Giới thiệu sách: “Hiến Pháp Mỹ” – Tinh hoa của Kỷ Khai Sáng

Giới thiệu sách: “Hiến Pháp Mỹ” – Tinh hoa của Kỷ Khai Sáng

Hiến pháp Mỹ là bản hiến pháp lâu đời nhất và nổi tiếng nhất với trên 200 năm lịch sử. Từ khi có hiệu lực vào năm 1789, nó đã được tham khảo để làm mô hình cho các hiến pháp của những quốc gia khác.

Thủ tướng Anh Gladstone (1809 – 1898) đã miêu tả Hiến pháp này là “tác phẩm tuyệt vời nhất từng được sản sinh ra vào một thời điểm nhất định bởi trí óc và mục đích của con người”. Cho đến nay, Hiến pháp Mỹ vẫn tiếp tục chứng tỏ giá trị quan trọng của nó, khi mà nó vẫn là nền tảng của mọi hoạt động trong đời sống chính trị Mỹ, và vẫn là cơ sở cho một trong những nền dân chủ tự do, ổn định, và bền vững nhất.

  • Tác giả: Minh Anh

Không phải ngẫu nhiên mà Hiến pháp Mỹ lại có được các giá trị như vậy, mà đó là kết quả của hai yếu tố quan trọng: (1) về phương diện tư tưởng, đó là kết tinh của những thành tựu tư tưởng chính trị của thời kì Khai Sáng, và (2) về phương diện thực tiễn, thì phản ánh đúng thực tiễn và trình độ chính trị của người Mỹ lúc bấy giờ.

[KhaiMinh][Cover]Quyen3-HienPhapMy

Quyển 3 trong loạt sách nhập môn Triết Học Chính Trị của nhóm Tinh Thần Khai Minh nói về Hiến Pháp Mỹ.

Về phương diện tư tưởng, trước thời điểm ra đời bản Hiến pháp Mỹ, Phương Tây đã trải qua một giai đoạn quan trọng trong lịch sử của nó, đó là thời kỳ Khai sáng. Trong giai đoạn này, các nhà tư tưởng chính trị như Hobbes, Locke, Montesquieu, Rousseau, Voltaire đã đưa ra các lý thuyết chính trị mới. Và những lý thuyết này đã được tác giả của bản hiến pháp là Madison, cũng như những người khác vận dụng để hình thành nên hiến pháp, điều này được thể hiện ở các điểm sau:

  • Nhu cầu cho một chính quyền trung ương mạnh, đây chính là một trong những mục đích của Hội nghị lập hiến, cũng như của Hiến pháp. Bởi trước đó, Mỹ đã có bản hiến pháp đầu tiên gọi là Các điều khoản liên hiệp, tuy nhiên với bản hiến pháp này, chính quyền liên bang quá yếu, không thể giải quyết được các vấn đề đối nội giữa các bang, cũng như vấn đề đối ngoại giữa liên bang và các quốc gia khác, dẫn đến nguy cơ xung đột, tan rã. Do đó một chính quyền trung ương mạnh là cần thiết (Hobbes).
  • Quyền lực thuộc về nhân dân, hay chính quyền do nhân dân tạo nên, và quyền lực của nó do nhân dân ủy nhiệm, và nếu chính quyền không thể hoàn thành bổn phận mà nhân dân ủy nhiệm thì nhân dân có quyền thay thế chính quyền, hoặc lật đổ chính quyền trong trường hợp nó chống lại nhân dân (Locke, Rousseau).
  • Chính quyền giới hạn, tức quyền lực của chính quyền phải được quy định rõ, và chính quyền chỉ được thi hành những quyền đó, còn khi vượt ra ngoài các quyền đó, các quyền mà nhân dân quy định, thì khi đó nó đang hành động một cách bất hợp pháp (Locke).
  • Phân chia, kiểm soát và cân bằng quyền lực. Để không sử dụng quyền lực tùy tiện thì nó cần phải phân chia thành ba nhánh hành pháp, lập pháp, và tư pháp; đồng thời ba nhánh này có thể kiểm soát và cân bằng lại lẫn nhau. Điều này dựa trên các ý tưởng như, ‘Con người không phải là thần thánh, không ai được nắm giữ quá nhiều quyền lực’, ‘Quyền lực tuyệt đối dẫn tới tha hóa tuyệt đối’ , hay ‘tham vọng phải được kiềm chế bởi tham vọng’ (Montesquieu).
  • Tuyên ngôn về các quyền cơ bản, đó là người dân có các quyền cơ bản và chính quyền phải bảo vệ như quyền tự do tôn giáo, tự do ngôn luận và tự do báo chí (Voltaire).

