Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Ngay lúc này, Hiệp ước Paris sẽ có tác động như thế nào đến các dự án nhà máy nhiệt điện, ví dụ như 5 nhà máy nhiệt điện ở tỉnh Bình Thuận – trong đó Vĩnh Tân I (Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong) ở Việt Nam?
Đó là câu hỏi đang chờ tất cả chúng ta ở phía trước.
Thế nhưng, bạn có thể thử nghiệm rất thật hệ lụy của các nhà máy nhiệt điện – sau hai thập kỷ đi vào hoạt động – đối với môi trường bằng việc đi từ thủ đô Đài Bắc (Taipei), đi ngang qua Đài Trung (Taichung), đều là những nơi xanh tươi, nhiều cây và có một bầu trời trong vắt, để đến huyện Vân Lâm (Yunlin).
Từ Taipei đến Vân Lâm chỉ cách vài tiếng đồng hồ đi tàu hỏa về phía Nam. Tuy nhiên, chất lượng không khí ở hai nơi thì hoàn toàn trái ngược.
Vì ngay khi vừa đặt chân đến Vân Lâm, lập tức bạn sẽ phải đối diện với một vùng đất bị bao phủ bởi những đám mây xám xịt và nặng nề, tạo ra một cảm giác rất ngột ngạt và khó thở. Bạn sẽ dần không còn thở nổi, khi tiến ngày càng gần đến khu công nghiệp nhà máy Formosa vì hàng trăm ống khói của nhà máy nhiệt điện vận hành không ngừng nghỉ 24/7.
Cái oi bức của mùa hạ và bầu không khí đặc quánh khiến một người thanh niên mạnh khỏe như tôi bắt đầu cảm giác cổ họng mình đau rát, và càng cố thở thì đến phổi cũng bắt đầu khò khè. Tôi chỉ mới ở Vân Lâm 4 tiếng đồng hồ, tiếp xúc gần khu công nghiệp chỉ mới được 2 tiếng mà đã thế. Tôi thật sự không dám tưởng tượng mình sẽ ra sao nếu phải sống cả đời ở đây.
Huyện Vân Lâm là một vùng duyên hải nghèo ở miền Trung Đài Loan, và đa số người dân ở đây sống bằng các ngành nông nghiệp, chăn nuôi, và nuôi trồng hải sản. Một cư dân và cũng là một nhà hoạt động môi trường ở đây cho tôi biết, Vân Lâm vẫn được xem là một huyện nghèo nhất của Đài Loan, với rất ít dân cư so với các khu vực khác.
Ngược lại, Formosa Plastics Corporation (cũng là công ty mẹ của Formosa Hà Tĩnh) lại là một trong những công ty lớn hàng đầu ở Đài Loan. Từ những thập kỷ trước, họ đã có những dự án phát triển công nghiệp với quy mô rất lớn ở đảo quốc này, và nhà máy nhiệt điện (hydrocarbon processing plant) của họ ở Vân Lâm là một trong những dự án đó.
Hơn 20 năm trước, trong một dự án thúc đẩy kinh tế, chính phủ Đài Loan đã đồng ý để Formosa Plastics Corporation thi công một công trình xây dựng lấn biển để mở ra khu công nghiệp tại Mạch Liêu (Mailiao), một xã nhỏ thuộc huyện Vân Lâm. Kết quả là nhà máy nhiệt điện Formosa đã được xây dựng ở đó và đưa vào hoạt động cho đến nay.
Tất cả các quốc gia đang phát triển (developing countries) và phát triển (developed countries) trên thế giới đang chia sẻ chung mối lo về việc làm thế nào để đảm bảo được nguồn năng lượng (energy power) cho sản xuất. Không có nguồn năng lượng đầy đủ và dồi dào thì phát triển kinh tế sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ. Các chính phủ và các công ty, tập đoàn lớn đều hiểu rất rõ điều này.
Ngoài ra, việc tìm kiếm những nguồn năng lượng giá rẻ luôn luôn là đề tài khiến giới đầu tư hào hứng vì điều đó sẽ giúp phần gia tăng lợi nhuận. Năng lượng khí đốt (fossil fuels) luôn được xem là nguồn năng lượng rẻ nhất, đáp ứng được nhu cầu của các tập đoàn phát triển kinh tế.
Trên bề mặt, điều này xem ra có vẻ rất hợp lý.
Thế nhưng, giá rẻ của nguồn năng lượng này thật ra không hề rẻ vì chúng ta phải đánh đổi bằng bầu không khí sạch, sức khoẻ, và cả tính mạng của người dân, đặc biệt là của các thế hệ tương lai.
Hoa Kỳ (trong thời chính phủ Obama) đã cùng một số nước thuộc Liên minh Châu Âu trở thành những quốc gia luôn đi đầu trong việc kêu gọi thế giới phải chuyển từ việc sử dụng nhiệt điện và khí đốt sang sử dụng năng lượng xanh (green energy) và năng lượng tái sử dụng (recycled energy) – mà điển hình là việc vận động, ký kết, cũng như phê chuẩn Hiệp Ước Paris (Paris Agreement) vào tháng 4 năm 2016.
Hiệp ước này có thể sẽ trở thành một văn bản luật quốc tế về môi trường quan trọng khi có đủ số lượng quốc gia phê chuẩn.
Tuy nhiên, liệu Hiệp Ước Paris – mà Việt Nam đã ký kết và thông qua – sẽ góp phần như thế nào để nâng cao các điều luật về bảo vệ môi trường ở cấp quốc gia theo các chuẩn mực quốc tế?
Khi nói đến những vấn đề môi trường ở tầm vĩ mô, người ta chỉ nhìn thấy những khái niệm trừu tượng về biến đổi khí hậu, những tranh cãi về việc trái đất đang bị gia tăng sức nóng, những con số, những định nghĩa cầu kỳ và trúc trắc.
Nhưng khi nhìn cùng vấn đề từ phía những người phải đối đầu trực diện với hệ lụy của việc môi trường bị tàn phá, bởi những thiệt hại do các phương pháp khai thác năng lượng truyền thống gây ra, chúng ta có thể sẽ cảm nhận vấn đề một cách thực tế và rõ ràng hơn.
Khi bắt đầu phát triển khu công nghiệp tại Mạch Liêu, Vân Lâm, Formosa Plastics đã đưa ra những hứa hẹn về phát triển kinh tế cho xã này. Nhưng sau hơn 20 năm đưa vào sản xuất, số lượng công việc mà Formosa Plastics đem đến cho thành phố Mailiao không thể nào so sánh với số lượng dân cư đã rời khỏi nó, vì không chịu nổi sự ô nhiễm trong không khí và nguồn nước.
Theo các nhà hoạt động về môi trường trong khu vực, công ty Formosa Plastics đã và vẫn đang mang đến những tác hại khủng khiếp cho nguồn nước và bầu khí quyển ở Vân Lâm, cũng như ở các huyện lân cận.
Cũng theo các nhà hoạt động này, vào ngày 3 tháng 11, năm 2011, một giáo sư đại học ở Đài Trung, là ông Tsuang Ben-jai đã đưa ra một báo cáo độc lập tại một buổi hội thảo của Ủy ban nghiên cứu về ảnh hưởng môi trường (Environmental Impact Assessment Committee) do Cục Bảo vệ Môi trường Đài Loan (Environmental Protection Administration – gọi tắt là EPA) tổ chức.
Báo cáo của giáo sư Tsuang đã kết luận rằng hàm lượng các chất kim loại nặng và những chất gây ung thư (carcinogenic substances) trong không khí được xả thải từ nhà máy nhiệt điện của Formosa ở xã Mạch Liêu, Vân Lâm, Đài Loan chính là nguyên nhân cho việc một số dân cư tại địa phương này mắc phải các bệnh ung thư với tỷ lệ cao hơn các nơi khác.
Một số các nhà hoạt động bảo vệ môi trường ở Đài Loan cho rằng, chính báo cáo của giáo sư Tsuang đã góp phần rất lớn đến việc dư luận Đài Loan đã lên tiếng phản đối các dự án phát triển công nghiệp khác của công ty Formosa tại đây.
Từ câu chuyện từ xã Mạch Liêu, Vân Lâm, Đài Loan, và những tác hại về môi trường sau hơn 20 năm nhà máy nhiệt điện của Formosa Plastics Corporation đi vào hoạt động tại đây, chúng ta có thể phần nào hiểu thêm về tính cấp thiết của Hiệp Ước Paris và những nỗ lực giảm đi sức nóng của trái đất, cũng như việc chuyển đổi sang sử dụng năng lượng xanh và năng lượng tái sử dụng.
Việt Nam đã tham gia ký kết và thông qua Hiệp ước Paris vào tháng 10/2016.
Ghi chú: Bài viết này đã được chỉnh sửa một số thông tin so với bản gốc được đăng lần đầu vào tháng 8/2016.