Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Café Luật Khoa
—
Scott Frederick Turow (sinh năm 1949) là một luật sư và nhà văn người Mỹ.
Ông tốt nghiệp đại học ngành văn chương Anh, có bằng thạc sỹ văn học sáng tạo tại Stanford, và tham gia giảng dạy văn chương vài năm trước khi quyết định đi học luật tại trường luật đại học Harvard. Ông hoàn thành khóa học luật 3 năm tại Harvard vào năm 1978 và trở thành luật sư. Sau đó ông phục vụ nhà nước trong vai trò phó chưởng lý thành phố Chicago tham gia điều tra và truy tố các vụ án tham nhũng.
Năm 1986, Turow chuyển sang làm luật sư tư nhân và viết văn. Turow nhanh chóng gây tiếng vang trong làng văn Mỹ và được xem là cha đẻ của thể loại trinh thám pháp lý (legal thriller), một thể loại vốn đã khá được biết đến tại Việt Nam qua các tác phẩm của nhà văn John Grisham.
Tác giả Scott Turow (Hình họa của Jillian Tamaki – Báo New York Times)
Tuy nhiên giới luật sư và sinh viên luật Mỹ có lẽ nhớ đến Turow nhiều nhất qua một tác phẩm phi hư cấu do ông viết khi còn đang học năm thứ hai trường luật Harvard: “L-Một, Câu Chuyện Có Thật Về Năm Học Đầu Đầy Náo Động Của Một Sinh Viên Luật Harvard” (One L: The Turbulent True Story of a First Year at Harvard Law School). L-Một, hay One L, là tên gọi tắt dành cho năm thứ nhất trong trường luật tại Mỹ.
“L-Một” của Turow là một cuốn tự truyện chi tiết, nhiều thành thực, ít tô vẽ, và đầy những ưu tư của một chàng trai 27 tuồi về những ngày vất vả đèn sách bên trong ngôi trường luật tiếng tăm và nóng bỏng tranh đua kèn cựa nhất nước Mỹ.
Những áp lực cực lớn từ môi trường học đường Harvard đã buộc nhiều bạn học của Turow phải đánh đổi không chỉ thời gian công sức, mà còn cả niềm tin vào những lý tưởng đẹp đẽ của tuổi trẻ về con người, về cuộc sống, và về xã hội.
—
Trích đoạn “L-Một, Câu Chuyện Có Thật Về Năm Học Đầu Đầy Náo Động Của Một Sinh Viên Luật Harvard”
(One L: The Turbulent True Story of a First Year at Harvard Law School) – Scott Turow (Penguins Books 2010)
“… Ngày 01 tháng 10 năm 1975 (Thứ Tư)
Công việc gồng gánh nặng nhọc, nói một cách trừu tượng, dường như bắt đầu trong tất cả các môn học của chúng tôi vào giai đoạn này. Trong ba tuần đầu tiên các giáo sư gần như là chỉ trình bày cho chúng tôi thấy bản phác họa thiết kế của mỗi môn học, những nguyên lý cơ bản và những thuật ngữ mà chúng tôi phải làm chủ trước khi chúng tôi có thể hiểu bất kỳ gì khác.
Bây giờ thì chúng tôi bắt đầu phải học những bài học thực sự về việc làm thế nào để ráp cả ngôi nhà lại với nhau. Chúng tôi đi vào việc nghiên cứu một cách chi tiết hơn các điều luật trong mỗi đề tài pháp lý riêng biệt của mỗi môn học. Trong môn Tố Tụng Pháp (procedure) chúng tôi phải đọc các án lệ về quyền tài phán, một chủ đề rất phức tạp liên quan đến thời điểm, cách thức, và chủ thể mà một tòa án có thể áp dụng quyền lực của nó. Trong môn Hành Vi Xâm Quyền (Torts), chúng tôi tiếp tục nghiên cứu về các hành vi xâm hại cố ý – đe dọa hành hung (assault), hành hung (battery), cầm tù trái luật (false imprisonment) – và các hình thức bào chữa như có đồng thuận (consent) và tự vệ chính đáng (self-defense).
Trong việc học sâu thêm như thế, chúng tôi có vẻ bắt đầu quy trình học đường truyền thống vốn đã được mô tả trong các sách mục lục và sách hướng dẫn của trường. Trường luật Harvard, cũng như nhiều trường khác, được gọi là các “trường luật quốc gia” (national law school). Có nghĩa là trường không chú trọng vào riêng luật của một bang nào. Trái lại, bằng việc so sánh các án lệ từ khắp đất nước chúng tôi phải qua đó nhìn nhận được cái chung, cái cốt yếu của nền thông luật Mỹ và các phương pháp tư duy và chiến lược tiêu biểu trong tư duy pháp lý.
