Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1: Vốn xã hội
Từ lúc chính thức ngồi vào ghế tổng bí thư, ông Tô Lâm đã có một số diễn ngôn đưa
Café Luật Khoa
—
Glanville Llewelyn Williams (1911-1997) là một học giả luật có nhiều ảnh hưởng trong ngành luật hình sự tại Anh. Ông tốt nghiệp đại học tại Wales, gia nhập luật sư đoàn rồi lại rẽ sang học thuật. Ông tốt nghiệp tiến sỹ ngành luật trường đại học Oxford năm 1942 với một trong những luận án được chấm điểm và đánh giá cao nhất trong lịch sử trường luật đại học Oxford. Sau đó Williams tham gia giảng dạy tại đại học Cambridge và đại học London. Ông biên soạn nhiều sách giáo khoa và có nhiều nghiên cứu quan trọng trong luật hình sự.
Tuy nhiên, tên tuổi của Williams có lẽ được nhiều thế hệ các sinh viên mới vào ngành luật tại Anh biết đến nhất qua tác phẩm ông viết năm 1945, “Học Luật” (Learning The Law). Williams miêu tả cuốn sách này của ông là một “hướng dẫn viên, triết gia và người bạn” (“guide, philosopher and friend”) của mỗi sinh viên luật.
Cuốn sách dày khoảng hơn 200 trang hướng dẫn chi tiết cách học, nghiên cứu luật trong môi trường đại học Anh (cụ thể là trường đại học Cambridge nơi Williams giảng dạy lúc viết sách) này nhanh chóng trở thành một cuốn cẩm nang đáng tin cậy cho các thế hệ sinh viên luật sau Thế chiến thứ hai tại Anh. “Học Luật” đã được cập nhật và in lại nhiều lần.
Trong chương 7 của cuốn sách, Williams giải thích về 3 chiếc “chìa khóa” tạo điều kiện cho các thẩm phán trong hệ thống tòa án thông luật Anh giải thích áp dụng luật thành văn (statutory interpretation) vào các vụ việc cụ thể: quy tắc trực nghĩa (the literal rule), quy tắc mục đích (the mischief rule) và quy tắc vàng (the golden rule).
Nền thông luật (common law) của Anh hoạt động không chỉ dựa trên các án lệ thông luật do các thẩm phán đưa ra tùy vào hoàn cảnh thực tế của vụ việc, mà còn dựa vào hệ thống luật thành văn (statutory law) vốn là những đạo luật (statutes) do Nghị viện Anh soạn thảo và ban hành, tương tự như những bộ luật tại các nước thuộc hệ thống luật lục địa (civil law).
Vậy các thẩm phán Anh giải thích áp dụng các đạo luật này bằng các quy tắc nói trên như thế nào?
—
Trích đoạn “Học Luật” (Learning The Law) – Glanville Williams
(Nhà xuất bản Sweet & Maxwell London 2002 – A.T.H.Smith hiệu đính và cập nhật)
“ … Quy tắc trực nghĩa (The Literal Rule)
Chấp nhận rằng ngôn từ có một mức độ co giãn nhất định về ngữ nghĩa, quy tắc chung vẫn là các thẩm phán phải nhìn nhận bản thân họ phải chịu sự ràng buộc của các ngôn từ trong một đạo luật khi những ngôn từ đó kiểm soát một cách rõ ràng vụ việc đang được tòa xử. Các ngôn từ đó phải được áp dụng không thêm không bớt tí gì.
Nói chính xác hơn, nguyên tắc chung là tòa án không thể mở rộng phạm vi của một đạo luật tới một vụ việc không có trong nội dung luật cho dù là nằm trong phạm vi mục đích của đạo luật đó, và tòa án cũng không thể giới hạn một đạo luật bằng cách bỏ ra ngoài một vụ việc mà nội dung đạo luật rõ ràng nghĩa đen là có đề cập đến, ngay cả khi lẽ ra đạo luật không nên có nội dung được đề cập đó…
…Theo đó, các tòa án không nên sử dụng các nguyên tắc giải thích luật khác khi mà nội dung của đạo luật là “dễ hiểu và không mơ hồ”. Các tòa án có thể từ chối áp dụng quy tắc trực nghĩa nếu như đạo luật mơ hồ, nhưng không được “sáng tạo ra các điểm mơ hồ võ đoán” để làm việc đó.
