Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1: Vốn xã hội
Từ lúc chính thức ngồi vào ghế tổng bí thư, ông Tô Lâm đã có một số diễn ngôn đưa
Cuốn sách Chủ nghĩa tự do cá nhân và các nhà tư tưởng chính của nó được biên soạn nhằm mục đích giới thiệu đến bạn đọc một số đường nét cơ bản của một phong trào, một học thuyết chính trị nhiều ảnh hưởng, và ngày càng ảnh hưởng trên thế giới, đó chính là chủ nghĩa tự do cá nhân. Quyển sách gồm hai phần, phần 1 giới thiệu tổng quan về chủ nghĩa tự do cá nhân, và phần 2 giới thiệu về một số nhà tư tưởng chính của nó, bao gồm Locke, Mill, Hayek, Nozick, và Rand.
Minh Anh
Bìa quyển sách. Sách được tổng hợp và biên soạn bởi nhóm Tinh Thần Khai Minh.
Nhìn chung, chủ nghĩa tự do cá nhân là một học thuyết cho rằng mỗi người là chủ sở hữu tuyệt đối cuộc sống của chính họ và cần được tự do làm bất cứ thứ gì họ muốn đối với cá nhân hoặc tài sản của họ, trong chừng mực họ tôn trọng tự do của người khác. Chính việc khẳng định tính tối cao của cá nhân đối với chính họ như vậy, nên đối với chủ nghĩa tự do cá nhân, thì cá nhân có địa vị cao hơn so với các tổ chức mang tính tập thể như cộng đồng, nhà nước,…, và tất cả các tổ chức cộng đồng này tồn tại chỉ nhằm mục đích tạo điều kiện cho sự phát triển thịnh vượng của cá nhân.
Đi cùng với tính tối cao của cá nhân này là một loạt các nguyên tắc mang tính ràng buộc khác trong tương quan đối với cá nhân. (1) Đối với chính quyền, thì theo những người tự do cá nhân, mục đích của chính quyền là bảo vệ các quyền của cá nhân, mà cụ thể là quyền sống, quyền tự do, và quyền tư hữu. Để làm như vậy, họ ủng hộ phải có một bản hiến pháp quy định rõ quyền lực của chính quyền, phải có sự phân chia và cân bằng quyền lực giữa các nhánh quyền lực để quyền lực không tha hóa, và một hệ thống bầu cử đa nguyên nhằm gia tăng trách nhiệm của chính quyền đối với người dân. (2) Đối với thị trường, thì những người theo chủ nghĩa tự do cá nhân ủng hộ thị trường tự do, họ tin rằng cá nhân, cũng như xã hội sẽ tự do và thịnh vượng hơn nếu sự can thiệp của chính quyền vào các quyết định kinh tế của cá nhân được tối thiểu, và sự gia tăng can thiệp của chính quyền chỉ dẫn đến bóp méo các quy luật của thị trường, vốn là hệ quả của sự luân chuyển nguồn lực tự do, của hàng triệu các quyết định của các cá nhân riêng rẽ, từ đó làm cho nền kinh tế trở nên đình trệ, nghèo nàn. (3) Đối với xã hội, chủ nghĩa tự do cá nhân tin rằng các thiết chế quan trọng nhất của xã hội loài người như ngôn ngữ, luật pháp, tiền bạc, thị trường,…, phát triển một cách tự phát mà không chịu sự chỉ đạo, hay kế hoạch nào.
Chủ nghĩa tự do cá nhân bác bỏ mọi hình thức kế hoạch hóa mà chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa nhà nước đề xuất, vì họ cho rằng xã hội quá phức tạp, ta không thể biết được tương lai, cũng như không thể tính toán hết mọi yếu tố liên quan, do đó, kế hoạch hóa chẳng qua chỉ là một sự đơn giản hóa, bóp méo sự việc, và hệ quả sẽ làm cho đời sống trở nên nghèo nàn, tai hại.
Về phương diện lịch sử thì người đầu tiên hình thành nên chủ nghĩa tự do cá nhân phải kể đến là John Locke (1632–1704). Tư tưởng chính trị của Locke được thể hiện chủ yếu trong tác phẩm Khảo luận thứ hai về chính quyền.
Bìa quyển Khảo Luận Thứ Hai Về Chính Quyền của Nhà Xuất Bản Tri Thức xuất bản tại Việt Nam.
Trong tác phẩm này, ông đưa ra một loạt các nguyên tắc trở thành nền tảng trong quan hệ giữa cá nhân và chính quyền trong các nền dân chủ tự do ngày nay như: con người có các quyền tự nhiên, không phụ thuộc vào sự tồn tại của chính quyền; mục đích của chính quyền là bảo vệ các quyền tự nhiên; quyền lực của chính quyền là do nhân dân ủy nhiệm; để cho quyền lực chính quyền không tùy tiện thì nó cần phải phân chia và giới hạn; khi chính quyền hành xử tùy tiện hoặc chống lại nhân dân thì nhân dân có quyền nổi dậy chống lại chính quyền.
Người tiếp theo tiếp tục phát triển chủ nghĩa tự do cá nhân trong thế kỉ 19 là Mill, tư tưởng của ông được thể hiện chủ yếu trong tác phẩm Bàn về tự do.
Bìa sách Bàn Về Tự Do do Nhà Xuất Bản Tri Thức phát hành.
Trong tác phẩm này, Mill quan tâm đến những vấn đề mới nảy sinh trong thời đại công nghiệp, dân chủ hiện đại như sự chuyên chế của đa số, của công luận, tình trạng đồng phục hóa, và sự nghèo nàn của đời sống tinh thần. Trong thời đại công nghiệp với sự phát triển của báo chí, sự mở rộng quyền, cũng như sự tham gia của người dân vào các vấn đề xã hội đã hình thành nên một quyền lực mới, bên ngoài quyền lực của chính quyền, đó là quyền lực của đa số, của công luận.
Quyền lực này bên cạnh những mặt tích cực, nó cũng có những mặt tiêu cực đối với sự tự do, sự phát triển của cá nhân. Trong một xã hội mà công luận quá mạnh, tiếng nói, thị hiếu của số đông trở thành tiêu chuẩn, thì cá nhân sẽ không còn cất lên tiếng nói, mọi người cố gắng hòa vào đám đông, cá tính mất đi, và toàn bộ xã hội chỉ còn là một đám đông tầm thường. Để khắc phục điều này, Mill đề nguyên tắc tự do, trong đó vạch ra ranh giới mà ở đó cá nhân hoàn toàn được tự do khỏi sự can thiệp từ cộng đồng và công luận, đó chính là các quyền như tự do tư tưởng, tự do thảo luận, tự do lập hội, và tự do theo đuổi cá tính của mình. Mill tin rằng chỉ khi cá nhân với các quyền như vậy được bảo vệ không những khỏi chính quyền, mà còn khỏi công luận, đa số thì anh ta sẽ có cơ hội phát triển thịnh vượng, và từ đó chính cộng đồng cũng phát triển thịnh vượng.
Từ cuối thế kỉ 19 đến giữa thế kỉ 20, thì chủ nghĩa tự do cá nhân đi đến thoái trào, các khuynh hướng xã hội, tập thể lên ngôi, trong đó vai trò của nhà nước, tập thể được đề cao. Đứng trước điều này, những người tin tưởng vào chủ nghĩa cá nhân tìm cách khôi phục lại chủ nghĩa tự do cá nhân, cũng như phát triển nó cho phù hợp với hoàn cảnh mới, và nỗ lực này giành được thắng lợi vào cuối thế kỉ 20 khi chủ nghĩa tự do cá nhân đã trở thành một ý thức hệ chính, chi phối trong lý thuyết chính trị. Tiêu biểu cho giai đoạn này, chúng ta kể đến ba đại diện cho ba cách tiếp cận khác nhau nhằm bảo vệ cho chủ nghĩa tự do cá nhân đó là: Hayek – người bảo vệ chủ nghĩa tự do cá nhân dựa trên nền tảng công lợi, Nozick – người bảo vệ chủ nghĩa tự do cá nhân dựa trên nền tảng quyền tự nhiên, và Rand – người bảo vệ chủ nghĩa tự do cá nhân trên nền tảng đạo đức học khách quan.
Hayek nổi tiếng với tác phẩm Đường về nô lệ, trong đó ông bác bỏ tất cả các hình thức chủ nghĩa tập thể, kế hoạch hóa,…, vì ông cho rằng những điều đó là bất khả thi.
Bìa sách Đường Về Nô Lệ do Nhà Xuất Bản Tri Thức phát hành.
Và một điều quan trọng nữa đó là, khi mở rộng sự can thiệp của nhà nước vào trong đời sống, thì quyền lực của nhà nước ngày một gia tăng, và chính điều này trở thành một mối đe dọa cho sự tự do của con người, và thế kỉ 20 đã chứng minh cho điều đó. Hayek ủng hộ các quyền tư hữu, thị trường tự do dựa trên các ý tưởng về tri thức phân hữu, trật tự tự phát,…
Nozick nổi tiếng với tác phẩm Vô chính phủ, nhà nước, và không tưởng, trong đó ông ủng hộ một cách tuyệt đối các quyền tự nhiên của con người, và một nhà nước tối thiểu. Ông cho rằng một khi nhà nước đi ra khỏi ranh giới của nhà nước tối thiểu thì nó sẽ vi phạm các quyền của người dân, và do đó là bất hợp pháp.
Và cuối cùng là Rand nổi tiếng với học thuyết Chủ nghĩa khách quan, trong đó khẳng định rằng tiêu chuẩn thích đáng nhất của đạo đức là sự tồn tại của con người với tư cách cá nhân. Và đó cũng là đòi hỏi từ ngay chính bản chất con người – mà họ cho là bản chất lý tính. Chủ nghĩa khách quan bác bỏ chủ nghĩa tập thể, chủ nghĩa vị tha,… vì cho rằng những chủ nghĩa đó không phản ánh đúng bản chất của con người, mà chúng đang đè bẹp con người, đè bẹp niềm hạnh phúc và quyền mưu cầu hạnh phúc, đè bẹp những thành đạt và thụ hưởng cá nhân. Rand đề cao tính vị kỷ lý tính của con người, coi đó là bản chất khách quan của con người, trên cơ sở đó bà ủng hộ thị trường tự do và nhà nước tối thiểu, những thiết chế cho phép sự tự do của con người, để con người cá nhân có thể phát triển thịnh vượng.
Đây là những nét sơ lược về lịch sử của chủ nghĩa tự do cá nhân mà chúng tôi giới thiệu đến các bạn. Dành cho những sự trình bày chi tiết hơn, hệ thống hơn, các bạn có thể đọc các bài trong tuyển tập này, và hy vọng sau khi đọc xong tuyển tập, độc giả sẽ có một cái nhìn mới mẻ hơn về con người, và điều này sẽ thực sự có ý nghĩa đối với mỗi chúng ta, nhất là khi chúng ta lại đang sống trong một xã hội nặng về các thiết chế tập thể như truyền thống, gia đình, cộng đồng, nhà nước mà hầu như không còn thấy bóng dáng của cá nhân trong đó./.
Bấm vào đây để tải sách |