Luật công bình – môn “Phòng chống nghệ thuật hắc ám” của sinh viên luật Anh Quốc

Luật công bình – môn “Phòng chống nghệ thuật hắc ám” của sinh viên luật Anh Quốc
(L-r) RUPERT GRINT as Ron Weasley, ALAN RICKMAN as Severus Snape and DANIEL RADCLIFFE as Harry Potter in Warner Bros. PicturesÕ fantasy ÒHarry Potter and the Goblet of Fire.Ó
PHOTOGRAPHS TO BE USED SOLELY FOR ADVERTISING, PROMOTION, PUBLICITY OR REVIEWS OF THIS SPECIFIC MOTION PICTURE AND TO REMAIN THE PROPERTY OF THE STUDIO. NOT FOR SALE OR REDISTRIBUTION.

Hỏi bất kỳ sinh viên chuyên ngành luật nào tại Anh với câu hỏi “Môn luật nào khó nhất trong chương trình luật Anh?”; 7 đến 8 trên 10 trường hợp bạn sẽ nhận câu trả lời: “Luật công bình và tín thác” (Equity and Trusts).

Thường được giảng dạy vào năm cuối của 3 năm chương trình cử nhân luật (LLB) tại Anh, Luật công bình và tín thác có độ khó và sự đáng sợ tương tự như môn Phòng chống Nghệ thuật Hắc ám (Defence Against the Dark Arts) trong chương trình học của các phù thủy trẻ trong bộ tiểu thuyết Harry Potter của nhà văn J.K.Rowling.

Sự ảo diệu của nội dung học có thể cuốn hút bạn lúc ban đầu. Nhưng vì quá khó học, khó nắm bắt, khó đạt kết quả cao trong suốt quá trình còn lại, môn học có thể khiến bạn sau cùng, hoặc là yêu thích nó cuồng nhiệt hoặc là căm thù nó sâu sắc.

Vậy Luật công bình và tín thác là gì?

Nhiều người đã biết hệ thống thông luật Anh bao gồm hai loại luật chính: luật thành văn (statutory laws) và thông luật (common law rules) vốn là các án tiền lệ (các quy tắc xử án từ thực tiễn được hệ thống hóa để áp dụng cho các vụ việc tương tự trong tương lai) mà các thế hệ tòa án Anh quốc xây dựng và truyền từ đời này sang đời khác.

Luật công bình (equity) không nằm trong hệ thống luật thành văn nhưng bản thân nó cũng không hẳn là thông luật. Luật công bình cũng được xây dựng từ thực tiễn xử án trong các tòa án Anh, nhưng chúng bắt nguồn từ một hệ thống tòa án riêng biệt: các tòa công bình (Courts of Equity). Các tòa án này được các vua Anh lập ra để xem xét các trường hợp oan trái mà các tòa án thông luật không xử lý thỏa đáng.

Hệ thống luật công bình theo đó ra đời và tồn tại song song với thông luật và luật thành văn, tạo một không gian nhất định cho hệ thống tòa án Anh xử lý vụ việc không chỉ dựa trên luật lệ, mà còn dựa trên các nguyên tắc mang tính đạo đức, chú trọng vào lương tâm con người.

Hình thái tín thác (trust) thì có lẽ được nhiều người Việt Nam biết đến hơn qua cái tên “tờ-rớt” vốn được nhắc đến trong các tác phẩm của Karl Marx và Friedrich Engel như là một trong những dấu hiệu cho thấy sự khủng hoảng của chủ nghĩa tư bản.

Các hình thái tín thác là những công cụ pháp lý được tạo dựng nhằm cho phép một người, được gọi là ủy thác viên (trustee), cầm giữ và quản lý tài sản tiền của, thuộc thừa kế hay không thuộc thừa kế, cho một người khác, được gọi là người thụ hưởng (beneficiary). Để đảm bảo các ủy thác viên luôn cai quản tài sản tín thác dựa trên lợi ích tốt nhất của những người thụ hưởng, luật pháp phải can thiệp.

