Quyền tự do báo chí ở Mỹ: Không cần đến Tu Chính Án thứ nhất?

Quyền tự do báo chí ở Mỹ: Không cần đến Tu Chính Án thứ nhất?

Hầu hết chúng ta khi nghĩ về quyền tự do báo chí Mỹ thì sẽ liên tưởng đến đó là một phần của quyền tự do ngôn luận được bảo vệ bởi Tu chính án thứ nhất (First Amendment) của Tuyên ngôn Dân quyền (the Bill of Rights). Điều này khá dễ hiểu vì các án lệ có liên quan đến tự do báo chí ở Mỹ đều xoay quanh Tu chính án này.

Tuy nhiên, như Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền đã nêu[1], các quyền con người, trong đó bao gồm quyền tự do ngôn luận và quyền tự do báo chí, vốn là những quyền mà một người mặc định là đã có từ khi sinh ra. Vì vậy, không hẳn chỉ khi nào Hiến pháp quy định đó là “quyền” thì một công dân mới được phép thực thi nó.

Trước khi 13 thuộc địa trở thành Hiệp chúng quốc Hoa Kỳ, và khi bản Hiến pháp Mỹ còn chưa thành hình, thì một đoàn bồi thẩm tại thuộc địa New York vào năm 1735 đã tuyên phán vô tội đối với ông John Peter Zenger, một chủ nhà in bị cáo buộc tội mạ lỵ hình sự (criminal libel) vì những bài viết mà tờ báo độc lập do ông và những người bạn chủ trì đã xuất bản.

Lời tuyên bố vô tội dành cho ông Zenger gần 300 năm trước là sự khẳng định cho quyền tự do báo chí trước khi nó chính thức trở thành một trong những quyền Hiến định và là chuẩn mực cho các giá trị Mỹ.

sfasdfa

Bạn đọc có thể tìm hiểu thêm chi tiết vụ án thêm Legal history eras 01: History Tryal John Peter Zenger

Phán quyết của bồi thẩm đoàn New York khẳng định Zenger có quyền xuất bản các ấn phẩm báo chí và không hề phạm tội mạ lỵ vốn chẳng có căn cứ từ các nhà lập pháp, cũng không phải là tuyên phán của quan tòa, càng không phải là sắc lệnh của chính quyền. Mà đó là lời khẳng định của các bồi thẩm viên đến từ chính tiếng nói của công dân.

Tính quan trọng của phiên xử John Peter Zenger không nằm ở chỗ nó trở thành tiền án lệ (sự thật là vụ án Zenger không hề là án lệ về quyền tự do ngôn luận hay quyền tự do báo chí trong nền tư pháp Hoa Kỳ sau này). Tuy nhiên, chính lối tư duy của những người bồi thẩm viên và tư tưởng khao khát tự do của họ đã giúp định hình một tư tưởng mới cho một quốc gia Hoa Kỳ non trẻ trong những ngày đầu lập quốc.

Bắt đầu từ một vụ án khác giữa hai ngài thống đốc:

Trong những năm từ 1725 đến 1733, thuộc địa New York chỉ có một tờ báo duy nhất là tờ New York Gazette – vốn là một tờ báo được xuất bản bởi một nhà in công lập (public printer) – luôn mang quan điểm ủng hộ thống đốc và chính quyền. Có thể nói tờ New York Gazette lúc đó chính là một tờ báo của chính quyền ở New York.

Vào năm 1733, một vụ án tranh chấp về lương bổng giữa 2 người lãnh đạo của New York, thống đốc cũ Rip Van Dam và thống đốc mới William Cosby, nổ ra. Sau khi được vua George II của Anh Quốc bổ nhiệm vào năm 1732, thống đốc Cosby phải mất gần 13 tháng mới đặt chân đến được miền thuộc địa mới. Trong thời gian đó, Rip Van Dam là thống đốc tạm thời của New York. Vụ thưa kiện về tiền lương trong 13 tháng Van Dam cai quản New York, Cosby v. Van Dam, có một bản án có lợi cho thống đốc đương nhiệm Cosby. Tuy nhiên, phe thiểu số của các thẩm phán, đứng đầu là chánh án Lewis Morris đã viết một phán quyết thiểu số (minority opinion), đưa ra những ý kiến bất lợi và chỉ trích Cosby.

