Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Đừng bao giờ nhầm lẫn rằng, Đảng và Nhà nước là một.
Những nghi vấn về sai phạm của cựu Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng sẽ do Đảng hay Toà án phán xét? Ảnh: chinhphu.vn
Những sai phạm của Nguyên Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng được đem ra xem xét, đánh giá là một tín hiệu đáng mừng trong hoạt động phòng chống tham nhũng vốn đang hoàn toàn dậm chân tại chỗ tại Việt Nam. Thêm vào đó, Ủy ban tư pháp của Quốc Hội cũng vừa hoàn thành bản báo cáo thẩm tra về công tác phòng chống tham nhũng năm 2016. Một trong các trọng tâm nhắc đến về cơ chế kiểm soát quyền lực lỏng lẻo, được xem là nguyên nhân quan trọng dẫn đến thực trạng tham nhũng tràn lan.
Nhưng nhìn lại thực tế quy trình và biện pháp xử lý vụ việc, chắc chắn có những câu hỏi hay lưu ý pháp lý mà chúng ta cần nhận ra. Theo tác giả, công cuộc điều tra có phần vì công lý này, mới là biểu hiện thật sự của mấu chốt khiến công cuộc cải cách tư pháp, phòng chống tham nhũng nhiều năm qua chỉ nằm trên giấy.
Cơ quan Đảng … điều tra tội phạm
“Vậy với những kết luận như thế thì có cơ sở khởi tố hay không? Tôi nghĩ rằng phải khởi tố điều tra mới có có cơ sở để xem xét, còn dừng ở kết luận những vấn đề chung thì tôi không hài lòng.”
Đây là bình luận của đại biểu Vũ Trọng Kim – nguyên Ủy viên Trung ương đảng – hiện này là ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương MTTQ Việt Nam trong buổi phỏng vấn với báo Tuổi Trẻ ngày 25/10/2016, sau khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam ra kết luận điều tra về trường hợp ông Vũ Huy Hoàng. Đây là bình luận hoàn toàn hợp lý. Và cũng là cách hiểu pháp lý mà pháp luật Việt Nam quy định.
Khi nhận được thông tin và nhận thấy một vụ việc nhất định có dấu hiệu tội phạm, trước tiên các cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ phải khởi tố vụ án. Nếu xác định được đúng có dấu hiệu phạm tội được quy định trong Bộ Luật Hình Sự, những cơ quan này sẽ chính thức khởi tố bị can.
Tại Điều 153, Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự 2015 (hiện đang bị hoãn hiệu lực do chờ sửa đổi Bộ Luật Hình Sự, nhưng nội dung cơ bản không thay đổi so với Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự 1999), Cơ quan điều tra sẽ là cơ quan có thẩm quyền quyết định khởi tố tất cả vụ việc có dấu hiệu tội phạm, trừ một số trường hợp đặc biệt thuộc về Viện kiểm sát hoặc Hội đồng xét xử. Như vậy, chỉ có 3 đối tượng được trao quyền khởi tố làm rõ dấu hiệu tội phạm gồm Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Hội đồng xét xử. Trong đó, chỉ có Cơ quan điều tra thuộc nhà nước là có thẩm quyền điều tra.
Mặt khác, Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam là cơ quan kiểm tra, giám sát chuyên trách của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Cơ quan này thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được quy định trong Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam; tham mưu, giúp Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng.
Nếu so với văn bản pháp luật là Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự và Bộ Luật Hình Sự, về mặt lý thuyết, thẩm quyền của Ủy Ban Kiểm Tra là không thể so sánh về quyền lực và hiệu lực.
Một buổi họp của Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương Khóa 11. Ảnh: Hanoimoi
Nói rõ hơn, Ủy ban Kiểm tra Trung Ương chỉ có thẩm quyền trong phạm vi tập hợp các đảng viên, với nội dung căn cứ là Điều lệ Đảng. Việc cảnh cáo, kỷ luật, xử lý về mặt Đảng là chuyện nội bộ của Đảng và không có bất kỳ giá trị trừng phạt nhà nước nào trước công chúng cả.
Có người nói rằng do vụ việc của ông Vũ Huy Hoàng chỉ có dấu hiệu vi phạm Điều lệ Đảng. Nhưng ai là người quyết định kết luận đó? Chẳng lẽ một cơ quan Đảng có thể vượt quyền Cơ quan điều tra để phán xét xem thành viên của họ có hành vi cấu thành tội phạm hay không?
Nếu nói quyết định kỷ luật xử lý Đảng là căn cứ để bật đèn xanh cho việc xử lý tội phạm trong Đảng, thì nhận định này lại thừa nhận hoàn toàn tính phi pháp quyền của cơ chế xử lý tội phạm tham nhũng tại Việt Nam hiện tại, với quyền quyết định ai phạm tội đặt trong tay của một tổ chức chính trị, thay vì cơ quan nhà nước.
Có tổ chức nào khác trên đất nước Việt Nam được quyền xác nhận trước thành viên của họ chỉ vi phạm điều lệ chứ không vi phạm pháp luật?
Câu trả lời thật sự cho phòng chống tham nhũng: văn bản pháp luật giải quyết mối quan hệ giữa Đảng và Nhà Nước
Thực trạng duy trì hai khung quy định Đảng – Nhà nước trong bộ máy chính trị sau những chính sách “nâng cao sự lãnh đạo của đảng” trên mọi mặt trận được phát động suốt hơn một thập niên của thế kỷ 21 đang phản tác dụng. Chúng tạo nên một đặc quyền có khả năng vi phạm pháp quyền vô cùng nghiêm trọng.
Đảng viên phải chịu sự kiểm soát của cả hai văn bản là Điều lệ Đảng và quy phạm pháp luật nhà nước, điều này nghe có vẻ rất chặt chẽ. Nhưng ai là người quyết định khi nào đảng viên chỉ vi phạm điều lệ Đảng và chịu xử lý của Đảng; khi nào đảng viên vi phạm pháp luật và chịu các biện pháp chế tài của nhà nước? Thực tế hiện nay cho thấy, điều này được quyết định bởi nội bộ Đảng.
Cụ thể, vào ngày 7/7/2007, Bộ Chính trị ra Chỉ thị 15-CT/TW về sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác điều tra, xử lý các vụ án và công tác bảo vệ Đảng. Trong đó ghi nhận rõ, các cơ quan bảo vệ pháp luật chỉ được tiến hành các biện pháp tố tụng đối với đảng viên sau khi báo cáo bằng văn bản với tổ chức đảng, cấp uỷ đảng quản lý trực tiếp Đảng viên đó, khi được tổ chức Đảng, cấp uỷ Đảng xem xét đồng ý cho điều tra, khởi tố, bắt…
Thiếu tướng Phan Anh Minh, phó giám đốc Sở Công an TP Hồ Chí Minh tại Hội nghị tổng kết phòng chống tham nhũng, lãng phí năm 2015. Tại đây ông cũng có lời tiết lộ gây chấn động về Chỉ thị 15. Nguồn: ảnh.
Rõ ràng và trọng tâm hơn, trừ khi được cho phép của nội bộ của đảng cầm quyền, cơ quan điều tra thuộc nhà nước không thể tiến hành bất kỳ biện pháp tố tụng hình sự nào khác, kể cả điều tra. Có hay không khả năng tạo nên lợi ích nhóm giữa những người đồng chí này?
Chúng ta chỉ có một hệ thống phòng chống tham nhũng hoạt động tạm ổn khi mà các cơ quan điều tra, cơ quan nhà nước được tách khỏi “sự lãnh đạo vi mô” của Đảng Cộng Sản Việt Nam. Ngoại trừ thẩm quyền về sắp xếp nhân sự và đề xuất chính sách kinh tế xã hội, để sau đó được quyết định tại những cơ quan dân cử; thẩm quyền của Đảng Cộng Sản Việt Nam nên bắt buộc phải khuất sau các cơ quan công quyền thực tế. Ví dụ cụ thể cho trường hợp này, cơ quan điều tra mới phải là người quyết định nguyên Bộ Trưởng Vũ Huy Hoàng có dấu hiệu vi phạm “vụ lợi”, “gây hậu quả nghiêm trọng” hay không, từ đó áp dụng các tội danh thích hợp. Việc cảnh cáo, kỷ luật, hay khai trừ Đảng của một cá nhân, không nên có bất kỳ giá trị trừng phạt nào để được nêu lên mặt báo.
Câu chuyện đấu tranh chống tham nhũng đến đây, có lẽ cũng chỉ là phần ngọn. Bởi không có một cơ chế kiểm soát quyền lực, mà cụ thể là quyền lực đảng, quyền lực của những người đồng chí “sống chết có nhau”, thì công cuộc ấy cũng vô vọng.
Nhưng ít nhất, việc không để một tổ chức Đảng “cầm đèn” chạy trước cơ quan Nhà nước, sẽ là một bước tiến vô cùng lớn.
Tài liệu tham khảo:
Cảnh cáo ông Vũ Huy Hoàng chưa đảm bảo răn đe; Lê Kiên; Tuổi trẻ; ngày 25/10/2016