Sự biến ảo khôn lường của các hình thái tín thác khiến cho hệ thống thông luật có phần cứng nhắc của Anh bối rối. Và vì thế, người Anh phải trông cậy vào thứ luật pháp cũng có một độ biến ảo không kém, đó là luật công bình để quản lý các hình thái tín thác một cách hữu hiệu.

Giáo sư Alastair Hudson (Ảnh: alastairhudson.com)

Giáo sư Alastair Hudson (Ảnh: alastairhudson.com)

Trong mục Café Luật Khoa cuối tuần này, chúng ta hãy cùng tìm hiểu sơ qua bản chất ảo diệu rất thú vị của luật công bình Anh cùng giáo sư Alastair Hudson của trường đại học Exeter, một luật sư và nhà nghiên cứu chuyên sâu về luật công bình và tín thác người Anh, thông qua một số đoạn trích từ cuốn sách “Luật Công Bình và Tín Thác” (Equity and Trust) xuất bản năm 2010 của ông.

Giáo sư Hudson từng nhận giải Giảng viên Luật giỏi nhất tại Anh năm 2008. Các tác phẩm về luật công bình và tín thác khá dễ hiểu, sinh động của ông từng cứu rỗi cuộc đời học thuật đau khổ đầy nước mắt và nước mũi của rất nhiều sinh viên luật tại Anh, bao gồm người viết.

Trích đoạn “Luật Công Bình và Tín Thác” (Equity and Trust)

Alastair Hudson (Nhà xuất bản đại học Routledge-Cavendish năm 2010)

“…Bản chất của luật công bình

Luật công bình (equity) là một phương tiện mà qua nó hệ thống luật pháp cân bằng được nhu cầu phải có sự chắc chắn trong việc làm ra luật lệ với nhu cầu phải đạt được các kết quả công bằng trong từng trường hợp riêng biệt.

Một thành ngữ hay được dùng để miêu tả cách luật công bình vận hành chính là luật công bình ‘làm giảm nhẹ sự khắt khe của thông luật’, để cho câu chữ của luật không phải được áp dụng theo một cách quá nghiêm khắc đến nỗi có thể gây ra sự phản công lý (injustice) trong các vụ việc riêng biệt.

Luật công bình của Anh Quốc làm việc này bằng cách thẩm tra lương tâm (conscience) của bên bị kiện. Luật công bình, theo đó, là một phần của luật tư pháp Anh (private law) vốn có mục đích, hoặc là nhằm ngăn chặn việc lợi ích được dồn về cho một bên bị kiện xuất phát từ một hành vi bất lương (unconscionable conduct), hoặc là nhằm bồi thường tổn thất mà một bên đâm đơn kiện phải chịu do một hành vi bất lương. Luật công bình cũng có mục đích đảm bảo là thông luật và luật thành văn (statutory rules) không bị thao túng một cách bất lương.

Theo nghĩa rộng nhất, luật công bình có vẻ cho phép các tòa án một sự tùy nghi xử lý (discretion), để tòa án có thể chọn không áp dụng một số điều luật thành văn hay thông luật, bất cứ khi nào có sự đòi hỏi của lương tâm để làm điều đó. Tuy nhiên, trong thực tế, luật công bình hiện đại được cấu thành bởi các nguyên tắc quy định nội dung luật (substantive) và các nguyên tắc quy định thủ tục (procedural) vốn chỉ cho phép các tòa án một phạm vi giới hạn quyền tùy nghi xử lý…

… Bất kỳ hệ thống luật pháp nào cũng gặp vấn đề này: làm cách nào để chúng ta có thể tạo ra một luật chung thông thường (general common law) hay là các luật thành văn (statutory rules) mà không phải xử lý một số vụ việc riêng biệt một cách bất công? Trong bối cảnh của hệ thống pháp luật Anh, chính luật công bình đã và đang thực hiện công tác cân bằng trong thế đối trọng với sự cứng nhắc của thông luật. Theo hướng này, nhà triết học người Đức Hegel đã đưa ra một định nghĩa như sau về luật công bình:

