Sách “Cá Nhân, Thị Trường và Nhà Nước”: Sự chuẩn bị sống còn

Sách “Cá Nhân, Thị Trường và Nhà Nước”: Sự chuẩn bị sống còn

Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi từ một nền văn hóa truyền thống sang một nền văn hóa hiện đại, từ một nền kinh tế tập thể sang một nền kinh tế thị trường, và từ một nhà nước toàn trị sang một nhà nước dân chủ tự do. Dù quá trình này đã diễn ra trong khoảng ba mươi năm trở lại đây, song vẫn chưa có nhiều tiến bộ đáng kể.

  • Vi Yên

Chúng ta vẫn chưa xây dựng được một nền văn hóa trong đó đề cao các giá trị cá nhân như tính duy lý, sự tự chủ, tình yêu tự do. Thay vào đó, sự cảm tính, thói quen lệ thuộc vào truyền thống hay thói dựa dẫm vào các định chế chính trị vẫn giữ vị thế quan trọng trong mỗi người. Điều ấy phần nào đã bủa vây thêm quanh những rào thép gai có sẵn, để rồi kìm hãm sự phát triển của mỗi cá nhân.

[KhaiMinh][Cover]Quyen9-CaNhanThiTruongVaNhaNuoc

Sách tập hợp các bài viết, dịch tiêu biểu cho từng chủ đề; được soạn thảo và chuẩn bị công phu bởi nhóm Tinh Thần Khai Minh.

Chúng ta cũng chưa có được một nền kinh tế thị trường hoàn chỉnh. Nền kinh tế tập thể vẫn giữ thế chủ đạo, nó chi phối và bóp méo các quy luật thị trường. Hầu hết các nguồn lực xã hội được gom vào khu vực công, nền kinh tế chỉ hướng tới nhu cầu chung, quyền lợi chung, mục tiêu chung. Con người cá nhân bị coi nhẹ, tư tưởng cá biệt bị dập tắt, cộng đồng tưởng như được sống trong phồn thịnh với các chính sách phúc lợi nhưng lại chẳng hề. Không những thế, cái nguồn lực “chung” mà giới cầm quyền nắm giữ cũng thất thoát ít nhiều vào tay các nhóm lợi ích hay các vị quan chức nhũng nhiễu, quan liêu.

Về mặt chính trị, chúng ta chưa có tiến bộ nhiều trong việc xây dựng một nền dân chủ tự do, mà sự cai trị vẫn còn tùy tiện độc đoán. Những văn bản luật, thông tư, nghị định cứ liên tục dày thêm và sự ràng buộc cũng theo đó mà tăng lên. Hầu hết các quyền cơ bản của người dân như quyền tư hữu, bình đẳng, tự do ngôn luận, tự do hội họp,… vẫn chưa được đảm bảo.

Tại sao lại có những hạn chế như thế?

Ấy là bởi các ý tưởng về công hữu, kinh tế chỉ huy, hay bình đẳng theo kiểu cào bằng của mô hình xã hội chủ nghĩa vẫn còn là các ý tưởng chi phối trong giới lãnh đạo Việt Nam. Những quyết sách được đưa ra đều phải tuân theo các “đường lối, chủ trương” vốn còn mang nặng tính tập thể. Giới chức lãnh đạo, vì thế, loay hoay giữa một chủ trương giáo điều và một nền kinh tế ì ạch.

Đã không có một sự chuẩn bị về mặt tư tưởng cho việc cải cách. Các ý tưởng về cá nhân, thị trường tự do, chủ nghĩa tư bản, nhà nước pháp quyền vẫn còn xa lạ với phần lớn người dân cũng như giới lãnh đạo. Việc thúc đẩy các giá trị này hiện nay chủ yếu đến từ một số cá nhân hay tổ chức theo kiểu tự phát mà không được nhà nước và xã hội chú trọng, và đôi khi còn bị cản trở. Bởi thiếu vắng nhận thức đúng đắn về các ý tưởng trên nên việc cải cách chưa nhận được sự ủng hộ tích cực cũng như không được thực hiện đúng đắn, triệt để cả từ người dân lẫn chính quyền.

Rõ ràng, hiện nay Việt Nam cần thúc đẩy hơn nữa quá trình cải cách xã hội, kinh tế, và chính trị của mình theo hướng hiện đại, thị trường, và tự do, từ đó mới có thể thúc đẩy sự phát triển của đất nước. Tuy nhiên, từ bối cảnh trong nước cũng như quốc tế, có thể thấy rằng khuynh hướng chống cải cách và bảo thủ ngày càng mạnh. Có thể thấy rõ điều này ở những hành động như sự gia tăng cai trị độc đoán, trì hoãn tư nhân hóa nền kinh tế và thu hẹp các quyền tự do dân sự cơ bản của người dân. Đây hoàn toàn không phải là giải pháp, thực tế nó chỉ khiến cho tình trạng trì trệ của xã hội ngày càng trầm trọng hơn. Vì vậy, chúng tôi tin rằng, nhiệm vụ hiện nay của các cá nhân, tổ chức là ngăn chặn các khuynh hướng bảo thủ, thúc đẩy hơn nữa tiến trình cải cách tự do ở Việt Nam.

Mục đích của chúng tôi khi biên tập quyển sách này là nhằm mang đến cho độc giả phổ thông có một cái nhìn đúng đắn và hệ thống hơn về bốn chủ đề quan trọng: cá nhân, thị trường tự do, chủ nghĩa tư bản và vai trò của nhà nước. Những chủ đề này hiện nay ở Việt Nam vẫn bị hiểu sai, và bị nhìn vào với con mắt dè dặt. Chủ nghĩa cá nhân thường bị quy với chủ nghĩa vị kỉ; thị trường tự do hay chủ nghĩa tư bản lại bị coi là mang nhiều rủi ro, làm mất đi sự kiểm soát của nhà nước đối với nền kinh tế; còn nhà nước dân chủ tự do bị quy là công cụ cho giới tư sản bóc lột người dân. Chúng ta không thể phát triển được với sự nhận thức như vậy, bởi không có chủ nghĩa cá nhân thì cá nhân không thể phát triển được, không có thị trường tự do thì không có sự thịnh vượng vật chất, và không có nhà nước dân chủ tự do thì sự phát triển của cá nhân, lẫn thị trường tự do đều không thể có được.

Chúng tôi hy vọng rằng thông qua việc đọc quyển sách này, độc giả sẽ hiểu hơn về bốn chủ đề trên, từ đó củng cố niềm tin của mình vào chúng để thấy được rằng chúng ta cần cải cách nhiều hơn nữa cho một Việt Nam tương lai phồn thịnh./.

Bấm vào đây để tải sách

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.