Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1: Vốn xã hội
Từ lúc chính thức ngồi vào ghế tổng bí thư, ông Tô Lâm đã có một số diễn ngôn đưa
Adolf Eichmann (1906-1962) là một sỹ quan thuộc lực lượng vũ trang SS của Đức Quốc xã. Trong Thế chiến thứ Hai, Eichmann đóng vai trò quan trọng trong việc hiện thực hóa kế hoạch Giải Pháp Cuối Cùng (Final Solution) mà giới cầm quyền Đức Quốc Xã đưa ra để xử lý người Do Thái đang bị giam cầm trên toàn Châu Âu. Giải Pháp Cuối Cùng, một kế hoạch diệt chủng chi tiết và bài bản được hoạch định năm 1941, đã đưa sáu triệu người Do Thái tại Châu Âu đến cái chết theo nhiều cách thức, phần lớn là tàn bạo và mất nhân tính. Eichmann phụ trách việc bắt giữ thêm người Do Thái và chuyên chở tù nhân Do Thái đến các trại tập trung nơi các lò hơi ngạt và lò thiêu đang chờ xử lý họ. Các trại tập trung dưới quyền Eichmann liên tục thủ tiêu người Do Thái cho đến tận năm 1945 khi phe Đồng Minh giành chiến thắng trước Đức Quốc Xã. Eichmann khai gian tên tuổi để lẩn vào đám tù binh Đức Quốc Xã. Sau đó y trốn khỏi trại giam và cuối cùng dùng danh tính giả mạo tìm được đường trốn sang Argentina năm 1950. Năm 1959, lực lượng tình báo Mossad của Israel lần ra được tung tích của Eichmann tại Argentina và vào năm sau đó tổ chức bắt cóc y thành công để đưa về Israel xét xử. Phiên tòa xử Eichmann tại Jerusalem năm 1961 là một trong những sự kiện quốc tế nổi bật nhất những năm 60. Không như những phiên tòa Nuremberg do phe Đồng Minh tổ chức để xử tội phạm chiến tranh Đức Quốc Xã, phiên tòa Jerusalem do chính người Do Thái tổ chức để xử một kẻ đã tham gia vào việc thủ tiêu 6 triệu đồng bào của họ. Hannah Arendt (1906 – 1975) là một lý thuyết gia chính trị người Mỹ gốc Do Thái. Một trong những đề tài nghiên cứu chính của bà là các thể chế độc tài toàn trị như thể chế Đức Quốc Xã. Năm 1961, Arendt đã có mặt tại Jerusalem trong tư cách phóng viên cho tờ New Yorker. Các tường thuật của bà về phiên tòa xử Eichmann sau này được phát triển thành tập tiểu luận có ảnh hưởng lớn “Eichmann tại Jerusalem: Một Báo Cáo về Sự Tầm Thường của Cái Ác”. Tập tiểu luận này nhìn vào tội ác diệt chủng của Phát xít Đức thể hiện qua trường hợp Adolf Eichmann để trả lời một câu hỏi ám ảnh muôn kiêp con người: bản chất của tội ác và sự trừng phạt. |
“… Eichmann sẽ được ghi nhớ là đã luôn nhấn mạnh rằng y chỉ có tội “trợ giúp và tiếp tay” (aiding and abetting) trong việc thực hiện những tội ác mà y đang chịu tố cáo, rằng bản thân y chưa bao giờ phạm một tội ác công khai nào.
Phán quyết của tòa, theo một cách đỡ gây tẻ nhạt, nhìn nhận rằng bên công tố đã không thành công trong việc chứng minh rằng Eichmann đã sai trong luận điểm này.
Nó là một điểm quan trọng; nó chạm đến chính cái bản chất của tội ác trong trường hợp này, vốn không phải là một tội ác thông thường, và chạm đến chính cái bản chất của tên tội phạm trong trường hợp này, vốn cũng chẳng phải là một tên tội phạm thông thường; bằng ngụ ý, luận điểm này đi kèm nhận thức về một chi tiết kỳ quặc rằng trong các trại tập trung chính những người bị giam và những nạn nhân là những kẻ đã nắm “những công cụ chết chóc bằng chính bàn tay họ.”
Phán quyết đáp lại luận điểm này bằng một quan điểm không chỉ đơn thuần là đúng đắn, mà còn là sự thật: “Mô tả những hoạt động của bị cáo dựa trên nội dung Điều 23 Bộ luật Hình sự của chúng ta, có thể nói rằng những hoạt động này là những hoạt động của một đối tượng chèo kéo (soliciting) việc phạm tội bằng cách chỉ bảo và tư vấn (giving counsel and advice) cho người khác phạm tội, và của một đối tượng tạo điều kiện và trợ giúp (enabled or aided) những người khác phạm tội.”
Nhưng “trong một tội ác khủng khiếp và phức tạp như tội chúng ta đang xem xét, một tội ác có nhiều người tham gia theo nhiều mức độ khác nhau và bằng nhiều loại hoạt động khác nhau – những kẻ hoạch định, những kẻ tổ chức, và những kẻ thực hiện những hành vi phạm tội tùy theo các cấp bậc, quân hàm đa dạng – không có ích gì trong việc sử dụng những khái niệm thông thường về chỉ bảo và chèo kéo việc phạm tội.
Bởi vì những tội ác này là những tội ác hàng loạt, không chỉ trên khía cạnh số lượng nạn nhân, mà còn cả trên khía cạnh số lượng thủ phạm, và khoảng cách gần hay xa giữa một trong những kẻ tội phạm với kẻ đã thật sự xuống tay giết nạn nhân thật sự không có ý nghĩa gì trong việc đánh giá trách nhiệm của kẻ tội phạm đó.
Trái lại, về tổng thể thì mức độ trách nhiệm hình sự sẽ tăng tỷ lệ thuận với khoảng cách tính từ người đã cầm công cụ giết người trong tay anh ta.” [viết nghiêng của tác giả]
Phần tiếp theo sau khi phán quyết này được đọc chỉ là thủ tục. Lần nữa, bên công tố đứng dậy và cho một bài diễn thuyết dài dòng đòi áp dụng án tử hình. Án này là bắt buộc trong bối cảnh không có các tình tiết giảm nhẹ. Tiến sỹ Servatius (luật sư của Eichmann – ND) trả lời bên công tố bằng một phần trình bày còn ngắn hơn các trình bày trước đấy của ông: Bị cáo đã chỉ thực hiện “những hành vi công vụ nhà nước” (acts of state).
Những gì đã xảy ra cho bị cáo có thể xảy ra trong tương lai với bất kỳ ai, toàn thế giới văn minh phải đối mặt với vấn đề này, Eichmann chỉ là “một con dê tế thần” (scapegoat) mà chính quyền Đức đương thời đã bỏ mặc cho tòa án tại Jerusalem xử theo một cách trái với luật quốc tế hòng để chính quyền Đức có thể rũ bỏ trách nhiệm của họ.
Năng lực của tòa Jerusalem chưa bao giờ được tiến sỹ Servatius công nhận. Theo ông, nó chỉ có thể được xem là đang đóng một vai trò đại diện cho các quyền lực pháp lý [của một tòa án quốc gia Đức]” – thật sự là một viên công tố nhà nước của Đức đã diễn tả nhiệm vụ của tòa Jerusalem theo đúng cách như thế.
Tiến sỹ Servatius đã tranh luận trước đó rằng tòa Jerusalem phải tuyên trắng án cho bị cáo vì theo quy định của Argentina (nơi Eichmann sống khi bị bắt – ND) thì thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự của Eichmann đã hết từ ngày 7 tháng 5 năm 1960, “một khoảng thời gian rất ngắn trước khi bị cáo bị bắt cóc”. Bây giờ ông dùng cùng luận điểm này theo hướng là án tử hình không thể được tuyên vì án tử hình đã bị bãi bỏ vô điều kiện tại Đức.
Tiếp theo đó là lời khai cuối của Eichmann: Những niềm hy vọng cho công lý của y đã bị làm cho thất vọng; tòa án đã không hề tin tưởng y cho dù y đã luôn cố gắng nhất có thể để nói ra sự thật. Tòa án không hiểu y: Y chưa bao giờ là một kẻ bài Do Thái, và y chưa bao giờ có ý định giết bất kỳ mạng người nào. Tội lỗi của y đến từ sự phục tùng của y, và sự phục tùng thì được tung hô là một phẩm hạnh. Phẩm hạnh của y đã bị lạm dụng bởi đám đầu sỏ Phát xít.
Nhưng y nào có phải là một thành viên của đám chóp bu nắm quyền, y chỉ là một nạn nhân và chỉ có những kẻ lãnh đạo mới đáng bị trừng phạt. (Y không đi xa tới mức như của một số tội phạm chiến tranh chức vụ thấp khác, những kẻ đã phàn nàn một cách cay đắng rằng bọn họ chưa hề bao giờ được bảo là phải lo lắng về “trách nhiệm” gì cả, và rằng bọn họ bây giờ không thể kêu những kẻ có trách nhiệm ra nhận tội vì những kẻ này đã “bỏ trốn và bỏ mặc” bọn họ bằng cách tự sát hay đã bị treo cổ.)
“Tôi không phải là một con quái vật mà người ta đang tô vẽ,” Eichmann nói. “Tôi là một nạn nhân của một sự ngụy trá (fallacy).”
Y không dùng từ “dê tế thần” nhưng y khẳng định những gì Servatius đã nói: rằng “xác tín sâu sắc [của y] chính là [y] đang phải chịu khổ sở cho những hành vi của những kẻ khác.”
Hai ngày sau đó, Thứ Sáu ngày 15 tháng 12 năm 1961, lúc 9 giờ sáng, án tử hình được tuyên…
… Án tử hình đã được đoán trước, và chả còn ai để có thể cãi nữa; nhưng mọi thứ trở nên khác biệt khi người ta biết rằng nhà nước Israel đã thi hành án đó.
Sự phản đối diễn ra chóng vánh nhưng rộng khắp và được đưa ra bởi những người có ảnh hưởng và được trọng vọng. Luận điểm phản đối phổ biến nhất là những tội ác của Eichmann không có hình phạt nào của nhân loại có thể phạt cho hết được, rằng là việc áp án tử hình cho những tội ác to lớn như thế là vô nghĩa – một luận điểm dĩ nhiên là có lý theo một cách nhất định trừ phi phải nhận ra rằng nó không thể được hiểu là Eichmann đã giết hàng triệu người chỉ để thoát khỏi hình phạt theo cách này.
Một luận điểm rõ ràng ít phổ biến hơn thì cho rằng án tử hình “chả có tí sáng tạo gì”, và những hình phạt tưởng tượng mang tính sáng tạo hơn được đưa ra – Eichmann “nên dành toàn bộ quãng đời còn lại lao động khổ sai trên hoang mạc khô cằn Negev, dùng mồ hôi nước mắt của y để dựng lại quê hương cho người Do Thái,” một hình phạt mà y chắc rằng khó có thể sống sót qua khỏi dù chỉ một ngày, không nói đến việc là tại Israel vùng hoang mạc phía nam này không hề bao giờ được xem là một tiền đồn dành cho tù đày.
Hoặc là theo phong cách hào nhoáng như trong phim Madison Avenue, nhà nước Israel lẽ ra phải vươn tới “những tầm cao thần thánh”, vượt lên trên “những toan tính có thể hiểu được về pháp lý, chính trị và con người” để có thể gọi hết lại chung một chỗ “tất cả những ai đã tham gia việc bắt giữ, xử án và kết tội trong một nghi thức công cộng nơi mà Eichmann sẽ có mặt với xiềng xích trên người, với truyền hình máy quay và radio tham gia tung hô những người góp công trong việc xử lý Eichmann như những người anh hùng của thế kỷ.
Martin Buber gọi việc hành quyết này là “sai lầm theo chiều kích lịch sử” bởi vì nó có thể chỉ “phục vụ việc làm giảm cảm giác tội lỗi cho nhiều người trẻ tuổi tại Đức” – một luận điểm có một sự âm vang kỳ lạ chính những ý tưởng của Eichmann trong vấn đề này, cho dù Buber chắc không hề biết là Eichmann đã từng muốn tự treo cổ giữa nơi công cộng để có thể trút đi gánh nặng tội lỗi trên vai những người Đức trẻ.
(Thật lạ là Buber, một con người không chỉ được trọng vọng mà còn có một trí tuệ tuyệt vời, lại có thể không nhận ra là những cảm xúc tội lỗi của người trẻ vốn hay được báo chí khai thác này thật là giả tạo như thế nào. Thật là dễ hài lòng khi cảm thấy tội lỗi mặc dù bạn đã không hề làm gì sai trái: thật là cao thượng! Trong khi đó, việc thực sự khó khăn và chắc chắn là phiền muộn chính là thú nhận tội lỗi thật và xám hối.)
Giới trẻ Đức bị vây quanh, trong mọi mặt và mọi lối đi của cuộc đời họ, bởi những con người đang ngồi trong những vị trí có thẩm quyền hay trong chính phủ mặc cho việc những con người này thật sự rất có tội mà họ không hề tự thấy là họ có tội.
Một phản ứng bình thường trong hoàn cảnh như thế phải là sự căm phẫn, nhưng việc tỏ ra căm phẫn sẽ khá là rủi ro – không hẳn là nguy hiểm với mạng sống và thể xác, nhưng chắc chắn là gây trở ngại cho sự nghiệp.
Những thanh niên nam nữ này của nước Đức sẽ thi thoảng – trong vài dịp ví dụ như mỗi khi người ta lại huyên náo về cuốn nhật ký của Anne Frank hay ví dụ trong chính vấn đề phiên tòa Eichmann – cho chúng ta những tràng bột phát đến mê sảng cảm giác giác tội lỗi của họ vốn chẳng hề do gánh nặng của quá khứ, của tội lỗi cha ông họ, mà là do họ đang tìm cách trốn chạy khỏi chính những sức ép từ các vấn đề thực tế và thường nhật của họ, bằng cách tìm đến một thứ xúc cảm rẻ tiền.)
Giáo sư Buber nói tiếp là ông ta “không hề cảm thấy thương xót tí gì” cho Eichmann, bởi vì ông chỉ có thể thương xót “những ai mà ông có thể hiểu hành động của họ từ trong tim mình”, và ông nhấn mạnh điều ông đã nói nhiều năm trước tại Đức – rằng là ông “chỉ cảm thấy có một sự chung giống loài nhân loại với những kẻ đã tham gia [vào những tội ác của Đệ Tam Đế Chế] theo một nghĩa có tính chiếu lệ”. Thái độ cao cả này dĩ nhiên là thứ xa xỉ đối với những người đang xử tội Eichmann, bởi vì luật pháp đã đặt tiền giả định một cách chính xác là chúng ta chung giống loài nhân loại với những kẻ chúng ta đang kết tội, xử tội và trừng phạt.
Theo những gì tôi biết, Buber là triết gia duy nhất lên tiếng trong công luận về vấn đề xử tội Eichmann (ít lâu trước khi phiên tòa bắt đầu, Karl Jaspers đã trả lời phỏng vấn qua radio từ Basel, nội dung phỏng vấn sau đó được tạp chí Der Monat in lại. Trong cuộc phỏng vấn này Jaspers tranh luận rằng vụ việc phải được xử bởi một tòa quốc tế chứ không phải một tòa Israel.); thật đáng thất vọng là Buber đã né tránh ngay từ đẳng cấp cao nhất có thể vấn đề với Eichmann và những hành vi của y.
Luận điểm ít phổ biến nhất phản đối vụ xử Eichmann là từ những người chống lại việc tử hình tội phạm nói chung, trên nguyên tắc và không kèm theo điều kiện. Các luận điểm của họ luôn có lý vì họ không phải cụ thể hóa ra là nó áp dụng trong vụ việc này thế nào. Họ có vẻ cảm thấy – một cảm giác tôi nghĩ là chính xác – rằng luận điểm của họ không phải là một luận điểm nhiều hứa hẹn để có thể tranh luận.
Adolf Eichmann đã ngẩng cao đầu bước lên đoạn đầu đài. Y đã xin một bình rượu đỏ và uống hết nửa chai. Y từ chối sự giúp đỡ của cha cố đạo Tin Lành Đức cha William Hull, người đã tỏ ý muốn đọc Kinh Thánh cho y: Y bảo y chỉ còn hơn hai tiếng để sống và vì thế “không có thời gian để phung phí”.
Y bước năm mươi thước từ buồng giam đến phòng tử hình một cách bình tĩnh với dáng người thẳng, hai tay bị còng đằng sau. Khi quản tù buộc mắt cá chân và đầu gối của y lại, y xin họ buộc lỏng để y có thể đứng thẳng. “Tôi không cần nó,” y nói khi chiếc khăn trùm đầu màu đen được mang đến.
Y đã hoàn toàn làm chủ bản thân, không, y còn hơn thế nữa: y đang hoàn toàn là chính mình. Không có gì có thể diễn tả được điều này một cách thuyết phục hơn chính sự ngớ ngẩn đầy lố bịch của những lời y nói cuối cùng.
Y bắt đầu bằng việc khẳng định dứt khoát rằng y là một người theo thuyết thần giáo tự nhiên, không phải là một tín đồ Thiên chúa giáo và không tin vào cuộc sống sau cái chết (life after death). Rồi y nói tiếp: “Sẽ không lâu nữa, thưa các quý ông, chúng ta sẽ gặp lại nhau. Đó là số phận của loài người. Vinh quang nước Đức, Vinh quang nước Argentina, Vinh quang nước Áo. Tôi sẽ không bao giờ quên họ.”
Đối mặt với cái chết, y lại dùng chính thứ sáo ngữ hay dùng trong các điếu văn tang lễ. Dưới giá treo cổ, trí nhớ y đã chơi y lần cuối; y đã “phấn khởi” mà quên rằng đây chính là đám tang của y.
Cứ như thể trong những phút cuối cùng đó, y tổng kết lại hết bài học mà khóa học đằng đẵng về sự tai quái của loài người vẫn luôn muốn dậy chúng ta – bài học về một thứ đáng sợ, một thứ chối từ mọi ngôn từ và suy tư: sự tầm thường của cái ác.”
Tìm đọc:
Sách “Eichmann tại Jerusalem – Một Báo Cáo về Sự Tầm Thường của Cái Ác”- Hannah Arendt (Penguin Books 2006) trên AmazonCác tác phẩm của Hannah Arendt trên AmazonPhiên tòa xử Eichmann tại Jerusalem (Youtube)Sự tầm thường của cái ác – Linh Vũ (Talawas)