Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Triết học chính trị là môn học nghiên cứu về các chủ đề như nhà nước, công dân, các hình thức tổ chức chính trị, cũng như về các khái niệm căn bản như tự do, bình đẳng, công bằng. Đây là môn học nền tảng đối với sinh viên thuộc chuyên ngành chính trị, ở môn học này sinh viên được tiếp cận với những vấn đề căn bản trong chính trị, cũng như các giải pháp khác nhau để giải quyết những vấn đề này; được đưa ra bởi các nhà tư tưởng chính trị lớn trong lịch sử nhân loại.
Nhìn chung, có hai cách tiếp cận chủ yếu với triết học chính trị, đó là tiếp cận thông qua tìm hiểu các chủ đề, và tiếp cận thông qua tìm hiểu các tác phẩm kinh điển. Cách tiếp cận thông qua tìm hiểu các chủ đề là đi tìm hiểu triết học chính trị thông qua các chủ đề lớn như tự do, bình đẳng, công bằng, chủ quyền. Ưu điểm của cách tiếp cận này nằm ở chỗ chúng ta có thể có được một cái nhìn khá tổng quan về triết học chính trị, từ đó thấy được sự tương phản trong lý giải của các nhà tư tưởng khác nhau. Đối với cách tiếp cận thông qua tìm hiểu các tác phẩm kinh điển, chúng ta cần phải đọc và phân tích tư tưởng của các tác giả lớn trong triết học chính trị thông qua các tác phẩm chính, mang tính kinh điển của họ. Cách tiếp cận này giúp ta làm quen với các tác giả lớn cùng với tác phẩm và tư tưởng của họ, đây là một việc dường như mang tính bắt buộc đối với bất cứ sinh viên nào thuộc chuyên ngành triết học chính trị, và cũng là cách tiếp cận được sử dụng phổ biến hơn. Cuốn sách Lịch sử triết học chính trị này được chúng tôi biên tập theo cách tiếp cận thứ hai.
Sách được chuẩn bị, soạn thảo và hiệu đính bởi nhóm Tinh Thần Khai Minh.
Trong lịch sử tư tưởng chính trị có rất nhiều nhà tư tưởng xuất chúng. Tuy nhiên do phạm vi nội dung môn học, cũng như do sự giới hạn của nguồn tài liệu tiếng Việt về lĩnh vực này, ở đây chúng tôi chỉ giới thiệu tư tưởng của các tác giả sau: Plato, Aristotle, Machiavelli, Hobbes, Locke, Montesquieu, Rousseau, Voiltare, Mill, Hegel, Tocqueville, Hayek, Popper, Rawls, Nozick. Các tác giả này được phân bổ theo ba giai đoạn chính trong triết học chính trị: cổ đại với Plato, Aristotle; cận và hiện đại với Machiavelli, Hobbes, Locke, Montesquieu, Rousseau, Voiltare, Mill, Hegel; và đương đại với Hayek, Popper, Rawls, Nozick.
Khi bàn về thời cổ đại, ta không thể không nhắc đến Plato, Aristotle, vì hầu như toàn bộ tư tưởng chính trị của các triết gia sau này đều chịu ảnh hưởng của hai ông. Điều này có được là do thời kỳ lịch sử của Plato, Aristotle khá tương tự với thời đại ngày nay. Đó là thời Hy lạp cổ đại với đa dạng các kiểu thể chế chính trị, như thể chế dân chủ ở Athen, chế độ quý tộc ở Sparta.
Tư tưởng chính trị cổ đại thoái lui cùng với sự suy tàn của nền văn minh Hy lạp, và chỉ được khôi phục lại vào khoảng thế kỷ 15 khi châu Âu bước vào thời kỳ Phục Hưng. Tiếp sau thời kỳ Phục Hưng là một loạt các phong trào khác làm biến đổi hoàn toàn châu Âu thành một châu lục hiện đại như ngày nay – bao gồm các phong trào như Cải cách tôn giáo của Martin Luther, và quan trọng nhất là phong trào Khai sáng. Chính trong giai đoạn này, một loạt các tư tưởng chính trị mới đã nảy sinh, một mặt tiếp nối truyền thống tư tưởng của Hy Lạp cổ đại, mặt khác phát triển những tư tưởng mới cho phù hợp với thời đại dân chủ tự do hiện đại, như Machiavelli, Hobbes với lý thuyết duy thực trong chính trị; Locke với chủ nghĩa tự do; Montesquieu với mô hình tam quyền phân lập; Rousseau với mô hình dân chủ trực tiếp.
Thời kỳ đương đại tiếp nối với thời kỳ hiện đại trước đó. Lúc này, các ý tưởng của Hobbes, Locke, Montesquieu, Rousseau đã trở thành hiện thực, với nhà nước dân chủ tự do. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là triết học chính trị đã kết thúc, mà chính nền dân chủ tự do cũng có một loạt các vấn đề mà các nhà tư tưởng trước đó chưa ý thức được, như vấn đề kế hoạch hóa, vấn đề phân phối công bằng. Đây là các chủ đề trung tâm trong triết học chính trị đương đại. Và khi nhắc đến các chủ đề này, chúng ta không thể không nhắc đến những nhà tư tưởng có nhiều đóng góp lớn như Hayek, Popper với vấn đề kế hoạch hóa, và Rawls, Nozick với vấn đề phân phối công bằng.
Hiện nay, tác phẩm chính của gần như tất cả các tác giả trên đã được dịch ra tiếng Việt, như Cộng hòa của Plato, Chính trị luận của Aristotle, Khảo luận thứ hai về chính quyền của Locke, Đường về nô lệ của Hayek… Tuy nhiên việc đọc các tác phẩm kinh điển và hiểu được tư tưởng của các tác giả không phải là việc dễ dàng. Do đó, đi cùng với việc dịch các tác phẩm kinh điển này, thì hệ thống tài liệu hướng dẫn, giới thiệu giúp cho người đọc có thể hiểu tốt hơn tư tưởng của các nhà tư tưởng trên cũng là điều hết sức cần thiết. Đối với những ai quan tâm đến chính trị thì việc đọc và hiểu được tư tưởng của các nhà tư tưởng trên không những là một sự thích thú về mặt tinh thần, mà còn giúp làm sáng tỏ hơn các vấn đề chính trị hiện tại của đất nước. Và chúng tôi hy vọng rằng, quyển sách sẽ giúp độc giả tiếp cận các tác phẩm triết học chính trị kinh điển một cách dễ dàng hơn, qua đó có được nhận thức đúng đắn về các vấn đề chính trị nói chung và các vấn đề chính trị của nước ta hiện nay nói riêng.
Bấm vào đây để tải sách |