Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Trong 1 nền kinh tế thị trường tự do, sự thật là các tập đoàn lớn trên thế giới đã có những lúc đặt nặng doanh thu và lợi nhuận lên trên các tiêu chuẩn an toàn cho người tiêu dùng. Sự kiện tập đoàn Tân Hiệp Phát gặp phải những cáo buộc cho rằng các sản phẩm của Tân Hiệp Phát bị lỗi và có thể mang đến những ảnh hưởng tiêu cực cho sức khỏe của người tiêu dùng, nhưng tập đoàn này có thể đã che giấu điều đó bằng cách lợi dụng khe hở pháp luật để bỏ tù những người phát hiện. Mà đỉnh điểm là vụ việc anh Võ Văn Minh ở Tiền Giang bị Tòa án Nhân dân tỉnh Tiền Giang tuyên án 7 năm tù vào ngày 18 tháng 12, 2015 vì đã sử dụng 1 chai nước trà xanh có ruồi để làm ra hành vi tống tiền doanh nghiệp. Phiên toà xử phúc thẩm anh Minh đáng lý đã diễn ra vào ngày 30 tháng 6, 2016, nhưng sau đó đã bị hoãn vì nhiều lý do.
Dư luận hiện đã từng dấy lên làn những làn sóng tẩy chay sản phẩm của Tân Hiệp Phát song song với cả những ý kiến bênh vực cho một thương hiệu lớn của Việt Nam. Chúng ta hãy thử nhìn lại một án lệnh tiêu biểu cho các vụ kiện bảo vệ người tiêu dùng ở Mỹ vào những năm cuối thập niên 1970 và đầu thập niên 1980, đó là những vụ án liên quan đến dòng xe Pinto của công ty Ford (Ford Motor Company) để có một cái nhìn khác về cách phản ứng của xã hội trước một sản phẩm không đạt chuẩn và cách xử lý khủng hoảng của một trong những tập đoàn lớn, và của một ngành công nghiệp lớn ở Mỹ.
Tranh chấp dòng xe Pinto – nền tảng cho quyền người tiêu dùng tại Hoa Kỳ
Những án lệnh liên quan đến dòng xe Pinto đã trở thành những bước đệm đầu tiên cho những điều luật dân sự bảo vệ người tiêu dùng ở Mỹ ngày nay, trước những lỗi trong thiết kế hay trong quy trình chế tạo thành phẩm của các công ty.
Điều khiến dư luận và người dân Mỹ phẫn nộ về dòng xe Pinto của công ty Ford những năm 70-80 không chỉ là sự sơ sót trong việc thiết kế và quy trình chế tạo chiếc xe, mà chính là việc Ford đã xem nhẹ an toàn và tính mạng của người tiêu dùng.
Khi các luật sư của các nạn nhân trong vụ kiện, Grimshaw kiện Công ty Ford, đưa ra được bằng chứng trình lên tòa trong một bản báo cáo đầy tai tiếng mà ngày nay hay thường được nhắc đến với tên gọi: Báo cáo Ford (the Ford report). Báo cáo Ford cho thấy Ford tiếp tục cho ra đời những chiếc xe họ biết rất rõ là không đạt chuẩn, nhưng công ty này đã dùng 1 phép tính để quyết định rằng số tiền bồi thường cho những nạn nhân, nếu có, vẫn không là bao so với số doanh thu mà họ có thể bị thất thoát nếu phải sửa chữa lại lỗi kỹ thuật của dòng xe Pinto.
Vì không muốn bỏ tiền sửa chữa môt lỗi kỹ thuật của hệ thống dẫn nhiên liệu của dòng xe Pinto mà công ty Ford đã phải đối mặt với hàng chục vụ kiện dân sự khắp nước Mỹ kéo dài nhiều năm từ người tiêu dùng khắp các tiểu bang và còn bị khởi tố trách nhiệm hình sự ở tiểu bang Indiana năm 1979.
Vụ án “Pinto” cũng trở thành bài học về đạo đức trong kinh doanh cho các tập đoàn ở Mỹ vì trong phán quyết của án lệnh Grimshaw kiện Công ty Ford đưa ra năm 1981, Công ty Ford còn bị bồi thẩm đoàn buộc phải bồi thường cho gia đình em Richard Grimshaw – một thiếu niên 13 tuổi đã bị bỏng toàn thân khi chiếc xe Pinto mẹ em (người đã qua đời trong cùng vụ tai nạn) điều khiển bốc cháy sau khi xảy ra va chạm nhẹ với 1 chiếc xe khác – số tiền bồi thường riêng cho hành vi đáng bị trừng phạt (punitive damages) là 125 triệu USD[1], chưa tính những số tiền bồi thường khác cho thương tật và chi phí y tế.
Một trong những lý do khiến cho một công ty hay tập đoàn lớn ở Mỹ bị có thể bị tòa tuyên phạt “punitive damages”, nếu bị bồi thẩm đoàn cho rằng đã có những hành vi thiếu đạo đức khi kinh doanh, khi họ đặt doanh thu lên trên an toàn của người tiêu dùng. Với số tiền khổng lồ cho hành vi cần bị trừng phạt (punitive damages), án lệnh Grimshaw đã được Hội Luật Sư Tranh Biện Hoa Kỳ cho là 1 trong 10 án lệnh tiêu biểu nhất của thiên niên kỷ trước.
Dòng xe Pinto là cứu tinh cho tập đoàn trong nước
Trở lại câu chuyện về hãng xe Ford và mẫu xe Pinto. Trước thập niên 60, các tập đoàn sản xuất ô tô Mỹ ở Detroit, Michigan tự xem họ là những người thống lĩnh thị trường xe ô tô ở Mỹ, và cả trên thế giới. Khi các dòng xe Nhật Bản được nhập vào Hoa Kỳ như một phép thử thị trường, các công ty lớn như Ford hay GM (General Motors) đã nhếch mép xem thường và cho rằng vị trí độc tôn của họ ở Bắc Mỹ khó có thể bị lung lay.
Tuy nhiên, đến những năm cuối thập niên 60, thì tình hình có vẻ đã có chuyển biến khác. Trái với dự đoán của các tập đoàn ô tô Mỹ, những kiểu xe Nhật Bản, với thiết kế gọn nhẹ và giá cả mềm hơn, dần dần tìm được chỗ đứng trong thị trường. Đứng trước nguy cơ có thể mất đi ngôi vị, công ty Ford quyết định phải nhanh chóng tìm ra một phương án giải quyết. Trong năm 1968, Ford đã bắt đầu vào việc nghiên cứu và chế tạo một mẫu xe mới, gọn nhẹ hơn và giá chỉ ở khoảng $2.000 USD để có thể cạnh tranh với các kiểu xe Nhật Bản. Theo nhiều tài liệu từ các vụ kiện tụng liên quan đến mẫu xe Pinto, chính vì sự hấp tấp và nôn nóng để cho ra dòng xe mới, công ty Ford đã rút ngắn thời gian thông thường cho quy trình chế tạo 1 sản phẩm mới từ 3 năm rưỡi xuống chỉ còn 2 năm. Và vào cuối năm 1970, công ty Ford đã sẵn sàng để tung ra mẫu xe mới nhất cho năm1971, dòng xe Ford Pinto gọn nhẹ giá rẻ để có thể cạnh tranh với các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản.
Không thể vì danh nghĩa dân tộc mà phản bội người tiêu dùng
Các sản phẩm xe ô tô ở Mỹ được khuyến cáo bởi Cục An Toàn Giao Thông Cao Tốc Quốc Gia (National Highway Traffic Safety Administration) là phải trải qua được thử nghiệm về độ an toàn khi xảy ra va chạm (crash test). Theo báo cáo ghi nhận được, tính đến năm 1972, thì khuyến cáo dành cho các loại xe ô tô sản xuất ở Mỹ là phải chịu đựng được sức va chạm từ phía sau ở vận tốc 20 dặm 1 giờ mà không bị chảy xăng. Sang đến năm 1973 thì mức khuyến cáo cho sức va chạm được tăng lên với vận tốc 30 dặm 1 giờ.
Mẫu xe Pinto không vượt qua được thử nghiệm theo tiểu chuẩn khuyến cáo của Cục An Toàn Giao Thông cho va chạm với vận tốc 20 dặm 1 giờ. Điều này đồng nghĩa với việc là khi xảy ra va chạm nhẹ từ phía sau, mẫu xe Pinto sẽ trở thành một mối hiểm họa có thể gây cháy nổ cho người sử dụng. Lúc đó, công ty Ford đã phải đối mặt với 1 sự lựa chọn, tiếp tục quyết định sản xuất mẫu xe Pinto như hiện tại với lỗi kỹ thuật trong hệ thống dẫn nhiên liệu để có thể đưa ra thị trường đúng thời điểm dự định, hay sửa chữa lại lỗi kỹ thuật đó và kéo dài ngày hoàn thiện sản phẩm thêm 1 năm. Kéo dài thời gian hoàn thiện và đưa ra thị trường cũng đồng nghĩa với việc để cho thị trường tiếp tục bị các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản thao túng. Ngoài ra, để giữ mức giá thành $2.000 USD cho mỗi chiếc Pinto, việc sửa chữa hoàn thiện hệ thống dẫn nhiên liệu và bình chứa xăng có thể sẽ nâng giá thành lên cao hơn, giảm đi sức cạnh tranh với các đối thủ.
Theo các bằng chứng từ những vụ kiện dân sự liên quan đến mẫu xe Pinto, công ty Ford đã làm một phép tính để xem số tiền bồi thường cho các nạn nhân (nếu có) trong những vụ tai nạn giao thông khi sử dụng xe Pinto bị lỗi trung bình trong một năm là bao nhiêu. Sau đó, Ford so sánh dữ liệu này với số tiền họ phải sử dụng để khắc phục lỗi thiết kế của hệ thống dẫn nhiên liệu cho mầu xe Pinto trong cùng một năm. Theo thống kê của Cục An Toàn Giao Thông, mỗi cái chết vì tai nạn giao thông ở Hoa Kỳ trong năm 1972 sẽ mang lại một tổn thất vào khoảng $200.725 USD cho xã hội. Các chuyên gia của Ford đã tính toán rằng, khả năng bị bồi thường cao nhất khi bình xăng và hệ thống dẫn nhiên liệu của xe Pinto cháy nổ khi va chạm là ở mức $49,5 triệu USD một năm. Trong khi đó, để khắc phục lỗi kỹ thuật này cho mẫu xe Pinto, chi phí mà Ford phải chi trả là $137,5 triệu USD. Dùng tiền bạc và doanh thu, chứ không phải là an toàn của người tiêu dùng cũng như tính mạng của họ, để làm chuẩn mực cho quyết định của mình, công ty Ford đã phải trả giá rất đắt cho quyết định này khi chọn không thay đổi thiết kế mẫu xe Pinto trước khi tung ra thị trường.
Tập đoàn Hoa Kỳ đầu tiên bị truy tố trách nhiệm hình sự vì lỗi của sản phẩm
Mẫu xe Pinto với hiểm họa cháy nổ khi va chạm nhẹ ở tốc độ 20 dặm 1 giờ đã được Ford sử dụng và tung ra thị trường không sửa chữa hay thu hồi trong vòng 6 năm. Lúc đầu, xe Pinto được ủng hộ rất nồng nhiệt từ người tiêu dùng vì mẫu mã cũng như giá thành rất phải chăng. Trong năm đầu tiên, năm 1971, Ford đã bán được 328.275 chiếc xe Pinto.
Từ năm 1971 đến năm 1978, những nhóm bảo vệ người tiêu dùng ở Mỹ đã đưa ra thống kê là có gần 500 vụ tai nạn chết người do bình xăng cháy nổ liên quan đến mẫu xe Pinto ở Hoa Kỳ. Cũng cùng trong khoảng thời gian này, công ty Ford đã phải đối mặt với gần 50 vụ kiện dân sự trên khắp các tiểu bang. Tuy nhiên đỉnh điểm của khủng hoảng Pinto với tập đoàn này là vào năm 1979, khi công tố viên của tiểu bang Indiana truy tố trách nhiệm hình sự tội tắc trách gây ra chết người với tập đoàn Ford sau khi 3 thiếu nữ đã bị thiêu chết ngay tại hiện trường vì chiếc xe Pinto mà họ đang sử dụng bốc cháy do bị va chạm nhẹ từ phía sau. Sau 25 giờ nghị án, bồi thẩm đoàn đã tuyên bố tập đoàn Ford không có tội. Nhưng doanh thu và danh tiếng của họ đã không còn có thể cứu vãn nổi. Đến năm 1980, Công ty Ford tuyên bố chấm dứt sản xuất xe Pinto.
Chấn chỉnh lại đạo đức kinh doanh để phục hồi khủng hoảng và trờ thành một tập đoàn có trách nhiệm xã hội
Sau khủng hoảng về mẫu xe Pinto và báo cáo Ford, tập đoàn Ford đã gây dựng lại thương hiệu bằng việc tập trung vào khía cạnh “Đạo đức khi kinh doanh”. Ngoài việc tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, Ford còn tập trung đưa đạo đức kinh doanh vào các khóa đào tạo nhân viên và có cả một khóa đào tạo về đạo đức cho nhân viên trên toàn cầu bằng 13 ngôn ngữ khác nhau. Ngoài ra, các nhân viên của Ford cũng được đào tạo về cách ứng xử khi gặp sự cố hay khiếu nại với khách hàng.
Trên hết, Ford hiểu được rằng chỉ có kiến tạo lại niềm tin và sự tôn trọng của khách hàng đối với họ thì mới có thể tiếp tục giữ vững địa vị của tập đoàn trên nước Mỹ. Ford đã liên tục và tích cực tham gia các chương trình cộng đồng, tài trợ cho các trường học và cấp học bổng cho học sinh, sinh viên. Chương trình giúp đỡ học sinh trung học The Ford Partnership for Advanced Studies (Ford PAS) có mặt ở 600 trường học trên 27 tiểu bang của nước Mỹ. Ngoài ra, Ford cũng tài trợ cho những chương trình dạy về an toàn giao thông cho các thanh thiếu niên Mỹ. Tham gia vào các hoạt động cộng đồng và xã hội trở thành một phần không thể tách rời của tập đoàn Ford qua chương trình Quỹ Hoạt Động Cộng Đồng Tập Đoàn Ford (Ford Motor Company Fund and Community Services).
Với lối sử dụng đạo đức kinh doanh và tập trung vào phát triển cộng đồng và xã hội, tập đoàn Ford đã được đánh giá là 1 trong những công ty kinh doanh có đạo đức nhất trên thế bởi học viện Ethisphere liên tục trong những năm vừa qua. Không những Ford đã thành công vượt qua khủng hoảng Pinto, họ cũng đã xứng đáng giữ được ngôi vị là 1 trong 3 tập đoàn về sản xuất ô tô lâu đời và lớn nhất nước Mỹ.
Tài liệu tham khảo:
Lee Iacocca’s Pinto: A fiery failure; Robert Sherefkin; Automotive News; 16/6/2003
Case: The Ford Pinto; Moral Issues in Business 8th ed. Shaw & Barry (pp. 83-86)
$128 Million – Fuel System Fire
[1] Con số này sau đó đã được thẩm phán giảm xuống còn $3 triệu USD