Khi mới đọc mấy cái này tôi thấy chúng có vẻ bí ẩn, nhưng ngày qua ngày các hoạt động trong chương trình cơ bản của trường luật và phương pháp học qua án lệ (case method) bắt đầu cảm thấy quen thuộc hơn.
Ví dụ trong môn Hợp Đồng (Contracts), chúng tôi bắt đầu học về Diễn Giải (Interpretation), các cách mà một quan tòa có thể quyết định xem ngôn từ trong một hợp đồng có ý nghĩa như thế nào. Ông ta sẽ nghe theo bên A vốn đã nói thế này? Hay bên B vốn đã nghe thế nọ? Ông ta sẽ tìm cách suy ra vụ việc qua cái nhìn của một người duy lý (reasonable person) đặt mình trong hoàn cảnh của một trong hai bên của vụ việc? Hay là ông ta sẽ chỉ chấp nhận ngôn từ trong hợp đồng theo đúng nghĩa thông thường của chúng?
Giáo sư Elena Kagan (hiện nay là một thẩm phán Tối Cao Pháp Viện) trong một giờ giảng tại trường luật Harvard (Nguồn ảnh: newbostonpost.com)
Diễn biến của mỗi buổi học trong tuần thường giống nhau. Đầu tiên thầy Perini* [giáo sư môn Hợp Đồng] sẽ gọi một sinh viên đứng lên trình bày các dữ kiện của một vụ việc; sau đó Perini sẽ yêu cầu người đó xác định vấn đề nòng cốt của vụ việc.
Trong một án lệ mà bên nguyên kiện đòi tiền thuê đất nền (ground rent), “vấn đề” được làm hẹp lại là từ “nhà” (house) trong hợp đồng bán nhà có nghĩa đơn thuần là nhà thôi hay có nghĩa bao gồm cả đất bên dưới nhà.
Xác lập vấn đề rồi thì thầy Perini sẽ yêu cầu sinh viên đó suy xét kết quả của vụ việc, đặt câu hỏi rằng vị thẩm phán đã nhìn vào vụ việc từ quan điểm của ai và chuẩn mực cho việc diễn giải của ông ta đã là gì.
Rồi thầy Perini sẽ yêu cầu tiếp sinh viên đó so sánh các chuẩn mực diễn giải trong vụ này với các chuẩn mực diễn giải trong các vụ khác. Ông ta sẽ yêu cầu người sinh viên tìm cách dung hòa các quyết định trong các án lệ khác nhau, giải thích các cách mà các án lệ này có vẻ là đang tạo dựng nên những nguyên tắc thống nhất về diễn giải, và chỉ ra những khác biệt đến từ bối cảnh và dữ kiện khác nhau của mỗi vụ.
Ví dụ, chúng tôi thấy được là các tiêu chuẩn diễn giải trong các vụ việc mà hợp đồng được ghi thành văn bản rất khác các tiêu chuẩn diễn giải trong các vụ việc mà hợp đồng chỉ là từ thỏa thuận miệng.
Cuối cùng thầy Perini sẽ đề cập đến thứ mà ông ta thỉnh thoảng gọi là “các vấn đề tư duy sâu” (deep-thought issues) và gọi theo cách sinh viên hay gọi thì là “các câu hỏi chính sách” (policy questions). Chúng ta nên cho phép các thẩm phán được tùy nghi diễn giải hợp đồng đến mức độ nào? Cho phép quá nhiều thì vị thẩm phán về bản chất là đang tự soạn ra một hợp đồng của chính ông ta, thay vì của các bên liên quan. Cho phép quá ít thì vị thẩm phán có lẽ phải chấp nhận mà không hỏi han gì lại được các hình thức dối trá và bất công.
Các giáo sư khác không dạy đúng theo cách của thầy Perini. Thầy Perini thường dành cả buổi cho một án lệ, tập đi tập lại phương pháp phân tích từng bước nói trên. Thầy Morris [giáo sư môn Tố Tụng Pháp] thì giảng nhiều án lệ trong một buổi, đặt chúng đối lập với nhau theo một cách dễ hiểu hơn và làm nhiều việc thay sinh viên hơn là thầy Perini. Thầy Zechman [giáo sư môn Hành Vi Xâm Quyền] thì thường biến các án lệ thành các “vụ việc giả tưởng” rất đặc biệt của ông mà ông sẽ thay đổi từng ít một, từng vấn đề một, để chúng tôi có thể thấy cách mà mỗi dữ kiện được liên kết đến nguyên tắc chung cuối cùng. Thầy Mann [giáo sư môn Hình Sự] thường chỉ giảng bài. Nhưng trong mỗi môn học, quá trình so sánh và phân biệt nhằm suy ra luật thường được lập lại theo nhiều cách.
Ví dụ trong môn Hình Sự, chúng tôi đang đắm chìm trong Bộ Luật Hình Sự Mẫu (Model Penal Code) và công việc chán chết đi được đó là đọc luật thành văn. Mỗi ngày, thầy Mann cho chúng tôi đối chiếu luật thành văn với các án lệ cùng chủ đề; chúng tôi so sánh và phân biệt thông luật với luật thành văn, các điều khoản của luật bang với các điều khoản của Bộ Luật Hình Sự Mẫu.
Cả cái trò xếp hình rối rắm này, từng vụ một, từng miếng một, là một quá trình dễ miêu tả hơn là thực hành. Nền thông luật thật sự là điên đầu và các án lệ có thể rẽ theo tất cả các chiều hướng. Bạn không thể thật sự gom hết tất cả vào một chỗ.
Hôm nay thầy Zechman tổng kết phần học bằng cách yêu cầu chúng tôi phân biệt hai án lệ có dữ kiện như nhau nhưng kết quả lại trái ngược. Hai người đàn ông đánh lộn. Trong một án lệ họ được phép kiện nhau tội hành hung; trong vụ kia họ lại không được phép kiện vì tòa cho rằng cả hai đều là những kẻ vi phạm pháp luật. Mọi người trong lớp đề ra đủ thứ linh tinh để phân biệt hai án lệ và theo đó giải thích kết quả khác biệt: Một vụ đánh nhau bằng chai bia, vụ kia đánh nhau bằng dao; một vụ đánh nhau ban ngày, vụ kia ban đêm.
Chả có ai trong lớp nhìn ra được điểm khác biệt rành rành nhất: hai án lệ này đến từ hai bang khác nhau, mỗi nơi nay tòa đơn giản là quyết định cùng câu hỏi theo một hướng đối nghịch. (Tôi tìm ra câu trả lời này trong cuốn Cẩm Nang Hành Vi Xâm Quyền của giáo sư Prosser. Zechman đã không hề đưa ra câu trả lời cuối cùng mà chỉ để mọi thứ mơ hồ cho đến hết buổi học – một ví dụ khác của cái cảm giác ngồi lớp học luật như ngồi trong một cái đu quay bất định).
Thông thường những mâu thuẫn giữa các vụ việc thường tinh vi hơn và nếu bạn chịu nghiên cứu kỹ thì hình dung những mâu thuẫn này sẽ hiển hiện ra. Lên và xuống, tiến và lùi. Nhảy từ những chi tiết cỏn con sang bức tranh toàn cảnh. Quá trình đó đã hoàn toàn được đưa vào guồng và nó được cho là sẽ dạy cho chúng tôi suy nghĩ như những luật sư thật sự.
Khi chúng tôi bắt đầu học về quyền tài phán trong Tố Tụng Pháp, thầy Nicky Morris đưa ra một bình luận có vẻ quan trọng.
“Tới bây giờ,” ông nói, “việc học trong trường luật bắt đầu trở nên khác việc học một ngoại ngữ mới.
Các bạn bắt đầu phải học về luật lệ và các bạn sẽ rất nhanh chóng thấy rằng có một cái giá phải trả rất cao cho việc làm chủ các luật lệ này và biết cách áp dụng chúng.
Trong việc học về các luật lệ, đừng có cảm giác rằng các bạn phải từ bỏ bản năng suy xét dựa trên đạo đức của mình. Luật pháp trong tất cả các cấp độ phát triển của nó luôn là một sự phản ánh của các hệ giá trị đối nghịch. Các bạn đừng để bản thân quay cuồng tới một điểm mà các bạn cho rằng vì mình đang học luật lệ này mình bắt buộc cũng phải chấp nhận các giá trị đã sản sinh ra luật lệ đó.”
