Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Café Luật Khoa
—
Không như tại Mỹ, nơi luật là một môn học ở cấp độ sau đại học; Anh, Úc, New Zealand và nhiều nước thông luật khác, luật là một môn được dạy và học ở cấp độ đại học, và cũng là một trong những môn học vào loại ‘hot’ nhất với số lượng sinh viên đông đảo.
Thống kê đầu năm học 2014 của Hội Luật Sư Anh cho thấy cả nước Anh và xứ Wales có hơn 21,000 sinh viên luật vào đại học. Có lẽ khá nhiều người trong con số 21,000 này đã đọc qua cuốn sách “Những Bức Thư Gửi Một Sinh Viên Luật: Cẩm Nang Học Luật Đại Học” (Letters to a Law Student: A Guide to Studying Law at University) của giáo sư luật trường đại học Cambridge Nicholas McBride.
Tốt nghiệp đại học Oxford năm 1999, McBride giảng dạy luật nhiều năm trước khi bắt đầu tham gia phụ trách tuyển chọn sinh viên ngành luật cho trường Pembroke College (1 trong 31 college cấu thành đại học Cambridge).
Xứng với danh tiếng đã tồn tại hàng trăm năm về chất lượng và yêu cầu tuyển chọn, khoa luật trường đại học Cambridge là một trong những khoa luật khó vào nhất tại Anh quốc với quy trình tuyển chọn khắt khe về điểm số và bao gồm phỏng vấn chi tiết. Năm 2015, có 25% số sinh viên nộp đơn được nhận (257 từ 1015 ứng cử viên).
Cuốn sách “Những Bức Thư Gửi Một Sinh Viên Luật” được McBride viết năm 2007 là kết quả tích tụ những hiểu biết và kinh nghiệm của ông từ những năm tham gia tuyển chọn và giúp đỡ sinh viên làm quen với việc học luật trong môi trường đại học Anh. Cuốn sách hơn 200 trang gồm 20 lá thư McBride viết cho một người học sinh để khuyên nhủ, dặn dò,và khuyến khích người học sinh trong 5 chủ đề: Nghĩ về việc học luật; Chuẩn bị học luật; Cách học luật; Cách ôn thi kiểm tra; và Tương lai nghề nghiệp.
Trong một trong những lá thư thú vị nhất, lá thư thứ 8, McBride nói một cách rất thực tế (trong môi trường học đường cấp độ đại học) về cách tránh những chiếc bẫy tư duy có thể làm cho việc học luật của một người sinh viên năm nhất trở nên khó khăn hơn cần thiết rất nhiều, hai trong số những chiếc bẫy tư duy đấy là Chủ Nghĩa Tương Đối và Chủ Nghĩa Tương Đối về Đạo Đức.
—
“…Chủ nghĩa tương đối (Relativism)
Ngay đầu cuốn sách kinh điển “Sự Khép Đóng của Tâm Trí Mỹ”, Allan Bloom – một trí thức Mỹ rất vĩ đại – đã bình luận, “Có một thứ mà một người giáo sư có thể hoàn toàn chắc chắn: gần như người sinh viên nào cũng vào trường đại học với niềm tin, hay bảo rằng họ có niềm tin, rằng sự thật mang tính tương đối.”
Có thể hiểu tại sao sinh viên lại chọn quan điểm như vậy. Sinh viên, nhìn chung, muốn tỏ ra là những con người tử tế, đầu óc rộng mở và khoan dung; và điều này dĩ nhiên là rất đáng khen ngợi.
Giờ giả sử tôi bảo với bạn rằng thế giới này là một thế giới phẳng. Chỉ có hai cách mà bạn có thể phản ứng. Bạn có thể bảo là tôi sai, theo đó ngụ ý rằng tôi ngu dốt và được giáo dục tồi – cách này không tử tế là mấy. Hoặc là bạn có thể nói, “Ừ thì mọi sự thật đều chỉ là tương đối, thế nên tôi không thể nói với ông rằng ông sai. Với ông thì thế giới phẳng; với tôi, nó đại khái mang hình cầu – nhưng không có gì ở đây cho chúng ta bất đồng cả. Chúng ta đều đúng, từ quan điểm của khác nhau của mỗi chúng ta.”
Nghe có vẻ là một câu trả lời tử tế hơn, rộng mở và khoan dung, và vì thế là một câu trả lời mà các sinh viên thích hơn. Thế nhưng, tư duy kiểu này vừa rất ngớ ngẩn, vừa rất có hại cho khả năng học giỏi luật của bạn.
Đầu tiên, tại sao là ngớ ngẩn khi nghĩ rằng ‘mọi sự thật đều tương đối’? Vì chúng ta đều biết lời tuyên bố ‘mọi sự thật đều tương đối’ (‘all truth is relative’) tự nó không thể hoàn toàn là sự thật, bởi vì nếu lời tuyên bố đó tuyệt đối đúng thì không phải sự thật nào cũng mang tính tương đối (vì bản thân nội dung tuyên bố ‘mọi sự thật đều tương đối’ tự nó bao hàm một ‘sự thật’ và không hề kèm điều kiện loại trừ chính nó khỏi nội dung nó đề cập, nên nếu đúng là ‘mọi sự thật đều tương đối’ thì hẳn là bản thân sự thật trong nội dung tuyên bố này cũng chỉ mang tính tương đối chứ không thể tuyệt đối được – ND) .
Ở đây chỉ có hai khả năng. Hoặc là lời tuyên bố ‘mọi sự thật đều tương đối’ hoàn toàn sai – nếu thế thì chúng ta không nên chấp nhận nó. Hoặc là lời tuyên bố ‘mọi sự thật đều tương đối’ chỉ đúng cho một số người và sai cho một số người khác – nếu vậy thì tại sao chúng ta phải chấp nhận nó là sự thật? Dù bằng cách nào đi nữa thì thật điên rồ khi nghĩ rằng ‘mọi sự thật đều tương đối’. Như nhà triết học Roger Scruton nói, ‘Một người viết nào mà viết rằng trên đời không có sự thật nào sất, hay là mọi sự thật đều “chỉ là tương đối”, thì người viết đó đang yêu cầu bạn không nên tin vào họ. Vậy thì đừng tin họ.”
Thứ hai, tại sao việc tin rằng ‘mọi sự thật đều tương đối’ lại có hại cho một người sinh viên luật? Vì một trong những việc quan trọng nhất mà bạn sẽ phải học khi làm sinh viên luật là viết tiểu luận. Và những người tư duy rằng ‘mọi sự thật đều tương đối’ thường viết tiểu luận rất tệ.
Một bài tiểu luận tốt trình bày lý do cho việc nghĩ rằng một mệnh đề là thật. Một bài tiểu luận tốt chọn một chỗ đứng. Nó nói rằng, ‘X là sự thật – và đây là lý do tại sao mọi người phải nghĩ rằng X là sự thật.’
Giờ giả sử bạn được yêu cầu viết một bài luận văn về vấn đề ‘Luật về mưu sát có nên được cải cách?’ và giả sử bạn cho là luật phải được cải cách. Một bài tiểu luận tốt theo quan điểm như vậy phải nói được, ‘Luật về mưu sát đang cần cải cách,’ và tiến tới vạch ra các lý do tại sao mọi người nên nghĩ rằng luật về mưu sát phải cần cải cách.
Nếu bạn bắt đầu quen lối tư duy rằng ‘mọi sự thật đều tương đối’ thì bạn sẽ không viết được một bài luận như thế. Cái ý tưởng rằng bạn có thể chọn một chỗ đứng, rằng bạn có thể nói một số điều là sự thật, rằng bạn có thể trình bày các lý do cho việc suy nghĩ rằng X là thật – tất cả những điều này đều sẽ trở nên lạ lẫm với bạn.
Kết quả là bài luận của bạn về việc ‘Luật về tội danh mưu sát có nên được cải cách?’ sẽ chỉ ngắn gọn là, ‘Ừ thì tôi nghĩ rằng, cho dù nhiều người sẽ bất đồng với tôi và họ có quyền có ý kiến của riêng họ như tôi có quyền có ý kiến của riêng tôi, và ý kiến của tôi là luật về mưu sát nên được cải cách.’
Một bài luận như thế sẽ được điểm kém. Thực sự nó không hề là một bài luận, mà là một bài báo cáo – báo cáo bạn nghĩ gì.
Thế nên bạn lỡ có thói quen nghĩ rằng ‘mọi sự thật đều tương đối’, làm ơn bỏ nó đi càng sớm càng tốt. Bạn đơn giản là không thể làm một sinh viên luật giỏi nếu nghĩ như thế.
Chủ nghĩa tương đối về đạo đức (Moral Relativism)
‘Ừ đúng,’ bạn có thể nói, ‘rằng không có lý nếu nghĩ rằng ‘mọi sự thật đều tương đối’ khi chúng ta nói về các vấn đề dữ kiện (fact). Nhưng chắc rằng khi chúng ta nói về các vấn đề giá trị hay tính đạo đức, ai cũng có ý kiến khác nhau cả, và đơn giản là không thể nói rằng ý kiến của một người thì đúng trong khi ý kiến của người kia sai. Vậy trong lĩnh vực các giá trị hay đạo đức, thì đúng thật là ‘mọi sự thật đều tương đối’”.
Nếu bạn nghĩ thế này thì bạn đã rơi vào cái bẫy thứ hai mà tôi muốn khẩn xin bạn phải tránh: cái bẫy của thuyết tương đối về đạo đức.
Chúng ta thử cùng nhau giúp bạn thoát ra khỏi cái bẫy này bằng việc xem xét một ví dụ rõ ràng nhé.
Trong cuốn tiểu thuyết tuyệt hay Anh Em Nhà Karamazov của ông, nhà văn Fyodor Dostoevsky kể lại một số trường hợp được ghi chép lại của các vụ bạo hành với trẻ em xảy ra vài thế kỷ trước tại Nga. Đây là vụ cuối cùng trong số đó:
Hồi đầu thế kỷ có một vị tướng quân, ông ta có nhiều mối quan hệ cấp cao và là một chủ đất rất giàu có… Ông ta có hàng trăm con chó trong những chuồng chó của ông và gần cả trăm những người giữ chó… [M]ột hôm nọ có một đứa nông nô giúp việc nhà, một thằng bé, chỉ mới tám tuổi, quăng một hòn đá trong lúc chơi giỡn và làm bị thương chân một con chó săn mà viên tướng quân yêu thích. ‘Sao con chó của tao lại đi cà nhắc?’ Có người bảo viên tướng là thằng bé nông nô đã làm đau chân con chó. ‘Vậy là mày hả,’ viên tướng nhìn thằng bé từ trên xuống dưới. ‘Dẫn nó đi!’ Họ mang thằng bé đi, đi khỏi mẹ nó, và giam giữ thằng bé cả đêm. Sáng hôm sau lúc bình minh viên tướng mặc đồ đi săn cưỡi ngựa ra… vây xung quanh hắn… là những con chó, những người giữ chó, đám thợ săn, tất cả trên lưng ngựa. Đám nông nô giúp việc nhà được tụ tập lại cho một màn khai trí, mẹ thằng bé có lỗi đứng ngay hàng đầu. Thằng bé được đưa ra từ chỗ giam giữ… Viên tướng ra lệnh lột đồ thằng bé; nó bị lột trần truồng , nó run rẩy, nó điên cuồng vì sợ hãi, nó không dám ngước nhìn lên… ‘Rượt nó!’ Viên tướng ra lệnh. Đám thợ săn hét, ‘Chạy đi, chạy đi!’ và thằng bé chạy…’[B]ắt nó!’ viên tướng hét lên và thả dây cho cả một bầy cho săn đuổi theo thằng bé. Viên tướng săn thằng bé ngay trước mắt mẹ nó và bầy chó xé xác thằng bé thành trăm mảnh…
Một câu chuyện có thật. Thế bạn nghĩ gì? Việc viên tướng làm có sai về đạo đức không? Tôi hy vọng bạn sẽ nói, ‘Đúng là nó sai về đạo đức – và ai nghĩ viên tướng đúng về đạo đức thì họ nghĩ sai.’ Nếu bạn làm vậy, thì bạn đã chấp nhận là thuyết tương đối về đạo đức là sai: chúng ta có thể nói rằng giá trị hay ý kiến của một ai đó trong lĩnh vực đạo đức là sai.
Nhưng nếu mà bạn giống các sinh viên tôi từng phỏng vấn đầu vào của trường tôi, bạn có thể sẽ nói, ‘Ừ thì ý kiến cá nhân tôi cho rằng hành vi của viên tướng đó là sai và nếu tôi có thể ngăn cản ông ta tôi đã làm rồi. Nhưng cùng lúc tôi nhận ra rằng một số người có thể nghĩ rằng hành vi đó không có vấn đề gì – và nếu họ nghĩ như thế, tôi không thể nói là họ sai được. Họ có quyền có ý kiến cá nhân họ.’
Nếu bạn nói như thế này, thì bạn đang tự mâu thuẫn với bản thân. Nếu bạn thật sự nghĩ rằng, ‘Việc viên tướng đã làm là sai’ thì bạn cũng phải nghĩ rằng lời tuyên bố rằng ‘Việc viên tướng đã làm không có vấn đề gì,’ là sai. Nếu bạn đã nghĩ rằng tuyên bố đó là sai, thì bạn cũng phải nghĩ rằng bạn, tôi hay bất kỳ ai khác đang mắc sai lầm khi chúng ta nói rằng ‘Việc viên tướng đã làm không có vấn đề gì.’
Sự thật là thuyết tương đối về đạo đức không thể được biện minh một cách đàng hoàng. Nó là một sự làm ra vẻ mà chúng ta thực hành bởi vì một nỗi mong muốn đáng khen của chúng ta: nỗi mong muốn tránh bị xem là chướng tai gai mắt, hay độc ác, khi chúng ta nói với ai đó rằng việc họ làm là xấu hay sai trái về mặt đạo đức.
Thật sự, nó là một sự làm ra vẻ mang tính phủ định bản thân bởi vì những ai thực hành cái sự làm ra vẻ đó là những người đầu tiên nhấn mạnh rằng hành vi cư xử một cách chướng tai gai mắt hay ác độc với người khác là một hành vi sai trái về đạo đức – và bất kỳ ai nghĩ khác vậy thì đơn giản là sai.
Nếu bạn thực hành cái sự làm ra vẻ đó, tôi muốn bạn bỏ nó đi ngay tức khắc.
Thay vì nói: ‘Ý kiến riêng của tôi là làm việc x là sai trái, nhưng người khác có thể nghĩ khác,’ hãy nói rằng: ‘Làm việc x là sai trái – và đây là các lý do tại sao làm x là sai trái.’
Thay vì nói: ‘Ý kiến cá nhân tôi là nên làm x chứ đừng nên làm y, nhưng nếu ai đó có quan điểm khác tôi không thể nói là họ sai,’ hãy nói rằng: ‘Nên làm x thay vì làm y – và đây là các lý do tại sao việc nghĩ rằng làm y tốt hơn làm x là sai lầm.’
Thay vì nói: ‘Thật là khó để nói rằng nếu x xảy ra thì sẽ tệ hại hay là không – nhìn tổng thể thì tôi cho rằng nó sẽ tệ, nhưng người khác có thế có quan điểm khác,’ hãy nói rằng: ‘Sẽ rất tệ nếu x xảy ra – và sau đây là lý do tại sao các luận điểm cho rằng x xảy ra là một điều tệ mạnh hơn các luận điểm cho rằng x xảy ra là điều tốt.’
Lý do tại sao tôi khẩn cầu bạn làm việc này là vì trong vai trò một sinh viên luật, bạn sẽ thường xuyên được yêu cầu đánh giá (evaluate) một lĩnh vực luật nào đó – yêu cầu cho ý kiến là bạn có nghĩ rằng lĩnh vực luật đó có cần cải cách không.
Bạn sẽ rất khó nói ra được rằng bạn có nghĩ một lĩnh vực luật nào đó cần cải cách hay không nếu như bạn không sẵn sàng có những đánh giá về giá trị (value judgments).
Ví dụ, bạn có thể tranh luận rằng một lĩnh vực luật nào đó cần cải cách bởi vì lĩnh vực luật đó đối xử với những người làm việc x giống hệt như đối xử với những người làm việc y, nhưng luật không nên như thế vì người có hành vi x thì tệ hại hơn người có hành vi y. Tranh luận như thế là bạn đang đưa ra một đánh giá về giá trị – rằng làm x thì tệ hơn là làm y. Một người theo thuyết tương đối về đạo đức sẽ không sẵn sàng đưa ra một đánh giá về giá trị như thế và theo đó một người theo thuyết tương đối về đạo đức không thể phê bình được việc luật đang đối xử với người có hành vi x giống hệt như người có hành vi y.
Một người theo thuyết tương đối về đạo đức cùng lắm là có khả năng nói thế này, ‘Theo ý kiến cá nhân tôi, việc có hành vi x thì tệ hơn việc có hành vi y. Thế nên theo ý kiến của tôi, luật cần cải cách bởi vì nó đối xử với người có hành vi x như là nó đối xử với người có hành vi y. Nhưng có thể là người khác sẽ có quan điểm khác, và nếu ý kiến của họ được tôn trọng hơn thì rõ ràng là luật không cần cải cách.’
Đây là một tranh luận rất tệ – thật sự nó chả phải là tranh luận tí nào – và sẽ bị điểm rất thấp.
Thế nên nếu bạn có thói quen suy nghĩ như một người theo thuyết tương đối về đạo đức, bỏ thói quen ấy càng sớm càng tốt…”
Tìm đọc thêm: