Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Café Luật Khoa
—
Sir William Blackstone (1723-1780) là một luật sư, thẩm phán, và nhà luật học người Anh thế kỷ 18. Tốt nghiệp trường đại học Oxford và gia nhập luật sư đoàn khi vừa 23 tuổi, Blackstone nhanh chóng nhận ra rằng việc hành nghề luật sư không thật sự hứng thú lắm với ông. Sau vài năm hành nghề, Blackstone quyết định chuyển sang nghiên cứu và giảng dạy luật. Quyết định này của ông có ảnh hưởng sâu sắc đến nền thông luật Anh quốc nói riêng và cho luật học thế giới nói chung.
Trước Blackstone, việc học và nghiên cứu luật thông luật tại Anh quốc không nằm trong chương trình của các trường đại học. Việc học để trở thành luật sư hoàn toàn là nhờ việc tự học, tự đọc sách, và thông qua thực tập trong các văn phòng luật và các “inns of court”, có thể hiểu là các hội nhóm hành nghề luật sư. Hệ thống này giúp đảm bảo Anh quốc có một lực lượng luật sư lành nghề nhưng không tạo điều kiện cho việc nghiên cứu một cách có hệ thống và theo hướng học thuật. Việc nghiên cứu luật trong các trường đại học Anh khi ấy vẫn chủ yếu là nghiên cứu luật lục địa (Civil Law) và luật La Mã (Roman Law) thay vì thông luật Anh vốn đầy sức sống và đang ngày càng phát triển.
Blackstone ban đầu xin một chân nghiên cứu và dạy luật La Mã tại trường cũ của ông là đại học Oxford nhưng đơn xin của ông bị từ chối. Tình cờ ngay lúc đó trường Oxford đang mở một khóa học về thông luật và một vị anh cả trong nghề của Blackstone là William Murray (sau này là thượng nghị viên Mansfield) động viên Blackstone nên nhận dạy khóa này. Blackstone chấp nhận và trở thành vị giáo sư thông luật Anh đầu tiên trong lịch sử trường đại học Oxford và lịch sử nước Anh.
Các nghiên cứu và bài giảng của Blackstone sau này được tổng hợp hết trong một bộ sách có thể xem là một trong những bộ sách kinh điển có ảnh hưởng sâu rộng nhất của nền thông luật Anh-Mỹ: Bình Luận Luật Anh Quốc (Commentaries on the Laws of England). Bộ sách này sau này trở thành bộ sách ‘gối đầu giường’ của nhiều thế hệ luật sư nổi tiếng của nền thông luật, trong số đó có nhiều tổng thống Mỹ hành nghề luật sư, từ John Adams đến Abraham Lincoln và về sau.
Một trong những nguyên tắc đáng nhớ nhất mà Blackstone hệ thống được trong bộ Bình Luận Luật Anh chính là nguyên tắc sau này hay được gọi là tỷ lệ Blackstone (Blackstone Ratio):
“Mọi bằng chứng cho cáo buộc tội hình sự (felony) phải được chấp nhận một cách cẩn trọng; vì luật quy định rằng thà để mười kẻ tội phạm chạy thoát, còn hơn là để một người vô tội phải khổ.”
Tỷ lệ Blackstone từ lâu đã trở thành một ‘hòn đá tảng’ dưới chân hệ thống thông luật Anh-Mỹ, nhưng nó không phải là không bao giờ phải hứng chịu phê bình. Trong những người phê bình nguyên tắc này có cả nhà triết học Anh Jeremy Bentham, người bình luận là nguyên tắc này dựa trên “một song đề tiến-thoái-lưỡng-nan giả: có thể hoàn toàn bảo vệ người vô tội mà không phải chiếu cố cho sự bãi miễn tội ác”.
Tranh luận cùng hướng này của Bentham là giáo sư nghiên cứu Công Lý Hình sự Richard L. Lippke của trường đại học Indiana (Mỹ). Phần trích dẫn sau đây đến từ bài báo học thuật “Phạt kẻ có tội, không phạt người vô tội” (Punishing the Guilty, Not Punishing the Innocent) đăng trên tạp chí Triết Học Đạo Đức (Journal of Moral Philosophy) năm 2010 của giáo sư Lippke.
—
Trích đoạn “Phạt kẻ có tội, không phạt người vô tội”
(Punishing the Guilty, Not Punishing the Innocent)
Richard L. Lippke – Tạp chí Triết Học Đạo Đức (Journal of Moral Philosophy) số 7 năm 2010
“…Có thể thấy rõ là có hai ý riêng biệt bên trong lời răn của Blackstone. Ý thứ nhất là phải có sự ưu tiên không trừng phạt kẻ có tội so với việc trừng phạt người vô tội. Ý thứ hai là mức độ của sự ưu tiên đó, thể hiện qua con số người có tội có thể được thả trong so sánh với số người vô tội có thể bị trừng phạt.
Chúng ta không cần tìm đâu xa để có được các phiên bản khác nhau [của nguyên tắc tỷ lệ Blackstone] với những con số khác nhau thể hiện sự ưu tiên này tùy lúc mạnh hơn hay yếu hơn. Nhưng những phiên bản này đều khuyến nghị là chúng ta nên để nhiều người có tội tự do hơn là trừng phạt một người vô tội.
Luận điểm của tôi thì cho rằng nguyên tắc này của Blackstone phần lớn là vô ích trong việc giúp chúng ta đối mặt với vấn đề làm cách nào để cân bằng việc trừng phạt những kẻ có tội với việc tránh không trừng phạt những người vô tội.
Không phải là vì tỷ lệ 10 chọi 1 trong nguyên tắc này sai, cho dù tôi sẽ cho thấy rằng việc biện hộ cho tỷ lệ này là một công việc rất khó nhằn. Cũng không phải là vì chúng ta hiếm khi nào có thể có nhiều hơn là những ước tính rất lởm khởm về tỷ lệ những người có tội so với những người vô tội bị trừng phạt trong bất kỳ hệ thống công lý hình sự nào.
Lý do chính là vì lựa chọn thật mà chúng ta phải có liên quan đến rủi ro của việc không trừng phạt những kẻ có tội và rủi ro của việc trừng phạt những người vô tội.
Chúng ta có thể thiết kế các định chế của chúng ta để giảm thiểu tối đa rủi ro những kẻ có tội thoát khỏi việc bị trừng phạt, hay giảm thiểu tối đa rủi ro những người vô tội bị trừng phạt. Hoặc là chúng ta có thể cố gắng làm cả hai. Có lẽ không ngạc nhiên gì tôi sẽ tranh luận là điều khôn ngoan nhất là phải làm cả hai.
Tôi cũng sẽ tranh luận là có một sự hợp lý nhất định trong việc xem rằng các hệ thống công lý hình sự hiện đại đang cố gắng làm cả hai việc đó. Những hệ thống này cung cấp lượng nhân tài vật lực và quyền lực rất lớn cho các viên chức nhà nước trong khi cùng lúc áp dụng các nguyên tắc tố tụng và nguyên tắc bằng chứng có vẻ là có lợi cho những bị cáo hình sự. Cách tiếp cận này có vẻ có ý nghĩa nếu nó mang lại sự cân bằng mà chúng ta đang tìm kiếm, một sự cân bằng mà trong đó các rủi ro của việc không trừng phạt những kẻ có tội có thể được cân đong đo đếm so với các rủi ro của việc trừng phạt người vô tội.
Về thực tế, nếu xem tỷ lệ Blackstone, hay một phiên bản khác của nó, như là một nguyên tắc dẫn dắt chúng ta trong việc thiết kế một hệ thống công lý hình sự, thì tôi cho rằng chúng ta buộc phải tước đi nhiều uy quyền và nhân tài vật lực của bên cảnh sát và của bên công tố.
Rất ít khả năng chúng ta sẽ làm điều đó vì việc không trừng phạt những kẻ có tội, đặc biệt khi tội ác của chúng là nghiêm trọng, là một việc rất xấu. Dĩ nhiên, trừng phạt những người vô tội, đặc biệ khi những hình phạt họ phải gánh chịu là những hình phạt nặng nề, cũng là một việc rất xấu.
Nếu tôi có thể đưa ra một châm ngôn thay thế châm ngôn của Blackstone, nó sẽ đại loại như thế này: “Tăng tối đa số kẻ có tội bị trừng phạt và trừng phạt theo tỷ lệ thuận với mức độ nghiêm trọng của tội ác, trong khi cùng lúc giảm thiểu nhất số người vô tội bị trừng phạt.”. Thêm vào đó có thể là: “Trong trường hợp ngặt nghèo nhất, thiết kế hệ thống sao cho việc không trừng phạt kẻ có tội được làm lựa chọn ưu tiên so với việc trừng phạt người vô tội. Nhưng không ưu tiên quá mạnh mẽ.” Tôi chấp nhận là theo tiêu chuẩn các châm ngôn, châm ngôn của tôi rõ ràng thiếu đi sự đơn giản và sự tinh tế nghệ thuật…
…1. Tại sao các con số của Blackstone không có ý nghĩa?
Chúng ta có nên ưu tiên lựa chọn việc để cho mười kẻ có tội tự do thay vì trừng phạt một người vô tội?
Thứ đầu tiên cần để ý là dường như ở đây có một giả định ngầm về những tội ác của hai bên trong vế so sánh này. Khá chắc chắn là chúng ta không nên ưu tiên lựa chọn để mười kẻ giết người tự do thay vì phạt nhẹ một người vô tội bị buộc tội ăn cắp đồ. Cho dù người vô tội đó phải chịu phạt một cách không công bằng, anh hay cô ta sẽ không phải chịu khổ quá nhiều, trong khi đó thì tội ác của những kẻ giết người không bị trừng phạt là rất nghiêm trọng.
Rõ ràng là châm ngôn của Blackstone yêu cầu chúng ta so sánh những tội ác (vốn sẽ được tha bổng hay sẽ bị trừng phạt một cách oan sai) với mức độ nghiêm trọng gần như nhau. Vì thế, ý của châm ngôn này có vẻ là: Thà để cho mười người phạm một tội nào đó tự do, còn hơn là trừng phạt một người vô tội cho cùng một tội danh đó.
Chúng ta phải công nhận rằng việc trừng phạt người vô tội, đặc biệt cho những tội ác nghiêm trọng, gây ra những oan nghiệt khủng khiếp cho họ. Họ không chỉ phải hứng chịu sự lên án của công chúng và những dị nghị đi kèm với việc bị kết những tội ác nghiêm trọng, họ sẽ bị tước đi tự do thân thể, tự do hội họp, sự riêng tư, và nhiều thứ khác nữa chừng nào họ còn phải chịu án tù.
Những mất mát đó rất tệ hại, chúng cắt cụt và bó buộc cuộc sống của những cá nhân vô tội này, và tệ hơn nữa nếu chúng ta biết được rằng những người phải chịu những mất mát đó không hề đáng phải bị như vậy. Khi những người vô tội ấy được thả, giả định là họ còn được thả, những khốn khổ của họ sẽ tiếp diễn thông qua sự ghẻ lạnh của cộng đồng, sự khó khăn trong việc tìm việc làm, và những vết thương xúc cảm từ những năm tháng dài bị giam cầm.
Một yếu tố khác cũng quan trọng là phần đông những người bị buộc tội oan sai cũng có người thân và những người phụ thuộc vào họ. Những người này cũng phải chịu đau khổ với họ không chỉ khi họ đang chịu tù đày mà còn cả sau đó khi việc tìm công ăn việc làm ổn định và sự tái hòa nhập xả hội là rất khó khăn.
Những bị kịch khôn cùng mà những vụ oan sai như thế thể hiện là không thể chối cãi ngay cả khi những vụ việc này là do sai sót pháp lý thay vì là do hành vi cố tình làm điều sai trái của các viên chức nhà nước nhẫn tâm và tắc trách.
Một phần lý do cho sự cuốn hút của châm ngôn Blackstone có thể đến từ sự dễ dàng trong việc tưởng tượng bản thân chúng ta hay những người khác sẽ ra sao nếu phải chịu những hình phạt oan sai, và tưởng tượng chúng ta sẽ mất đi những quyền đạo đức và pháp lý mà chúng ta thường có như thế nào.
Những trường hợp trừng phạt oan sai là những ví dụ mang tính điển hình nhất của hành vi lạm dụng quyền lực nhà nước, và châm ngôn Blackstone, nếu không có gì khác, có vẻ là mang trong nó một sự thể hiện sống động lời cảnh cáo mà chúng ta muốn nhà nước nhớ đến khi họ thực thi quyền lực của mình. Tôi không tranh cãi về sự cần thiết của lời cảnh cáo này – thực tế tôi sẽ tranh luận rằng một số nét đặc trưng của các hệ thống công lý hình sự hiện đại có cơ sở từ chính lời cảnh cáo đó.
Thế nhưng chúng ta đồng thời không thể quên rằng việc làm nạn nhân của một tội ác nghiêm trọng cũng là một việc tệ hại. Những tổn thất của những tội ác nghiêm trọng bao gồm cả tính mạng, những tổn thất lớn về thể chất và tâm lý, sự đánh mất phẩm giá, và sự mất mát hay hủy hoại tài sản mà các cá nhân có thể phụ thuộc vào vì lý do sinh kế. Ngay cả những nạn nhân không mất mạng cũng phải chịu khó khăn nhiều năm vì những thương tật của họ. Trong nhiều trường hợp, chất lượng cuộc sống của các nạn nhân bị suy giảm vĩnh viễn.
Hơn nữa, vì phần lớn các hệ thống luật pháp hiện đại điều chỉnh hình phạt ban ra cho những kẻ phạm tội tùy theo mức độ phạm tội trong thực tế của chúng, nhiều khả năng sẽ có những trường hợp mà những kẻ thủ ác đã gây ra những tổn thất nói trên cho nạn nhân, ngay cả khi phải nhận những hình phạt tương ứng với mức độ nghiêm trọng của tội ác, thực sự ra không chịu khốn khổ dài lâu như những nạn nhân của chúng. Ví dụ, những nạn nhân của hành vi ngộ sát hay vô ý giết người không thể sống lại được, trong khi đó, những kẻ bị trừng phạt vì những tội này lại giữ được mạng sống, cho dù phải chịu bó buộc tù đày trong quá trình thụ án tù.
Bên cạnh đó, các nạn nhân hiếm khi chịu khổ một mình vì họ cũng có người thân và những người phụ thuộc vào họ. Những người này cũng phải hứng chịu đau khổ và khốn khó khi có một người nhà mất mạng, hay chịu tổn thất sức khỏe và tâm lý. Trong một số trường hợp, các nạn nhân và những người thân của họ còn phải chịu thêm một gánh nặng của việc phải nhìn thấy những kẻ gây ra tội ác không phải chịu hình phạt gì. Có lẽ rằng gánh nặng đó sẽ gây ra những sự thất vọng và tuyệt vọng lớn cho các nạn nhân và những người thân của họ.
Thật sự bởi vì châm ngôn của Blackstone mời gọi chúng ta so sánh tình cảnh của những người bị phạt oan sai với tình cảnh của những kẻ thoát tội một cách sai trái, có vẻ là chúng ta phải đưa vào đánh giá của mình những nỗi khốn khổ mà các nạn nhân có thể cảm thấy khi biết những kẻ thủ ác thoát tội…
… Các học thuyết theo lý luận ứng báo (retributive justice theories – các học thuyết cho rằng cách phản ứng tốt nhất đối với tội ác là sự trừng phạt tương ứng với mức độ nghiêm trọng của tội ác – ND) thường đưa ra những lý do khác nhau để giải thích tại sao nhà nước nên trừng phạt những kẻ đáng bị trừng phạt, cho dù là để tước đoạt những lợi thế mà những kẻ phạm tội đã giành được một cách không xứng đáng, vô hiệu hóa thông điệp đạo đức giả dối mà các hành vi tội ác của những kẻ phạm tội thể hiện, khiển trách những kẻ phạm tội tùy theo mức độ nghiêm trọng của tội phạm, hay khuyến khích những kẻ phạm tội phát triển một nhận thức ăn năn sám hối về tội ác của chúng.
Trong tất cả các học thuyết này, nhà nước đều có thể phạm phải hai điều sai trái nếu họ trừng phạt một người vô tội (1. vừa phạt nhầm một người không có tội, 2. vừa để kẻ có tội chạy thoát – ND), nhưng chỉ có thể phạm một điều sai trái nếu nó không xử phạt một kẻ có tội.
Nhưng nếu nhà nước chọn việc để cho mười, hay năm, hay ba cá nhân có tội thoát thân thay vì trừng phạt một cá nhân vô tội, thì nhà nhà nước có thể phạm mười, hay năm, hay ba điều sai trái, và thật khó để thấy được tại sao như thế thì tốt hơn là chỉ có thể phạm hai điều sai trái.
Cách tiếp cận vấn đề dựa trên các lý thuyết sử dụng mục đích giảm thiểu tội ác (crime reduction) làm lý do chính đáng cho các hình phạt pháp lý có thể đưa ra một luận điểm có sức thuyết phục ủng hộ cho việc lựa chọn không trừng phạt kẻ có tội thay vì trừng phạt người vô tội. Những gánh nặng và phí tổn cho việc trừng phạt người vô tội thường sẽ lớn hơn rất nhiều so với những gánh nặng và phí tổn cho việc không trừng phạt kẻ có tội.
Khi những người vô tội bị trừng phạt, họ và những người phụ thuộc vào họ phải chịu khổ đau (và khổ đau lớn nếu như hình phạt nặng), trong khi đó kẻ có tội thực sự lại đang tự do để có thể gây thêm tội ác, đây vốn cũng là một phí tổn tiềm tàng lớn.
Ở đây có một vài rắc rối cho những người ủng hộ thuyết giảm thiểu tội ác bởi vì việc trừng phạt người vô tội có thể có hiệu ứng ngăn chặn cận biên (marginal deterrent effects – hình phạt, cho dù oan sai, vẫn phát tín hiệu răn đe những kẻ có khả năng phạm tội khác – ND) (bản thân những người theo thuyết giảm thiểu tội ác từ lâu đã có luận điểm này) và còn có hiệu ứng vô hiệu hóa nếu như bản thân người vô tội bị oan sai thực ra cũng có khuynh hướng phạm tội đó.
Tuy nhiên, chính cái kẻ thủ ác đã thoát tội (trong khi người vô tội chịu phạt – ND) kia mới có vẻ là kẻ có khả năng phạm tội trong tương lai nhiều nhất trong hoàn cảnh các điều kiện khác giữ nguyên, và nếu kẻ đó thực sự gây ra thêm tội ác, thì phí tổn của việc để hắn ta thoát sẽ là rất lớn.
Trong trường hợp những kẻ có tội không bị trừng phạt, chúng ta không thể nói là không có các hệ quả xấu, đặc biệt nếu những kẻ có tội đó phạm thêm các tội ác nghiêm trọng khác.
Tuy vậy, như chúng ta đã thấy, chính những hệ quả xấu đó cũng tồn tại trong trường hợp người vô tội bị trừng phạt. Và những hệ quả xấu này còn bị tăng nặng bởi những khốn khổ của người vô tội và những người phụ thuộc vào người đó. Bên cạnh đó là gánh nặng lên xã hội trong việc chi trả cho hình phạt lên một cá nhân ít có khả năng phạm tội.
Tất cả những lý do này có vẻ là đủ để biện minh cho một sự chọn lựa rõ ràng việc để một người phạm tội trốn thoát hơn là trừng phạt một người vô tội, dĩ nhiên nếu chúng ta giả định, lần nữa, là tội ác của cả hai bên được so sánh là tương đương…”
Tìm đọc thêm: