Thư cuối tuần - 22/12/2024
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Quốc hội có quyền cấm các hội đoàn nhận tài trợ nước ngoài không? Câu trả lời đơn giản là Không.
Hội đoàn Việt Nam đi về đâu phụ thuộc vào nút bấm của các đại biểu Quốc hội này. Ảnh: VietNamNetNếu mọi chuyện thuận buồm xuôi gió, Quốc hội sẽ thông qua Luật về Hội trong tháng 11. Đạo luật này sẽ thay thế cho một sắc luật có từ năm 1957 do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký và một nghị định có từ năm 2010 – vốn được coi là bản sao của một văn bản của Trung Quốc ra đời năm 1998.
Tuy nhiên, dự thảo mới nhất đề ngày 10/10 của Luật về Hội lại được coi là một thảm hoạ pháp lý bị nhiều người phản đối. Trong đó, quy định cấm các tổ chức hội đoàn nhận tài trợ nước ngoài thu hút sự quan tâm hơn cả.
Khoản 5, Điều 8 của dự thảo ngày 10/10: “Hội không liên kết, gia nhập các hội nước ngoài, không nhận tài trợ nước ngoài; trường hợp đặc biệt do chính phủ quy định”.
‘Nước ngoài’ là ai?
Hoạt động của các hội đoàn phụ thuộc rất lớn vào các nguồn tài trợ, cả trong nước lẫn nước ngoài. Tuy nhiên, ở một nước nghèo, phương tiện thanh toán điện tử chưa phổ biến như Việt Nam, khả năng gây quỹ được ở trong nước là rất hạn chế. Việc quyên góp được đủ tiền cho các sự kiện, chương trình lớn là gần như bất khả thi. Trong khi đó, nguồn tài trợ nước ngoài lại dồi dào và sẵn có cho những tổ chức nào chứng minh được năng lực của mình.
“Nước ngoài” thực ra không phải ai xa lạ.
Chỉ riêng tổ chức Liên Hợp Quốc mà Việt Nam là quốc gia thành viên cũng đã có rất nhiều loại quỹ khác nhau cho các hội đoàn, được phân phối thông qua Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), Quỹ Dân chủ Liên Hợp Quốc (UNDF), và nhiều chương trình khác.
“Nước ngoài” còn là Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), vốn cũng có chương trình tài trợ cho các tổ chức hội đoàn ở Việt Nam.
Dĩ nhiên, các đại sứ quán ở Việt Nam cũng được tính là “nước ngoài”. Và thông qua các đại sứ quán này, các nước Mỹ, Canada, Thuỵ Điển, Norway, Anh, Úc, đã và đang tài trợ cho các hội đoàn từ nhiều năm qua.
Trên thế giới cũng có rất nhiều các quỹ hỗ trợ các hội đoàn hoạt động trong các lĩnh vực xoá đói giảm nghèo, y tế cộng đồng, môi trường, và quyền con người. Điển hình trong số này là quỹ Bill and Melinda Gates của vợ chồng tỷ phủ cùng tên, Clinton Foundation của cựu Tổng thống Mỹ, Open Society Foundation của tỷ phú George Soros, SIDA của chính phủ Thuỵ Điển, v.v…
Cựu TT Mỹ Bill Clinton thăm một trại mồ côi cho trẻ bị nhiễm HIV ở Hà Nội năm 2014. Trại mồ côi này được quỹ Clinton Foundation của ông tài trợ từ năm 2011. Ai sẽ thiệt thòi nếu các hội bác sĩ, hội bảo vệ trẻ em không được tiếp cận nguồn tài trợ từ những quỹ như thế này? Ảnh: Clinton Foundation.“Nước ngoài” còn là các tổ chức được thành lập bởi người Việt Nam định cư ở nước ngoài, những người được Hiến pháp 2013 ghi nhận là “bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam”. Hiện không rõ các cá nhân Việt kiều có được tính là “nước ngoài” hay không.
Sự hiện diện của tiền nước ngoài cũng rất gần gũi với người Việt Nam. Đó là những cái giếng, thùng trữ nước, các nhà vệ sinh, phòng thí nghiệm, trường học, các đoàn cứu trợ khẩn cấp, các y bác sĩ chữa bệnh miễn phí, các sự kiện của giới LGBT, các báo cáo nghiên cứu – điều tra xã hội học về bình đẳng giới, hay ngay cả một số nghiên cứu về… quyền lập hội.
“Nước ngoài”, vì thế, có ở mọi nơi ở… “nước trong”.
Hiến pháp không cấm nhận tiền nước ngoài
Nếu Quốc hội muốn cấm các hội đoàn nhận tiền nước ngoài, họ phải đọc lại bản Hiến pháp do chính họ bấm nút thông qua cách đây ba năm.
Điều họ có thể nhận ra là, không có một chữ nào, dòng nào của Hiến pháp cấm cá nhân, tổ chức Việt Nam nhận tiền nước ngoài.
Tiếp nhận tài sản tặng cho từ người khác, bất kể quốc tịch, là quyền của mỗi người và được xã hội thực hành như một lẽ đương nhiên. Mỗi năm, người Việt Nam nhận tới hơn 10 tỷ USD kiều hối từ nước ngoài. Nếu như các cá nhân không bị cấm nhận tiền nước ngoài thì cũng không có căn cứ nào để cấm đoán một nhóm cá nhân làm việc đó.
Vậy Quốc hội lấy căn cứ nào để cấm? Có một cửa.
Điều 14 của Hiến pháp trao cho Quốc hội một quyền năng đặc biệt, đó là hạn chế quyền con người, quyền công dân “trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.”
Vậy việc Quốc hội phải làm là đưa ra một lý do hợp lý để cấm dựa trên các trường hợp nêu trên. Điều này xem ra là bất khả thi, vì vướng ở hai chỗ:
Một, lấy lý do gì để nói rằng các quỹ của Liên Hợp Quốc, Ngân hàng Thế giới, các đại sứ quán và các tổ chức quốc tế ảnh hưởng đến “quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”? Trừ khi Quốc hội chứng minh được các tổ chức nước ngoài trên đây là khủng bố hay tội phạm thì may ra mới cấm được. Ngay cả trong trường hợp chứng minh được, Quốc hội hoặc Chính phủ cũng cần phải lập một “danh sách đen” các tổ chức, chính phủ nước ngoài và công bố cho toàn dân biết để tránh nhận tiền từ họ, chứ không thể cấm “nước ngoài” chung chung.
Hai, lấy lý do gì để cấm các hội đoàn nhận tiền nước ngoài trong khi Chính phủ và Mặt trận Tổ quốc vẫn đều đặn tiếp nhận viện trợ từ chính những nguồn đó? Chẳng nhẽ cùng một nguồn tiền mà vào tay Chính phủ thì có lợi, vào tay người dân thì gây hại? Và nếu các tổ chức của Mặt trận được nhận tiền nước ngoài mà cấm các tổ chức khác thì có phải là ở Việt Nam tồn tại hai “loại” công dân khác nhau?
Liệu Chủ tịch Kim Ngân và Quốc hội khoá mới có cứng rắn hơn với những dự luật vi hiến? Ảnh: REUTERS/KhamMột phần ba đại biểu Quốc hội kỳ này là những người đã thông qua Hiến pháp 2013. Họ sẽ tự mâu thuẫn với chính mình nếu bấm nút thông qua điều khoản vi hiến này của dự thảo Luật về Hội.