Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Phải chăng pháp luật Việt Nam ngay từ thời phong kiến đã thể hiện một mức độ tiến bộ nhất định thông qua việc công nhận nguyên tắc vô luật bất thành hình và nguyên tắc bất hồi tố – những nguyên tắc pháp luật với tinh thần bảo vệ con người? Các nghiên cứu chuyên sâu của giáo sư Tạ Văn Tài trong cuốn sách Truyền Thống Nhân Quyền Việt Nam cho chúng ta một câu trả lời.
Giáo sư Tạ Văn Tài là một luật sư và giáo sư luật. Ông sinh năm 1938 tại Ninh Bình. Tốt nghiệp trường Luật Khoa Sài Gòn năm 1960, có bằng thạc sỹ và tiến sỹ về công quyền và ngoại giao từ đại học Virginia năm 1965.
Sau khi về nước năm 1965, bên cạnh việc giảng dạy tại các trường Luật Khoa Sài Gòn và Hành Chính Quốc Gia, ông Tài còn hành nghề luật sư trong “công ty luật quốc tế đầu tiên của Việt Nam” Tăng Thị Thành Trai & Tạ Văn Tài. Ông Tài rời Việt Nam năm 1975. Tại Mỹ, ông học tiếp cao học ngành luật và làm giảng viên luật tại trường luật đại học Harvard.
Hiện nay ông Tài vẫn là một học giả ngành luật tâm huyết với các vấn đề của Việt Nam bao gồm cả cuộc tranh chấp biển Đông với Trung Quốc.
GS Tạ Văn Tài trong một buổi hội thảo về tranh chấp biển Đông tại đại học Yale – tháng 05/2016 (Hình chụp từ video Youtube: http://bit.ly/1UdQBDY)
Nulla Poena Sine Lege (vô luật bất thành hình) là châm ngôn tiếng La Tinh tóm gọn nguyên tắc pháp lý rằng không ai có thể bị xử phạt một tội khi tội đó không hay chưa được quy định cụ thể trong pháp luật hiện hành lúc xuất hiện hành vi phạm tội. Nguyên tắc này là một trong các nguyên tắc nền tảng nhất của luật pháp truyền thống Châu Âu lục địa.
Tại Việt Nam, nguyên tắc này hiện nay được thể hiện rõ qua một số điều khoản quan trọng nhất của Bộ Luật Hình Sự năm 1999 (được giữ nguyên trong Bộ Luật Hình Sự sửa đổi năm 2015):
“…Điều 2. Cơ sở của trách nhiệm hình sự
Chỉ người nào phạm một tội đã được Bộ luật hình sự quy định mới phải chịu trách nhiệm hình sự…
… Điều 7. Hiệu lực của Bộ luật hình sự về thời gian
Điều luật được áp dụng đối với một hành vi phạm tội là điều luật đang có hiệu lực thi hành tại thời điểm mà hành vi phạm tội được thực hiện…”
Việc này thể hiện một sự tiến bộ nhất định của nội dung pháp luật Việt Nam trong việc bảo vệ con người dựa trên một tinh thần khoan dung và một sự công tâm nhất định với tội trạng con người.
Không phải chỉ pháp luật hiện đại Việt Nam mới thể hiện sự tiến bộ như thế. Giáo sư Tạ Văn Tài chỉ ra điều này trong cuốn sách “Truyền Thống Nhân Quyền Việt Nam” (The Vietnamese Tradition of Human Rights) xuất bản năm 1985, một tác phẩm chi tiết và sâu sắc nghiên cứu về truyền thống tôn trọng nhân quyền của Việt Nam thể hiện đặc biệt rõ nét qua hai bộ luật: bộ luật nhà Lê (Quốc Triều Hình Luật) và bộ luật nhà Nguyễn (Hoàng Việt Luật Lệ).
Ảnh minh họa Vua Lê Thánh Tông – người hoàn thành bộ Quốc Triều Hình Luật của nhà Hậu Lê (còn gọi là Bộ Luật Hồng Đức). Nguồn ảnh: baotanglichsu.vn
Trích đoạn “Truyền Thống Nhân Quyền Việt Nam” (The Vietnamese Tradition of Human Rights) – Tạ Văn Tài (Institute of East Asian Studies – University of California in Berkeley 1988):
“ … Nulla Poena Sine Lege?
Một nguyên tắc mang tính nền tảng cho sự an toàn của cá nhân khi đối diện với nhà nước là nguyên tắc rằng anh ta không thể bị buộc là có tội khi thực hiện một hành vi nào đó vốn không hề cấu thành một tội hình sự dựa trên luật pháp có hiệu lực tại thời điểm anh ta thực hiện hành vi đó.
Nguyên tắc này , thường được tóm gọn là nulla poena sine lege (không ai có thể bị trừng phạt trừ phi vì vi phạm tội đã được định nghĩa theo luật), biểu hiện qua các điều khoản quan trọng sau đây của Bộ Luật nhà Lê và Bộ luật nhà Nguyễn:
“Khi xác định xem một hành vi sai trái có cấu thành một tội phạm có tên gọi nhất định quy định trong một điều luật nào hay không, bất kỳ một quan xử án nào tự tiện đi quá, hoặc không áp dụng đầy đủ, một điều luật có thể được áp dụng một cách cụ thể, hoặc viện dẫn các điều luật thuộc ngoại biên nhằm giảm nhẹ hay tăng nặng vụ việc đang xử, đều phải chịu hình phạt ở mức một bậc cao hơn hình phạt đã ban khi giảm nhẹ hay tăng nặng vụ việc đó.” (Luật nhà Lê điều 722)
“Nội dung gốc của mọi luật lệ (statute), sắc chỉ (decree), quyết định (rulings) và chỉ dẫn (instructions) có liên quan phải được trích dẫn trong nội dụng bản án. Ai làm trái sẽ bị xử phạt.” (Luật nhà Lê điều 683)
“Khi kết án, quan xử án phải luôn luôn viện dẫn rõ ràng một điều luật hoặc một sắc chỉ. Ai vi phạm điều này (ví dụ, không trích dẫn nguyên văn luật lệ) sẽ bị phạt đánh ba mươi roi bằng roi mây.” (Luật nhà Nguyễn điều 380)
Các quan xử án còn bị cấm không được phép viện dẫn quyết định dựa trên chiếu chỉ triều đình từ một số vụ việc nhất định vốn chưa được ban hành thành các quyết định hay luật cố định; nếu quan xử án nào làm thế, họ sẽ bị kết tội làm tăng nặng một vụ án – một hành vi vốn sẽ bị xử rất nặng.
Cổ luật Việt Nam có chấp nhận nguyên tắc bất hồi tố (non-retroactivity) của luật như là một kết quả tất yếu theo logic từ nguyên tắc nulla poena sine lege?
Điều 42 của Luật nhà Nguyễn có hai phần. Phần đầu tiên ghi “từ ngày ban hành các luật này, các hành vi gây ra trước khi ban hành sẽ được xét xử dựa theo các luật này.” Phần thứ hai (phần ghi chú xen vào) ghi rằng trong trường hợp một hành vi gây ra trước khi có một sắc chỉ (decree) mới, hành vi đó sẽ được xét xử dựa trên luật hay các sắc chỉ cũ, nhưng nếu sắc chỉ mới xử nhẹ hơn thì áp dụng sắc chỉ mới.
Vua Gia Long (Nguyễn Ánh), người đánh giá cao Quốc Triều Hình Luật và là người ban hành Hoàng Việt Luật Lệ (Nguồn ảnh: media.thethaovanhoa.vn)
Diễn dịch hai phần có vẻ mâu thuẫn trong cùng một điều luật này, Philastre* cho rằng không nên phê bình phần đầu tiên quy định việc hồi tố của điều luật này bởi vì việc hồi tố đó đã chỉ được áp dụng một lần nhân dịp ban hành Bộ luật nhà Nguyễn năm 1812, và phần này đã không hề có ý hay có thể được diễn dịch theo bất kỳ cách nào khác. Việc hồi tố này hơi được giảm nhẹ bởi thực tế là Bộ luật nhà Nguyễn năm 1812 thể hiện một sự quay trở lại trạng thái xã hội bình thường. Bộ luật này bao gồm những điều luật nhẹ nhàng hơn, ít đe dọa với người dân hơn luật lệ của các giai đoạn binh biến trước đó.
Với phần thứ hai của điều 42 này, cũng theo Philastre, phần này chính thức hóa nguyên tắc chung của việc bất hồi tố trong luật và cho phép một ngoại lệ chỉ để cho kẻ phạm tội được hưởng lợi ích của các luật lệ mới và khoan dung hơn – việc này hợp với các tiêu chuẩn hiện đại ngày nay. Điều này, theo lời Philastre, là phù hợp với “các nguyên tắc chân thực của luật”.
Bộ luật nhà Lê không có một điều khoản nào quy định chung về việc bất hồi tố. Nhưng trong việc cấm hôn nhân giữa người Kinh và người dân tộc thiểu số, luật nhà Lê (và cả luật nhà Nguyễn) không xử phạt “hôn nhân hiện có” hay các cuộc hôn nhân hình thành trước khi có luật. Luật nhà Lê cũng xử phạt ở mức nhẹ dành cho trẻ em các hành vi phạm tội do thủ phạm gây ra khi còn nhỏ, nhưng được phát hiện và xử phạt sau khi thủ phạm đó đã trưởng thành. Như thế, luật nhà Lê ngầm công nhận nguyên tắc bất hồi tố trong luật…”
*Paul-Louis-Félix Philastre (1837-1902): quan chức chính quyền thực dân Pháp, đồng thời là một học giả có các công trình đóng góp nghiên cứu cổ luật Việt Nam.
Tìm Đọc: