Sinh viên luật Hillary Clinton

Sinh viên luật Hillary Clinton

Café Luật Khoa

Hillary Diane Rodham Clinton (sinh năm 1947) là thượng nghị sĩ Mỹ, cựu ngoại trưởng Hoa Kỳ, và là ứng cử viên đảng Dân Chủ cho chức vị tổng thống trong cuộc tổng tuyển cử năm 2016 của Mỹ.

Hillary Clinton có một sự nghiệp chính trị bắt đầu từ rất sớm, trước cả khi bà bước vào Nhà Trắng năm 1993 trong vai trò Đệ nhất phu nhân, vợ của Tổng thống Mỹ khi ấy là Bill Clinton. Trước khi trở thành một người vợ chính khách tận tụy chăm lo cho sự nghiệp của chồng mình, Hillary Clinton đã là luật sư, giảng viên luật, nhà hoạt động nhân quyền nổi bật chuyên về quyền trẻ em và quyền phụ nữ.

Thượng nghị sĩ Hillary Clinton (Nguồn ảnh: abcnews.com)

Thượng nghị sĩ Hillary Clinton (Nguồn ảnh: abcnews.com)

Bà Clinton tiếp tục sự nghiệp chính trị của mình một cách độc lập sau khi tổng thống Bill Clinton hết nhiệm kỳ và cuối cùng sau hai lần thất bại trước tổng thống Barack Obama năm 2008 và 2012, năm nay bà Clinton đã trở thành ứng cử viên của đảng Dân Chủ cho chức vị tổng thống Mỹ. Bà là ứng cử viên nữ đầu tiên cho chức vị cao nhất đất nước trong lịch sử 240 năm của đất nước cờ hoa non trẻ nhưng quyền lực bậc nhất thế giới.

Trong cuốn tiểu sử “Người Phụ Nữ Lãnh Đạo: Cuộc Đời Hillary Clinton” (A Woman In Charge: The Life of Hillary Clinton) xuất bản năm 2007 của mình, tác giả nhà báo kỳ cựu Carl Bernstein đã tường thuật lại chi tiết câu chuyện cuộc đời đầy thăng trầm của bà Hillary Clinton.

Đoạn trích sau đây về giai đoạn học luật rất sôi nổi tại Yale đầu những năm 70 sau khi tốt nghiệp đại học Wellesley của bà Clinton cho chúng ta thêm một số kiến giải về quan điểm và tư tưởng chính trị của bà.


Trích đoạn Người Phụ Nữ Lãnh Đạo: Cuộc Đời Hillary ClintonCarl Bernstein (Alfred A. Knopf xuất bản năm 2007):

“…Hillary đã luôn có tham vọng làm điều tốt một cách vĩ đại, và ngay từ những ngày học tại đại học Wellesley bà đã chớm thể hiện một bản năng trong việc trung hòa nguyên tắc với sự thực dụng – mà không phải từ bỏ những niềm tin cơ bản. Cách tiếp cận này có vẻ là một cách khả thi và mạnh mẽ để làm điều tốt trên diện rộng.

Bill Clinton cũng muốn làm điều tốt một cách vĩ đại nhưng tầm nhìn của ông bị giới hạn ở mức chính trị trần tục và thực tế. Hillary nhìn lên những tầm cao hơn và hướng tới thông điệp của linh mục John Wesley về sự phục vụ cộng đồng. Một phần những gì mà Hillary mang tới cuộc hôn nhân của bà với Bill chính là một chí hướng gần như tới mức của một đấng cứu thế, một tinh thần cao thượng, và một tầm nhìn trong sáng vượt lên trên chính trị chính thống. Bill có những niềm tin chính trị vững vàng nhưng “với Bill, bạn cảm giác ông ta chỉ muốn làm tổng thống trong khi với Hillary bà ta có một nhiệt tâm nóng hổi cho việc làm tổng thống,” một người bạn từ thời học luật cho biết. Hillary dường như đã có một niềm tin từ thời niên thiếu rằng cuộc đời của bà là một cuộc tìm kiếm bất tận để lần ra cái đúng đắn và biến nó thành sự thật.

Trong cuộc tìm kiếm đó, Hillary nộp hồ sơ và được nhận vào cả hai trường luật Harvard và Yale nhưng bà chần chừ đưa ra quyết định cuối cùng sẽ vào trường nào. Ngay từ đầu bà ngả theo hướng Yale. Chính trường luật Yale, chứ không phải trường luật Harvard, là ngọn cờ đầu của phong trào những năm 1960 xem luật pháp như là công cụ chính cho việc thay đổi xã hội, nối gót Thurgood Marshall [luật sư nổi tiếng và là thẩm phán da màu đầu tiên của Tối Cao Pháp Viện Mỹ] và suy tôn những luật sư dân quyền vốn xem tòa án – thay vì quốc hội, tổng thống hay ngành lập pháp – là nơi bắt nguồn lực đẩy cho sự hòa hợp chủng tộc và bảo vệ dân quyền của người dân Mỹ.

Thư viện trường luật đại học Yale (Nguồn ảnh: wikimedia.org)

Thư viện trường luật đại học Yale (Nguồn ảnh: wikimedia.org)

Việc chọn Yale của Hillary được chính thức quyết định sau một chuyến thăm tìm hiểu trường luật Harvard của bà, khi bà được giới thiệu với một vị giáo sư danh tiếng. Vị giáo sư này đã nói với Hillary rằng “Ừ thì đầu tiên phải nói là chúng tôi không có đối thủ thật sự. Thứ hai, chúng tôi không cần thêm phụ nữ.”

Hillary tới Yale vào mùa thu năm 1969. Bà là một trong 27 nữ sinh viên trong số 235 sinh viên luật của trường. Hillary mang theo mình từ trường Wellesley danh tiếng bản thân bà như là một nhà lãnh đạo mạnh mẽ và một nhà hoạt động có vẻ còn vĩ đại hơn những gì đã được biết đến. “Chúng tôi đều cảm thấy kính nể sự dũng cảm của Hillary,” Carolyn Ellis, một bạn học mới của Hillary, kể. “Khi cô ấy vừa có mặt là chúng tôi đã nghĩ ngay rằng cô ấy là người lãnh đạo. Chúng tôi đều đã thấy hình cô ấy trên tạp chí quốc gia và ngay ở đấy chỉ ba tháng sau chúng tôi được thấy cô ấy ngồi trong lớp với mình.” Bạn học trường luật của Hillary đều cho rằng một sự nghiệp chính trị dân cử thể nào cũng sẽ đến với Hillary và việc chọn lựa Yale chính là một sự định hướng tối ưu cho tham vọng của bà.

Năm đầu tiên trong trường luật dường như được thiết kế cho sự cất cánh như tên lửa của Hillary. Bà không hề có vẻ nghi ngờ bản thân một chút nào. Hillary “biết là cô ấy muốn trở thành một con người có ảnh hưởng chính trị hàng đầu. Cô ấy muốn sự công nhận,” một bạn học nữ nói. Tại trường Wellesley, bạn học của Hillary luôn bị cuốn hút về phía bà. Họ đều cảm nhận rằng nơi bà chính là nơi có chuyện hay ho diễn ra.

Như thường lệ, Hillary cẩn thận tính toán đường đi nước bước giữa những thái cực đối nghịch [của môi trường chính trị đại học] và hình thành nghị trình của riêng bà. Danh tiếng bà có được từ bài phát biểu kết khóa tại trường Wellesley dẫn tới việc bà nhận được lời mời tham gia ủy ban tư vấn giới thanh niên của Hiệp Hội Nữ Cử Tri (League of Women Voters).

Tháng 10 năm 1969, Hillary tham gia một hội nghị của Hiệp Hội Nữ Cử Tri tại thành phố Fort Collins, Colorado. Hội nghị có mục đích động viên các lãnh đạo trẻ tham gia chính trị chủ lưu (mainstream) hay ít ra là loại chính trị tôn trọng các thiết chế xã hội truyền thống và các phương thức nghị luận truyền thống.

Sự có mặt tại hội nghị này của Hillary để lại một ấn tượng sâu đậm cho những người cùng thời với bà. Chủ đề của hội nghị là vấn để giảm tuổi đi bầu từ 21 xuống 18. Hillary đã lập lại một khẩu hiệu cũ rằng những người nào đủ trẻ để ra chiến trường thì cũng đủ trưởng thành để đi bầu cử. Quan trọng hơn nội dung của hội nghị này chính là những người bạn mới mà Hillary gặp tại đó, những người sẽ trở thành một phần trong nhóm bạn của Rodham-Clinton trong ba thập niên sau đó.

Họ bao gồm Vernon Jordan, lúc đó đang lãnh đạo một chiến dịch đăng ký đi bầu cho người da đen miền Nam trong vai trò giám đốc của Dự án Giáo Dục Cử Tri của Hội đồng khu vực phía nam thành phố Atlanta; David Mixner, người tổ chức chính của phong trào biểu tình đòi dừng cuộc chiến tranh Việt Nam năm 1969 và sau này là một nhà lãnh đạo phong trào nhân quyền cho người đồng tính; và Peter Edelman, lúc đó là đồng giám đốc của Trung tâm công lý và nhân quyền Robert F. Kennedy và là chủ tịch ủy ban thanh niên của Hiệp Hội Nữ Cử Tri.

Cuộc gặp mặt với Peter Edelman đặc biệt có ý nghĩa. Ông kể cho Hillary biết về công việc mà người vợ tương lai của ông là Marian Wright đang làm lúc đó. Một sinh viên luật tốt nghiệp khóa năm 1963 của Yale, Marian Wright là nữ luật sư da đen đầu tiên được nhận vào luật sư đoàn bang Missisipi; lúc đó bà ta đang trong quá trình thành lập một tổ chức vận động tại Washington với chú trọng bảo vệ quyền lợi của trẻ em nghèo tại Mỹ. Hillary cảm thấy hứng thú với việc này và Peter khuyến khích Hillary gặp Marian sớm. “Bạn có thể cảm nhận ngay là bạn đang gặp một con người cực kỳ ấn tượng.” Peter nói về Hillary.

Sinh viên luật Hillary Rodham (Nguồn ảnh: pictures.ozy.com)

Sinh viên luật Hillary Rodham (Nguồn ảnh: pictures.ozy.com)

Một con đường truyền thống để xây dựng danh tiếng bản thân trong trường luật Mỹ là được bổ nhiệm vào ban biên tập một tạp chí luật và không có tạp chí nào có ảnh hưởng và quan trọng hơn các tạp chí luật của Harvard và Yale. Nhưng vào mùa xuân năm 1970, một tạp chí luật mới, Tạp Chí Luật và Hoạt Động Xã Hội trường Yale (The Yale Review of Law and Social Action) xuất bản số đầu tiên với Hillary có tên trong ban biên tập.

Tựa đề của cuốn tạp chí tuyên bố rõ mục đích của nó, cũng như phần giới thiệu do Hillary và các biên tập viên viết: “Cuốn này là số đầu tiên của Tạp Chí Luật và Hoạt Động Xã Hội. Nó là sự khởi đầu của việc tìm hiểu các lãnh vực vượt ra khỏi các mối quan tâm pháp lý truyền thống của chúng tôi. Đã qua lâu rồi các vấn đề pháp lý được định nghĩa và thảo luận như là những học thuyết hàn lâm thay vì là những chiến lược thay đổi xã hội.  Tạp Chí Luật và Hoạt Động Xã Hội là một nỗ lực vượt lên trên cách tiếp cận hạn hẹp đó để trình bày những nghiên cứu pháp luật và tác phẩm báo chí chú trọng vào các giải pháp có hệ thống cho các vấn đề xã hội.

Những lời này có vẻ là tiếp nối những gì Hillary đã nhắc đến trong bài phát biểu kết khóa tại Wellesley (“đã quá lâu rồi các nhà lãnh đạo của chúng ta sử dụng chính trị chỉ như một ngành nghệ thuật của cái khả dĩ…”).

Các mối quan tâm của Hillary “không phải là trong pháp lý học thuật,” một người bạn trường luật nói. “Các mối quan tâm của cô ấy là trong việc hành nghề luật và sử dụng luật pháp để phục vụ con người.” Một sự phục vụ như thế chính là phục vụ nhu cầu pháp lý của người nghèo – một trong những nguyên tắc sáng lập của tờ tạp chí mới.

Số đầu tiên của tạp chí mới này chủ yếu gồm hai đề tài: cuộc chiến tranh Việt Nam và phong trào Báo Đen (Black Panther) [phong trào phản kháng của người da đen theo chủ nghĩa xã hội tại Mỹ từ 1966 đến 1982]. Tâm điểm của phong trào Báo Đen vừa chuyển từ miền bắc California đến thành phố New Haven, “thành phố cảng xám xịt bang Connecticut nơi có khuôn viên trường Yale, pháo đài của tinh thần tội lỗi dân da trắng trung lưu, bị bao vây bởi một khu dân cư da đen” –   theo cách một người chế diễu.

Tại tòa án liên bang trên trung tâm thành phố New Haven, chủ tịch phong trào Báo Đen Bobby Seale và bảy đồng chí của của ông đang hầu tòa với tội giết một thành viên phong trào Báo Đen khác vốn bị cáo buộc là tay trong của cảnh sát Mỹ.  Hàng ngàn người biểu tình tập trung tại New Haven cho vụ xử án này. Họ chắc chắn rằng các thành viên phong trào Báo Đen đang bị Cục Điều Tra Liên Bang (FBI) của giám đốc Hoover ngược đãi theo lệnh của Bộ Tư Pháp dưới quyền Tổng thống Nixon. Phiên tòa kết thúc với một bồi thẩm đoàn “treo” [hung jury – bồi thẩm đoàn không quyết định dứt khoát được là có tội hay không].

Tại Washington ngày 7 tháng 5 năm 1970, Hillary là một trong những diễn giả tại hội nghị năm mươi năm của Hiệp Hội Nữ Cử Tri. Việc này cho thấy danh tiếng đang lên của bà. Hillary mang một dải băng đen trên cánh tay trong lúc phát biểu. Đấy là để tượng niệm những người bị giết trong vụ cảnh sát xả súng vào đoàn người biểu tình chống chiến tranh Việt Nam tại trường đại học Kent State. Cảm xúc của Hillary, sau này bà kể lại, thể hiện rõ khi bà tranh luận trong bài diễn thuyết rằng việc mở rộng cuộc chiến sang Campuchia là “trái luật và vi hiến.”

Với những người lớn tuổi hơn, Hillary cố gắng giải thích hoàn cảnh của những cuộc biểu tình đầy thống khổ đang diễn ra trong khuôn viên các trường đại học. Tại Yale, Hillary vận động cho sự dấn thân (engagement) “chứ không phải sự phá vỡ (disruption) hay cách mạng (revolution)”, nhiều năm sau Hillary nói như thế về giai đoạn đầy chính biến năm 1970.

Hillary đã chủ trì một buổi họp mặt nơi các sinh viên luật bỏ phiếu 329 phiếu thuận và 12 phiếu chống cho việc tham gia phong trào sinh viên cả nước bãi khóa để phản đối các động thái quân sự tại Campuchia của Mỹ. Bà đã gọi những động thái đó là “sự mở rộng một cách vô lương tâm một cuộc chiến vốn đã không nên được bắt đầu.”…

….

Bốn tuần sau hội nghị của Hiệp Hội Nữ Cử Tri, Hillary chuyển đến ở Washington trong mùa hè để làm việc cho người dẫn dắt mới của bà [Marian Edelman].

Hillary đã thuyết phục được Hội đồng Sinh Viên Luật Nghiên Cứu về Dân Quyền (Law Students Civil Rights Research Council) tài trợ một khóa học việc – thông qua hình thức một khoản trợ cấp – cho tổ chức mới của Marian Edelman là Dự án Nghiên Cứu Washington. “Tôi đã luôn thích những người có thể hoàn thành công việc,” Marian Edelman nói.

Marian giao cho Hillary việc phát triển thông tin cho một điều tra của Thượng viện Mỹ về tình trạng sống và tình trạng làm việc của những người nhập cư làm công trong các nông trại và gia đình của họ. Tiểu ban thượng viện phụ trách cuộc điều tra này là Thượng nghị sỹ Walter Mondale, người đã làm việc rất thân cận với Edelman để giúp thông qua Đạo luật về các dịch vụ trẻ em và gia đình, một thành quả pháp lý mang tính bước ngoặt tạo điều kiện cho việc trợ cấp cho giáo dục trẻ em và nhà trẻ cho những trẻ em nghèo.

Hillary biết về điều kiện sống của những gia đình người nhập cư làm công này từ những ngày làm nghề giữ trẻ cho một số gia đình này tại bang Illinois. Nhiều đứa trẻ đã đến học tại trường tiểu học của Hillary vài tháng hàng năm, và vào các sáng thứ bảy trong vụ mùa hè thu, Hillary thường ngồi trông trẻ tại các khu cắm trại của người nhập cư cùng các thành viên khác trong nhóm dạy thêm cuối tuần cho trẻ em của bà.

Nhiệm vụ của Hillary tại Washington được xây dựng trên những kinh nghiệm đó. Bà được yêu cầu báo cáo các thông tin xác thực về các khó khăn y tế và giáo dục của trẻ em nhập cư. Các nghiên cứu của Hillary tập trung vào miền Nam nơi trẻ em nhập cư phải đối mặt với một sự phân biệt chủng tộc rất ác độc, bên cạnh những thứ khác.

Các trường thuộc bang Virginia và sau đó là các trường trong các bang miền nam lúc đó có trò biến các trường công toàn học sinh da trắng thành các trường tư không cho da màu nhằm tránh phải áp dụng các chính sách hòa hợp chủng tộc do hệ thống tòa án áp đặt. Con cái da trắng của các công nhân nhập cư thì không có đủ tiền để học trường tư trong khi con cái của các công nhân nhập cư da màu và Châu Mỹ La Tinh thì không được nhận vào các trường tư vì chính sách phân biệt chủng tộc.

Chính phủ Nixon lúc đó có khuynh hướng cho phép các học viện tư nhân được hưởng việc miễn thuế như một phần trong chiến dịch thu hút một “đa số Cộng Hòa đang lớn mạnh” – bằng cách chiều theo ý của đám dân miền Nam vẫn muốn duy trì việc phân biệt chủng tộc. Đám này từ trước đến khi ấy hay bầu cho đảng Dân Chủ.

Với Hillary, mùa hè năm đó là một sự giáo dục về cách mà những người dân ít quyền lực nhất phải chịu khốn khổ vì một chính phủ hiểm ác và vì sự lạm dụng luật pháp…”

Bìa sách "Người Phụ Nữ Lãnh Đạo: Cuộc Đời Hillary Clinton" (Nguồn ảnh: amazon.com)

Bìa sách “Người Phụ Nữ Lãnh Đạo: Cuộc Đời Hillary Clinton” (Nguồn ảnh: amazon.com)

Tìm Đọc Thêm:

Sách “Người Phụ Nữ Lãnh Đạo: Cuộc Đời Hillary Clinton”- Carl Bernstein trên AmazonSách “Hồi Ký Hillary Clinton – Living History” trên Tiki.vnSách “Hồi ký Hillary Clinton: Hard Choices – Những lựa chọn khó khăn” trên trang web Nhà Sách Phương NamCuộc đời và sự nghiệp của Hillary Clinton – Bình Minh (VNExpress)

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.