Sự ra đời của tờ báo độc lập đầu tiên ở New York

Không chỉ đưa ra phán quyết với quan điểm phản đối (dissenting opinion), chánh án Morris còn xuất bản và phát tán phán quyết của mình khắp nơi trong vùng New York. Ông ta còn gửi kèm với nó một lá thư cho các dân cư trong vùng và nói với người dân rằng, một vị chánh án phải dám đưa ra những phán quyết công bằng vào dựa theo luật pháp chứ không chỉ là công cụ của một chính quyền hay của một thống đốc.

Hành động này của chánh án Morris đã khiến thống đốc Cosby nổi giận và lập tức cách chức Morris khỏi chức vụ chánh án. Tờ báo New York Gazette vốn là “cơ quan ngôn luận” của vị thống đốc này đã liên tục có nhiều bài bênh vực thống đốc Cosby trong vụ việc.

zxczxc

Chân dung chánh án Morris. Ảnh: iment.

Đáp trả lại, chánh án Morris, cùng 2 vị luật sư nổi tiếng thời bấy giờ, James Alexander và William Smith (cũng là 2 người luật sư bào chữa cho Van Dam) đã đồng sáng lập  tờ báo độc lập đầu tiên ở New York, đó là tờ New York Weekly Journal.

Tờ báo mới này đã thuê John Peter Zenger, một trong hai người chủ nhà in xuất sắc trong vùng, làm người chịu trách nhiệm xuất bản. Tổng biên tập của New York Weekly Journal là luật sư James Alexander, đã liên tục đăng những bài xã luận, châm biếm và đả kích chính quyền của thống đốc Cosby với những cáo buộc đó là một chính quyền độc tài và vi phạm quyền của công dân.

Lo lắng trước hành vi “lạm dụng quyền tự do dân chủ” này, thống đốc Cosby tìm cách đóng cửa tờ báo New York Weekly Journal. Cho rằng không có người chịu trách nhiệm việc in ấn thì tờ báo không thể tiếp tục phát hành,  Cosby đã tìm cách bắt giam và cáo buộc ông Zenger với tội mạ lỵ chống phá (seditious libel). Và đó là chương mở đầu cho một vụ án nổi tiếng trong thời kỳ 13 thuộc địa với sức ảnh hưởng sâu sắc đến Hiến pháp Hoa Kỳ sau này.

asdas

Tranh vẽ buổi xét xử vụ án John Peter Zenger.

Chính quyền Cosby sử dụng tất cả các thủ tục pháp lý có lợi cho họ

Với nỗ lực bằng mọi cách phải tiêu diệt tiếng nói đối lập của tờ New York Weekly Journal, chính quyền của thống đốc Cosby đã kiên quyết buộc tội Zenger với tội mạ lỵ chống phá (seditious libel).

Vào thời điểm đó, tội hình sự mạ lỵ chống phá được định nghĩa là: “Những hành vi xuất bản các thông tin mà không được pháp luật miễn trừ hay cho phép, với chủ ý chê trách một nhân viên chính phủ, hoặc bất kỳ một điều luật nào, hoặc bất kỳ cơ quan chính phủ nào vốn được lập theo luật định.”

Trước hết, sau khi hai lần sử dụng thủ tục Đại bồi thẩm (Grand Jury) để truy tố (indict) Zenger với tội mạ lỵ hình sự thì cả hai lần Đại bồi thẩm đều bác bỏ các chứng cứ từ phía công tố và không đồng ý cáo buộc Zenger.

Nhưng phe chính quyền Cosby không đầu hàng và đã sử dụng tiếp thủ tục truy tố bởi tòa án (information hearing) để có thể mang Zenger ra xét xử. Thủ tục truy tố bởi tòa án vốn không được sử dụng một cách thông thường ở các tòa án thuộc địa lúc ấy. Nhưng vì cả chánh án lẫn thẩm phán tại vị đều là người thuộc phe thống đốc Cosby (sau khi chánh án Morris bị cách chức như đã nêu trên), nên họ đã không ngần ngại sử dụng thủ tục pháp lý có lợi nhất cho họ để có thể có được bản cáo trạng đối với Zenger.

