Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1: Vốn xã hội
Từ lúc chính thức ngồi vào ghế tổng bí thư, ông Tô Lâm đã có một số diễn ngôn đưa
Thủ tướng Anh David Cameron đáng lẽ nên lưu ý đến những nghi ngờ của Alexander Hamilton về thứ gọi là “dân chủ thuần túy”.
—
Bức tranh u ám
“Khi câu chuyện huyễn tưởng trở thành hiện thực, hãy in nó ra” – hầu hết giới truyền thông Anh quốc đã phải đồng ý với lời khuyên trên của nhân vật phóng viên ranh mãnh trong một bộ phim kinh điển của Châu Âu “Kẻ bắn chết Liberty Valance” (The Man Who Shot Liberty Valance).
Trong cuộc trưng cầu dân ý về sự ra đi hay ở lại của Anh ở Liên minh châu Âu (EU) vào ngày 23/6 vừa qua, báo chí Anh đã ru ngủ dân chúng với những dòng chảy thông tin đều đặn chỉ đúng một nửa sự thật và với bức tranh xuyên tạc một gã khổng lồ quan liêu phi dân chủ vượt khỏi tầm kiểm soát ở Brussel cần bị loại bỏ càng sớm càng tốt; tin rằng gã sẽ chiếm nốt những tàn tích của tự do thuộc về người Anh từ thời cổ đại.
Và hậu quả là, trong thời gian chuẩn bị cho cuộc trưng cầu dân ý Brexit, việc đưa tin về các cuộc tranh luận công khai vấn đề được và mất khi Anh ở lại hay ra đi khỏi Liên minh châu Âu đã không thể thực hiện. Những tiếng nói lý tính tiếp tục chìm xuống trong các diễn đàn truyền thông xã hội, nơi chỉ củng cố những quan điểm cố hữu được lập nên bởi những người ủng hộ Brexit và hủy đi mọi cơ hội đối thoại thực sự.
Thật vậy, toàn cảnh cuộc trưng cầu dân ý – mà theo Margarer Thathcher là “ý muốn của những kẻ độc tài và mị dân” – đã nhấn mạnh một điều: văn hóa chộp giật kết hợp với chủ nghĩa chính trị dân túy làm cho dân chủ trực tiếp dưới hình thức trưng cầu ý dân không phù hợp làm một công cụ để quyết định những vấn đề chính sách phức tạp của đất nước.
Nỗi lo sợ từ ba thế kỷ trước
Đây là không phải một phát hiện mới. Một số nhà lập quốc Hoa Kỳ đã kịch liệt phản đối dân chủ trực tiếp. Họ sợ những hậu quả của việc xây dựng một cách thiếu hiểu biết chính sách cụ thể của quốc gia sẽ xảy ra: và rằng xây dựng chính sách thông qua một trong những điều kiện tiên quyết đối với dân chủ trực tiếp, chẳng hạn như một cuộc thảo luận hợp lý các vấn đề mà mọi quan điểm đều được cân nhắc cẩn thận, chắc chắn không thể là kết quả của chính sách mị dân và “sự chuyên chế của số đông”, như John Adams đã hình dung.
Ví dụ, Alexander Hamilton tin tưởng nước Mỹ chứ không tin người dân Mỹ khi ông nói trong một bài phát biểu của mình vào tháng 6/1788 để bảo vệ cho việc phê chuẩn Hiến pháp Hoa Kỳ rằng: “Dân chủ trực tiếp khi được thực thi sẽ là hình thái chính phủ hoàn hảo nhất. Kinh nghiệm đã chứng minh không có quan điểm nào sai lầm hơn thế. Những nền dân chủ cổ đại nơi người dân luôn tự thảo luận không bao giờ sở hữu một hình thái chính phủ tốt đẹp. Đặc trưng của chính phủ thời kỳ này là bạo quyền với một hình thái dân chủ méo mó.”
Hamilton đã tham gia vào cuộc Cách mạng Mỹ, một sự kiện đem đến cho ông nỗi sợ hãi sâu sắc về sự thống trị của đám đông và khiến ông đặt câu hỏi về độ khôn ngoan của quần chúng sau khi chứng kiến sự thái quá của cách mạng ở thành phố New York (bao gồm việc phải chứng kiến một đám đông cố gắng hành hình tại chỗ hiệu trưởng trường đại học của ông ). Từ kinh nghiệm của mình, ông tin tưởng vững chắc trong suốt cuộc đời mình rằng các cuộc thảo luận chính trị quan trọng thường cần phải tách rời khỏi công chúng và diễn ra trong bóng tối. Tham gia vào Hội nghị Lập hiến năm 1787, Hamilton đã nhận xét:
“Các cuộc thảo luận diễn ra cởi mở trong sự ầm ĩ của các luồng ý kiến khác nhau đã ngăn cản bất kỳ kết quả thỏa đáng nào có thể đạt được.”
Quả thật, các cuộc tranh cãi về vấn đề phê chuẩn Hiến pháp Hoa Kỳ đã diễn ra nảy lửa đến nỗi một bản sao của nó đã bị đốt cháy trong một cuộc diễu hành nhân ngày quốc khánh 4/7 ở Albany, và một cuộc bạo loạn đẫm máu khiến một người chết và hơn một chục người bị thương. Theo Ron Chernow trong cuốn sách của ông với tựa đề Alexander Hamilton, một người phản đối dự thảo hiến pháp đã đi xa đến mức nói rằng “thay vì áp dụng Hiến pháp tôi sẽ liều chết với chính phủ của bọn Người Do Thái, Thổ Nhĩ Kỳ, hoặc vô đạo.” Các phương tiện truyền thông đã góp phần chia sẻ sự vô tư của mình cho công luận đang sục sôi tại xứ Mỹ với nền cộng hòa còn non trẻ. Vào đầu thế kỷ 19, một tờ báo liên bang là The Wasp đã lấy phương châm mà qua đó có nhắc đến đối thủ chính trị của họ như sau: “Đả kích những kẻ tỏ ra khôn ngoan hơn công luận”.
Những nhà lập quốc khác cũng đồng tình với thái độ hoài nghi của Hamilton. Trong bài tiểu luận thứ mười của Federalist Papers, được viết để bảo vệ Hiến pháp Hoa Kỳ, Jame Madison đã đấu tranh cho dân chủ đại diện thay vì dân chủ trực tiếp để bảo vệ quyền tự do cá nhân khỏi những gì mà Edmund Burke phải chửi rủa cay nghiệt:
Giới tư sản và vô sản có những mối quan tâm khác nhau trong xã hội. (…) . Những quy ước của những lợi ích đa dạng và giao thoa này hình thành nên nền pháp chế hiện đại, bao gồm tinh thần đảng phái và đối lập trong các hoạt động cần thiết và thông thường của chính phủ. (…)
Có thể thừa nhận rằng một nền dân chủ thuần túy, theo tôi, là một xã hội bao gồm một số ít công dân là những người đích thân kiến tạo và điều hành chính phủ, nhưng lại không thể có phương pháp giải quyết sự lộn xộn phe nhóm. Một khát vọng hoặc mối quan tâm chung sẽ lay động được số đông , và họ sẽ không có lý do gì để do dự hy sinh một bên yếu thế hơn cả.
Tranh vẽ cảnh tượng buổi ký thông qua Hiến Pháp Hoa Kỳ.
Như vậy, Madison đã nghi ngại rằng nền dân chủ trực tiếp sẽ là hình thức chính phủ phù hợp cho những đồng thuận bịa đặt với việc đưa ra các quyết định đã được báo trước. Thay vào đó, Madison và Hamilton ưa chuộng một sự cai trị bởi các chuyên gia được bầu ra bởi nhân dân để thay mặt nhân dân điều hành chính phủ và giao những quyết sách phức tạp cho những người này giải quyết – đó là bản chất của nền dân chủ đại diện. Tất nhiên là điều này yêu cầu những quan chức được bầu phải làm việc với nhau trên tinh thần xây dựng; thứ đã không có mặt ở các nền dân chủ phương Tây thời gian qua, và chắc chắn góp phần vào kết quả của cuộc trưng cầu dân ý ngày 23/6. Như Bộ trưởng Tư pháp Anh Michael Gove đã nói: “Người dân Vương quốc Anh đã có đủ chuyên gia”(chỉ là họ đã không thể làm việc với nhau – ND).
Về Brexit – vấn đề bất đồng quan điểm nổi cộm nhất trong nội các thân EU của David Cameron , Gove cũng nhắc đến cuộc Cách mạng Mỹ trong bài phát biểu của mình khi nói rằng đã đến lúc để Vương quốc Anh theo chân “những người Mỹ đã khẳng định độc lập của họ mà không hề quay đầu lại” và “trở thành một tấm gương về những gì mà một nền dân chủ toàn diện, cởi mở và sáng tạo có thể đạt được”. Ông ta dường như bỏ qua sự trớ trêu trong nhận xét của mình rằng Cách mạng Mỹ là cuộc cách mạng đầu tiên và trên hết là cuộc nổi dậy của tầng lớp thượng lưu thuộc địa và các doanh nghiệp lớn chứ không phải của quần chúng nhân dân.
Tuy nhiên, các nhà lập quốc Hoa Kỳ đã có lý. Mối nguy hiểm tiềm tàng đến từ một nền dân chủ trực tiếp khi kết hợp nó với đám đông thiếu hiểu biết và bị thao túng nhưng lại có thể quyết định chính sách của một quốc gia, như những gì đã thể hiện vào ngày 23/6 với 36% người đủ điều kiện bỏ phiếu ở Vương quốc Anh lựa chọn rời Liên minh châu Âu. Một lần nữa, điều này chả có gì bất ngờ. Theo nghĩa nào đó, cuộc trưng cầu dân ý Brexit cho thấy thất bại của những chuyên gia và chính trị gia dân cử cũng như thể hiện việc tin vào dân chúng và chủ nghĩa dân túy có thể dẫn đến những quyết định bất ngờ và có khả năng gây thiệt hại kinh hoàng. Theo đó, hoặc cần phải bảo vệ bản thân khỏi nền dân chủ trực tiếp đang bị ăn mòn bởi những kẻ mị dân và những nhà dân túy, hoặc phải chịu “sự chuyên chế của số đông” như là cái giá phải trả để có chính sách khôn ngoan hơn./.