“Luật công bình bao hàm một sự rời bỏ các quyền chiếu theo luật mang tính hình thức (formal rights) vì lý do đạo đức hay do các suy xét khác, và luật công bình chỉ quan tâm duy nhất đến nội dung của một vụ kiện. Một tòa án luật công bình gần như có nghĩa là một tòa án quyết định một vụ việc riêng biệt mà không khăng khăng tuân thủ các quy cách thủ tục của một quy trình luật pháp, hoặc là đặc biệt không khăng khăng đòi bằng chứng khách quan mà nội dung câu chữ của luật yêu cầu. Thêm nữa, một tòa án luật công bình quyết định lẽ phải trái của một vụ việc riêng biệt như thể nó là một vụ việc độc nhất (unique), chứ không phải với quan điểm là xử lý vụ việc này theo một cách để tạo ra án lệ (legal precedent) có hiệu lực bắt buộc từ nay về sau.”

Hegel là một trong những nhà triết học hàng đầu của hơn 200 năm vừa qua, ông không phải luật sư nhưng định nghĩa này về các hoạt động của khái niệm công bình trong ý nghĩa pháp lý của nó đặc biệt có ích, bởi vì nó cho chúng ta thấy cách mà luật công bình cho phép việc đạt được các kết quả ‘công bằng’ (fair) [công bằng một cách chủ quan – ND] hay các kết quả ‘công lý’ (just) [công bằng một cách khách quan – ND] trong các tình huống mà sự áp dụng trực nghĩa (literal application) của một đạo luật hay của thông luật có thể dẫn đến một sự bất công hay phản công lý…

Tòa Đại pháp quan (Court of Chancery) - một tòa án xử theo luật công bình của Anh (Ảnh: wikimedia.com)

Tòa Đại pháp quan (Court of Chancery) – một tòa án xử theo luật công bình của Anh (Ảnh: wikimedia.com)

…Các nguyên tắc cốt lõi

Luật công bình được xây dựng dựa trên một loạt các nguyên tắc nền tảng được nêu ra sau đây. Theo nguyên văn, chúng là một nhóm các tuyên ngôn mang tính đạo đức mơ hồ, một số nghe thi vị hơn số còn lại.

12 mệnh đề được đưa ra bên dưới đây đã được chọn lọc chủ yếu từ cuốn Luật Công Bình của Snell. Nhìn lướt qua thì rõ là chúng quá mơ hồ. Chúng không khẳng định một quan điểm đặc biệt nào về thế giới, ngoại trừ một điều, đó là mọi người nên hành xử theo lẽ phải với nhau – vì thế, tự nó khó được xem là một mệnh đề có thể làm bất kỳ ai lo sợ.

Những nguyên tắc này có vẻ giống 10 điều răn của Chúa theo hai cách: một là chúng có thể có nhiều cách diễn giải khác nhau, và hai là chúng cấu thành những chỉ thị mang tính đạo đức (moral prescriptions) thể hiện các giá trị mà theo đó con người nên cư xử. Tuy nhiên các nguyên tắc này không nên bị coi thường như là những lời tuyên ngôn thi vị, bởi vì chúng vẫn đang được các tòa án [Anh quốc] áp dụng.

Các nguyên tắc đó như sau:

  1. Luật công bình không để cho một sai phạm diễn ra mà không có cách khắc phục (Equity will not suffer a wrong to be without a remedy)
  2. Luật công bình đi theo sau luật pháp (Equity follows the law);
  3. Khi cả hai bên đều được hưởng sự công bình, luật pháp có hiệu lực ưu tiên (Where there is equal equity, the law shall prevail);
  4. Khi lẽ công bình của hai bên mạnh ngang nhau, bên nào tạo lập quyền trước tiên sẽ được ưu tiên (Where the equities are equal, the first in time shall prevail);
  5. Sự trì trệ làm tiêu tan công bình (Delay defeats equities);
  6. Ai tìm đến luật công bình phải làm điều theo lẽ công bình (He who seeks equity must do equity);
  7. Ai tìm đến luật công bình phải đến với ‘đôi bàn tay sạch’ (He who comes to equity must come with clean hands);
  8. Bình đẳng là công bình (Equality is equity);
  9. Luật công bình chú trọng vào ý định thay vì hình thái (Equity looks to the intent rather than to the form);
  10. Luật công bình cho rằng một điều đã được thực hiện nếu như điều đó nên là đã được thực hiện (Equity looks on as done that which ought to have been done);
  11. Luật công bình quy kết phải có một ý định thực hiện một nghĩa vụ nào đó (Equity imputes an intention to fulfill an obligation);
  12. Luật công bình đối nhân, tạo ra trái quyền (Equity acts in personam)…

…1.4.1 Luật công bình không để cho một sai phạm diễn ra mà không có cách khắc phục

Nguyên tắc này là trọng tâm của luật công bình: tại nơi nào mà thông luật hay luật thành văn không tạo điều kiện để khắc phục hậu quả cho một sai phạm, luật công bình can thiệp để đảm bảo một kết quả công bằng. Luật công bình sẽ can thiệp trong những trường hợp mà hoàn cảnh không cho phép một cách khắc phục rõ ràng để một người nguyên đơn có thể sử dụng.

Ví dụ, trong một hình thái tín thác (trust), như chúng ta sẽ thấy, một người thụ hưởng không có quyền dựa trên thông luật để yêu cầu bắt buộc thực hiện các điều khoản của hình thái tín thác, nhưng tòa án có thể yêu cầu ủy thác viên (trustee – người được ủy thác quản lý hình thái tín thác – ND) thực hiện các điều khoản, và từ đó ngăn chặn ủy thác viên phạm phải một hành vi có thể xem là sai phạm với người thụ hưởng.

1.4.2 Luật công bình đi theo sau luật pháp – nhưng không phải theo cách khúm núm, hay là lúc nào cũng phải đi theo

…[L]uật công bình bị buộc phải đi theo sau luật thành văn trong mọi trường hợp. Trong lịch sử, luật công bình đã luôn là đối trọng với thông luật, thế nên luật công bình thường không từ chối sự chi phối của các quy định thông luật, trừ phi có một sự bất lương (unconscionability) diễn ra khi áp dụng một quy định thông luật nào đó. Ví dụ, một số quy định chung trong thông luật, như quy định rằng chỉ có các bên đứng tên trong một hợp đồng mới phải tuân theo hợp đồng đó, sẽ được luật công bình tuân thủ.

Nguyên tắc quy định rằng luật thành văn phải được tuân thủ không cho thông luật sự thống trị đối với luật công bình theo nghĩa rộng – nói chính xác là luật công bình được hưởng sự ưu tiên so với các điều khoản thuộc thông luật, vốn không nằm trong luật thành văn, như sẽ được thảo luận dưới đây.

1.4.3 Khi cả hai bên đều được hưởng sự công bình, luật pháp có hiệu lực ưu tiên

Trong một tình huống không có sự phân biệt rõ ràng nào có thể được đưa ra giữa hai bên của một vụ việc để cho thấy một bên có quyền mạnh hơn dựa trên lẽ công bình, nguyên tắc thông luật thích hợp nhất cho vụ việc sẽ được áp dụng. Chẳng hạn trong trường hợp mà hai cá nhân khác nhau, dường như đã cùng mua một số hàng đồng giá từ một bên bán hàng lừa đảo, thì không ai trong hai người này có thể có một quyền mạnh hơn bên kia đối với số hàng đã mua, dựa trên luật công bình. Vì thế, các quy định thông luật theo lệ thường của luật thương mại phải được áp dụng trong hoàn cảnh này.

1.4.4 Khi lẽ công bình của hai bên mạnh ngang nhau, bên nào tạo lập quyền trước tiên sẽ được ưu tiên

Nguyên tố thời gian rất quan trọng trong luật công bình. Điều này có lẽ phản ánh yếu tố thương mại của hệ thống luật này. Khi hai bên đi kiện đều có đơn kiện mạnh như nhau, luật công bình sẽ chiếu cố bên tạo lập quyền trước tiên. Thế nên, khi có hai người nhận được sự cầm cố (mortgagee) theo luật công bình đều muốn ép buộc thi hành quyền bảo đảm trả nợ của họ theo hợp đồng cầm cố, tòa án sẽ ưu tiên người đã ký kết hợp đồng cầm cố đầu tiên.

1.4.5 Sự trì trệ làm tiêu tan công bình

Một ví dụ khác về sự quan trọng của nguyên tố thời gian trong luật công bình là nguyên tắc liên quan đến việc trì trệ. Cốt yếu của nguyên tắc này là nếu một bên đi kiện đã để cho quá nhiều thời gian trôi đi trong khoảng từ lúc sự việc diễn ra cho đến khi đâm đơn lên tòa để bảo vệ quyền, tòa sẽ không bảo vệ quyền của người đi kiện đó.

Nguyên tắc không cho phép một cách khắc phục sự sai trái dựa trên luật công bình trong trường hợp đã có một sự trì trệ bất lương có danh từ pháp lý là ‘giải đãi’ (laches). Một số vụ việc hiện đại cho thấy rằng nguyên tắc này nên vận hành trên cơ sở quyết định điểm cân bằng của lương tâm (good conscience) nằm ở đâu trong tương quan với sự trì trệ. Rõ là trong mỗi vụ việc, quyết định này tùy thuộc vào hoàn cảnh cụ thể, lượng thời gian đã trôi đi là bao nhiêu trước khi tòa án có thể phán quyết một sự trì trệ nào đó là quá đáng hay không.

1.4.6 Ai tìm đến luật công bình phải làm điều theo lẽ công bình

Một chủ đề khác trong các nguyên tắc chung của luật công bình là một người đi kiện sẽ không nhận được sự trợ giúp của tòa án trừ phi bản thân người đó đã hành xử hoàn toàn công bằng. Ví dụ, trong một vụ kiện đòi tòa án ra quyết định ngăn chặn một hành vi gì đó (injunctions), thì tòa chỉ đưa ra quyết định ngăn chặn theo yêu cầu của một người đi kiện khi nào quyết định ngăn chặn đó cũng công bằng với bên bị kiện, và người đi kiện cam kết thực hiện nghĩa vụ của mình theo bất kỳ quyết định nào của tòa. Một tòa án luật công bình sẽ không quyết định có lợi cho một người nếu họ đã thực hiện một hành vi trái pháp luật.

1.4.7 Ai tìm đến luật công bình phải đến với ‘đôi bàn tay sạch’

Đây là một sự phát triển của nguyên tắc về sự công bằng. Một người đi kiện đòi một phương cách khắc phục sai phạm dựa trên luật công bình sẽ không nhận được điều đó nếu họ đã hành xử một cách không công bình. Toà án sẽ không đưa ra phán quyết bắt một bên bị kiện phải thực hiện một chi tiết nhất định nào đấy (specific performance) trong nội dung của một bản hợp đồng cho thuê (lease) nếu như bản thân người đi kiện đã và đang vi phạm một điều khoản quan trọng trong chính hợp đồng cho thuê đó.

Nguyên tắc này có nghĩa là bạn không thể hành xử một cách đạo đức giả, đòi hỏi sự trợ giúp từ luật công bình trong khi bản thân bạn không tôn trọng sự công bình. Điều quan trọng đó được xác lập bằng việc chỉ cần nhìn vào ‘bàn tay’ của bên đi kiện có ‘sạch sẽ’ hay không. Tòa án không nhất thiết phải cố gắng xác định rằng bên nào trong vụ việc có bàn tay sạch hơn để có thể đưa ra một sự trợ giúp dựa trên luật công bình.

"4. Giữ gìn vệ sinh thật tốt." (Ảnh: waypointcorp.wordpress.com)

“Điều 4: Giữ gìn vệ sinh thật tốt!” (Ảnh: waypointcorp.wordpress.com)

1.4.8 Bình đẳng là công bình

Thông thường, trong các vụ việc liên quan đến quyền đối với một tài sản nhất định, khi mà hai bên đi kiện cùng có quyền như nhau, luật công bình sẽ yêu cầu chia đều quyền sở hữu giữa hai bên. Việc này nhằm thực hiện một nguyên tắc cổ xưa, đó là “luật công bình đem đến sự hài lòng một cách bình đẳng” (‘equity did delight in equality’). Cũng giống như cách mà Aristotle nhìn nhận công lý và công bình, thẩm phán Vaisey từng xem xét nguyên tắc “bình đẳng là công bình” như sau:

“Tôi nghĩ rằng nguyên tắc nên được áp dụng ở đây là định nghĩa của Plato về sự công bằng như là “một loại công lý” (sort of justice): nếu bạn không thể tìm ra bất kỳ một cơ sở nào khác, sự bình đẳng là một cơ sở thích hợp”

1.4.9 Luật công bình chú trọng vào ý định thay vì hình thái

Có một nguyên tắc chung trong luật Anh đó là tòa án sẽ cố gắng nhìn xuyên qua mọi mưu mẹo gian xảo và tạo hiệu lực cho bản chất của bất kỳ một giao dịch nào đó, hơn là chỉ nhìn vào biểu hiện bề ngoài của giao dịch đó.

Luật công bình sẽ không phớt lờ tất cả các quy cách hình thức – ví dụ, liên quan đến luật về các hình thái tín thác biểu lộ (express trusts), luật công bình đặc biệt sắc sảo trong việc tuân thủ các quy cách hình thái – nhưng nó sẽ không tuân thủ các quy cách hình thái không cần thiết. Như chúng ta sẽ nhìn thấy trong chương 4, ngay cả khi các bên trong giao dịch không dùng từ “tín thác” (trust), tòa án vẫn sẽ cho phép một điều mà vốn về bản chất là một hình thái tín thác được có hiệu lực như một hình thái tín thác thật sự và sẽ từ chối các hình thái tín thác vốn chỉ là giả tạo.

1.4.10 Luật công bình cho rằng một điều đã được thực hiện nếu như điều đó nên là đã được thực hiện

Một trong những kỹ thuật quan trọng hay được tòa án áp dụng các năm gần đây là nguyên tắc luật công bình sẽ xem như một việc đã được thực hiện nếu như tòa án tin rằng việc đó nên là đã được (ought to be) thực hiện. Ví dụ lâu đời của nguyên tắc này được nêu trong án lệ Walsh kiện Lonsdale.

Trong vụ việc trên, một hợp đồng có hiệu lực sẽ bắt buộc một bên phải ký hợp đồng cho thuê với bên còn lại. Theo đó, hợp đồng này được xem là đã tạo ra một hợp đồng cho thuê đất dựa trên luật công bình (equitable lease) cho dù các yêu cầu về quy cách hình thức để tạo ra một hợp đồng cho thuê đất theo thông luật chưa được tuân thủ.

Cơ sở cho sự hợp lý phía sau quyết định dựa trên luật công bình có thể được hiểu như sau: đã có một hợp đồng cho thuê đất được xác lập với nguyên tắc bên chủ đất cho thuê bị buộc phải thực hiện một hành vi nhất định (specific performance) – chính là thực hiện nghĩa vụ đã nêu trong bản hợp đồng đã ký. Nghĩa vụ đó bắt buộc phía chủ đất phải ký một hợp đồng cho thuê đất có giá trị pháp lý quy chuẩn với bên thuê đất. Thế nên, tòa tuyên rằng bên chủ đất cho thuê nên được xem là đã ký một hợp đồng cho thuê đất như thế.

Dưới con mắt của luật công bình, việc ký hợp đồng cho thuê đất nói trên nên là một việc đã được thực hiện và vì thế có thể được xem (trong luật công bình) là đã thực hiện. Và kết quả dựa trên luật công bình chính là sự xác lập một hợp đồng cho thuê đất.

1.4.11 Luật công bình quy kết phải có một ý định thực hiện một nghĩa vụ nào đó

Nguyên tắc này giả định một người bị ràng buộc bởi một nghĩa vụ phải có sẵn một ý định (intention) để thực hiện nó. Vì vậy, ngay cả khi người có nghĩa vụ thực hiện một số hành vi mà nội dung nghĩa vụ đó không nhất thiết bắt buộc họ phải thực hiện, thì các hành vi đó cũng có thể được xem như là đã được thực hiện nhằm thỏa mãn chính nghĩa vụ ấy.

Ví dụ, một người phụ nữ qua đời. Trước khi mất, bà ta mắc nợ một người đàn ông một số tiền, và bà ta đã để lại tiền cho người đàn ông đó trong di chúc của mình. Luật công bình sẽ xem khoản tiền để lại theo di chúc của người phụ nữ như là tiền để hoàn trả món nợ mà bà đã nợ người đàn ông kia lúc sống. Việc ‘xem như là’ này có thể bị phản bác bằng một bằng chứng vững chắc chứng minh điều ngược lại. Ví dụ, người phụ nữ đã hứa để lại khoản tiền đó cho người đàn ông từ rất lâu, trước khi bà mắc nợ ông ta.

1.4.12 Luật công bình đối nhân, tạo ra trái quyền

Đây là một đặc trưng quan trọng của luật công bình và chương 12 sẽ liệt kê chi tiết về hình thái tín thác ngầm hiểu (constructive trusts). Phạm vi tài phán của luật công bình có hiệu lực trên cá nhân người bị kiện cho dù họ sống ở đâu, ngoài hay trong khu vực thuộc quyền tài phán của tòa án Anh quốc.

Thượng nghị viên Selbourne đã nói về vấn đề này như sau:

“Các tòa công bình của Anh vốn là, và vẫn luôn là, các tòa án của lương tâm, hoạt động trên cơ sở đối nhân, tạo ra trái quyền (in personam) thay vì tạo ra vật quyền (in rem); và việc thực thi phạm vi tài phán cá nhân này đã có truyền thống ép buộc thực hiện các hợp đồng và các hình thái tín thác đối với các chủ thể vốn không hề nằm trong khu vực thuộc quyền tài phán của các tòa án [công bình Anh].”

Điểm trọng tâm của một tòa án công bình trong việc đưa ra một quyết định chính là hành động dựa trên lương tâm của một cá nhân bị kiện riêng biệt, và chỉ trong một vụ việc đơn lẻ mà tòa đang trực tiếp xem xét.

Thế nên, luật công bình hoạt động trong tương quan chỉ với cá nhân bị cáo của một vụ kiện đơn nhất. Luật công bình không có ý định, theo lý thuyết, xác lập các quy tắc chung về cách thức mà thông luật nên xử lý những vụ việc tương tự trong tương lai. Dĩ nhiên, qua hàng thế kỷ, các tòa án đã quen với việc chọn ra và áp dụng một số thực tiễn và quy tắc mang tính tiền lệ nhất định về cách mà các nguyên tắc công bình phải được áp dụng, hệt như cách các quy tắc thông luật đã được phát triển thông qua việc áp dụng nguyên tắc tiền án lệ…”

Bìa sách "Luật Công Bình và Tín Thác" bản tái bản lần thứ 9 năm 2016 (Ảnh: Amazon.com)

Bìa sách “Luật Công Bình và Tín Thác” bản tái bản lần thứ 9 năm 2016 (Ảnh: Amazon.com)

Tìm đọc thêm:

Sách “Luật Công Bình và Tín Thác” của giáo sư Alastair Hudson trên trang AmazonTrang web cá nhân với nhiều tài liệu và bài giảng của giáo sư Alastair HudsonMục “Luật công bình” trên trang Wikipedia Tiếng Việt“Hệ thống pháp luật Common Law và Civil Law” – Nguyễn Minh Tuấn (Blog Nhà Nước và Pháp Luật) “Nghiên cứu so sánh nguồn luật án lệ trong hệ thống pháp luật nước Anh” – Nguyễn Văn Nam (Trang web thư viện đại học sư phạm Đà Nẵng) 

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.