải thiện đời Lươn. Chạch cãi lý thắng Lươn xong rồi Chạch làm gì cho đời Chạch?

Vả lại, Chạch nói đúng là Lươn ngắn không làm cho lời chê ban đầu của Lươn về Chạch sai, lời chê ban đầu của Lươn sao Chạch nỡ lờ đi?

Khuyết điểm lớn nhất của quan điểm giễu cợt ‘lươn ngắn lại chê chạch dài’ chính là sự trì trệ và thụ động mà quan điểm này đem lại.

Quan điểm này có thể có một mức độ lý lẽ chấp nhận được, nhưng đặt trên bình diện thực tiễn, nó vô dụng.

Nó vô dụng vì nó đánh lạc hướng tranh luận sang vấn đề của Lươn ngay khi Lươn vừa đề cập đến chủ đề chính – vấn đề của Chạch.

Nó vô dụng vì nó dập tắt tranh luận trước khi tranh luận về vấn đề của Chạch được phát triển và tiến đến được thực tiễn giải quyết vấn đề đó.

Bằng cách tập trung vào việc dập tắt những phê bình từ phía Mỹ, quan điểm phản đối tư cách phê bình nhân quyền của Mỹ tại Việt Nam dồn sự chú ý vào những khiếm khuyết của Mỹ và không phải của Việt Nam, thay vì vào chính những khiếm khuyết bên trong Việt Nam vốn là vấn đề cần giải quyết.

Quan điểm này theo đó từ chối một nỗ lực tập trung tự nhìn ra chính những khiếm khuyết của Việt Nam để từ đó tìm ra hướng giải quyết.

Tranh luận là phê bình và đối diện với phê bình để từ từ tìm ra được hướng giải quyết các phê bình này. Quan điểm phản đối tư cách phê bình trong các vấn đề nhân quyền của Mỹ chỉ hoàn toàn quan tâm tới việc làm cách nào để chấm dứt phê bình từ phía Mỹ trước khi những phê bình này được nhìn nhận và phản biện hay là giải quyết.

Cãi thắng Lươn không giúp Chạch sửa chữa khuyến điểm của Chạch mà Lươn đã chê.

Chạch thắng Lươn xong Chạch sẽ trì trệ và thụ động hay sẽ chủ động tự giải quyết những khuyết điểm của mình thì chỉ mình Chạch biết. Nhưng sự chấm dứt các phê bình từ Lươn chắc chắn là sẽ làm mất đi áp lực vốn có thể bắt Chạch phải thay đổi.

Các vấn đề khác của quan điểm phản đối tư cách phê bình nhân quyền của Mỹ

Không chỉ cổ súy cho sự trì trệ và thụ động, quan điểm phản đối tư cách phê bình nhân quyền của Mỹ tự thân nó có một số điểm yếu nhất định về mặt lý luận.

Thứ nhất, trong những ý kiến tập trung dùng các tội ác trong quá khứ của chính quyền Mỹ để làm bằng chứng cho sự không tôn trọng nhân quyền của Mỹ, chúng ta thấy được một sự ấu trĩ không phân biệt được sự tách bạch giữa những chính quyền khác nhau trong những hoàn cảnh lịch sử khác nhau.

Chính quyền của Barack Obama có phải chịu trách nhiệm cho những tội ác của các chính quyền Andrew Jackson, chính quyền Lyndon Johnson, chính quyền Richard Nixon?

Nếu trả lời có cho câu hỏi trên thì câu trả lời sẽ là gì cho câu hỏi sau đây: Chính quyền Việt Nam hiện nay có phải chịu trách nhiệm cho tội ác thảm sát người Chàm trong cuộc viễn chinh mở mang bờ cõi năm 1471 của người Việt Nam đời vua Lê Thánh Tông hay không?

Thứ hai, quan điểm phản đối tư cách phê bình nhân quyền của Mỹ đã lờ đi một thực tế rằng bản thân lịch sử nước Mỹ là lịch sử đấu tranh nhân quyền của người dân Mỹ trong thế đối trọng với chính quyền Mỹ.

Chính quyền Mỹ có thể đã làm những điều tệ hại cho nhân quyền cả trong quá khứ và trong hiện tại, nhưng chính quyền Mỹ hiện nay đã trở nên tương đối tôn trọng nhân quyền hơn các đời chính quyền trước rất nhiều nhờ vào sự chủ động tự bảo vệ quyền của người dân Mỹ.