Cuối cùng thì phe chính quyền thuộc địa New York cũng truy tố được Zenger bắt ông này vào ngày 17 tháng 11 năm 1734, sau khi chánh án De Lancey và thẩm phán Frederick Philips ký lệnh bắt người.

Sau đó, 2 vị luật sư bào chữa cho Zenger, James Alexander và William Smith, đã lập tức nộp đơn kiện để sử dụng công cụ writ of habeas corpus – lệnh bảo vệ quyền nhân thân – cho Zenger. Nhưng đồng thời thì chánh án De Lancey đã ấn định mức tiền tại ngoại hầu tra là 400 bảng Anh, vốn là một mức tiền cao hơn rất nhiều lần khả năng chi trả của Zenger và ông lại bị bắt trở lại nhà tù New York’s Old City Jail cho đến ngày ra tòa.[2]

Luật sư của bị cáo bị cấm hành nghề ở New York

Tại buổi tuyên đọc cáo trạng – arraignment hearing – bị cáo được biết về bản cáo trạng và các tội danh mà mình bị cáo buộc. Khi đó, hai luật sư của Zenger đã đưa ra các lập luận phản bác và không thừa nhận tư cách thẩm phán của các vị quan tòa có liên quan.

Ví dụ, họ cho rằng chánh án De Lancey đã được bổ nhiệm trái pháp luật vì hành vi cách chức chánh án Morris năm 1733 của thống đốc Cosby đã vi phạm pháp luật Anh bấy giờ.[3]

Các luật sư của bị cáo cũng đưa ra các bằng chứng cho thấy các quan tòa trong vụ án đều là người thuộc nhóm ủng hộ thống đốc Cosby và đã được bổ nhiệm làm thẩm phán cho vụ án bởi chính Cosby. Vì vậy, các quan tòa này không nên được cho phép xử vụ án vì họ thiếu khách quan.

Chánh án De Lancey đươn nhiên bác bỏ những yêu cầu nói trên của phía bị cáo và đe dọa hai luật sư Smith và Alexander rằng, nếu họ không rút đi lời đề nghị đổi thẩm phán thì chính họ sẽ không được hành nghề ở New York. Hai ông Smith và Alexander không đồng ý và không hề cho thấy họ có ý thoái lui.

Đến ngày 16 tháng 4 năm 1735, tòa án New York ra quyết định gạt bỏ tên của hai luật sư Smith và Alexander ra khỏi danh sách luật sư được phép hành nghề ở vùng thuộc địa New York.

dgbvbc

Bản chụp một ấn bản còn lưu trữ của tờ báo Newyork Weekly Journal. Ảnh: rarenewspaper

Luật sư mới ra trường và luật sư kỳ cựu đồng bào chữa một tội danh không thể bào chữa

Sau khi Smith và Alexander bị cấm hành nghề, Zenger đã nộp đơn yêu cầu được cung cấp luật sư bào chữa cho mình và tòa đã cử một luật sư mới ra trường, John Chambers, làm luật sư cho Zenger. Chambers là một nhân vật được xem là thuộc phe “trung thành” với chính quyền Cosby.

Nhưng trái với sự lo sợ của nhiều người, Chambers đã hết lòng, tận tụy bào chữa cho Zenger và đã tìm đủ cách để chọn cho vụ án một đoàn bồi thẩm công tâm và không có định kiến sẵn về thân chủ của ông. Ngoài ra, khi toà cho phép Chambers có thêm thời gian chuẩn bị vụ án cho đến ngày 4 tháng 8 năm 1735, phe ủng hộ Zenger đã nhân cơ hội đó để mời thêm một luật sư nổi tiếng của vùng Philadelphia, Andrew Hamilton, về cùng làm luật sư cho Zenger.

Trước khi nói về phiên tòa của Zenger, chúng ta cần lưu ý rằng tội danh mạ lỵ chống phá (seditious libel) ở thời điểm đó, chỉ cần bồi thẩm đoàn quyết định xem Zenger có phải là người đã xuất bản những gì được in trong tờ New York Weekly Journal hay không, là đủ để cấu thành hành vi phạm tội của ông.

