Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Lời người dịch:
“Civil Disobedience”, bài luận nổi tiếng nhất của Henry David Thoreau (1817-1862), nhà văn và nhà tư tưởng Mỹ, ra đời sau khi ông bị giam một đêm trong tù vì khước từ đóng thuế để phản đối cuộc Chiến tranh Mexico và chế độ nô lệ đang phát triển ở Mỹ. 160 năm sau, sau những gì đang diễn ra trên khắp thế giới càng thấy bài tiểu luận này vẫn đầy tính thời sự, và không chỉ đối với nước Mỹ.
Các kỳ liên quan:
Bất tuân dân sự – Kỳ 1: Chính phủ tốt nhất là chính phủ cai trị ít nhất
Bất tuân dân sự – Kỳ 2: Giá của một người trung thực
Bất tuân dân sự – Kỳ 3: Làm gì với những đạo luật bất công?
Bất tuân dân sự – Kỳ 4: Bắt đầu từ không đóng thuế?
—
Con người thời nay phải có thái độ như thế nào đối với chính phủ Mỹ. Tôi xin trả lời rằng, gắn bó với nó là đã nhục nhã rồi. Tôi không bao giờ công nhận cái tổ chức chính trị vốn là chính phủ của kẻ nô lệ là chính phủ của mình.
Tất cả mọi người đều công nhận quyền làm cách mạng; nghĩa là, quyền từ chối trung thành với và chống lại chính phủ khi những hành động bạo ngược hay sự bất tài của nó đã trở thành không thể chịu đựng được nữa. Nhưng, hầu như tất cả mọi người đều nói rằng hiện nay chưa đến mức như thế. Họ nghĩ rằng đấy là tình hình trong cuộc cách mạng năm 1775.
Nếu người ta nói với tôi rằng chính phủ này không ra gì vì nó đánh thuế một số hàng hóa ngoại quốc được đưa vào cảng nước mình, thì có nhiều khả năng là tôi sẽ không cuống lên vì chuyện đó, vì tôi có thể sống mà không cần những món hàng đó. Máy móc nào chả có ma sát, và có khả năng là cái máy này làm được khá nhiều việc tốt đẹp để loại trừ cái xấu xa. Dù thế nào thì ồn ào về chuyện này cũng là việc quá xấu xa. Nhưng khi ma sát tạo ra được những cỗ máy của chính mình, còn áp bức và cướp bóc trở thành những hiện tượng có tổ chức, thì tôi nói: Chúng ta không cần cái máy này nữa. Nói cách khác, khi một phần sáu dân cư của đất nước tự tuyên bố là vùng đất của tự do lại là những người nô lệ, còn đất nước thì bị quân đội nước ngoài chinh phục và cai trị một cách bất công và phải tuân theo luật quân sự thì tôi nghĩ rằng đấy là lúc để những người trung thực nổi dậy và làm cách mạng. Nhiệm vụ này còn trở thành khẩn thiết hơn nữa, đấy là khi đất nước bị chinh phục không phải là đất nước của chúng ta, còn quân xâm lược lại là quân đội của chúng ta.
Paley, được nhiều người coi là rất có uy tín khi bàn về các vấn đề đạo đức, trong chương “Nghĩa vụ tuân chủ chính phủ dân sự”, nói rằng, tất cả trách nhiệm dân sự đều là do lợi ích mà ra; sau đó ông ta viết:
“Khi mà quyền lợi của toàn xã hội đòi hỏi, nghĩa là, khi không thể chống lại hay thay chính phủ hợp pháp mà không gây ra bất tiện cho xã hội thì Chúa nói rằng phải phục tùng chính phủ hợp pháp – nhưng chỉ cho đến lúc đó mà thôi, không hơn. Từ nguyên tắc này, ta thấy rằng tính chính đáng của mỗi trường hợp phản kháng phải được tính toán bằng cách so sánh những bất công mà chính phủ đã tạo ra với giá phải trả cho những biện pháp sửa chữa”.
Mỗi người phải tự đánh giá, ông ta nói như thế. Nhưng, dường như Paley không bao giờ nghĩ tới những trường hợp, khi mà nguyên tắc lợi ích không thể áp dụng được, đấy là khi nhân dân, cũng như từng cá nhân riêng lẻ, phải giành lấy công lý bằng mọi giá. Nếu tôi giành giật một cách bất công tấm ván từ tay một người sắp chết đuối thì tôi phải trả lại cho người đó, mặc dù chính tôi đang bị chìm. Nhưng theo Paley thì đây là việc làm không phù hợp. Nhưng trong trường hợp như thế, kẻ cứu được mạng mình lại là người đánh mất nó. Dân tộc ta không được giữ nô lệ và không được đánh nhau với Mexico nữa, dù cái giá phải trả là sự tồn tại của chính dân tộc này.
Trong thực hành, các dân tộc đều đồng ý với Paley, nhưng chả lẽ có ai đó nghĩ rằng trong cuộc khủng hoảng hiện nay, Massachusetts đã hành động một cách công chính hay sao?
Thực chất là, không phải một trăm ngàn chính trị gia miền Nam mà là một trăm ngàn thương gia và địa chủ ở đấy phản đối công cuộc cải cách ở Massachusetts, đấy là những người coi thương mại và nông nghiệp cao hơn là nhân tính và chưa sẵn sàng đối xử một cách công bằng đối với những người nô lệ và Mexico, với bất cứ giá nào. Tôi không tranh cãi với những kẻ thù ở xa, mà tranh cãi với những người hàng xóm của mình, những người cộng tác với họ và làm theo mệnh lệnh của những người ở xa, không có những người này thì kẻ thù ở xa sẽ trở thành vô hại. Chúng ta thường nói rằng, quần chúng nhân dân chưa sẵn sàng; nhưng sự cải thiện diễn ra một cách chậm chạp vì số ít kia cũng chẳng thông thái hay là tốt đẹp hơn hẳn đám quần chúng kia. Điều quan trọng không phải là nhiều người cũng phải tốt như bạn, mà quan trọng là phải có điều thiện cao nhất, làm cho cả mẻ bột lên men.
Nếu có hàng ngàn người nghĩ rằng mình phản đối chế độ nô lệ và chiến tranh, nhưng trên thực tế lại không làm gì để chấm dứt những hiện tượng như thế; những người tự coi mình là hậu duệ của Washington và Franklin, lại ngồi, tay đút túi và nói rằng họ không biết phải làm gì và không làm gì; những người thậm chí còn muốn giải quyết vấn đề thương mại tự do trước khi giải quyết vấn đề tự do, và sau mỗi bữa ăn trưa lại lặng lẽ đọc bản thông báo giá cả cùng với những tin tức mới nhất từ Mexico và có thể ngủ quên lúc nào không hay.
Giá của một người trung thực và người yêu nước hiện nay là bao nhiêu? Họ lưỡng lự, và họ hối hận, đôi khi họ cũng viết những bản kiến nghị; nhưng họ chẳng làm được việc gì nghiêm túc và đến nơi đến chốn hết. Họ sẽ tiếp tục ngồi đợi, lòng đầy cảm khái; và để mặc cho những người khác khắc phục tai họa đó, để họ không còn phải hối hận vì nó nữa. Đối với sự nghiệp chính nghĩa, điều lớn nhất mà họ có thể làm là bỏ vào hòm lá phiếu chẳng có giá trị gì, cùng với sự ủng hộ mờ nhạt và lời chúc thành công. Cứ một người đức hạnh thì có chín trăm chín mươi chín người bảo vệ đức hạnh; nhưng tiếp xúc với một người thực sự sở hữu một cái gì đó thì dễ dàng hơn hẳn so với việc tiếp xúc với người tạm thời đứng gác cái đó.
Còn tiếp