Người Mỹ biểu tình vì bình đẳng chủng tộc những năm 1960. (Ảnh: inewsnetwork.org)

Người Mỹ biểu tình vì bình đẳng chủng tộc những năm 1960. (Ảnh: inewsnetwork.org)

Đúng như ông Obama đã nói, nước Mỹ đã không hề sinh ra với mọi nhân quyền được nghiễm nhiên công nhận và bảo vệ. Người Mỹ rất có tư cách phê bình nhân quyền các nước khác có nền bảo vệ nhân quyền kém hơn của họ vì bản thân người Mỹ đã có một lịch sử lâu dài đấu tranh cho nhân quyền của chính họ.

Từ các phong trào giành quyền bình đẳng cho người da màu đến các phong trào giành quyền bình đẳng cho người đồng tính và thuộc các dạng giới tính khác. Những phong trào này đều ban đầu gặp phải sự phản kháng từ xã hội và sự đàn áp khốc liệt của chính quyền, nhưng chúng cuối cùng đều mang lại những thay đổi xã hội lớn cho người dân Mỹ.

Lịch sử đó của người Mỹ cho thấy một khả năng quan trọng, khả năng cải thiện việc bảo vệ nhân quyền qua thời gian bằng các hoạt động đấu tranh dân sự thay vì bạo động lật đổ chính quyền.

Thứ ba, quan điểm phản đối tư cách phê bình nhân quyền của Mỹ cũng đã lờ đi một thực tế khác là sự tồn tại và duy trì các cơ chế bảo vệ nhân quyền hiện có tại Mỹ.

Người Mỹ có tư cách phê bình nhân quyền các nước khác có nền bảo vệ nhân quyền kém hơn của họ bởi vì trong bản thân nước Mỹ có tồn tại những cơ chế bảo vệ nhân quyền mà các nước này không có.

Đó chính là một nền truyền thông và báo chí tự do cùng với một xã hội dân sự lớn mạnh và dày dặn kinh nghiệm tranh đấu với các hình thức đàn áp nhân quyền của chính quyền.

Thực tế là các nhà phê bình thành tích nhân quyền của Mỹ đã được nhắc đến ở trên như học giả Stephen Zunes và triết gia Noam Chomsky có thể lên các phương tiện truyền thông Mỹ để thoải mái đưa ra những phê bình của họ mà không sợ một hình thức kiểm duyệt thông tin hay đàn áp trả thù từ chính quyền Mỹ.

Các báo cáo và phê bình của Human Rights Watch có thể được trích dẫn, được thảo luận, được phản biện một cách công khai trên các phương tiện truyền thông và báo chí Mỹ.

Đó chính là bản chất của những “tranh luận mở”, “đối mặt với những khiếm khuyết của chính mình” và “cho phép mọi người đều được có tiếng nói” mà ông Obama để cập đến.

Một trong những từ khóa quan trọng nhất trong bài phát biểu của ông Obama có lẽ là từ Scrutiny (sự kiểm tra, giám sát). Đó là cách ông gọi những chỉ trích giành cho chính quyền của ông.

Ông không hề nghi ngờ ý đồ của những chỉ trích này là chống phá chế độ, là đe dọa an ninh xã hội. Ông nhìn nhận chúng như là một sự kiểm tra, giám sát mà cả nhân dân phải có để tự bảo vệ và một chính quyền phải có để giữ cho bản thân họ trong sạch, không lạm quyền và đe dọa nhân quyền.

Người Mỹ có quyền lên tiếng phê bình tình hình nhân quyền Việt Nam bởi vì bản thân người Việt Nam chưa được thực hiện quyền đó theo những cách tự nhiên và ít tốn kém nhất cho bản thân họ.

Kết luận

Bằng việc xác nhận sự không hoàn hảo trong bảo vệ nhân quyền của chính bản thân chính quyền của ông, Tổng thống Obama đã thể hiện một sự công tâm nhất định, làm giảm tính đạo đức giả trong việc nói về nhân quyền với người Việt Nam.

Ông Obama đã không đứng trên một ngai cao rao giảng điều huyễn hoặc, ông xắn tay áo lên và rủ người Việt Nam cũng xắn tay áo lên nhưng là cho chính đất nước Việt Nam.

Bản thân quan điểm phản đối tư cách phê bình nhân quyền của Mỹ tại Việt Nam dựa trên những tội ác phản nhân quyền trong hiện tại và quá khứ của nước Mỹ và/hoặc chính quyền Mỹ không phải là một phản biện mạnh mẽ và đủ sức thuyết phục để chống lại những lời nói về nhân quyền của ông Obama. Quan điểm này vừa vô dụng trong thực tiễn, vừa kém vững chãi trong lý luận.

Đã đến lúc cần tranh luận và phản biện thẳng thắn dựa trên nội dung các vấn đề nhân quyền Việt Nam, thay vì tùy tiện và lười biếng vin vào những khiếm khuyết cả trong quá khứ và hiện tại của phía Mỹ trong các vấn đề về nhân quyền.

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.