‘Ông lớn’ truyền hình VTC dừng phát sóng; TP. HCM, Hà Nội ‘chữa cháy’ cho Nghị định 168
Các sự kiện nổi bật: * VTC từ biệt khán giả * TP. HCM, Hà Nội “giải cứu” giao thông sau Nghị
Sir John Barrow (1764-1848) là một chính khách, nhà du hành, và tác giả du ký người Anh.
Năm 1792, đang làm một gia sư dạy toán cho một gia đình quý tộc Anh, Barrow được tiến cử làm kế toán cho Bá tước George Macartney, sứ giả đầu tiên trong lịch sử do Hoàng gia Vương quốc Anh cử đến Trung Quốc.
Barrow đi cùng đoàn công sứ của Bá tước Macartney trong chuyến du hành đến Trung Quốc năm 1792. Đoàn thuyền của hạm đội Anh dừng chân tại Đà Nẵng trong khoảng một tháng từ tháng Năm đến tháng Sáu năm 1793. Tại Trung Quốc, Barrow học tiếng Hoa và có đóng góp trong các nghiên cứu của Anh về Trung Quốc.
Sir John Barrow (Nguồn ảnh: libweb5.princeton.edu)Năm 1794, Barrow trở về Anh quốc. Từ 1797, ông bắt đầu viết tác phẩm “Một Chuyến Du Hành Đến Xứ Nam Hà trong các năm 1792 và 1793” (A Voyage to Cochinchina in the years 1792 and 1793) dựa trên các trải nghiệm trực tiếp trong chuyến du hành năm 1792-1793 của ông và các nguồn tham khảo khác bao gồm nhiều nguồn địa phương và các sỹ quan, thương gia phương Tây. Tác phẩm hơn 500 trang này sau đó được xuất bản năm 1806 tại London.
“Một Chuyến Du Hành Đến Xứ Nam Hà trong các năm 1792 và 1793” là một tác phẩm cực kỳ thú vị với người Việt vì có một số chương cho người đọc được thấy một bức chân dung khá chi tiết về đất nước và con người Việt Nam trong những năm cuối thế kỷ 18.
Barrow đã không hề e dè lịch sự trong các khắc họa của ông về người Việt Nam giai đoạn đó, vốn có những phẩm chất xấu xí mà ông phê phán, bao gồm tính tham lam hay ăn cắp vặt, và thói coi thường, xem phụ nữ Việt Nam như hàng hóa.
Những nhận định thẳng thắn của Barrow cho người đọc hiện đại những bài học không cũ về dân tộc tính và về những khiếm khuyết thể chế và văn hóa quan trọng góp phần ngăn chặn sự phát triển của đất nước và con người Việt Nam.
Các phần liên quan đến Việt Nam nhất trong tác phẩm của Barrow đã được xuất bản tại Việt Nam dưới tên sách “Một chuyến du hành đến xứ Nam Hà (1792-1793)” (Người dịch: Nguyễn Thừa Hỷ – Nhà xuất bản Thế Giới 2008).
—
Trích đoạn “Một Chuyến Du Hành Đến Xứ Nam Hà trong các năm 1792 và 1793”- Sir John Barrow
( Dịch từ bản tiếng Anh của T. Cadell & W. Davies Publisher 1806 trên trang Archive.org):
“… Cũng như sự linh hoạt trong cách họ [người Việt] dùng đôi chân, sự khéo léo khi dùng đôi tay của họ cũng không kém phần gây chú ý. Những người làm trò tung hứng, những ảo thuật gia và những người biểu diễn nhào lộn thường hành nghề mua vui cho đám đông và cho lợi ích riêng của chính những người đó; và chúng tôi phát hiện ra, theo một cách tốn kém cho chính mình, rằng có những kẻ nếu không công khai hành nghề làm trò tung hứng thì lại chính là những chuyên gia móc túi. Hiếm có ngày nào mà không có chuyện vài người trong đoàn chúng tôi trở về tàu mới phát hiện ra là mất khăn mùi xoa, một thứ mà họ [người Việt] có vẻ rất thích.
Chúng tôi thấy bọn họ, từ những người cao sang nhất tới những người thấp hèn nhất, đều là những kẻ ăn xin gây phiền toài nhất. Họ thèm muốn theo một cách ít lịch thiệp nhất tất cả những thứ nào hợp sở thích họ; họ không hài lòng với một sự từ chối đơn giản và cũng chả hài lòng với việc có được thứ họ đã đòi mà thường trở nên thúc bách hơn nữa trong các đòi hỏi của họ theo tỷ lệ thuận với sự hào phóng của người cho; và những gì họ không có được bằng cách xin xỏ thì họ rất hay tìm cách có được bằng cách đánh cắp.
Họ không có được ngay cả cái phẩm hạnh đặc trưng của người Sparta đó là biết đỏ mặt khi bị phát hiện; không có vẻ gì là họ cảm thấy e dè sự trừng phạt dành cho hành vi ăn trộm hay sự phát hiện ra nó. Thiên hướng trộm cắp này có vẻ nhan nhản, tới mức chúng tôi xem là cần thiết việc phải quan sát kỹ càng các quan chức chính quyền khi họ lên thuyền chúng tôi…
Hình minh họa cuộc sống người Việt trong sách “Một Chuyến Du Hành Đến Xứ Nam Hà trong các năm 1792 và 1793” (Nguồn ảnh: flickr.com/photos/13476480@N07)
…[Barrow nêu vài quan sát về sự xem thường phụ nữ của đàn ông Việt và sự trác táng, buông thả của phụ nữ Việt]…
… Những quan sát nói trên của chúng tôi về sự dửng dưng của những người đàn ông đối với danh dự và trinh tiết người phụ nữ, cũng như về tính chất buông thả và phóng đãng của nữ giới vốn là hậu quả của sự dửng dưng đó, không phải là những quan sát chỉ đúng với những người bình dân. Những quan sát đó cũng đúng và đúng một cách còn mạnh mẽ hơn trong trường hợp những người đứng đầu xã hội, quan chức chính quyền.
Những người đàn ông này, cũng trụy lạc không kém đám quan lại Trung Hoa, thậm chí không hề mang vẻ bề ngoài đường hoàng mà các quan lại Trung Hoa cảm thấy cần thiết phải thể hiện. Trong cái sự dễ dãi mà họ có khi họ chuyển phụ nữ của họ cho những người lạ, đoàn chúng tôi đã gặp nhiều trường hợp kỳ lạ. Từ những trường hợp sau đây, cùng nhiều trường hợp khác nữa, có thể hình thành một ý niệm tương đối ổn về cái cách mà những người phụ nữ bị xác định giá trị dựa trên một quan điểm nhuốm màu kim tiền.
Một sỹ quan tàu Lion một hôm được cử lên bờ để mua mấy con bò thiến cho thủy thủ đoàn. Bởi vì giá cả đã được chốt trước là mười đô la một con, người sỹ quan chỉ cần đếm đủ tiền để trả cho một trong các viên quan tại chỗ mua và nhận bò về. Viên quan đó, trong lúc nhận tiền, kêu hai kẻ hầu đi đâu đó. Một lúc sau hai người hầu này quay lại mang theo một cô gái trẻ đẹp. Viên quan đưa cô gái đó cho người sỹ quan.
Chuyện người sỹ quan nhũn nhặn đó có cảm thấy sốc với một sự trao đổi quá là trơ tráo và khiếm nhã hay không, hay chuyện anh ta thật sự có đủ tiền trả cho mấy con bò thiến hay không không quan trọng cho mục đích thảo luận ở đây; chỉ cần biết là người sỹ quan đã muốn hoàn thành nhiệm vụ hơn là mua cô gái đó. Việc này làm viên quan rất ngạc nhiên. Người sỹ quan thì cho là người phụ nữ đó hoặc là vợ hoặc là con gái của viên quan đó.
Một anh chàng khác, một hôm nọ vừa trở về từ thị trấn ven sông, bèn bị gạ gẫm bởi một bà già. Bà này ra hiệu cho anh ta đi theo bà ta vào nhà nơi bà ta trưng cho anh thấy con gái của bà ta đang trong trạng thái rất gần với trạng thái ban đầu khi cô ta mới chào đời; và đôi mắt bà già lấp lánh niềm vui khi thấy những đồng đô la Tây Ban Nha…
…[John Barrow bàn về kỹ nghệ và sản xuất của người Việt mà ông nhận định là có chất lượng và sự khéo léo ở một số sản phẩm nhất định]…
… Tuy nhiên, nghệ thuật và sản xuất của họ có vẻ là không ở trong một trạng thái tiến triển không ngừng. Có một khiếm khuyết gốc rễ bên trong các chính phủ phương Đông (Oriental), một khuyết điểm mà không có thế mạnh đất đai hay khí hậu hay bất kỳ hoàn cảnh có lợi nào có thể bù đắp, một khuyết điểm mãi mãi chống lại việc các chính phủ này đạt được tính cách và điều kiện như của một dân tộc vĩ đại và hạnh phúc.
Rào cản không thể vượt qua được ngăn họ tiến đến sự vĩ đại và hạnh phúc chính là thiếu vắng sự bảo vệ lâu dài quyền tư hữu tài sản.
Khi mà quyền thừa kế yếu hơn thực trạng sở hữu; khi mà bàn tay quyền lực độc đoán có thể bất kỳ lúc nào, và không cần thông qua bất cứ loại quy trình pháp lý nào, chiếm đoạt mảnh đất của một người mà bản thân anh ta và gia đình vẫn sống dựa vào nó; khi mà chỉ có luật pháp của kẻ mạnh là được công nhận, và khi mà không ai hay tài sản nào có thể được bảo vệ một cách hữu hiệu chống lại mưu đồ của những kẻ đầy thù oán, hay những bọn tham tàn nắm giữ quyền lực, – thì có người dân nào còn có động lực xây một căn nhà đẹp, cải tạo việc trồng trọt trên đất đai của anh ta, hướng tới sự hoàn hảo trong bất kỳ lĩnh vực nghệ thuật nào, hay tìm cách nâng cao sự khéo léo hoặc kỹ nghệ của anh ta vượt lên trên mức đủ cung cấp cho các nhu cầu cần thiết thông thường của cuộc sống?
Một nhà hiền triết phương Đông từng nói “bằng chứng của một chính phủ công bằng và một nền trị an tốt chính là khi một người phụ nữ đẹp mang đầy nữ trang có thể du hành trong sự an toàn tuyệt đối.”
Nhà hiền triết này hoàn toàn đã có thể nói thêm rằng nơi có một chính phủ và nền trị an như thế cũng chính là nơi mà một người phụ nữ già giàu có, sống trong vòng vây của những kẻ hầu bần cùng đầy dục vọng, vẫn có thể phó mặc bản thân bà và gia sản của bà cho những kẻ hầu đó và cho cả thế giới với một sự điềm tĩnh và tự tin, như thể bà có sức mạnh cơ bắp cũng chả thua kém gì cả đám kẻ hầu; hay nói thêm rằng nơi có một chính phủ và nền trị an như thế cũng chính là nơi mà tài sản của một đứa trẻ mồ côi không chỉ được bảo vệ cho đến khi đứa trẻ đó trưởng thành mà còn được chăm chút và nâng cao giá trị, thỉnh thoảng có thể tăng gấp đôi giá trị ban đầu của tài sản đó…”
Hình minh họa bờ biển xứ Nam Hà từ sách “Một Chuyến Du Hành Đến Xứ Nam Hà trong các năm 1792 và 1793” (Nguồn ảnh: Chụp từ sách tại Archive.org)
Tìm Đọc: