Xét xử lưu động hay show diễn công lý

Xét xử lưu động hay show diễn công lý

Các phiên toà lưu động đông người xem có thực sự giúp tuyên truyền, phổ biến pháp luật hay chỉ là sự kiện lăng nhục khổng lồ được sắp đặt trước?

  • Đặng Hoàng Giang
xu-luu-dong-2

Quang cảnh một phiên xử lưu động ở Yên Bái năm 2015. Ảnh: Zing

Từ 7 giờ sáng ngày 20 tháng Một năm 2014, hàng nghìn người đổ về nhà Thiếu nhi quận Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh, để mong tìm được chỗ xem phiên toà lưu động xử hai bảo mẫu Lê Thị Đông Phương, 31 tuổi, và Nguyễn Lê Thiên Lý, 19 tuổi, về tội bạo hành trẻ em.

Trên đường Võ Văn Ngân, hàng trăm người dân bám rào chắn do cảnh sát lập ra, đứng ngóng ra phía trước. Bên trong nhà Thiếu nhi, hỗn loạn xảy ra sau khi khán phòng với sức chứa 500 người bị quá tải, trong khi người dân vẫn tiếp tục đập cửa, la ó, tìm cách chen vào. Nhiều cánh tay giơ điện thoại lên cao quay phim, mặc dù chưa có gì xảy ra. Mồ hôi nhễ nhại, một tiểu thương chừng ngoài 60 bức xúc “Nghỉ mua bán thất thu biết bao nhiêu mà giờ không được coi. Đem ra sân xử cho dân coi chớ!”

Sự giận dữ chỉ lắng xuống sau khi một cái phông được dựng lên ở bên ngoài để người ta có thể theo dõi trực tiếp. Toà bắt đầu lúc 8 giờ 30, muộn nửa tiếng, trong lúc hàng trăm người vẫn tiếp tục dồn về phòng xử, hò hét, xô đẩy và nhớn nhác hỏi nhau “Có nhìn thấy hai bà bảo mẫu không?”

Đây là một trong những vụ án có thủ tục tố tụng ngắn nhất: từ khi vụ án được phát hiện tới xét xử chỉ hơn một tháng.

Tháng 10 năm 2013, Đông Phương mở nhà trẻ Phương Anh và nhận Thiên Lý vào làm cấp dưỡng và thêm nhiệm vụ cho trẻ ăn. Chỉ hai tháng sau khi nhà trẻ Phương Anh mở cửa, một công nhân xây dựng đến công an phường tố cáo các bảo mẫu có hành vi hành hạ trẻ, và cung cấp một đoạn video làm chứng cứ. Trong khi công an đang thu thập chứng cứ tại địa bàn, chương trình 60s của HTV và báo Tuổi Trẻ bất ngờ đăng tải đoạn clip trên, và nó lan nhanh trên mạng.

Trong những tuần tiếp theo, người dân sôi sục và phẫn nộ như đây là một vụ thảm sát hay khủng bố cỡ lớn. Vĩnh viễn đi vào trí nhớ là hình ảnh hai cô bảo mẫu đứng tựa vào tường trong một căn phòng hẹp, ngay sát trước mặt họ là ba hàng phóng viên, đằng trước ngồi, sau đó đứng, và cuối cùng là đứng trên bàn, tất cả đều chĩa máy ảnh và điện thoại vào họ như những khẩu súng. Trên mạng tràn lan các bình luận kiểu “Tao không biết mày là ai, nhưng mày cùng tao đi xử hai con bảo mẫu nhé.” Từ trại giam, một tờ báo cập nhật: “Bảo mẫu “ác thú” trong trại giam: “Tôi sẽ bỏ nghề!””