Điều luật này thực chất là một cách ngăn cản quyền tự do ngôn luận của người dân khi họ phê phán nhân viên chính phủ, các điều luật hay các cơ quan nhà nước. Do đó, phía công tố không cần chứng minh những nội dung đã xuất bản là sai sự thật mà chỉ cần chứng minh bị cáo là người phải chịu trách nhiệm in ấn, xuất bản những nội dung đó.

Vì thế, chính quyền của thống đốc Cosby cho rằng, chỉ cần mang được Zenger ra hầu tòa là coi như nắm chắc phần thắng và sẽ thành công cáo buộc ông cũng như sẽ đóng cửa được tờ New York Weekly Jounal.

Ý chí tự do của người dân là chiến thắng cuối cùng

Câu nói của luật sư Andrew Hamilton khi kết thúc phần bào chữa đã trở nên nổi tiếng về sau. Hamilton thừa nhận với đoàn bồi thẩm là thân chủ của mình chính là người chịu trách nhiệm xuất bản những tờ báo New York Weekly Journal mà phía công tố đã đưa ra làm bằng chứng. Nhưng ông yêu cầu bồi thẩm đoàn hãy suy nghĩ về quyết định của họ và giá trị của nó đối với lịch sử.

“Câu hỏi được đặt ra trước Tòa và các quý ông của đoàn bồi thẩm không phải là một vấn đề cá nhân nhỏ bé. Nó cũng chẳng phải là cuộc đấu tranh của một anh thợ in nghèo hay là của một mình New York mà các ông đang làm nhiệm vụ xét xử. Không! Nó có thể sẽ đưa ra những kết quả mà sức ảnh hưởng của nó có thể lan tỏa đến từng người dân tự do đang sống dưới sự quản lý của nhà nước bảo hộ Anh quốc trên lục địa châu Mỹ này.
Nó chính là cuộc đấu tranh chính đáng nhất. Nó là cuộc đấu tranh của tự do.”

Luật sư Hamilton yêu cầu bồi thẩm đoàn hãy suy ngẫm về câu nói của ông khi tranh luận về hành vi của Zenger trước khi đưa ra phán xét có tội hay không.

Cần nói thêm, trong suốt thời gian Zenger bị giam giữ cho đến ngày xét xử, chính quyền Cosby đã dùng mọi biện pháp để có thể đem các ấn bản của tờ New York Weekly Journal ra đốt ở một số nơi công cộng với sự giám sát của nhân viên chính phủ như một biện pháp răn đe.

Bồi thẩm đoàn trong vụ án Zenger đã chấp nhận lời kêu gọi của Andrew Hamilton và tuyên bố ông Zenger vô tội. Sau tuyên phán, tiếng reo hò đã lan tỏa từ phòng xử án đến quán rượu Ngựa Đen (Black Horse Tavern), nơi mà luật sư Andrew Hamilton đã được chiêu đãi trước khi trở về lại Philadelphia với những phát súng chào đưa tiễn.

John Peter Zenger được trả tự do ngày hôm sau và trở về lại với công việc của mình. Việc đầu tiên mà ông Zenger làm chính là lập tức xuất bản ký lục phiên tòa của chính mình trên tờ báo độc lập New York Weekly Journal.

Giá trị của vụ án John Peter Zenger trong lịch sử nước Mỹ, thật như lời của chánh án Morris đã viết “(Vụ án) đó chính là mầm mống của giá trị tự do Mỹ và là ngôi sao hôm của nền tự do đã cách mạng hóa Hoa Kỳ!”

Nguồn tham khảo:

Legal history eras 01: History Tryal John Peter Zenger, New York Court

Legal history eras : Cosby Vandam, New York Court

The Trial of John Peter Zenger, US History

Chú giải của tác giả

[1] Đọc thêm tại The Universal Declaration of Human Rights; United Nations

[2] Tuy Zenger phải vào tù cho đến khi ra tòa, tờ báo New York Weekly Journal không hề phải đình bản như mong đợi của thống đốc Cosby vì vợ của Zenger tiếp tục công việc chịu trách nhiệm in ấn thế cho Zenger.

[3] Sau này, các nghị viên của Bộ Thương mại (The Lords of the Board of Trade) ở Luân Đôn đã đưa ra kết luận việc cách chức chánh án Morris là hành vi vi phạm pháp luật

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.