Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Khi bàn về sự cai trị, ta không thể không nhắc đến những khái niệm chính yếu như Luật, hiến pháp và pháp quyền. Hiện nay, tất cả các nước trên thế giới đều có luật và hiến pháp, tuy nhiên không phải cứ nước nào có luật và hiến pháp thì đồng nghĩa với việc ở đó có nền pháp quyền.
Tại một số quốc gia, chính quyền hoàn toàn tự do làm bất cứ điều gì mà họ muốn mà không phải chịu bất cứ ràng buộc nào từ bên ngoài. Ở những nơi này, chính quyền nắm quyền lực tối cao. Họ dùng luật để cai trị người dân, nhưng chính họ lại không phải là đối tượng chịu điều chỉnh bởi bất cứ một hệ thống những nguyên tắc pháp lý tối thượng nào đứng trên những mong muốn của họ. Những quốc gia như thế được gọi là những quốc gia dùng pháp trị (rule by law): luật pháp chỉ là công cụ của những kẻ có quyền lực dùng để thống trị người khác.
Trái lại, ở các quốc gia khác, chính quyền phải chịu sự ràng buộc bởi những nguyên tắc pháp lý bền vững. Những nguyên tắc này, bên cạnh những ràng buộc khác, được xây dựng nhằm bảo vệ quyền cá nhân, định ra những cuộc bầu cử định kỳ, tự do, công bằng, và giới hạn những gì mà những người thắng cử có thể làm với những người thất cử. Những quốc gia có chính quyền như thế được gọi là những quốc gia pháp quyền (rule of law): luật pháp, chứ không phải chính quyền, mới là thực thể có quyền lực cuối cùng.
Kinh nghiệm thế giới cho thấy những chính quyền dùng pháp trị mang mối nguy hiểm tiềm tàng đối với người dân. Những chính quyền này có thể vi phạm quyền của công dân, như tước đoạt đất đai tùy tiện hay nhũng nhiễu hối lộ. Dù có khả năng họ được bầu lên một cách dân chủ, nhưng sau đó họ có thể toan tính cầm quyền mãi mãi và giao những vai trò quan trọng trong chính quyền cho thân bằng quyến thuộc của họ. Sau một cuộc bầu cử, phe thắng cử có thể dùng quyền lực mới giành được để đàn áp phe đối lập, bằng những thủ đoạn như đặt các đảng hoặc tổ chức chính trị khác ra ngoài vòng pháp luật và bỏ tù lãnh đạo của các đảng đó, hoặc chỉ dành những quyền lợi tài chính cho những người đã ủng hộ họ mà không dành cho ai khác.
Vì vậy, để bảo vệ quyền lợi của người dân, bảo vệ sự liêm chính của nền chính trị, ta không thể để chính quyền có thể tự do làm bất cứ điều gì họ muốn. Thay vào đó, chính quyền phải bị ràng buộc bởi những nguyên tắc pháp lý bền vững, bởi vậy nền pháp quyền là hết sức cần thiết. Ngày nay, hầu như mọi người đều tin rằng pháp quyền là yếu tố quan trọng cho một chính quyền hợp thức và công minh.
Ở Việt Nam hiện nay, nhìn chung, sự cai trị của quốc gia được thực hiện theo kiểu dùng pháp trị. Mặc dù chúng ta có hệ thống pháp luật và hiến pháp thành văn, song chức năng của chúng không phải để xây dựng nền pháp quyền, mà là công cụ phục vụ cho sự cai trị.
Theo Fukuyama, có ba yếu tố tạo nên một chính quyền tốt: nhà nước mạnh, nền pháp quyền, và sự giải trình trách nhiệm dân chủ. Một nhà nước mạnh, đủ khả năng chống lại các lợi ích cục bộ, phe nhóm là cần thiết để thực thi các chính sách có thể mang lại lợi ích chung cho quốc gia. Một nền pháp quyền để đảm bảo chính quyền không đi ngoài các nguyên tắc chung, do đó không bảo đảm cho các quyền và lợi ích của người dân không bị xâm phạm. Và sự giải trình trách nhiệm dân chủ để đảm bảo chính quyền đó nằm trong sự kiểm soát của người dân và phục vụ cho quyền lợi của họ.
Hiện nay, có thể nói rằng Việt Nam chúng ta có một chính quyền mạnh, tuy nhiên chúng ta không có hai yếu tố sau, tức là nền pháp quyền và sự giải trình trách nhiệm dân chủ. Lý do chính có lẽ xuất phát từ nguồn gốc lịch sử của quốc gia, vốn hình thành một nhà nước quan liêu từ rất sớm với truyền thống dùng pháp luật để cai trị, mà lại không hề có những yếu tố để kiểm soát quyền lực cai trị. (Ở Phương Tây, có thể thấy rõ các cơ chế kiểm soát như hệ thống tản quyền giữa vua và lãnh chúa, cũng như địa vị và vai trò của giáo hội Kitô giáo đối với thế quyền, v.v…) Bên cạnh đó, chúng ta cũng không quan niệm rằng con người là những công dân tự do bình đẳng trong một cộng đồng tự trị như quan niệm của người Phương Tây vốn kế thừa từ truyền thống Hi Lạp. Trước nay chúng ta chịu ảnh hưởng từ văn hóa Khổng Giáo, trong đó quan hệ chi phối giữa người với người vẫn là quan hệ gia trưởng. Vì vậy, kinh nghiệm về một nền pháp quyền và sự giải trình trách nhiệm dân chủ là những điều mà chúng ta chưa bao giờ có.
Ta không thể có được và cũng chẳng thể đòi hỏi một chính quyền phải tự tuân thủ hiến pháp và luôn giải trình với người dân, khi mà bản chất của chính quyền ấy luôn có xu hướng cai trị tùy tiện vì lợi ích của giai cấp cai trị. Sự kiểm soát đối với quyền lực đến từ nhiều nguồn, song một trong các nguồn đó đến là đến từ nhận thức của chính người dân. Người dân cần phải hiểu được thế nào là một chính quyền tốt, hoạt động đúng chức năng của mình, tôn trọng và bảo vệ các quyền của họ. Để như vậy, họ cần phải có những kiến thức về nhà nước hiện đại, mà cốt lõi của nó là nguyên tắc pháp quyền.
Chính vì mục đích trên, chúng tôi đã biên soạn nên cuốn sách “LUẬT, HIẾN PHÁP, PHÁP QUYỀN”. Đây là tuyển tập các bài nghiên cứu của các tác giả trong và ngoài nước, trình bày những kiến thức tổng quan về luật, hiến pháp và pháp quyền, cũng như về thực tiễn áp dụng tại một số nước trên thế giới. Kỳ vọng rằng cuốn sách này có thể mang đến cho bạn đọc những kiến thức mới mẻ, thú vị và đáng tìm hiểu./.
Bấm vào đây để tải sách |