Những phiên tòa chính trị qua ảnh

Những phiên tòa chính trị qua ảnh

Những phiên toà chính trị xét xử các nhà hoạt động nhân quyền, dân chủ và nhân vật bất đồng chính kiến đặc biệt hơn những phiên toà hình sự thông thường ở nhiều khía cạnh. 

abs-2

Các phiên toà chính trị thường kín cổng cao tường, với lực lượng an ninh dày đặc bảo vệ khu vực xét xử. Mặc dù về nguyên tắc đây là các phiên toà công khai, nhưng công chúng không được tiếp cận với khu vực xét xử, chỉ những người có giấy mời mới được phép vào. Ảnh: Toà án Nhân dân TP. Hà Nội trong ngày xét xử sơ thẩm vụ án Anh Ba Sàm, ngày 23/3/2016.

chhv-trial

Khu vực xung quanh toà án thường bị các lực lượng an ninh, dân phòng phong toả, nghiêm cấm các phương tiện và người dân đi lại. Nhiều người thậm chí còn bị công an bắt giữ trong suốt thời gian xử án. Ảnh: luật sư Lê Quốc Quân đang bị nhân viên dân phòng giải tán khi đứng bên ngoài TAND TP. Hà Nội trước phiên xét xử sơ thẩm vụ án Cù Huy Hà Vũ, ngày 4/4/2011.

quanquoc-ttxvn

Nhưng không lâu sau đó, luật sư Lê Quốc Quân lại trở thành nhân vật chính của một phiên toà chính trị khác, với tội danh trốn thuế, ngày 2/10/2013. Ông bị kết án 30 tháng tù giam. Ảnh: TTXVN.

nvd

Trong nhiều phiên toà chính trị, phóng viên không được phép trực tiếp tác nghiệp tại phòng xử án. Thay vào đó, họ được sắp xếp ở một phòng khác có gắn màn hình tường thuật trực tiếp phiên xét xử. Ảnh: luật sư Nguyễn Văn Đài trong phiên toà sơ thẩm ngày 11-5-2007 tại TAND TP. Hà Nội. Ông sau đó bị toà phúc thẩm tuyên án 4 năm tù giam và 4 năm quản chế. Đồng sự với ông là luật sư Lê Thị Công Nhân cũng bị tuyên 3 năm tù giam, 3 năm quản chế, đều về tội “tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam”. Sau khi được trả tự do, ông tiếp tục bị bắt cùng đồng sự Lê Thị Thu Hà vào tháng 12/2015 với cùng cáo buộc theo điều 88, Bộ luật Hình sự. Ảnh: EPA / JULIAN Abram WAINWRIGHT.

Linh mục Nguyễn Văn Lý bị bịt miệng trong phiên tòa ngày 30/3/2007

Bức ảnh nổi tiếng này được phóng viên ảnh Hoàng Đình Nam của hãng thông tấn AFP chụp lại từ màn hình TV tại TAND tỉnh Thừa Thiên – Huế ngày 30/3/2007. Bị cáo linh mục Nguyễn Văn Lý bị một nhân viên công lực bịt miệng khi đang phát biểu tại toà. Ông được cho là đã gây mất trật tự tại phiên toà bằng cách hô những khẩu hiệu phản đối chính quyền. Ông sau đó bị kết án 8 năm tù giam và 5 năm quản chế.

dinhthuctrunglong

Bức hình này ghi lại một trong những vụ án chính trị nổi tiếng nhất trong lịch sử tư pháp Việt Nam với bốn bị cáo (từ trái sang phải): Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Tiến Trung, Lê Thăng Long và Lê Công Định, bị xét xử sơ thẩm ngày 10/1/2010 về tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”. Cho đến nay, chỉ còn duy nhất cựu doanh nhân Trần Huỳnh Duy Thức vẫn đang chấp hành bản án 16 năm tù giam, những người còn lại đều đã mãn hạn tù.

chhv

Cựu luật gia Cù Huy Hà Vũ là người được biết đến qua vụ kiện UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế năm 2005, việc ứng cử bất thành chức Bộ trưởng Bộ Văn hoá – Thông tin năm 2007 và việc khởi kiện quyết định của Thủ tướng đương nhiệm khi đó là Nguyễn Tấn Dung về dự án bô-xít Tây Nguyên năm 2009. Ông cũng là con trai của nhà cách mạng, nhà thơ Cù Huy Cận. Năm 2011, ông bị tuyên án 7 năm tù giam và 3 năm quản chế về tội “tuyên truyền chống nhà nước”. Tuy nhiên, tháng 4/2014, khi đang trong thời gian thụ án, ông được đi thẳng từ trại giam số 5 – Thanh Hoá sang Washington D.C (Mỹ) theo diện chữa bệnh và từ đó đến nay chưa về lại Việt Nam.

cu003

Thẩm phán Nguyễn Hữu Chính – Chánh tòa Hình sự TAND TP. Hà Nội ngồi ghế chủ tọa phiên toà sơ thẩm vụ án Cù Huy Hà Vũ, ngày 4/4/2011. Họ hầu hết là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, trong khi những người bị hại trong các phiên toà chính trị cũng thường là lãnh đạo đảng. Do đó, các thẩm phán bị một số luật sư và tổ chức nhân quyền chỉ trích vì không độc lập, thiếu khách quan và vô tư.

cu002

Đại diện Viện kiểm sát thường lảng tránh phần chất vấn của các luật sư và từ chối đưa ra chứng cứ. Ảnh: Các kiểm sát viên trong phiên sơ thẩm vụ án Cù Huy Hà Vũ.

ha-huy-son

Luật sư Hà Huy Sơn (phải) trong phiên sơ thẩm vụ án Cù Huy Hà Vũ. Đây cũng là vụ án đầu tiên của ông ở vai trò luật sư tranh tụng, với thân chủ chính là người quản lý của ông ở Văn phòng luật sư Cù Huy Hà Vũ (Hà Nội). Sau này, luật sư Sơn trở thành gương mặt quen thuộc trong nhiều phiên toà chính trị khác.

Ông Sơn và nhiều luật sư khác cho biết họ thường xuyên bị toà cản trở tác nghiệp, không cho tranh luận, thu giữ đồ đạc và bị đuổi ra khỏi một số phiên toà mà không có lý do chính đáng.

Ông Sơn và nhiều luật sư khác cho biết họ thường xuyên bị toà cản trở tác nghiệp, không cho tranh luận, thu giữ đồ đạc và bị đuổi ra khỏi một số phiên toà mà không có lý do chính đáng. Ảnh: luật sư Trần Vũ Hải trước khi bị đuổi ra khỏi phiên toà phúc thẩm vụ án Anh Ba Sàm, ngày 22/9/2016.

image-basam

Trong khi đó, không khí bên ngoài toà án thường rất nóng với các cuộc biểu tình của người dân và các cuộc xô xát giữa người dân với lực lượng an ninh.

dc100

Blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải có nhiều điểm tương đồng với luật sư Cù Huy Hà Vũ. Ông bị kết án năm 2012 về cùng tội danh như ông Vũ, với mức án 12 năm tù giam. Người đồng sự với ông là blogger Tạ Phong Tần bị tuyên án 10 năm tù. Ông Hải được phóng thích sang Mỹ vào tháng 12/2014, sau ông Vũ 8 tháng. Còn bà Tần cũng được phóng thích sang Mỹ vào tháng 9/2015.

ba-sam-nghuuvinh-1474536795

Vụ án Anh Ba Sàm (Nguyễn Hữu Vinh) thu hút sự chú ý của công luận vì nhiều lý do. Blog Anh Ba Sàm, trong nhiều năm, được coi là nguồn tin phong phú và uy tín bậc nhất của truyền thông độc lập Việt Nam. Nhà báo Nguyễn Hữu Vinh lại là một cựu nhân viên an ninh, con trai của nhà cách mạng Nguyễn Hữu Khiếu, cố Đại sứ Việt Nam tại Liên Xô. Ông bị tuyên án 5 năm tù giam về tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ”, còn người đồng sự với ông là bà Nguyễn Thị Minh Thuý bị kết án 3 năm tù giam. Ảnh: hai bị cáo tại phiên toà phúc thẩm ngày 22/9/2016 – TTXVN.

* Do một số ảnh trên đây được sao chép trên nhiều trang mạng mà không ghi rõ nguồn, Luật Khoa tạp chí không có điều kiện xác minh tác giả và ghi chú bản quyền. Xin chân thành cáo lỗi cùng các tác giả ảnh và bạn đọc. Mọi thông tin về bản quyền ảnh xin vui lòng liên hệ editor@luatkhoa.org.

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.