Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Thế giới đã thay đổi rất nhiều sau 10 năm. Bạn có bao giờ từng thắc mắc chính sách ngăn chặn thông tin, kiểm duyệt tin tức và quản lý truyền thông của các quốc gia đã thay đổi thế nào sau 10 năm? Giữa 2006 và 2016 – điều gì đã diễn ra với quyền tự do ngôn luận và tự do tiếp cận thông tin cơ bản của con người? Loạt bài này sẽ cho bạn một cái nhìn tổng quát về những thay đổi đó.
Theo một phân tích của Ủy Ban Bảo Vệ Nhà Báo (Committee to Protect Journalists), CHDCND Triều Tiên hiện là quốc gia mà thông tin bị kiểm duyệt nhiều nhất trên thế giới. Ở Triều Tiên, không hề có nhà báo độc lập, mọi đầu thu phát thanh và truyền hình được bán tại quốc gia này đều bị khóa và chỉ có thể bắt sóng truyền đặc biệt của chính quyền. Myanmar, Turkmenistan, Equatorial Guinea và Lybia đã ra khỏi top 5, nhưng vẫn còn trong danh sách CPJ về “top 10 quốc gia bị kiểm duyệt nhiều nhất thế giới”.
Trong một báo cáo được công bố nhân kỷ niệm ngày báo chí thế giới 3/5, CPJ đã gọi việc nhà nước bảo trợ cho kiểm duyệt là một trong những mối đe dọa cấp bách nhất đối với báo giới toàn cầu. CPJ đã nghiên cứu những điều kiện tự do báo chí ở hàng chục quốc gia trên thế giới để đánh giá mức độ tiếp cận của người dân đối với thông tin độc lập và phương thức giới cầm quyền sử dụng để dập tắt và kiểm soát sự lan truyền của tin tức.
Các nhân viên thực địa của CPJ đã sử dụng kiến thức sâu rộng của mình về các điều kiện báo chí địa phương và áp dụng một bộ tiêu chí nghiêm ngặt để xếp hạng danh sách bị kiểm duyệt nhiều nhất. Các tiêu chí bao gồm: (1) việc nhà nước kiểm soát toàn bộ hệ thống truyền thông, (2) bỏ tù và sách nhiễu các nhà báo, (3) gây nhiễu các chương trình phát sóng nước ngoài, và (4) hạn chế truy cập internet tư nhân.
Theo Giám đốc điều hành CPJ Ann Cooper, “Người dân ở những đất nước này thực sự bị cô lập với phần còn lại của thế giới bởi những nhà cai trị độc tài; khi truyền thông bị bịt miệng và thông tin bị ách tắc vì những đạo luật khắt khe, nỗi sợ hãi và sự đe dọa”.
Các mô hình kiểm duyệt nổi bật trong phân tích của CPJ bao gồm:
In ấn và truyền thông điện tử ở cả 10 quốc gia đều dưới sự kiểm soát hoặc ảnh hưởng nặng nề của nhà nước. Một số đất nước cho phép một vài hãng tin tư nhân vận hành nhưng đa số chúng đều thuộc về những người trung thành với chế độ. Ở Lybia, không có việc phát sóng hay in ấn độc lập, một sự lỗi thời thậm chí nếu so với Trung Đông. Equatorial Guinea có một nhà đài tư nhân mà chủ sở hữu là con trai tổng thống. Ở Myanmar, công dân có thể bị bắt nếu công khai nghe đài BBC.
Hầu hết các quốc gia trong danh sách CPJ đều được cai trị bởi một người duy trì quền lực thông qua thao túng truyền thông và đầu cơ các cuộc bầu cử. Các phương tiện truyền thông thúc đẩy hiện tượng tôn sùng cá nhân. Ví dụ ở Turkmenistan, hình ảnh của “Tổng thống trọn đời” Saparmurat Atayevich Niyazov được gắn ở dưới màn hình. Đài phát thanh nhà nước ở Equatorial Guinea đã miêu tả Tổng Thống Teodoro Obiang Nguema Mbasogo như là “vị Chúa của đất nước”.
Ở CHDCND Triều Tiên, mọi “thông tin” đều tích cực. Theo những thông tin truyền thông bị nhà nước kiểm soát gắt gao, Triều Tiên không bao giờ chịu đói nghèo, và công dân phải sẵn sàng hy sinh thân mình cho lãnh đạo của họ. Thông Tấn xã Trung Ương Triều Tiên khẳng định rằng Kim Jong Il là người được yêu mến đến nỗi sau một vụ nổ xe lửa gây chết người ở một khu vực đông dân cư, người ta chạy vào các tòa nhà để cứu các bức chân dung của “Lãnh tụ kính yêu” trước khi cứu những người thân trong gia đình họ.
Ở Uzbekistan, một cuộc đàn áp của chính phủ đã buộc hàng chục phóng viên phải chạy trốn ra nước ngoài sau khi họ đưa tin về một vụ thảm sát người biểu tình chống chính phủ ở Andijan vào tháng 5/2005. Các phóng viên đưa tin trái chiều về cuộc bầu cử của Tổng thống Belarus Aleksandr Lukashenko đã bị tống giam và buộc tội như “côn đồ”. Ở Cuba, chính quyền đã tổ chức “Chiến dịch cô lập” đối với những nhà báo cứng đầu; những người “biểu tình” đã bao vây nhà của những nhà báo này và ngăn chặn người ra vào.
Các chính phủ ngăn chặn tin tức về những mối nguy hiểm và khó khăn phải đối mặt với người dân của mình. Triều Tiên đã che đậy nạn đói bao trùm lên hàng triệu người. Còn Myanmar đã bưng kín thông tin về những ảnh hưởng của vụ sóng thần đánh vào bờ biển nước này hồi năm 2004. Tại một số quốc gia, các thảm họa môi trường cũng bị bưng bít thông tin một các tương tự.
Sau đây là bản tóm tắt những đất nước bị kiểm duyệt nhiều nhất
1. Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Triều Tiên
Tình trạng kiểm duyệt: CHDCND Triều Tiên gắn bó với tư tưởng Nho giáo truyền thống về trật tự xã hội theo mô hình Stalin về một nhà nước cộng sản toàn trị và từ đó tạo nên một đất nước mù mờ thông tin nhất thế giới. Mọi phương tiện truyền thông từ TV đến radio, báo giấy đều bị chính quyền kiểm soát chặt chẽ. Ngay cả đầu thu radio và TV cũng đều bị khóa để chỉ có thể bắt được tần số đặc biệt của nhà nước. Nội dung đa số được truyền tải bởi Đài Thông Tấn Trung Ương Triều Tiên KCNA. Mỗi ngày, “lãnh tụ dấu yêu” đều được lên sóng trong những lời xu nịnh và tiến hành cam kết sáo rỗng với người dân toàn quốc. Sự nghèo đói và Nạn đói hoành hành không bao giờ được nhắc tới. Chỉ một số rất nhỏ nhà báo người nước ngoài được tiếp cận nơi đây mỗi năm nhưng rất hạn chế, và họ đi đâu cũng phải có “người giám sát” đi kèm.
Ảnh được cung cấp bởi Chương Trình Lương Thực Thế Giới ghi nhận cảnh hoang tàn sau vụ nổ năm 2004 tại Ryongchon. Có hơn 150 người thiệt mạng trong vụ nổ. Ảnh: CPJ
Có thể bạn chưa biết: Sau một vụ nổ xe lửa gây chết người ở một khu vực đông dân cư năm 2004 ở Ryongchon gần biên giới với Trung Quốc, KCNA đã đưa tin rằng người dân đã thể hiện tinh thần xả thân vì lãnh đạo khi chạy vào các tòa nhà để cứu các bức chân dung của “Lãnh tụ kính yêu” trước khi cứu những người thân trong gia đình họ và bảo vệ đồ đạc. Báo chí quốc tế đã bị cấm tại hiện trường, nơi có hơn 150 người chết và hàng ngàn người bị thương.
2. Myanmar (Burma)
Tình trạng kiểm duyệt: Chính quyền sở hữu tất cả nhật báo và chương trình phát thanh, cùng với ba kênh truyền hình. Các phương tiện truyền thông không dám nhắc tới hay làm báo cáo độc lập về những ý kiến chống chính phủ. Số ít chủ sở hữu các ấn phẩm tư nhân phải gửi nội dung cho Hội đồng Giám sát Báo chí phê duyệt trước khi công bố; việc trì hoãn kiểm duyệt đồng nghĩa với việc sẽ không có ai xuất bản theo lẽ thường. Vào năm 2005, chính quyền đã tiến hành kiểm soát Bagan Cybertech, nhà cung cấp dịch vụ internet và truyền hình vệ tinh chính ở Myanmar. Người dân bị bắt vì nghe đài BBC hay Đài Á châu Tự do nơi công cộng. Các yêu cầu cấp thị thực nhập cảnh cho nhà báo nước ngoài thường bị trả lại trừ khi chính quyền muốn quảng bá về một sự kiện chính trị.
Có thể bạn chưa biết: Trong một bài báo vào tháng 4/2005 của tờ New Light of Myanmar với tựa đề “Có thái độ tích cực trong đưa tin” đã giải thích cách tiếp cận của chính quyền đối với truyền thông như sau: “người dân Myanmar không muôn xem, đọc hay nghe về những báo cáo hủ bại, sai lệch thông tin cùng những lời dối trá. Người dân Myanmar thậm chí cảm thấy ghê tởm khi một số phương tiện truyền thông địa phương đã cố gắng bắt chước hành động miêu tả những thông tin hủ bại, sai lệch và dối trá”. Tuần báo The Voice của Rangoon đã bị đình chỉ hoạt động từ tháng 5/2005 như một hình phạt cho việc đưa lên trang nhất một câu chuyện vô thưởng vô phạt về việc Việt Nam rút khỏi lễ hội té nước mừng năm mới của Myanmar, câu chuyện khiến chính quyền lúng túng.
Tuy nhiên, hiện nay chính phủ mới của bà Aung San Suu Kyi được kỳ vọng sẽ tạo nên những khác biệt tích cực.
3. Turkmenistan
Tình trạng kiểm duyệt: Niyazov đã cô lập đất nước mình với phần còn lại của thế giới và tạo ra một tôn sùng cá nhân khẳng định bản thân là “Turkmenbashi” – cha của người Turkmen . Nhà nước sở hữu mọi phương tiện truyền thông nội địa và chính phủ Niyazov kiểm soát chúng bằng cách bổ nhiệm các biên tập viên và kiểm định nội dung. Tự mình Niyazov phê duyệt nội dung trang nhất của đa số nhật báo, nơi luôn có một hình ảnh nổi bật của ông ta. Vào năm 2005, nha nước đóng cửa mọi thư viện chỉ trừ một nơi có sách của Tổng thống, và cấm nhập các ấn bản nước ngoài. Truyền thông nhà nước nhận được hàng đống lời ca tụng của tổng thống khi họ lờ đi những câu chuyện quan trọng về AIDS, mại dâm, thất nghiệp, nghèo đói, tội phạm và thuốc phiện. Chỉ có một số ít phóng viên địa phương và nước ngoài làm việc cho các hãng tin nước ngoài mà chủ yếu là của Nga, nhưng quyền tự do báo cáo của họ rất hạn chế.
Buổi diễu hành mừng Ngày Độc Lập với chân dung khổng lồ củaVị Cha của người Turk.
Có thể bạn chưa biết: Truyền thông nhà nước luôn hiển thị một dòng chạy đều liên tục các thông tin cá nhân của Niyazov ở dưới màn hình. Phát thanh viên bắt đầu mỗi buổi phát sóng bằng một cam kết rằng lưỡi của họ sẽ teo lại nếu họ đưa tin nói xấu đất nước, quốc kì hay tổng thống.
4. Equatorial Guinea
Tình trạng kiểm duyệt: Những chỉ trích về chế độ tàn bạo của Obiang không được tiếp thu ở quốc gia nói tiếng Tây Ban Nha duy nhất ở châu Phi này. Mọi phương tiện truyền thông đều thuộc sở hữu nhà nước, trừ RTV-Asonga, mạng lưới phát thanh và truyền hình tư nhân của… con trai tổng thống này – Teodorino Obiang Nguema. Một số ít các tờ báo tư nhân tồn tại chính thức song rất hiếm khi xuất bản do áp lực về kinh tế và chính trị. Nhóm nhà báo tự do lưu vong ASOLPEGE-Libre đã nói rằng ấn phẩm duy nhất xuất hiện đều đặn là tạp chí ủng hộ chính phủ được xuất bản bằng tiếng Tây Ban Nha và có doanh thu từ quảng cáo cho các công ty mở ở Equatorial Guinea, “chủ yếu là các công ty dầu mỏ Bắc Mỹ”.
Nhóm này cho biết chính quyền đã bắt buộc mọi công ty tư nhân phải trả tiền cho các điểm tin quảng cáo trên các kênh truyền thông nhà nước. Họ mô tả các đài truyền hình nhà nước như “công cụ thuần túy của chính quyền để phục vụ chế độ độc tài, dành riêng độc nhất cho nền chính trị tự luyến và chiến dịch tuyên truyền ý thức hệ của chế độ sở tại”. Theo một báo cáo vào năm 2005 của bộ ngoại giao Hoa Kỳ, những ấn phẩm về người nổi tiếng nước ngoài và thể thao được bày bán nhưng lại không có báo chí, nhà sách hay quầy thông tin nào. Các phóng viên nước ngoài bị từ chối visa hoặc bị trục xuất mà không có lời giải thích chính thức.
Có thể bạn chưa biết: Đài phát thanh nhà nước Malabo đã cho lên sóng bài hát có nội dung cảnh báo người dân rằng họ có thể bị đưa vào tầm ngắm nếu họ phát ngôn chống lại chế độ. Trong kỳ bầu cử quốc hội năm 2004, truyền thông nhà nước đã gọi những nhà hoạt động đối lập là “kẻ thù” của nhà nước. Đài phát thanh nhà nước đã mô tả Obiang như “vị Thánh của quốc gia” – người có mọi quyền hành đối với con người và sự vật.
5. Libya
Tình trạng kiểm duyệt: Libya là nơi các phương tiện truyền thông bị kiểm soát gắt gao nhất thế giới Ả rập. Chính quyền sở hữu và kiểm soát mọi phương tiện in ấn và truyền hình, lỗi thời ngay cả khi so với khu vực. Truyền thông phản ánh nghiêm túc các chính sách của nhà nước và không được phép đưa tin hay cái nhìn phản biện về Qaddafi hay chính phủ. Truyền hình vệ tinh và Internet đều có thể truy cập, nhưng chính quyền đã chặn những trang web chính trị không ưng ý. Internet là một trong số ít lựa chọn của các nhà báo và tác giả độc lập, nhưng nguy cơ đang ngày một tăng cao. Dayf al-Ghazal al-Shuhaibi, người viết cho một trang web đối lập có trụ sở ở London đã được phát hiện bị bắn vào đầu ở Benghazi. Không ai bị buộc tối giết người là một thông điệp không thể nhầm lẫn cho những người bất đồng chính kiến. Thêm vào đó, tác giả mạng Abdel Razek al-Mansouri đã bị bắt giam để trả đũa cho những bài viết chỉ trích chính quyền.
Có thể bạn chưa biết: Vào năm 1977, Qadafi đã trình bày ý tưởng về một cuộc cách mạng văn hóa trong Quyển sách Xanh (The Green Book). Ông ta đã viết trên báo rằng : “ Báo chí là phương tiện biểu đạt của xã hội: không phải là phương tiện biểu đạt của một cá nhân hay một thể nhân. Vì vậy, một cách hợp lý và dân chủ, nó không nên thuộc về ai trong số họ.
6. Eritrea
Tình trạng kiểm duyệt: Eritrea là quốc gia châu Phi duy nhất ở vùng cận Sahara không có cơ quan báo chí tư nhân độc lập. Hơn 4 năm sau cuộc đàn áp nền báo chí còn non trẻ, chính sách đàn áp của chính phủ khiến cho quốc gia nhỏ bé Mũi châu Phi bị ẩn đi khỏi giám sát quốc tế cũng như sự bất lực trong tiếp cận thông tin độc lập ở địa phương. Chỉ những ai có đặc quyền mới có thể truy cập internet. Số ít phóng viên nước ngoài ở thủ đô, Asmara đều bị chính quyền theo dõi chặt chẽ.
Có thể bạn chưa biết: Ít nhất 15 nhà báo đã bị tống giam hoặc bị tước đoạt tự do. Hầu hết đều bị biệt giam trong các khu trại bí mật. Khi CPJ tìm kiếm thông tin về các nhà báo bị giam giữ vào năm 2005, Bộ trưởng Thông tin Ali Abdou đã nói với Agence France-Presse rằng: “Chúng tôi làm điều gì, vì sao chúng tôi làm, khi nào làm và làm ở đâu là tùy chúng tôi.”
7. Cuba
Tình trạng kiểm duyệt: Hiến pháp Cuba trao cho Đảng Cộng sản quyền kiểm soát báo chí; nhìn nhận “tự do ngôn luận và tự do báo chí phải phù hợp các mục tiêu xã hội chủ nghĩa”. Chính quyền sở hữu và kiểm soát mọi cơ quan truyền thông và hạn chế truy cập Internet. Bốn kênh truyền hình, hai cơ quan báo chí, hàng chục đài phát thanh, ít nhất bốn trang web đưa tin và ba tờ báo chính thể hiện quan điểm của Đảng cộng sản và các tổ chức đoàn thể khác dưới sự kiểm soát của chính phủ.
Truyền thông hoạt động dưới sự giám sát của Sở Tuyên Giáo Cách Mạng của Đảng Cộng Sản, nơi phát triển và điều phối các chiến lược tuyên truyền của Đảng. Cuba vẫn là một trong những nhà tù hàng đầu thế giới đối với các nhà báo, sau đó là Trung Quốc với 24 phóng viên độc lập hầu tòa. Những ai cố gắng làm việc như một nhà báo độc lập đều bị sách nhiễu, bắt giữ và bị đe dọa truy tố hình sự hoặc bỏ tù, hoặc cấm đi lại. Một số ít phóng viên nước ngoài báo cáo từ Havana nhưng người Cuba không thể thấy bài báo của họ. Quan chức trao visa cho những nhà báo nước ngoài được lựa chọn, thường không bao gồm những người từ các hãng tin được coi là không thân thiện với chính quyền.
Nhà tù Combinado del Este ở ngoại ô Havana, nơi giam giữ đến hơn 24 nhà báo độc lập. Ảnh: CPJ
Có thể bạn chưa biết: Chính quyền tổ chức các cuộc biểu tình với cái tên “Chiến dịch cô lập” bên ngoài các căn hộ của các nhà báo độc lập. Những người ủng hộ chính phủ bao vậy quanh nhà, ngăn cản những người ở trong đi ra hoặc tiếp khách.
8. Uzbekistan
Tình trạng kiểm duyệt: Karimov đã tái thiết lập chế độ độc tài phong cách Liên Xô với sự đe dọa tàn bạo về chính trị để bịt miệng các nhà báo, nhà hoạt động nhân quyền và phe đối lập. Chế độ của Karimov sử dụng hệ thống kiểm duyệt nhà nước không chính thống để ngăn truyền thông nội địa báo cáo về tình hình cảnh sát tra tấn người dân trên diện rộng, nghèo đói và một phong trào Hồi giáo đối lập. Uzbekistan cũng tách biệt chính nó với các nước thuộc Liên xô cũ khi đi đầu trong việc bắt bớ các nhà báo, với 6 người phải hầu tòa cuối năm 2005 .
Hình ảnh một cuộc bố ráp vũ lực ứng phó với biểu tình của người dân.
Có thể bạn chưa biết: Sau khi quân đội giết chết hàng trăm người biểu tình chống chính phủ ở thành phố Andijan tháng 5 năm 2005, chế độ Karimov đã đàn áp thẳng tay các phương tiện truyền thông nước ngoài. BBC, Đài Âu châu Tự do / Radio Liberty, và Viện Chiến tranh và Hòa bình đã buộc phải đóng cửa văn phòng của họ ở thủ đô Tashkent. Hàng chục phóng viên nước ngoài và phóng viên địa phương làm việc cho phương tiện truyền thông nước ngoài đã phải chạy trốn khỏi đất nước.
9. Syria
Tình trạng kiểm duyệt: Truyền thông bị nhà nước ảnh hưởng và kiểm soát nặng nề. Một số tờ báo và đài truyền hình thuộc về tư nhân nhưng phải của những người trung thành với chế độ, hoặc bị cấm phổ biến nội dung chính trị. Một số tờ báo tư nhân và của các đảng phái đưa ra những chỉ trích nhẹ nhàng đối với một số chính sách của chính phủ hay đảng Baath (đảng cầm quyền ở Syria trước đây – ND), và phần lớn đều không có tính công kích. Các tờ báo và các đài truyền hình nhà nước vẫn không nao núng ủng hộ cho chế độ. Luật báo chí vạch ra một loạt các hạn chế đối với các phương tiện truyền thông, bao gồm một yêu cầu phải có được giấy phép của Thủ tướng theo định kỳ, người có thể từ chối bất kỳ sản phẩm nào không thuộc “lợi ích công chúng.” Chế độ đã sách nhiễu các nhà phê bình thông qua các vụ bắt giữ hoặc cảnh báo.
Có thể bạn chưa biết: Các cuộc đàn áp của chính phủ đã khiến báo chí trở nên nhạt nhẽo đến độ ngay cả một quan chức chính phủ, cựu Bộ trưởng Nội vụ Ghazi Kenaan cũng đã một lần thốt lên tin tức “không đọc được”. Bất chấp những nỗ lực tư nhân hóa báo chí, những tờ báo vượt rào chỉ trích đều bị đóng cửa hoặc bị tịch thu các ấn phẩm.
10. Belarus
Lãnh đạo: Tổng thống Aleksandr Lukashenko, trúng cử năm 1994, và tái đắc cử vào tháng 3/2006 trong một cuộc thăm dò mà Liên minh châu Âu gọi là “cực kỳ sai lầm”.
Tình trạng kiểm duyệt: Hầu hết các đài truyền hình và cơ sở in ấn đều bị chính quyền sở hữu trong những lời tang bốc hết mình tổng thống Lukashenko. Các đài phát thanh và truyền hình độc lập trên danh nghĩa đều tránh chủ đề nhạy cảm về chính trị. Nhà nước đã đóng cửa hàng chục tờ báo độc lập trong những năm gần đây, và số còn lại đã phải chịu sự tấn công của chính phủ: chính quyền Tổng thống Lukashenko đã gây áp lực khiến các xưởng in nhà nước không thể in các bài báo chỉ trích, cấm bưu điện và các nhà phân phối báo của nhà nước phân phối các ấn phẩm độc lập , tịch thu toàn ấn phẩm của các tờ báo độc lập, và phạt tù đến năm năm những ai chỉ trích tổng thống.
Có thể bạn chưa biết: Hơn hai chục nhà báo trong nước và nước ngoài đã bị bỏ tù trong chiến dịch tranh cử tổng thống đầy biến động, nhất là các cuộc biểu tình chống chính phủ sau khi bỏ phiếu. Các phóng viên thường bị buộc tội “côn đồ” vì đã có mặt tại cáccuộc biểu tình./.