Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Trước khi trái tim mạnh mẽ của Muhammad Ali ngừng đập, nó không chỉ đập cho riêng bản thân vị võ sỹ huyền thoại với thành tích 56 trận thắng sau 61 trận đấu. Nó còn đập cho những lý tưởng to lớn hơn bản thân người võ sỹ, cho xác tín tôn giáo, niềm tin vào sự công bằng và vào công lý không có gì xoay chuyển được của ông.
Tay đấm huyền thoại Muhammad Ali (tên khai sinh Cassius Marcellus Clay, Jr.) trút hơi thở cuối cùng ngày 3/6 vừa qua, hưởng thọ 74 tuổi.
Sau khi ông mất, một trong hai người con gái của ông, Hana Ali, đăng vài dòng chia sẻ lên trang Instagram của cô. Hana Ali kể về phút lìa trần của cha mình: “Tất cả chúng tôi đều đến xung quanh ôm và hôn ông, nắm tay ông, cùng đọc kinh đạo Hồi. Tất cả các cơ quan nội tạng của ông đều đã ngừng hoạt động nhưng riêng trái tim ông không ngừng đập. Trong 30 phút… trái tim ông vẫn đập. Chưa ai từng thấy điều đó. Điều đó là sự khẳng định trung thực nhất sức mạnh tinh thần và ý chí của ông!”
Trước khi trái tim mạnh mẽ của Muhammad Ali ngừng đập, nó không chỉ đập cho riêng bản thân vị võ sỹ huyền thoại với thành tích 56 trận thắng sau 61 trận đấu. Nó đã đập cho những lý tưởng to lớn hơn bản thân người võ sỹ, cho xác tín tôn giáo, niềm tin vào sự công bằng và vào công lý không có gì xoay chuyển được của ông.
Những niềm tin này bị thử thách lần đầu năm 1967 khi Muhammad Ali được gọi lên trình báo để nhập ngũ.
Trình báo nhập ngũ
Tháng 2/1966, Muhammad Ali khi đó đang là đương kim vô địch quyền Anh hạng nặng của Mỹ, nhận được tin Ban Tuyển chọn Quân dịch số 47 của thành phố Louisville nơi ông ở đã quyết định ông đủ điều kiện thể chất gia nhập quân ngũ, theo Báo Gettysburg Times đưa tin ngày 17/2/1966.
Muhammad Ali, một người cải đạo theo Hồi giáo từ năm 1964, kháng nghị quyết định này của Ban Tuyển chọn Quân dịch với lý do ông là một người từ chối nhập ngũ vì lương tâm (conscientious objector). Theo Ali, giáo lý đạo Hồi chống lại chiến tranh và người Hồi giáo chỉ tham gia chiến tranh nếu có ý chỉ của Thánh Allah.
Ủy ban Xem xét Kháng cáo Quân dịch Louisville tiến hành thẩm vấn bố mẹ của Ali, giáo sỹ Hồi giáo của Ali và bản thân ông. Ủy ban này vừa chuẩn bị ra quyết định công nhận Ali là một người từ chối nhập ngũ vì lương tâm thì họ nhận được một lá thư tư vấn của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ yêu cầu bác kháng nghị của Ali. Ủy ban quyết định bác kháng nghị nhưng không đưa ra lý do nào.
Đầu năm 1967, Muhammad Ali chuyển tới sống tại thành phố Houston, bang Texas. Ban Tuyển chọn Quân dịch của thành phố Houston gửi giấy yêu cầu Ali trình diện ngày 28/4/1967. Đúng ngày, Ali có mặt để trình diện cùng hơn 400 thanh niên khác.
Hai lần liên tiếp Ali đứng im không động đậy, từ chối đi lên khi tên ông được sỹ quan tuyển quân gọi, mặc cho viên sỹ quan giải thích rõ với Ali rằng việc ông từ chối đi quân dịch là vi phạm hình sự (felony), phải chịu án lên tới 5 năm tù và bị phạt 5.000 USD.
Viên sỹ quan yêu cầu Ali viết ra lý do ông không phục tùng mệnh lệnh. Theo cuốn sách “Muhammad Ali: Cuộc đời và thời ông đã sống” của tác giả Thomas Hauser (NXB Open Road Media 2012), Ali đã viết: “Tôi từ chối tham gia quân dịch cho quân đội Hoa Kỳ vì tôi phải được miễn quân dịch với lý do là tôi là một giáo sỹ (minister) đạo Hồi.”
Ali bị cảnh sát bắt ngay tại chỗ. Cùng ngày ông bị tước giấy phép đấu quyền Anh và tước ngôi vô địch.