11 giờ trưa, toà tạm nghỉ, người dân trong phòng ào lên, chen lấn, xô đẩy để tiến gần đến hai bị cáo. Mười lăm phút sau, chủ toạ tuyên án: “Áp dụng khoản…, điều…, xử phạt bị cáo Lê Thị Đông Phương”, tới đây ông nghỉ hai giây, “ba năm tù!” Khán phòng dậy lên tiếng reo hò và vỗ tay rào rào, kéo dài không ngớt. Đèn máy ảnh loé sáng như chớp trong cơn giông. “Áp dụng khoản…, điều…, xử phạt Nguyễn Lê Thiên Lý” – lại một tích tắc nghỉ dài vô tận – “ba năm tù!” Lại rộ lên phấn khởi, làn sóng vỗ tay lan rộng như khi kết thúc một buổi biểu diễn nhạc giao hưởng xuất sắc. Hai bị cáo đứng như tượng, nước mắt chảy dài.

Từ đó trở đi, khán phòng ồn ào như một cái chợ, nhấn chìm giọng ông chủ toạ đều đều đọc tiếp các khoản hai bị cáo phải bồi thường cho nạn nhân. Gần 11 giờ rưỡi, mọi người vỗ tay và hò hét lần cuối khi phiên toà được tuyên bố kết thúc. Thiên Lý gục xuống, tựa vào hông của người nữ công an đứng cạnh. Bên ngoài, người ta kiên nhẫn bao vây lối ra, hòng kiếm được một cái nhìn “ác thú” cận cảnh. Nhưng họ chờ đợi vô ích, hai bị cáo đã được giải đi bằng lối khác.

*

Xét xử lưu động, những phiên toà diễn ra trong một không gian công cộng ngoài trụ sở toà án, là một hoạt động tố tụng phổ biến ở Việt Nam, chủ yếu cho các vụ án hình sự. Có lẽ nó có xuất xứ từ thời kỳ chiến tranh, khi phát thanh và TV còn chưa phủ sóng toàn quốc, khi chưa có trụ sở toà án cố định ở vùng giải phóng, các cơ quan tố tụng phải đi các nơi để xét xử.

Ngày nay, nó tiếp tục được duy trì bởi tư duy là phiên toà là nơi tốt nhất để “tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật” trong nhân dân vì tính “trực quan sinh động” của nó. Toà có nhiệm vụ đem kiến thức pháp luật đến với dân như cán bộ nông nghiệp phổ biến kiến thức nuôi trồng hay cán bộ y tế tuyên truyền về sinh đẻ có kế hoạch. Những người ủng hộ xét xử lưu động cho rằng qua đó “người dân có thêm thông tin về các thủ đoạn phạm tội mới, nâng cao ý thức cảnh giác”. Cứ như là báo chí ngày nay vẫn còn quá hiếm tin tức về cướp, giết, hiếp như 50 năm trước.

Đáng lưu ý là tới nay, Bộ luật Tố tụng Hình sự cũng như các văn bản dưới luật không hề có một tiêu chuẩn nào cho việc quyết định xét xử lưu động và các nguyên tắc tổ chức nó. Nhưng điều này không ngăn cản việc hoạt động này được coi là một tiêu chí thi đua của ngành.

Trong những năm gần đây, mỗi năm có từ chín tới mười nghìn phiên toà xét xử lưu động, chiếm từ 12 tới 14% tổng số các phiên toà, một con số khá lớn[1].

Để phục vụ mục đích của mình, địa điểm mở toà thường là nơi bị cáo ở hoặc nơi “thuận tiện giao thông”. Lượng người tham dự dao động từ trên dưới chục người (ở miền núi, với những vụ án nhỏ lẻ như đánh bạc) tới nhiều nghìn người trong những vụ án ly kỳ chấn động cả nước. Với kinh phí hạn hẹp, ở nhiều nơi người ta phải dùng xe máy chở vành móng ngựa, quốc huy, phông chữ, loa, tăng âm, tài liệu, hồ sơ vụ án, vật chứng… tới nơi toà được tiến hành.

Xét xử lưu động là một thực hành tư pháp có nhiều vấn đề, nhưng chỉ sau phiên toà lưu động xử ba bị cáo trong vụ án thảm sát ở Bình Phước vào giữa tháng 12 năm 2015 thì những quan ngại và tiếng nói phản đối hình thức xét xử này mới dấy lên mạnh mẽ hơn.

Năm tháng trước đó, Nguyễn Hải Dương (24 tuổi), với sự giúp đỡ của Vũ Văn Tiến (24 tuổi) và Trần Đình Thoại (27 tuổi), đã giết chết người yêu cùng năm thành viên nữa, từ 14 tới 47 tuổi, của một gia đình sản xuất và kinh doanh gỗ ở Bình Phước. Từ bốn giờ sáng, bốn ngàn người từ Bình Phước và các tỉnh lân cận đổ về địa điểm xét xử, một khu đất rộng bốn ha ở Bình Phước. Khung cảnh nhanh chóng trở nên hỗn loạn vì người đến trước đứng che kín người tới sau. Hàng trăm phóng viên ngồi xổm trên mặt đất gõ liên tục vào laptop tường thuật trực tiếp như ở chiến trường.

xu-luu-dong-3

Hàng nghìn người tập trung theo dõi phiên xử lưu động vụ án hiếp dâm, giết người của bị cáo Nguyễn Văn Tín ở một sân vận động tại Lạng Sơn năm 2015. Ảnh: langson.gov.vn.

Trời về trưa nắng nóng dữ dội. Đám đông kiên nhẫn hứng chịu cái nắng như thiêu đốt và những đợt gió tốc làm bụi cát bay mù mịt. Sau này, các báo tường thuật lại: “Khi bị cáo Nguyễn Hải Dương khai: “Tao kêu mày làm đi thì mày sẽ siết cổ nha” thì giông gió nổi lên, dây buộc tấm bạt bị đứt, tấm che phía trên Hội đồng xét xử rách toác…” Thân nhân gia đình bị hại không ngừng gào khóc khi các chi tiết đẫm máu mô tả đêm thảm sát được đọc lên trong cáo trạng.

Người dân rời nhà từ nửa đêm đến dự toà vì khao khát kiến thức pháp luật? Họ công kênh những đứa trẻ trên vai để chúng có thể kiến diện công lý? Khó mà hình dung được điều này. Trên thực tế, lý do của họ là thế này: “Ở nhà cũng có truyền hình qua tivi nhưng tôi đến đây để coi trực tiếp mặt mũi tụi nó ra sao mà ác dữ vậy”. Nhiều người còn không rõ họ sẽ chứng kiến một phiên toà hay một buổi hành hình: “Tôi đến đây để coi xử bắn”. Một người khác bổ sung: “Bao nhiêu lâu mới có một vụ như thế này.”

Quả vậy, với người xem thì phiên toà Bình Dương hay một buổi hành hình công cộng thời phong kiến là giống nhau: một dịp tiêu khiển, một cơ hội thoả mãn trí tò mò. Được chứng kiến cái bất thường, cái hiếm có, được nhìn thấy cái ác bằng xương bằng thịt, cho người ta cảm giác giống khi đi qua nghĩa địa ban đêm, hay khi xem một bộ phim kinh dị, rùng rợn. Bản năng nguyên thuỷ của con người là muốn chứng kiến bạo lực và máu me từ một khoảng cách an toàn. Bản năng này vượt ranh giới địa lý, thời gian và văn hoá. Từ thế kỷ 13 tới 16 ở châu Âu, các cuộc hành quyết của các toà án Thiên chúa giáo xử những người cải đạo sang đạo Giê-su hay đạo Hồi thường được thông báo trước, và giống như ở Bình Dương cuối năm 2015, người ta đi nhiều dặm từ các vùng lân cận tới để xem, tới mức đêm hôm trước, các nhà trọ ở nơi xử đều cháy phòng.[2]

*

Trên thực tế, hiển nhiên, mục tiêu của xét xử lưu động là răn đe, là chứng minh cho sự trơn tru của cỗ xe công lý, và người ta cho rằng tính thuyết phục sẽ cao hơn khi sự trừng phạt được đem ra triển lãm (sau khi đã triển lãm tội ác bằng cách mô tả tỉ mỉ từng tư thế cầm dao, từng nhát chém).

Phiên toà lưu động là nơi công lý trình diễn. Theo trang mạng của Trung tâm tư vấn pháp luật TP. Hồ Chí Minh, các thẩm phán được chọn cho các phiên xét xử lưu động, ngoài chuyên môn khá, bản lĩnh chính trị vững vàng, diễn đạt khúc chiết và khẩu khí tốt còn cần có  “ngoại hình ổn.”[3]

Yếu tố sân khấu thể hiện rõ trong phiên toà Bình Phước khi ngay từ đầu, đoàn thân nhân mang sáu di ảnh xen kẽ người cầm hoa hồng trắng nối nhau hàng một đi vào vị trí, khiến hàng ngàn người dừng thở, các phóng viên đứng dọc hai bên lối đi chụp ảnh tanh tách.

Để phục vụ yếu tố trình diễn với bốn nghìn người xem, phiên toà phải diễn ra nhanh gọn và kết thúc trong một ngày, không thể để sang ngày hôm sau.

Bản án dài gần 20 trang với hai án tử hình và một án tù 16 năm đã được năm thành viên của Hội đồng xét xử viết chỉ trong vòng gần một tiếng, ít hơn thời gian mua một bảo hiểm nhân thọ.

Khi bản án được đọc lúc 6 giờ 30 tối, sân toà đã tối om vì không có hệ thống chiếu sáng, ngoài đèn pha của các xe cứu hoả được lực lượng phòng cháy chữa cháy bật lên hỗ trợ. Ban tổ chức liên tục khuyến cáo người dân đề phòng kẻ gian lợi dụng bóng tối trộm cắp. Ông chủ tọa mở căng mắt, vất vả đọc bản án trong ánh sáng của một chiếc đèn LED nhỏ, xung quanh gió lồng lộng và một màn đêm đen kịt.

Trình diễn công lý và triển lãm sự trừng phạt cũng là triết lý của các cuộc hành hình công cộng ở các thế kỷ trước. Triết lý này tới từ suy nghĩ rằng người ta tin vào cái người ta thấy, rằng thị giác là giác quan quan trọng nhất để tác động lên suy nghĩ.

Vào giữa thế kỷ 18 ở London, cứ sáu tuần một lần, một cuộc diễu hành lại xảy ra, đi ngoằn nghèo ba dặm qua những con phố đông đúc nhất của thành phố, dẫn tử tù tới nơi hành quyết. Bản thân cuộc hành quyết được thiết kế như một buổi trình diễn lớn, đánh vào tất cả các giác quan của người chứng kiến.[4] Cuộc hành quyết không chỉ đơn thuần là một hành vi thực thi pháp luật, nó là một nghi lễ biểu dương độc quyền về vũ lực, một lời nhắc nhở tới quyền năng tuyệt đối của nhà nước. Ở phiên toà Bình Phước, quyền lực của nhà nước được thể hiện rõ ràng nhất trong giây phút nó tuyên bố với hai bị can rằng nó sẽ lấy đi mạng sống của họ trong một tương lai gần.

Nhưng ngay cả ở Anh, vào cuối thế kỷ 18, người ta cuối cùng đã nhận ra sự vô nghĩa trong mục đích răn đe và giáo dục của các buổi hành quyết công cộng. Cuộc diễu hành đưa phạm nhân từ nhà tù tới giá treo cổ đáng lẽ phải đầy sự uy nghiêm và ám ảnh, nhưng, như được thuật lại trong một tài liệu năm 1783, “tình huống trở nên rất chướng và đáng xấu hổ” khi đám đông nhốn nháo bám theo xe ngựa chở phạm nhân, chửi bới, pha trò tục tĩu và thoá mạ thánh thần. Cứ như mô tả các phiên toà lưu động ở Việt Nam 230 năm sau, tài liệu này cho biết tiếp: buổi hành quyết, thay vì đem tới cho dân chúng một nỗi kinh hãi và suy ngẫm, thì trở thành “một buổi giải trí công cộng.”

Cũng vào năm đó, chính quyền London chuyển địa điểm hành quyết tới trước cổng nhà tù, bỏ hẳn cuộc diễu hành, và đẩy giờ tử hình từ buổi trưa lên buổi sáng để hạn chế lượng người xem. Hơn 80 năm sau, những cuộc hành quyết được đưa vào bên trong các bức tường của nhà tù và biến mất khỏi cuộc sống công cộng ở Anh.[5]

Có hai khía cạnh khác khiến nhiều người quan ngại về xét xử lưu động ở Việt Nam.

Khía cạnh đầu là sự trung lập của toà. “Các bản án được tuyên đã được người dân đồng tình ủng hộ”, đây là một câu người ta hay đọc được trong các báo cáo thành tích về tổ chức xét xử lưu động. Có vẻ như người ta thừa nhận rằng công lý bầy đàn có lý của nó và việc đám đông ủng hộ phán quyết của toà là một dấu hiệu của thành công, đồng nghĩa với việc ngầm hiểu mục đích của toà là xoa dịu sự căm phẫn của người dân hơn là để kiến tạo công lý.

Ông Phạm Công Hùng, cựu thẩm phán Toà án Nhân dân TP. Hồ Chí Minh, thừa nhận: “xét xử lưu động tạo rất nhiều áp lực cho cả bị cáo lẫn Hội đồng xét xử, kiểm sát viên và công an.”[6]

Thật khó hình dung luật sư có thể bào chữa hiệu quả trong khi có thể sờ nắn được cơn giận của hàng nghìn người xung quanh, hay Hội đồng xét xử có thể đưa ra một mức án thấp hơn mức mà đám đông đang chờ đợi trong sự phẫn nộ tập thể, sau khi chứng kiến gia đình người bị hại vật vã khóc lóc.

giang-dang-lk

Nhiều khi, thách thức đến từ những điều đơn giản hơn. Luật sư Nguyễn Thế Tân, tỉnh Tây Ninh, cho rằng việc giáo dục pháp luật của xét xử lưu động chỉ là lý thuyết: “Nắng nóng nên chỉ mong làm sao xong cho rồi. Dân họ chỉ nghe mức án cuối cùng, còn gì đọng lại rất ít.”[7]

Trên thế giới, nhiều quốc gia cũng có xu hướng dùng những phiên toà thế kỷ, xét xử những kẻ chịu trách nhiệm cho những vụ huỷ diệt hàng loạt, cho mục tiêu giáo dục, như một cơ hội để kiến tạo ký ức tập thể cho cả dân tộc, để rút ra những bài học lịch sử, để đất nước có thể bước sang một chương mới.

Nhưng ngay cả trong những trường hợp này, giới chuyên môn cũng hoài nghi về việc để thẩm phán đóng vai trò nhà đạo diễn kịch. Tác giả Ian Buruma viết trong cuốn Hậu quả của tội lỗi: Ký ức chiến tranh ở Đức và Nhật: “Giống như niềm tin thì thuộc về nhà thờ, giáo dục lịch sử thuộc về trường học. Khi toà án được sử dụng cho các bài học lịch sử, có rủi ro rằng phiên toà đó chỉ là một show diễn. Toà án trình diễn[8] (show trial) có thể là phương tiện chính trị tốt, nhưng phương tiện chính trị tốt không nhất thiết phục vụ sự thật.”

Tương tự như vậy, Michael Marrus, một sử gia Canada chuyên về thảm hoạ diệt chủng người Do Thái, cho rằng các thủ tục pháp lý không được thiết kế để kể những câu chuyện lịch sử, mà để tạo ra những phán định công bằng. “Nếu anh muốn viết sử, anh hãy tới các nhà sử học, đừng tới gặp các luật sư.”[9]

Tất nhiên, vụ hai bảo mẫu Thủ Đức đánh trẻ hay ba thanh niên giết người ở Bình Phước không phải các sự kiện lịch sử của đất nước (mặc dù truyền thông muốn ta tin như vậy). Và khi không có chức năng “rút ra bài học lịch sử” thì các phiên toà lưu động này chỉ còn là một cái duy nhất: một sự kiện lăng nhục công cộng khổng lồ, và đó là khía cạnh đáng quan ngại thứ hai của hình thức xét xử lưu động.

Trên nguyên tắc, chưa bị kết án bởi toà phúc thẩm thì bị can vẫn vô tội – một người chỉ bị coi là có tội khi bản án kết tội họ có hiệu lực pháp luật – nhưng phiên toà sơ thẩm lưu động, thông qua màn trình diễn của mình, đã chính thức mời cộng đồng nhìn bị cáo như một tội phạm.

Sự “tò mò”, “hiếu kỳ” của người xem chính là yếu tố cần thiết để cuộc xét xử lưu động trở thành một màn làm nhục, và nó đánh cả vào gia đình và họ hàng bị cáo, bồi cho họ thêm một bản án nữa của dư luận.

Ở phiên toà Bình Phước, bà mẹ của Vũ Văn Tiến mặc áo trùm đầu, đeo khẩu trang kín mít, đứng lẫn trong hàng nghìn người dự khán, khóc thầm và chứng kiến Tiến bị người nhà nạn nhân chửi rủa, đám đông pha trò và bình luận khoái trá.

Trong phiên toà lưu động xử Hồ Chí Bảo vào cuối năm 2015 về tội giết người ở Quảng Trị, bị cáo đã ngã quỵ khi nhìn thấy hàng ngàn người trong hội trường văn hoá thông tin của huyện, đứng đầy hành lang và chen nhau ở ngoài sân. Năm 2014, Tuổi Trẻ thuật lại câu chuyện một học sinh tên K. ở Quảng Nam bị truy tố vì nhắn tin tống tiền 3 triệu VND một bạn học sinh cùng thôn. K. đã uống thuốc độc tự tử sau khi loa phát thanh xã thông báo mời bà con hôm sau tới dự phiên toà lưu động, nhằm “đưa ra quần chúng làm gương cho những thanh niên khác.”[10]

Trong nhiều trường hợp khác, bị cáo bị xử oan bởi toà lưu động trước hàng trăm người dân địa phương tham dự. Sau khi được minh oan, buổi xin lỗi lại chỉ xảy ra trong phòng nhỏ. Người bị oan không bao giờ có cơ hội thanh minh với cộng đồng.[11]

Và như vậy, để phục vụ cho mục tiêu giáo dục pháp luật của nhà nước, nhiều người đã phải hy sinh nhân phẩm, thậm chí tính mạng mình. Thẩm phán Hoàng Trọng Hồng, Chánh Tòa Hình sự TAND tỉnh Yên Bái, thừa nhận: “Có vụ án khi chúng tôi đi khảo sát địa điểm… gia đình họ hàng bị cáo xin tòa đừng đưa ra xét xử (lưu động), họ rất xấu hổ với địa phương. Nhưng chúng tôi thấy cần thiết cho công tác tuyên truyền pháp luật nên vẫn phải tiến hành.”[12]

Khi đã hy sinh nhân phẩm của những người liên quan thì phiên toà có nguy cơ trở thành một phiên toà trình diễn, với một cái kết được xác định sẵn, một hành vi trả thù được nhà nước phê chuẩn.

Tác giả Jeremy Peterson viết về chúng: “Những phiên toà trình diễn thường trở thành những nghi thức trả thù, giống như những cuộc diễu hành kẻ thù quốc gia trên đường phố tới trường bắn. Một nhà nghiên cứu liên tưởng chúng với việc tìm ra kẻ giơ đầu chịu báng. Một nhà nghiên cứu khác cảnh báo nguy cơ chúng được tiến hành vội vã và đưa đến những hình phạt khắc nghiệt. Bàn về thách thức sau khi nạn diệt chủng xảy ra ở Rwanda, một tác giả khác cảnh báo rằng “những phiên toà trình diễn mang tính chính trị được tiến hành với khuynh hướng trả thù thì sẽ khó dẫn tới thượng tôn pháp luật, dù ở mức quốc gia hay quốc tế.”[13]  

Điều tương tự có thể được phát ngôn với những phiên toà lưu động ở Việt Nam. Giáo dục pháp luật phải là một quá trình lâu dài học ứng xử và xây dựng hệ giá trị thông qua gia đình, nhà trường và xã hội. Nó không thể xảy ra ở một nơi mà tính nhân văn bị lép vế trước sự hả hê, lòng hiếu kỳ và sự đắc thắng của số đông. Thượng tôn pháp luật và niềm tin vào công lý không được bồi đắp khi người ta  cướp đi nhân phẩm và khả năng tái hoà nhập cộng đồng của người phạm tội.

dang-hoang-giang-2Tác giả Đặng Hoàng Giang là người Áo gốc Việt, tốt nghiệp kỹ sư ngành Công nghệ Thông tin, ĐH Kỹ thuật llmenau (Đức) và có bằng Tiến sĩ trong lĩnh vực Kinh tế Phát triển của ĐH Công nghệ Vienna, Áo. Các lĩnh vực chuyên môn của ông gồm kinh tế trong thời kỳ chuyển đổi, quản trị nhà nước và minh bạch cùng khía cạnh văn hóa của công nghệ. Từ năm 2008, ông là Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển và Hỗ trợ Cộng đồng (CECODES) – một tổ chức phi chính phủ đi đầu ở Việt Nam trong việc thúc đẩy xã hội dân sự, minh bạch và nâng cao tiếng nói của người dân. Ông cũng là tác giả của cuốn sách Bức xúc không làm ta vô can
Chú thích:

[1] TAND các cấp: Nâng cao hiệu quả tuyên truyền pháp luật thông qua các phiên tòa xét xử lưu động (Toà án Nhân dân Lâm Đồng)

[2] “Evil – Inside Human Cruelty and Violence”, Roy F. Baumeister, W.H. Freeman and Company, 1999

[3] Từ phiên tòa lưu động đến nền tư pháp gần dân (Người Bảo Vệ Quyền Lợi)

[4] “Imagining Justice: Aesthetics and Public Executions in Late Eighteenth-Century England”, Steven Wilf , Yale Journal of Law & the Humanities, Volume 5, Issue 1 Yale Journal of Law & the Humanities, 3/2013

[5] “Imagining Justice: Aesthetics and Public Executions in Late Eighteenth-Century England”, Steven Wilf , Yale Journal of Law & the Humanities, Volume 5, Issue 1 Yale Journal of Law & the Humanities, 3/2013

[6] Quan điểm trái chiều về xét xử lưu động (VnExpress)

[7] Tọa đàm về xử lưu động: ‘Có phải tôi sắp chết rồi không?’ (PLO)

[8] Chữ tiếng Anh là “show trial”, ám chỉ những phiên toà mang tính hình thức, phục vụ yêu cầu của chính trị.

[9] The Show Trial: A Larger Justice? (The New York Times)

[10] Nên hay không xét xử lưu động? (Tuổi Trẻ)

[11] Phiên tòa thảm án Yên Bái và những ám ảnh (VietNamNet)

Nền tư pháp văn minh không nên xử lưu động (PLO)

[12] Có nên xử lưu động? (Tuổi Trẻ)

[13] “Unpacking Show Trials: Situating the Trial of Saddam Hussein”, Jeremy Peterson, Harvard International Law Journal,Vol. 48, Number 1, 2007

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.