Tuy nhiên, việc dung hòa quy tắc trực nghĩa và quy tắc “bối cảnh” (context) là một việc khó. Chúng ta hiểu ý nghĩa của ngôn từ trong bối cảnh của chúng, và trong cuộc sống hàng ngày bối cảnh không chỉ bao gồm những ngôn từ khác vốn được sử dụng cùng lúc với một bối cảnh mà còn bao gồm cả hoàn cảnh nhân bản hay là hoàn cảnh xã hội mà những ngôn từ đó được sử dụng.
Giáo sư Zander đã cho một ví dụ: một cặp vợ chồng bảo người trông trẻ làm bọn trẻ vui bằng cách dạy chúng chơi đánh bài. Trong lúc cặp vợ chồng đi vắng, người trông trẻ dạy bọn trẻ con chơi bài xì tố thua cởi quần áo (strip poker).
Rõ ràng là xì tố thua cởi quần áo là một trò chơi đánh bài, nhưng cũng rõ ràng như thế là trò này không phải là một trò chơi được suy tính đến trong lời chỉ dẫn của cặp vợ chồng. Ai cũng biết điều đó không phải nhờ vào lời nói của cặp vợ chồng này mà là bởi vì những ý niệm theo lệ thường về cách hành xử và việc giáo dục trẻ em một cách đứng đắn. Nhìn bề mặt, có vẻ là quy tắc trực nghĩa ngăn cấm một cách tiếp cận dựa trên lương năng thông thường (common-sense) như thế trong việc giải thích luật pháp.
Quy tắc trực nghĩa đã chịu phê bình từ nhiều tác giả. Áp dụng một cách mù quáng, quy tắc này là một quy tắc chống lại việc sử dụng trí khôn trong việc thấu hiểu ngôn ngữ. Ai mà trong cuộc sống hằng ngày giải thích ngôn từ một cách trực nghĩa, không quan tâm gì đến việc người nói hay người viết có ý là gì, thì sẽ được xem là một người mô phạm rởm đời (pedant), một kẻ quậy phá hay một người lập dị…
… Quy tắc mục đích ( The Mischief Rule)
… [N]hiệm vụ giải thích các đạo luật cho các thẩm phán cơ hội bày tỏ các ý kiến cá nhân của họ về các chính sách xã hội (social policy); và dĩ nhiên rằng các ý kiến của họ không phải lúc nào cũng được công nhận rộng rãi. Tuy nhiên, các thẩm phán có cơ sở khá an toàn nếu như họ áp dụng quy tắc “mục đích” (the “mischief” rule), hay còn được biết đến là quy tắc từ án lệ Heydon.
Quy tắc này buộc những người thẩm phán phải nhìn vào thông luật (common law) (có nghĩa là [nhìn vào] vị trí pháp lý) từ trước khi có một đạo luật, và nhìn vào mối phiền lụy (mischief) mà đạo luật đó có mục đích giải quyết; theo đó đạo luật đó sẽ được giải thích theo một cách nhằm triệt phá mối phiền lụy và đưa ra giải pháp giải quyết nó.
Phương án đọc luật thành văn này là một ví dụ sớm của thứ ngày nay hay được gọi là cách tiếp cận dựa trên mục đích (a “purposive” approach) vốn rộng hơn chứ không chỉ đơn thuần là nhắm vào việc biết chắc một mối phiền lụy nào đó. Thượng nghị viên Nicholls giải thích:
“Ngày nay các tòa án nhìn vào các phương tiện trợ giúp bên ngoài để làm nhiều hơn là chỉ đơn thuần xác định một mối phiền lụy mà một đạo luật có mục đích giải quyết. Trong việc sử dụng phương thức tiếp cận dựa trên mục đích trong việc giải thích ngôn ngữ luật thành văn, các tòa án tìm cách xác định và đưa vào thực tế mục đích của công tác lập pháp. Trong chừng mực mà các tư liệu bên ngoài giúp được cho việc xác định mục đích lập pháp, phương thức này là một công cụ hữu dụng.”
Như thế, phương thức tiếp cận dựa trên mục đích có phạm vi rộng hơn quy tắc mục đích, bởi vì phương thức này không đặt giả định (như quy tắc mục đích đặt giả định) rằng tất cả các đạo luật đều được thông qua chỉ với mục đích giải quyết một mối phiền lụy nào đó, thay vì là khuyến khích một mục đích hay một điều tốt đẹp nào đó cho xã hội.
Trong các năm gần đây, phương thức tiếp cận dựa trên mục đích đã thay thế quy tắc trực nghĩa và quy tắc mục đích trong vai trò một quy tắc thích hợp cho việc làm rõ mục đích [lập pháp] của Nghị viện.
Quy tắc từ án lệ Pepper kiện Hart
Sự hữu dụng thực tế của quy tắc mục đích phụ thuộc trong một chừng mực nhất định vào các phương tiện mà tòa án có quyền sử dụng để tìm hiểu chắc chắn mối phiền lụy mà một đạo luật có mục đích giải quyết.
Một cuộc điều tra thật sự vào lịch sử [của đạo luật] sẽ xem xét các tranh cãi trên báo chí, các hội nghị đảng chính trị, các thông cáo chính phủ, và các tranh luận tại Nghị viện. Cách đây không lâu lắm, các tư liệu nói trên đều bị bỏ ra rìa vì quy tắc loại trừ bằng chứng liên quan đến lịch sử chính trị của một đạo luật.
Quy tắc loại trừ này đã được áp dụng để tránh gánh nặng mà những người làm nghề tư vấn pháp luật (và theo đó là chi phí mà thân chủ họ phải trả) phải chịu và để tránh sự không chắc chắn của luật pháp khi mà các tài liệu lịch sử được tham khảo.
Vì thế trong thực tế lúc đó, một thẩm phán nhìn chung lần ra mục đích của một đạo luật bằng cách nghiền ngẫm từ ngữ của đạo luật đó, dưới ánh sáng của kiến thức của chính ông ta về luật trước đó, và của kiến thức chung của ông ta về các điều kiện xã hội.
Tuy nhiên, quyết định từ án lệ Pepper (Thanh tra thuế) kiện Hart đã đặt ra rằng trong một số trường hợp nhất định và cho một số mục đích nhất định, Hansard (tức là văn thư Nghị viện) (Hansard là các bản báo cáo ghi nhận nguyên văn nội dung những phiên chất vấn, tranh biện và đóng góp của mọi đại biểu tại Nghị viện Anh – ND) có thể được tham khảo nhằm làm chắc các ý định của ngành lập pháp. Các giới hạn chính xác cho việc tham khảo này hiện nay vẫn chưa rõ ràng và là một vấn đề gây tranh cãi sâu sắc.
Theo thượng nghị viên Oliver, việc tham khảo này chỉ được phép “…khi mà sự diễn đạt ý định lập pháp thật sự là mơ hồ hay tối nghĩa, hay khi mà một cách hiểu trực nghĩa hoặc một cách hiểu hiển nhiên (prima facie) dẫn đến một sự vô lý rõ ràng là lố bịch, và khi mà cách giải quyết khó khăn là một tuyên bố rõ ràng về vấn đề trong vụ việc.”
Các điều kiện đặt ra cho việc tham khảo lịch sử lập pháp được tóm tắt trong phần giải thích đầu quyết định án lệ này như sau:
… Quy tắc vàng (The golden rule)
…[C]ác tòa án thỉnh thoảng tự cho phép họ giải thích một đạo luật theo một cách nhất định để đưa đến được một kết quả hợp lý, ngay cả khi việc này có nghĩa là rời bỏ ngữ nghĩa hiển nhiên (prima facie) của ngôn từ trong đạo luật. Quy tắc rằng một đạo luật có thể được giải thích theo một cách nhằm tránh sự vô lý được gọi một cách tiện lợi là “quy tắc vàng”…
… Quy tắc vàng cho phép tòa án chọn một nghĩa hợp lý (sensible) thay vì một nghĩa vô lý lố bịch (absurd) khi mà cả hai nghĩa đều là có thể được chọn về mặt ngôn ngữ. Có thể bỏ qua việc nghĩa vô lý đó là nghĩa tự nhiên hơn và hiển nhiên hơn của ngôn từ. Thượng nghị viên Reid đã viết:
“Khi một điều luật theo một cách giải thích dẫn đến một kết quả lạ lùng và không công bình (inequitable), điều này có thể dẫn đến việc tòa án tìm một cách giải thích có thể khác vốn sẽ phục vụ công lý hơn.”
Một lần khác, thượng nghị viên Reid nhấn mạnh điểm này hơn:
“Chỉ khi nào không thể có một cách hiểu các ngôn từ của một điều luật theo một hướng vốn phù hợp với ý định rõ ràng của điều luật đó và tránh được một kết quả hoàn toàn vô lý, thì khi đó ngôn từ gốc của điều luật đó mới được ưu tiên áp dụng.”
Cách áp dụng quy tắc vàng này không mâu thuẫn với quy tắc trực nghĩa, với điều kiện là việc tìm đến sự nhập nhằng (ambiguity) trong giải thích một đạo luật được biện giải rõ là nhằm để tránh sự vô lý lố bịch trong cách áp dụng đạo luật đó. Nếu chấp nhận quy tắc vàng, thì chúng ta phải từ chối ý kiến của thượng nghị viên Diplock rằng là sự không thiết thực, bất công hoặc phản đạo đức trong một cách áp dụng một đạo luật bất kỳ không thể tự nó là lý do cho việc tìm đến một sự nhập nhằng trong giải thích đạo luật đó. Theo quy tắc vàng, chính sự không thiết thực, bất công hay phản đạo đức là động lực mạnh mẽ cho tòa án tìm ra một sự nhập nhằng như vậy.
Người ta thường nói rằng vấn đề liên quan đến sự vô lý lố bịch của luật không thể có ảnh hưởng đến phán quyết trong bất kỳ loại vụ việc nào trừ loại vụ việc nói trên. Tuy nhiên, các tòa án thỉnh thoảng cũng áp dụng một nguyên tắc thứ hai, theo lời của thẩm phán Cross như sau:
“Một thẩm phán có thể đọc hiểu dựa trên những từ ngữ mà ông ta cho là được ngụ ý một cách tối cần thiết bởi những từ ngữ đã có sẵn trong đạo luật, và ông ta có một quyền giới hạn trong việc thêm vào, sửa đổi, hay bỏ ra rìa một số từ ngữ trong đạo luật nhằm tránh cho việc một điều luật trở nên khó hiểu, vô lý lố bịch hay hoàn toàn bất hợp lý, không thực tế hay hoàn toàn không thể dung hòa được với các nội dung khác trong cùng đạo luật.”
Áp dụng quy tắc này, các thẩm phán thỉnh thoảng sửa một đạo luật khi mà trong nội dung của nó nói một cách sai lầm là “và” trong khi ý của nó muốn nói là “hoặc”, hay nói sai là “hoặc” khi ý của nó là “và”. Tuy nhiên, luận điểm phải rất mạnh thì mới có thể khuyến dụ một tòa án can thiệp vào nội dung một đạo luật. Vẫn có những trường hợp mà các tòa án cảm thấy rằng họ phải giải thích áp dụng một đạo luật theo một cách mà bản thân họ thừa nhận là tạo ra một sự bất công đến kỳ quặc…”
Tìm đọc thêm: