Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Đọc thêm bài viết: 4 lý do bạn không nên ứng tuyển vào trường Luật
Một mùa tuyển sinh bận rộn nữa lại đến. Các sinh viên, học sinh hay thậm chí … phụ huynh thường xem đây là một trong những lựa chọn cực kỳ quan trọng của đời người, ít nhất là tại Việt Nam. Chắc chắn có rất nhiều bạn trẻ đang nghĩ đến các trường đại học Luật như một sự chuẩn bị nghề nghiệp trong tương lai. Dưới đây sẽ là 4 lý do bạn có thể tham khảo khi suy nghĩ đến việc nộp đơn vào trường Luật.
Đa dạng hóa lựa chọn nghề nghiệp trong tương lai
Một trong những đặc điểm của các sinh viên tốt nghiệp trường Luật là sự đa dạng định hướng và lựa chọn nghề nghiệp. Họ vẫn hoàn toàn vận dụng những kiến thức mình được học mà không cần phải “làm trái nghề”, “làm không đúng chuyên ngành”.
Từ các vị trí truyền thống trong ngành luật như luật sư nội bộ, luật sư độc lập đến các vị trí trong ngành Kế toán – Kiểm toán, các chức danh thuộc lĩnh vực bất động sản, những vị trí thuộc tài chính – ngân hàng hay kể cả phóng viên, biên tập viên của một số tờ báo chuyên môn. Điều gì tạo nên sự đa dạng “định hướng nghề” như vậy?
Thứ nhất, với hệ thống các bài học tại trường Luật có liên quan đến pháp luật, kỹ thuật và nguyên tắc về soạn thảo văn bản quy chuẩn, các kỹ năng về tranh luận – lập luận, kiến thức liên quan đến tâm lý học hoặc lễ tân ngoại giao… các sinh viên luật có thái độ học nghiêm túc chắc chắn không bị bỡ ngỡ trước các nhu cầu của các nhà tuyển dụng nghề nhiệp liên quan đến xã hội học.
Trở thành sinh viên Luật có thể giúp bạn đa dạng hóa lựa chọn nghề nghiệp trong tương lai. Ảnh minh họa: Đại học Luật TP.HCM
Thứ hai, pháp luật luôn phát triển song hành với tất cả các lĩnh vực và quan hệ xã hội. Chính vì vậy, sự tiến hóa của nghề luật thường đi kèm với sự phát triển của rất nhiều lĩnh vực và chuyên ngành chuyên sâu, tạo nên rất nhiều cơ hội nghề nghiệp. Lấy ví dụ về các lĩnh vực thực hành luật như Pháp luật Năng lượng, Pháp luật Thể thao hay Pháp luật Vận tải biển vốn rất phổ biến tại các quốc gia phát triển nhưng vẫn ít được nhắc đến tại Việt Nam. Có thể nói cơ hội nghề nghiệp của ngành luật vẫn còn rất khả quan tương ứng với tình hình phát triển kinh tế xã hội hiện tại.
Cơ hội để tiếp cận và tìm hiểu các vấn đề xã hội
Khi đứng trước một sự kiện, hiện tượng xã hội, người học luật có thể phân tích, lý giải, xác định loại quan hệ xã hội, pháp luật điều chỉnh, nguyên tắc pháp lý chung cần áp dụng; cũng như với quan điểm và thế giới quan của riêng mình, họ sẽ có thể đưa ra các kiến nghị chung về tính hợp pháp của hành vi, hiện tượng xã hội hay ngược lại, cả tính hợp lý của quy định, nguyên tắc pháp luật đó.
Những lý thuyết, giả định và ý kiến mà một người nghiên cứu và tìm hiểu luật đưa ra thường có lồng ghép sự cân nhắc hệ quả và kinh nghiệm pháp lý, có cái nhìn đa chiều và quan trọng hơn là thường chuẩn xác ở một mức độ nhất định (dựa trên xu hướng pháp luật nói riêng và đồng thuận xã hội nói chung).
Với luật học, bạn có thể tiếp cận với nhiều góc độ khác nhau các vấn đề xã hội nóng bỏng. Ảnh: Vụ việc quán Xin Chào gần đây / Phan Thương – Thanh Niên
Không chỉ dừng lại ở đó, Luật học luôn có mối quan hệ mật thiết và có độ tương tác cao với các ngành khoa hoc xã hội khác như Tâm lý học, Xã hội học, Kinh tế học, Thương mại và Khoa học Chính trị, Địa chính trị.v.v. Nếu bạn muốn học một nghề có thể kiếm tiền từ nó mà vẫn có cơ hội tiếp cận và thấu hiểu kiến thức từ hàng loạt các ngành khoa học khác, trường Luật chính là nơi dành cho bạn.
Một nghề tích trữ kiến thức lâu dài
Khác với một số ngành nghề mang tính năng động và có xu hướng hút cạn ý tưởng cũng như chất xám của người hành nghề trước khi chuyển sang tìm kiếm một thế hệ mới năng động hơn, sáng tạo hơn; luật là ngành có bảo hiểm cho những người tận tụy và theo đuổi đến cùng, bất kể bạn đang làm việc trong phân nhánh nào của nghề này, một luật sư, một chuyên viên pháp lý nội bộ hay một phóng viên pháp luật.
Nghề luật là một nghề được “bảo hiểm”. Ảnh minh họa: legalcareer
Những kiến thức pháp lý, khoa học xã hội, kinh nghiệm hành nghề tích tụ được trong một khoản thời gian dài không chỉ khiến các luật sư, luật gia luôn nhận được sự tôn trọng cao từ phía cộng đồng mà còn giúp họ tạo ra những giá trị kinh tế vô cùng lớn.
Cơ hội để tham gia vào quá trình cải thiện xã hội
Với nghề luật, bạn có thể tham gia vào những hoạt động cải thiện xã hội ở một vai trò hoàn toàn chủ động.
Chúng ta có thể kể đến các hoạt động hỗ trợ pháp lý miễn phí đã trở nên thông dụng, phục vụ các nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội; hoặc các chương trình bảo vệ công lý mà nhiều luật sư Việt Nam hiện nay đang tham gia, góp phần phát hiện, báo động án oan sai, sai phạm của cơ quan nhà nước cũng như cứu giúp được nhiều người vô tội. Cũng còn rất nhiều hoạt động khác như giáo dục, thông tin pháp luật, đóng góp ý kiến xây dựng dự thảo pháp luật… đều góp phần tích cực tạo dựng nên một xã hội công bằng, dân chủ hơn.
Luật sư Phạm Công Út, một trong các luật sư bảo vệ cho “người tù thế kỷ” Huỳnh Văn Nén. Ảnh: Phước Tuấn / Vnexpress.
Nếu bạn luôn có ước mơ trở thành một luật sư hay chỉ là một trong những điều nói trên khiến bạn hứng thú, chắc chắn trường luật luôn mở rộng cửa chào đón bạn./.