Về phương diện thực tiễn, (1) người Mỹ là những người di cư từ Châu Âu, một bộ phận lớn trong số họ là tầng lớp trung lưu, có học thức nhưng do bất đồng về sự đàn áp tôn giáo và chính trị tại Châu Âu nên đã di cư sang Mỹ để kiến tạo một môi trường chính trị khoan dung, bình đẳng, tự do hơn. (2) Trước thời điểm lập quốc, trên đất Mỹ gồm mười ba quốc gia được tổ chức theo các nguyên tắc dân chủ, có những nơi là dân chủ trực tiếp, có những nơi là dân chủ đại diện, tất cả những nơi này đều thấm thấm nhuần nguyên tắc tối cao đó là chủ quyền thuộc về nhân dân. (3) Những người tham gia xây dựng hiến pháp đều là những người có học thức cao, hiểu rõ các lý thuyết chính trị Khai Sáng, cũng như có kinh nghiệm lãnh đạo chính trị Madison, Hamilton… tại bang của họ. (4) Quá trình lập hiến, thông qua hiến pháp kéo dài trên cơ sở của các nguyên tắc thỏa hiệp và đồng thuận để thúc đẩy lợi ích chung, vốn là yếu tố căn bản trong thực tiễn vận động của nền dân chủ như:

  • Thỏa hiệp lớn, trong đó Quốc hội gồm hai viện, với đại diện bình đẳng tại Thượng viện, và đại diện theo tỷ lệ tại Hạ viện.
  • Thỏa hiệp 3/5 về vấn đề nô lệ, thỏa hiệp về việc bầu chọn tổng thống, thoải hiệp về thương mại
  • Thể chế liên bang, trong đó phân chia quyền lực giữa chính quyền liên bang và chính quyền bang
  • Nền cộng hòa, hay dân chủ đại diện, bác bỏ nền dân chủ trực tiếp, từ kinh nghiệm của ở các bang áp dụng mô hình này như Massachusetts, cũng như kinh nghiệm của nền dân chủ trực tiếp của Hy lạp cổ đại.

Từ những điều trên ta thấy rằng, Hiến pháp Mỹ chính là hệ quả tất yếu của thực tiễn chính trị Mỹ, trong đó người dân đã có trình độ nhận thức, cũng như kinh nghiệm tự trị dân chủ rất cao.

dc110084226416677fe611bae9c555b9fdf1700f

Việt Nam chúng ta cũng có hiến pháp, tuy nhiên hiến pháp của chúng ta liên tục thay đổi, và về căn bản, bản hiến pháp đó chứa đựng các nguyên tắc chính trị hoàn toàn khác với các nguyên tắc được xây dựng trong Hiến pháp Mỹ. Thực tế cho thấy rằng, hiến pháp của chúng ta không chứng tỏ được giá trị của nó như là nền tảng của mọi hoạt động của đời sống chính trị, mà phần nhiều mang tính hình thức, nhằm mục đích hợp pháp hóa sự cai trị. Điều này bắt nguồn từ việc chúng ta chưa từng có kinh nghiệm tự trị dân chủ, cũng như chưa nhận thức đúng về ý nghĩa của các nguyên tắc chính trị như chủ quyền nhân dân, chính quyền giới hạn, bảo vệ các quyền tự do của người dân… cũng như về vai trò của hiến pháp trong đời sống chính trị. Một khi hiến pháp không trở thành nền tảng của sự cai trị, thì nó sẽ được thay thế bởi ý chí tùy tiện của các cá nhân, các tổ chức, hay tóm lại là các hình thức ‘nhân trị’, và điều này không chỉ có hại đối với việc bảo vệ các quyền tự do của người dân, mà còn cả cho sự thịnh vượng của quốc gia.

Do đó, mục đích của chúng tôi khi sưu tầm tài liệu biên soạn cuốn sách này là giúp cho độc giả hiểu hơn về một văn bản quan trọng trong lịch sử của nước Mỹ, cũng như nhận thức tốt hơn về các nguyên tắc tổ chức của nhà nước dân chủ phải chứa đựng trong hiến pháp cũng như tầm quan trọng của hiến pháp đối với sự phát triển của một quốc gia. Hy vọng rằng cuốn sách này có thể mang đến cho độc giả những điều bổ ích đáng kỳ vọng ấy.

Bấm vào đây để tải sách

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.