Thư viện Langdell Hall của trường luật Harvard (Nguồn ảnh: cambridge.com)
Những lời nói này của thầy Morris đã gây ấn tượng với một số người và khi chúng tôi rời lớp đi ăn trưa, tôi đã nói về những lời nói này của thầy Morris với Gina Spitz. Gina có vẻ là một trong những con người cứng cáp nhất. Cô tốt nghiệp đại học trường Barnard và mang trong mình đầy sức sống của thành phố New York. Cô ta to con, dễ quạu, nói năng thẳng thắn và rất sáng dạ. Nhưng những gì thầy Nicky Morris nói đã tác động đến Gina theo một cách làm cho cô ấy nghe có vẻ trầm tư hơn.
“Họ đang biến tôi thành một ai đó khác,” Gina nói, đề cập đến các giáo sư của chúng tôi. “Họ đang làm tôi khác đi.”
Tôi bảo cô ta đó chính là thứ mà chúng ta gọi là giáo dục, và cô ta đáp trả rất đúng là tôi đang trêu cô ấy.
“Tôi đang bị biến thành một người tôi không hề mong muốn,” Gina nói. “Cậu không có cảm giác là cậu đang bị tẩy não (indoctrinated) sao?”
Tôi không chắc mình có cảm giác đó, nhưng khi Gina và tôi ngồi ăn trưa, tôi bắt đầu nhận ra rằng với Gina và nhiều người khác trong lớp, có một cuộc khủng hoảng đang diễn ra, một cuộc khủng hoảng chưa tác động đến tôi một cách rõ rệt như với bọn họ.
Một mặt, vấn đề nó đơn giản như chính cái cách thầy Nicky đã diễn tả nó. Các sinh viên cảm thấy họ đang bị ép buộc phải đứng chung phe với những luật lệ và ý niệm xã hội mà họ không hẳn là đồng ý.
Ví dụ trong môn Hợp Đồng, hoàn toàn có thể thấy rõ rằng thầy Perini là một người ủng hộ thuyết thị trường tự do (free-market) một cách nhiệt thành, một người tin rằng nền kinh tế quốc gia nên hoạt động mà không có sự quản lý nào của chính phủ. Thầy Perini đã rất nhanh chóng thành công trong việc cho chúng tôi thấy rằng nhiều luật lệ về hợp đồng trong thông luật thể hiện những thừa nhận mặc định theo hướng thuyết thị trường tự do như thế nào. Khi ông ta cho phép cả lớp bình luận tự do về việc có nên có những luật lệ như thế hay không, sự đáng sợ của thầy Perini khiến cho việc tranh luận lại ông ta rất khó khăn…
… Gina không phải là sinh viên duy nhất có những bình phẩm như thế. Cùng lúc, tôi nghe ba hay bốn người khác, những người tôi tôn trọng, đưa ra những lời phê bình theo ý là họ đang bị giới hạn, làm hại, bởi chính sự giáo dục, họ đang bị ép buộc phải thay thế cảm xúc bằng lý trí khô khốc, họ đang bị ép phải dung dưỡng những quan điểm rất “hợp lý” nhưng không có gốc rễ trong những kinh nghiệm cá nhân và trong cuộc đời họ có trước đây. Họ bị cắt khỏi chính cái tôi của mình.
Nhiều người có những than phiền như thế là những người học luật ngay sau khi tốt nghiệp đại học. Suy nghĩ về việc này, tôi kết luận là việc đã sống qua những năm thập niên 60, đã từng đi làm và đã kết hôn – có nghĩa là đã sống với một số nguyên tắc nhất định – cho tôi cảm giác ít cảm thấy mối đe dọa rằng những gì chúng tôi học trong lớp sẽ bằng cách nào đó có thể làm mục ruỗng một cái tôi vốn đã nằm an toàn bên trong chính mình. Nhưng không nghi ngờ gì là mối lo ngại của các bạn học của tôi là lo ngại thật sự, và lắng nghe họ làm cho tôi trở nên có ý thức hơn với những ảnh hưởng có thể có của việc học luật lên chính mình…”
* Tên các giáo sư luật trong “L-Một” là tên hư cấu do Turow đặt dù các nhân vật giáo sư có thật ngoài đời.
Bìa sách “L-Một, Câu Chuyện Có Thật Về Năm Học Đầu Đầy Náo Động Của Một Sinh Viên Luật Harvard” (Nguồn ảnh: Amazon.com)
Tìm đọc: