2 lý do vì sao đấu tranh bất bạo động hiệu quả hơn bạo động

2 lý do vì sao đấu tranh bất bạo động hiệu quả hơn bạo động

Vì sao hai nữ khoa học gia hàng đầu của Mỹ tin rằng, hiệu quả của hình thức đấu tranh bất bạo động không hề thua kém đấu tranh bạo động mà trong nhiều trường hợp còn hiệu quả hơn?

  • Nam Quỳnh

Vụ bắn nhau tại trụ sở Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái làm ba người thiệt mạng ngày 18/8/2016 đã gây ra những phản ứng đa dạng trong công luận, đặc biệt công luận trên các trang mạng xã hội Việt Nam.

Có không ít những tranh luận về tình tiết của vụ việc, về cách đưa tin và biên tập tin tức úp mở từng giây phút như vẫn thường thấy của truyền thông Việt Nam, cũng như những bóng gió về động cơ mang màu sắc thuyết âm mưu. Bên cạnh đó, người ta cũng dễ nhìn ra một số ý kiến công luận đặc biệt sôi nổi với một tông giọng đặc biệt thể hiện sự hả hê với cái chết đẫm máu của ba vị quan chức cấp cao của một tỉnh miền bắc Việt Nam, và đáng lo ngại hơn cả là thể hiện một sự hân hoan với bạo lực chính trị.

Các ý kiến như thế có thể phần nhiều đến từ một sự thù ghét – một cách bất lực – thể chế chính trị đương quyền tại Việt Nam. Trong sự bất lực ấy, một số người có thể thấy mọi hành vi bạo lực chống lại bất kỳ ai phục vụ hay đại diện cho chính quyền Việt Nam là một hành vi bạo lực đáng cổ vũ. Nó được cổ vũ vì nó được xem là “hiệu quả”, được xem là có khả năng làm cho bản thân một chính quyền chuyên chế tàn độc phải “run sợ”, phải “khiếp nhược”, hơn bất kỳ một hành vi đấu tranh phản kháng chính trị nào.

Niềm tin vào uy quyền tuyệt đối của bạo lực trong chính trị chưa bao giờ thôi ám ảnh con người. Qua hàng nghìn năm, nó đã thổi bùng vô số những cuộc chiến và những cuộc cách mạng, mang lại những biến chuyển chính trị và xã hội lớn trên những hoang tàn đổ nát và những la liệt xác người mà nó bỏ lại từng bước chân.

Sự ra đời của tư duy phản kháng bất bạo động và những thành công ban đầu của tư duy này trong thế kỷ 20, với những nhà tư tưởng khởi xướng như Mahatma Gandhi và Martin Luther King Jr., là lần đầu tiên loài người biết đến một cách đấu tranh chính trị không dựa dẫm lên niềm tin vào uy quyền của bạo lực.

Tuy nhiên, niềm tin đó chưa bao giờ thật sự tan biến. Những thảm cảnh gần đây ở Iraq, Afghanistan, Libya và Syria luôn là những hình ảnh thường trực nhắc chúng ta nhớ đến sức cám dỗ khôn cùng của bạo lực.

Lời nói đanh thép của Mao Trạch Đông như thì thầm từ bóng đêm của lịch sử: “Quyền lực chính trị đẻ ra từ nòng súng.”

Phải chăng điều đó là sự thật? Phải chăng cách duy nhất để mang lại thay đổi chính trị là súng đạn?

Có ít nhất hai nhà nghiên cứu khoa học chính trị không đồng ý rằng chỉ có bạo lực súng ống mới mang lại thay đổi chính trị. Tên họ là Maria J. Stephan và Erica Chenoweth.

Giáo sư Erica Chenoweth trong bài thuyết trình TEDx nổi tiếng của bà “The success of nonviolent civil resistance” (Sự thành công của phản kháng dân sự bất bạo động). Ảnh: Youtube.

Giáo sư Erica Chenoweth trong bài thuyết trình TEDx nổi tiếng của bà “The success of nonviolent civil resistance” (Sự thành công của phản kháng dân sự bất bạo động). Ảnh: Youtube.

Người ta duy trì niềm tin vào uy quyền của bạo lực vì họ tin rằng bạo lực mang lại hiệu quả. Nhưng nếu có thể chứng minh rằng đấu tranh bất bạo động mang lại hiệu quả hơn cả bạo lực thì sao?

Đó chính là hướng nghiên cứu của Stephan và Chenoweth trong cuốn sách xuất bản năm 2011 “Vì sao phản kháng dân sự có hiệu quả: Logic chiến lược của mâu thuẫn bất bạo động” (Why Civil Resistance Works: The Strategic Logic of Nonviolent Conflict).

Dùng một lượng dữ liệu lớn về 323 phong trào chính trị cả bạo động và ôn hòa, bất bạo động trên toàn thế giới từ năm 1900 đến 2006, Stephan và Chenoweth so sánh trực tiếp mức độ hiệu quả của hai dạng đấu tranh chính trị này.

Theo đó, các phong trào bất bạo động có mức độ thành công (đạt được toàn bộ hay phần lớn các mục tiêu của phong trào) là 53% trong khi con số tương tự của các phong trào bạo động là 25%.

Số lượng và mức độ thành công của các phong trào bất bạo động đã tăng ổn định từ những năm 40 của thế kỷ trước. Ngược lại, số lượng các phong trào chính trị bạo động đã giảm từ năm 1980 trở lại đây.

Để giải thích cho thành công của các phong trào bất bạo động, Stephen và Chenoweth đưa ra hai lý do chính:

1. Tinh thần bất bạo động giành được sự ủng hộ lớn hơn từ cả trong nước lẫn quốc tế

Sự cương quyết giữ vững tinh thần bất bạo động của một phong trào tranh đấu mang lại cho nó sự tham gia và ủng hộ rộng khắp từ cả trong nước lẫn quốc tế.

Khi sự cương quyết đấu tranh cho những mục tiêu chính đáng bất chấp thương đau mất mát đồng thời đảm bảo kỷ luật từ chối sử dụng bạo lực của một phong trào chính trị được ghi nhận rộng rãi trong nước và quốc tế thì phong trào đó có thể tạo được cảm hứng cho thêm nhiều thành phần xã hội tham gia phong trào – kể cả thành viên của lực lượng bảo vệ chế độ và lực lượng viên chức chính quyền.

Ngoài ra, phong trào đó còn tìm được thêm sự ủng hộ mạnh mẽ từ nhiều tổ chức và chính thể quốc tế. Đồng thời, bản thân chính quyền đang đàn áp phong trào, nếu không có cách nào giải quyết nó ngoài bạo lực, sẽ ngày càng mất uy tín và bị cô lập cả trong nước và quốc tế.

2. Chính quyền dễ đàn áp phong trào bạo động hơn bằng lý do “bảo vệ trật tự trị an”

Khi đàn áp một phong trào bạo động, chính quyền hoàn toàn có thể mượn cớ dùng bạo lực để “bảo toàn xã hội”, “bảo vệ đất nước”, hay “bảo vệ nhân dân” trước bạo lực. Các phong trào bạo lực thường mang tiếng quá khích nên khó có khả năng tạo được sự tin tưởng trong những nhóm công chúng chưa quyết định ủng hộ bên nào.

Một chính quyền đàn áp bằng bạo lực sẽ có thể dễ dàng biện minh cho việc đàn áp một phong trào đang sử dụng bạo lực bằng việc dùng bạo lực đẫm máu hơn.

Trong khi đó, các phong trào bất bạo động có sức mạnh tạo sự tin tưởng này dễ dàng hơn.

Việc dùng bạo lực tùy tiện để đàn áp một phong trào bất bạo động có khả năng làm một chính quyền nhanh chóng đánh mất uy tín và thanh danh, đánh mất sự ủng hộ của quần chúng hay của các đối tác quốc tế.

Comp 1_00000

Các kết luận từ nghiên cứu của Stephen và Chenoweth không phủ nhận hiệu quả nhãn tiền của việc dùng bạo lực trong chính trị. Tuy nhiên, nghiên cứu này tạo ra thêm nền tảng khoa học cho tranh luận rằng việc dùng các hình thức đấu tranh bất bạo động không hề thua kém gì bạo lực về mặt hiệu quả trong chính trị mà trong nhiều trường hợp còn có hiệu quả hơn.

Có thể nói triết lý chính trị súng ống của Mao Trạch Đông không sai, nhưng nó không còn có thể được coi là luôn luôn đúng, đặc biệt là trong bối cảnh một thế giới thế kỷ 21 rất khác thế kỷ 20.

– Tiến sĩ Maria J. Stephan là học giả về chính sách của Viện Hoà bình Hoa Kỳ (USIP), đồng thời từng là chuyên gia hàng đầu của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về giải quyết xung đột. 

– Tiến sĩ Erica Chenoweth là học giả về khoa học chính trị của Đại học Wesleyan và trường Chính sách công Kennedy của Harvard. 

Dưới đây là bài thuyết trình TEDx của Erica Chenoweth có tiêu đề: “The success of nonviolent civil resistance” (Sự thành công của phản kháng dân sự bất bạo động):

 

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.