Thư cuối tuần - 24/11/2024
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Vì sao trong thời gian gần đây, các vụ xung đột giữa nhân viên cảnh sát người da trắng và cộng đồng người Mỹ gốc Phi Châu (African Americans) lại liên tục xảy ra, kéo đến các cuộc biểu tình phản đối cảnh sát lạm dụng vũ lực, có khi lên đến hàng trăm nghìn người tham gia tại rất nhiều thành phố ở Hoa Kỳ? Vấn đề này quan trọng tới mức đã khiến nó được chọn làm một trong những vấn đề xã hội của nước Mỹ để yêu cầu hai vị ứng cử viên tổng thống phải đưa ra giải pháp trong cuộc tranh luận công khai đầu tiên vào tối ngày 26 tháng 9, 2016 vừa qua.
Trong phần trả lời, quan điểm của ứng cử viên của Đảng Dân Chủ, bà Hillary Clinton được xem là rất gần với những gì Phong trào Black Lives Matter (Xin tạm dịch là: Sinh mạng của người da đen cũng có giá trị) đã và đang đòi hỏi. Cho rằng vấn đề chủng tộc chính là nguyên nhân sâu xa của các vụ nổ súng có liên quan đến nhân viên công lực, phong trào Black Lives Matter đã liên tục kéo dài trong gần bốn năm qua, lôi cuốn sự quan tâm của người dân, các chính khách, các ứng cử viên tổng thống, cũng như sự tham gia của các nhà lãnh đạo phong trào xã hội, tôn giáo, v.v.
Vậy thì vấn đề chủng tộc và những mâu thuẫn từ nó vốn có căn nguyên sâu xa như thế nào ở Mỹ? Đi ngược dòng lịch sử khoảng 50 năm, chúng ta có thể bắt đầu tìm thấy một lời giải thích và hy vọng rằng nó sẽ mở ra một cách giải quyết vấn đề.
Từ cuộc bạo động ở Harlem
Vào một buổi sáng tháng 7, trong không khí oi ả của mùa hè ở bang New York, Thomas, một cảnh sát viên người da trắng trong tình trạng không thi hành công vụ, đã rút súng bắn chết James, một thiếu niên da đen ngay phía ngoài của một tòa chung cư nằm trong khu thượng lưu Upper East Side, Manhattan. James là một học sinh và ngay lập tức, hàng trăm bạn đồng học của em đã xuống đường biểu tình phản đối việc cảnh sát bắn chết người.
Hai ngày sau đó, các cuộc biểu tình ở bang New York trở nên bạo động và tình trạng bạo loạn đã nổ ra khắp các khu vực trung tâm ở Harlem cũng như ở Brooklyn, là những nơi mà cộng đồng người Mỹ gốc Phi Châu (African Americans) sinh sống. Hàng nghìn người đã tham gia vào những cuộc biểu tình phản đối này. Khi nó trở thành một cuộc bạo loạn, một số người tham gia đã đập phá các cửa hàng và lấy đi đồ đạc cũng như họ đã tấn công cảnh sát bằng gạch đá và chai lọ.
Câu chuyện vừa kể ở trên nghe khiến chúng ta liên tưởng ngay đến những vụ việc cảnh sát nổ súng bắn chết người dẫn đến những cuộc biểu tình rộng khắp Hoa Kỳ trong 2 năm vừa qua. Mà vụ việc gần đây nhất là ở thành phố Charlotte, bang North Carolina khi cảnh sát bắn chết một người đàn ông da đen, Keith Lamont Scott (được cho là không mang vũ khí tuy điều này đang còn trong vòng tranh cãi), và đã khiến cho một số lớn bộ phận dân chúng tràn xuống đường biểu tình phản đối trong những ngày cuối tháng 9, 2016. Duy chỉ có điều, câu chuyện ở Harlem, bang New York đã xảy ra hơn 50 năm trước, vào mùa hè năm 1964 và đã được ghi nhận trong lịch sử Hoa Kỳ là vụ bạo loạn Harlem – The Harlem Riot.
Hình ảnh trong cuộc bạo loạn Harlem. Nguồn: Dick DeMarsico/New York World Telegraph & Sun
Cuộc bạo loạn Harlem xảy ra ngay trong thời kỳ đỉnh điểm của Phong trào Dân Quyền (Civil Rights Movement) ở Hoa Kỳ vào giữa thập niên 1960. Sau khi thiếu niên James Powell bị bắn chết, Sở Cảnh sát New York đã đưa ra tuyên bố, rằng cảnh sát viên Thomas Gilligan đã làm đúng chức năng cũng như không có bất kỳ hành vi sai phạm gì. Khi người da đen bắt đầu biểu tình phản đối kết luận từ phía chính quyền, cảnh sát trưởng Michael J. Murphy đã ban hành một loạt chính sách đàn áp những cuộc biểu tình cũng như từ chối thuơng thảo với các thủ lĩnh của phong trào Dân quyền lúc đó về tình trạng cảnh sát lạm dụng vũ lực.
Vô hình trung, những chính sách của cảnh sát trưởng Murphy đã khiến cho thành phố New York phải sống trong một thời kỳ công an trị và tình trạng bạo động càng dâng cao. Kết quả của cuộc bạo loạn năm 1964 ở Harlem là đã có hàng trăm người bị thương do ẩu đả giữa người biểu tình và cảnh sát, cùng với hàng trăm người khác bị bắt giữ. Có lúc, cảnh sát đã dùng cả đạn thật để bắn vào người biểu tình.
Cuộc bạo loạn Harlem vẫn được một số học giả cho là ví dụ sống động nhất cho sự bất khoan dung của những mối mâu thuẫn giữa các chủng tộc ở Mỹ. Chính sự bất khoan dung đó đã dẫn đến sự mất tin tưởng lẫn nhau giữa những chủng tộc thiểu số và phía nhân viên công lực (đa phần là người da trắng), và đó mới chính là căn nguyên của những cuộc xung đột dai dẳng giữa họ trong suốt năm thập kỷ qua.
Trong một buổi trả lời phỏng vấn đài truyền hình cũng vào năm 1964, sau khi cuộc bạo loạn Harlem đã nổ ra, Malcolm X – một trong những gương mặt tiêu biểu trong thời kỳ Phong trào Dân quyền đã đưa ra quan điểm của ông là vì sao cuộc biểu tình ở Harlem, bang New York lại trở thành một cuộc bạo loạn.
Căn nguyên của vụ việc này, theo Malcolm X, không phải do nơi đây là một khu vực tập trung tội phạm như cảnh sát trưởng Murphy đã khiến cho nhiều người lầm tưởng khi ông ta đưa ra những chính sách đàn áp và thắt chặt cuộc sống của người dân địa phương. Theo Malcolm X, chính những chính sách của cảnh sát trưởng Murphy đã thổi bùng ngọn lửa xung đột của cả hai bên vì đã khiến cho người da trắng tin rằng Harlem là một khu vực chỉ có toàn là tội phạm và tất cả người ở đấy chỉ muốn dùng vũ lực để giải quyết vấn đề.
Nguồn: https://www.youtube.com/watch?v=adiy075EGOs
Cùng lúc đó, cũng theo Malcolm X, người da đen lại cho rằng cảnh sát chỉ muốn trấn áp họ vì đã sẵn mặc định tất cả người da đen ở Harlem là thành phần bất hảo. Điều này khiến cho niềm tin giữa hai bên vốn đã rất yếu ớt càng dễ dàng bị dập tắt. Kết quả là cộng đồng người da đen co cụm lại với nhau và tìm mọi cách để chống lại phía nhân viên công lực, thay vì xem cảnh sát và chính quyền là một lực lượng bảo vệ sự bình an, trật tự, và ổn định cho họ. Hơn 50 năm sau, những nhận xét của Malcolm X về vấn đề này xem ra vẫn còn rất chính xác.
Đến nước Mỹ hiện đại
Ngay sau khi vụ nổ súng ở bang North Carolina vài tuần trước, cộng đồng người Mỹ gốc Phi Châu ở Charlotte đã lập tức xuống đường biểu tình phản đối và một trong những lý do được đưa ra chính là việc họ hoàn toàn không tin vào lời giải thích từ phía cảnh sát về lý do nổ súng.
Biểu tình ở Charlotte, North Carolina. Nguồn: Sean Rayford/Getty Images.
Không chỉ là những vụ việc được cả nước Mỹ (và đôi khi là cả thế giới) quan tâm đến như hai vụ nổ súng trong tháng 9, 2016 ở Charlotte, bang North Carolina và ở Tulsa, bang Oklahoma, mà hằng ngày, các cộng đồng người Mỹ gốc Phi Châu và các cộng đồng thiểu số khác trên nhiều thành phố lớn nhỏ ở Hoa Kỳ vẫn phải đối mặt với tình trạng tương tự.
Tuy Phong trào Dân Quyền của thập niên 60 đã mang lại những biến đổi tích cực cho xã hội Mỹ qua việc đòi hỏi quyền bình đẳng cho tất cả mọi người trong những thập niên vừa qua, sự thiếu vắng niềm tin giữa các cộng đồng chủng tộc thiểu số và lực lượng cảnh sát ở Mỹ vẫn tồn tại cho đến ngày hôm nay. Và rất có thể ngày nào niềm tin này chưa được tìm lại thì việc đưa ra một phương pháp giải quyết hợp lý cho những xung đột giữa họ vẫn là một việc làm rất khó./.
Nguồn tham khảo:
The Original Long, Hot Summer; NYTimes; MICHAEL W. FLAMM; 15 tháng 7 năm 2014