Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Con đường dẫn phụ nữ tới vị trí lãnh đạo
Khi trong nhiều gia đình ở Việt Nam, việc trẻ em, hay thậm chí là con gái đã trưởng thành nói chuyện chính trị bị cấm hoặc bị các bậc phụ huynh bác bỏ ngay từ những nhận định đầu tiên, thì đâu đó trên thế giới, dù ở những nơi luôn có sự phân biệt giới tính, các cô bé vẫn được bố của mình khuyến khích bày tỏ quan điểm và tranh luận chính trị. Và những nữ lãnh đạo tương lai đã được ươm mầm trong những hoàn cảnh như thế.
Thế giới đã và đang chứng kiến sự trỗi dậy của nữ quyền. Bất bình đẳng giữa nam và nữ đang dần bị thu hẹp. Khắp nơi trên thế giới chứng kiến sự lên ngôi của các nữ lãnh đạo, từ thủ tướng Đức Angela Merkel ,thủ tướng Anh Theresa May, tổng thống Hàn Quốc Park Kun Hee, ứng viên Tổng thống Mỹ Hillary Clinton… đến nữ chủ tịch Quốc Hội đầu tiên của Việt Nam là bà Nguyễn Thị Kim Ngân. Vậy điểm chung giữa họ là gì nếu không kể đến giới tính? Làm thế nào mà họ có thể phát triển được tư duy và khả năng lãnh đạo trong bối cảnh xã hội vẫn còn nhiều luồng ý kiến bất đồng về vai trò nam-nữ ? Những thách thức mà họ gặp phải là gì? Liệu con đường đi đến vị trí lãnh đạo của họ có bằng phẳng như nam giới hay không?
Bài viết trên tờ The Atlantic với tựa đề What Do Women Leaders Have in Common? sẽ lý giải cho những nghi vấn này. Tựa và đề mục do BBT đặt.
—
Nhìn chung, sẽ rất khó để nhận ra những điểm chung giữa Thủ tướng Đức Angela Merkel, Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina, và Tổng thống Liberia Ellen Johnson Sirleaf, ngoại trừ việc họ đều là những nữ lãnh đạo quốc gia. Ví dụ, bà Merkel từng là nhà hóa học trong hơn một thập kỷ trước khi bước vào con đường chính trị, trong khi bà Hasina, con gái của vị tổng thống Bangladesh đầu tiên, đã vừa học đại học vừa làm liên lạc viên chính trị cho cha mình, còn bà Johnson Sirleaf đã từng là bộ trưởng tài chính Liberia và làm việc ở nhiều tổ chức tài chính ở nước ngoài trước khi nhậm chức phó tổng thống vào năm 1985.
Nhưng bất chấp bối cảnh văn hóa và chính trị khác nhau của những người phụ nữ này, cũng như khoảng 20 nữ lãnh đạo quốc gia khác trên thế giới, điểm chung mà họ cùng chia sẻ là gì? Câu trả lời không chỉ ra nền tảng, bản chất của lãnh đạo nữ, mà là nhận thức về việc phụ nữ làm lãnh đạo trên thế giới, và có thể quan trọng hơn là những trở ngại mà phụ nữ phải đối mặt trong quá trình tìm kiếm sự bình đẳng.
Nhà nghiên cứu Susan R. Madsen của Đại học Utah Valley cho biết đã có nhiều nghiên cứu được thực hiện về vị trí lãnh đạo ở nhiều nền văn hóa, nhưng rất ít tập trung làm rõ về lãnh đạo phái nữ. Từ năm 2009 đến 2010 Madsen đã phỏng vấn phụ nữ ở Trung Quốc và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) về con đường đi tới vị trí lãnh đạo của họ. Cô đã rất ngạc nhiên bởi những điểm tương đồng của những người phụ nữ này khi họ nói về việc họ đã thành thủ lĩnh và luật sư như thế nào.
Tố chất lãnh đạo được nuôi dưỡng từ cái nôi gia đình
“Mỗi người trong số họ đều nói rằng mình đã tìm thấy tiếng nói và sự tự tin trong những cuộc trò chuyện trên bàn ăn với gia đình . Cha mẹ họ nói chuyện chính trị, về những gì đang diễn ra trong cộng đồng, và khi con gái họ muốn nói điều gì đó, những bậc cha mẹ này không hề ngắt lời hay bắt họ phải im lặng”, Madsen cho hay. Ở Các tiểu vương quốc Arab thống nhất, nơi đàn ông và phụ nữ thường bị tách ra, những người phụ nữ mà Madsen đã phỏng vấn chỉ ra vai trò của cha họ trong việc khuyến khích họ lên tiếng. “Mỗi phụ nữ mà tôi đã trò chuyện kể rằng cha các cô đã mang sách về nhà cho các cô đọc sau mỗi chuyến đi, điều mà đa số những người khác không hề có được.”
Là một phần của chuỗi bài phỏng vấn về phụ nữ và vị trí lãnh đạo, tác giả đã nói chuyện với ba người phụ nữ đến từ các quốc gia khác nhau, là người đi đầu trong lĩnh vực mà họ làm việc: Agnes Igoye từ Uganda, làm việc cho chính phủ chống lại nạn buôn bán người; Ikram Ben Said, sáng lập viên của tổ chức Aswat Nissa về quyền phụ nữ Tunisia; và Sairee Chahal từ Ấn Độ, người khởi động SHEROES, một nền tảng kỹ thuật số giúp phụ nữ trở lại lực lượng lao động. Trong những cuộc trò chuyện này, tác giả đã gặp được những quan sát mà Madsen ghi nhận.
Cả ba người được phỏng vấn đều cho biết môi trường gia đình mà họ được sinh trưởng, đặc biệt là hình mẫu người cha đã dạy và cho phép con gái mình học tập, đặt câu hỏi và hình thành quan điểm cá nhân ở trong gia đình, là yếu tố quan trọng trong quá trình trưởng thành của họ. Điều này, cùng với việc những người mẹ và những phụ nữ lớn tuổi khác đã phá vỡ các quy ước và thể hiện vai trò lãnh đạo trong gia đình, thường là những bài học vỡ lòng đầu tiên về lãnh đạo đối với những nữ thủ lĩnh tương lai.
Chẳng hạn như trường hợp Igoye, cô thừa nhận cha mình đã có một tầm nhìn viễn kiến khi cho con gái mình đi học mặc cho những người khác trong làng phản đối. Mẹ cô đã quay lại trường học để trau dồi cho sự nghiệp giáo viên của mình, và điều này đã ảnh hưởng lớn tới Igoye. Cũng tương tự như vậy, Ben Said nói về việc cha mình đã khuyến khích tranh luận chính trị giữa các thành viên trong gia đình, ngay cả khi quan điểm của cô trái ngược với ông. Trong khi đó, Chahal cho biết thậm chí từ ngày nhỏ, cha mẹ cô đã đi ngược lại những quy tắc chung cố hữu về một cuộc hôn nhân tốt đẹp mà các bậc cha mẹ thường mong muốn ở con gái họ.
Kinh nghiệm xã hội phong phú và đa dạng
Một kết luận khác từ công trình của Madsen là sự phát triển vị trí lãnh đạo của nữ giới không hề giống như nam giới. Theo Madsen, “Đàn ông thường có nhiều chiến lược và [có xu hướng theo đuổi] một con đường tuyến tính hơn để trở thành lãnh đạo. Con đường của phụ nữ thường phức tạp hơn. Họ có vẻ không nhất thiết phải nhìn về phía trước và nghĩ “tôi muốn ở vị trí đầu đàn”. Phụ nữ sẽ hướng đến nhiều trải nghiệm: làm mẹ, làm việc với một tổ chức phi lợi nhuận, hay ngồi trong một hội đồng, để hình thành nên con đường trở thành thủ lĩnh của mình”. Madsen ví điều này như một “tấm chăn được ráp nối” từ kinh nghiệm – nữ giới có một sự tổng hợp rõ ràng và gắn kết nhiều kinh nghiệm hơn so với nam giới với trải nghiệm khác biệt và chỉ theo một hướng nhất định.
Đó là những lý do tại sao phụ nữ có nhiều khả năng bước lên con đường vững chắc dẫn tới chính trường, bà Farida Jalalzai của Đại học bang Oklahoma, đồng thời là tác giả của cuốn sách Shattered, Cracked and Firmly Intact: Women and the Executive Glass Ceiling Worldwide and Women Presidents of Latin America: Beyond Family Ties? cho hay. Bà giải thích: “Phụ nữ thường là người đầu tiên thâm nhập vào cộng đồng thông qua các hoạt động xã hội; và đôi khi với tư cách là người mẹ để làm việc về một vấn đề cụ thể.”
Với trường hợp của Ben Said thì nhận định trên hoàn toàn chính xác. Cuộc cách mạng ở Tunisia vào năm 2011 là một bước ngoặt về sự tham gia của phụ nữ vào chính phủ và tiến trình chính trị. Cô nói: “Tôi nghĩ đi đầu chiến tuyến cùng với các anh em và chồng của chúng tôi để yêu cầu thay đổi, trở thành một phần của tiến trình như việc soạn thảo hiến pháp, sẽ giúp đưa ý tưởng về trở thành lãnh đạo và tham gia vào tiến trình chính trị tới rất nhiều phụ nữ”. Và Chahal cũng vậy: “Khi bạn quản lý mọi người từ người bán rau cho tới mẹ chồng bạn , con cái bạn cũng như quản lý ngân hàng, bạn thu thập được rất nhiều kinh nghiệm phong phú và đa dạng”.
“Đàn ông không phải đối mặt với sự hoài nghi cho rằng họ không thể là lãnh đạo giỏi chỉ đơn giản vì họ là nam giới.”
Một điểm tương đồng khác của các lãnh đạo nữ giới là tiêu chuẩn chịu trách nhiệm của họ cao hơn so với đồng nghiệp nam của mình, thậm chí còn hơn ở các nước nơi bất bình đẳng giới diễn ra trầm trọng. Jalalzai đã nhận thấy điều này trong nghiên cứu của mình. “Chúng ta phải thừa nhận rằng đàn ông không phải đối mặt với sự hiềm nghi rằng họ không thể lãnh đạo tốt chỉ đơn giản bởi vì họ là nam” cô giải thích. “Mai này người ta có thể sẽ gọi Tổng thống Barack Obama là một sự thất bại hoàn toàn, nhưng sẽ không ai quy kết rằng mọi nam giới đều là lãnh đạo tồi. Vì vậy, ở đây có một số đặc quyền mà sự thành công hay thất bại của bạn sẽ không phản ánh hoàn toàn giới tính của bạn “. Và đặc quyền này có vẻ chỉ dành cho nam giới.
Ví dụ như ở Tunisia, Ben Said cho biết công chúng chỉ mới bắt đầu chấp nhận và tin tưởng phụ nữ làm việc trong chính phủ. Cô nói: “họ chịu áp lực phải thực hiện, và cho ra kết quả, vì thế người ta sẽ khuyến khích nhiều phụ nữ tham gia vào các vị trí lãnh đạo hơn”. Igoye cũng nhận thấy điều tương tự ở Uganda: “Phụ nữ đứng ở vị trí lãnh đạo ở đất nước tôi là rất khó khăn, không hề dễ dàng chút nào. Bạn luôn phải nhận thức được rằng mình đang đại diện cho tất cả phái nữ. Bạn phải làm việc cực kỳ chăm chỉ để có kết quả tốt, để thực hiện nó, bởi nếu bạn có gặp phải sai sót nào, họ sẽ nói: ‘Thấy chưa, phụ nữ mà!’”
Chính vì vậy mà chỉ có các nữ lãnh đạo mới có thể thay đổi các cơ hội dành cho các thế hệ nữ giới của một quốc gia. Theo Madsen, “Tóm lại, vị trí lãnh đạo ở đất nước đó như thế nào, vị nữ lãnh đạo có tiếng nói bao nhiêu, sẽ ảnh hưởng đến những gì định hình nên vai trò lãnh đạo và ý nghĩa của nó đối với nữ giới của quốc gia đó. Ví dụ, ở Trung Đông, thủ lĩnh là vua hay tù trưởng, và có sự tách biệt lớn giữa các vị lãnh đạo với xã hội. Thông thường, phụ nữ sống trong những nền văn hóa như vậy không nhìn thấy bóng dáng chính mình ở những vị trí đó, vì vậy họ cho rằng lãnh đạo thường là nam giới”.Và điều này, có lẽ còn hơn bất cứ điều gì khác, là những gì mà Ben Said, Chahal, Igoye, và những người phụ nữ khác cũng như họ trên toàn thế giới đã đứng lên để thay đổi./.