Tranh cãi tại tòa án và búa rìu dư luận
Phiên tòa đầu tiên xét xử Muhammad Ali là phiên xử trước bồi thẩm đoàn ngày 20/06/1967 tại thành phố Houston.
Sau khi bồi thẩm đoàn gồm 6 nam và 6 nữ toàn người da trắng quyết định Ali có tội, thẩm phán Joe E. Ingraham tuyên phạt ông 5 năm tù giam và 10.000 USD tiền phạt, mức phạt kịch trần cho tội từ chối quân dịch như báo New York Times đưa tin cùng ngày.
Sau khi đơn kháng án lên Tòa Thượng thẩm bị bác, các luật sư của Ali đâm đơn lên Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ. Vì sắp xếp theo lịch xử án của Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ, vụ việc của Ali phải chờ đến năm 1971 mới được xử.
Trong suốt 4 năm từ khi bị kết án đến khi được Tối cao Pháp viện xử, Ali được tại ngoại nhưng gặp phải vô vàn khó khăn.
Việc bị tước giấy phép đấu quyền Anh khiến Ali không thể hành nghề ở bất kỳ bang nào của Mỹ. Ông bị từ chối visa rời nước Mỹ đến bất kỳ đâu, đồng thời ông liên tục phải đối đầu với búa rìu dư luận trong nước cho rằng việc từ chối quân dịch của ông là hèn nhát, không yêu nước, phản lại các giá trị thiêng liêng của nước Mỹ.
Tin về vụ Muhammad Ali trên báo Mỹ: Người hâm mộ tẩy chay ông. (Ảnh: godfatherpolitics.com)Ali đã đương đầu với những lời phê bình và chửi bới này bằng chính sự gan lỳ trên võ đài của mình. Đối mặt một sinh viên đại học thách thức quyết định của ông, Muhammad Ali, một người chỉ học hết trung học và được ban quân dịch Louisville xác định IQ chỉ ở mức 78, đã dõng dạc và mạch lạc bảo vệ quan điểm của mình:
“…Nếu tôi muốn chết, tôi sẽ chết ngay ở đây, tranh đấu với các anh, nếu tôi muốn chết. Các anh là kẻ thù của tôi, không phải người Trung Quốc, Việt Cộng hay người Nhật. Các anh chống lại tôi khi tôi muốn tự do. Các anh chống lại tôi khi tôi muốn công lý. Các anh chống lại tôi khi tôi muốn công bằng. Các anh muốn tôi đi đâu đó và chiến đấu cho các anh ư? Các anh còn không thèm bảo vệ quyền của tôi ngay tại đây trên nước Mỹ, vì các quyền và xác tín tôn giáo của tôi. Các anh không thèm bảo vệ cho các quyền của tôi ngay tại quê nhà!”
Sự phản kháng dựa trên nhân quyền và xác tín tôn giáo của Muhammad Ali nhanh chóng biến ông thành biểu tượng đầy cảm hứng của phong trào dân quyền giành bình đẳng cho người da màu tại Mỹ vốn đang lên đến đỉnh điểm cuối những năm 60.
Phiên tòa tại Tối cao Pháp viện
Vụ việc của Muhammad Ali được xét xử ngày 19/4/1971.
Vấn đề pháp lý gây tranh cãi là Muhammad Ali có thể được nhìn nhận theo luật là một người từ chối nhập ngũ vì lương tâm (conscientious objector) hay không.
Tòa xác định 3 yếu tố phải thỏa mãn để chứng minh một người thật sự từ chối nhập ngũ vì lương tâm:
Bên công tố khẳng định án hình sự dành cho Ali là hợp lý dựa trên các lý do đã được Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đưa ra trong thư tư vấn gửi cho Ủy ban Xem xét Kháng cáo Quân dịch Louisville:
Thẩm phán Thurgood Marshall, thẩm phán da màu đầu tiên trong lịch sử Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ vừa được bổ nhiệm tháng 10/1967, quyết định xin rút không tham gia nghị án và quyết định vụ việc với lý do ông đã làm chức Phó Chưởng Lý cho chính phủ Hoa Kỳ – bên công tố tại thời điểm Muhammad Ali đâm đơn kiện.
Quyết định vụ việc vì thế tùy thuộc vào 8 vị thẩm phán còn lại. Họ đều là người da trắng. 4 vị trong số này là cựu quân nhân, 4 người còn lại chưa bao giờ tham gia quân đội vì các lý do sức khỏe. Chỉ có một thẩm phán duy nhất tại thời điểm đó công khai chống chiến tranh Việt Nam là William Orville Douglas, một người không có kinh nghiệm quân ngũ.
Chín thẩm phán Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ cuối những năm 1960. (Ảnh: fggam.org)Sau hai tháng nghị án, trong một phán quyết đồng thuận, 8 vị thẩm phán này cùng đồng ý bác án hình sự, ban chiến thắng cho lương tâm và niềm tin tôn giáo của Muhammad Ali.
Thẩm phán John Marshall Harlan II, một cựu đại tá không quân Hoa Kỳ, là người viết ý kiến chính cho Tối cao Pháp viện.
Ông ghi nhận là bên công tố đã thất bại trong tranh luận trước tòa và phải công nhận với tòa rằng: Ali thật sự là một tín đồ đạo Hồi thành thực và hiểu đạo, vì thế thỏa mãn được yêu cầu thứ 2 “từ chối nhập ngũ dựa trên niềm tin và sự thực hành tôn giáo”.
Bên công tố đã thừa nhận là Ali thành thực từ chối nhập ngũ vì lý do tôn giáo chứ không phải động cơ nào khác. Nội dung lá thư tư vấn của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ gửi cho Ủy ban Xem xét Kháng cáo Quân dịch Louisville đơn giản là rất yếu ớt về cả hai mặt dữ kiện và pháp lý.
Quyết định ban đầu của Ủy ban dựa trên tư vấn của Bộ Tư pháp vì thế không có cơ sở pháp lý vững vàng và phải bị bác.
Đưa ra ý kiến đồng tình của mình, thẩm phán William Orville Douglas trích dẫn kinh Koran để xác nhận việc đánh giá lý do từ chối quân ngũ của Muhammad Ali chỉ có thể có cơ sở vững vàng dựa trên tham khảo giáo lý đạo Hồi.
Phía sau cánh gà
Trong cuốn sách “Anh Em Đồng Đạo” (The Brethren – NXB Simon & Schuster 2005) của mình, các nhà báo Bob Woodward và Scott Armstrong đã kể lại câu chuyện thực sự sau quyết định của Tối cao Pháp viện trong án lệ Clay kiện Hoa Kỳ với nhiều chi tiết thú vị:
Ý kiến của các thẩm phán ban đầu là 5 phiếu ủng hộ án hình sự của Ali so với 3 phiếu chống. Người làm xoay chiều gió chính là thẩm phán John Marshall Harlan II. Ông định bác đơn kháng án của Ali cho đến khi một trợ lý (clerk) của ông thuyết phục ông nghĩ khác.
Vị trợ lý này đã đọc hồi ký của Malcolm X, một thủ lãnh đấu tranh nhân quyền theo đạo Hồi của Mỹ và là người dẫn dắt tinh thần cho Muhammad Ali, và cảm thấy các xác tín tôn giáo của Muhammad Ali là chân thành.
Vị trợ lý này bèn tổng hợp các nguồn tư liệu giảng giải giáo lý đạo Hồi lại và đưa cho thẩm phán Harlan. Sau một đêm nghiên cứu tài liệu, thẩm phán Harlan thay đổi suy nghĩ và quyết định ủng hộ việc bác án hình sự của Ali vì ông nhìn nhận hành động từ chối quân dịch của Ali thật sự là chân thành dựa trên lý do tôn giáo.
Thẩm phán John Marshall Harlan II (Ảnh: Wikimedia.org)Tỷ lệ ý kiến khi ấy là 4-4 và nếu Tối cao Pháp viện không quyết dứt khoát được thì án hình sự dành cho Ali sẽ vẫn có hiệu lực. Các thẩm phán phía ủng hộ án hình sự dành cho Ali không muốn thay đổi ý kiến vì họ sợ sẽ tạo ra một tiền lệ cho phép người Hồi giáo tại Mỹ từ chối quân dịch hàng loạt trong khi chiến tranh Việt Nam vẫn đang diễn ra khốc liệt.
Người giúp phá vỡ bế tắc là thẩm phán Potter Stewart, một cựu quân nhân. Stewart đề xuất phương án rằng phán quyết của toà nên dựa hoàn toàn vào lỗi kỹ thuật pháp lý trong lá thư của Bộ Tư pháp. Nghĩa là án hình sự của Ali sẽ bị bác chỉ vì lỗi kỹ thuật pháp lý riêng biệt trong trường hợp này.
Tối cao Pháp viện sẽ không phải khẳng định bất kỳ một nguyên tắc chung nào về quyền từ chối quân dịch của người Hồi giáo, vốn là vấn đề mà các thẩm phán muốn tránh.
Ý kiến hợp lý này thuyết phục toàn bộ các thẩm phán và quyết định cuối cùng chuyển thành 8-0 ủng hộ Muhammad Ali.
Võ sỹ Muhammad Ali đã “hạ đo ván” chính phủ Hoa Kỳ tại tòa án như thế đấy!