Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1: Vốn xã hội
Từ lúc chính thức ngồi vào ghế tổng bí thư, ông Tô Lâm đã có một số diễn ngôn đưa
“Họ [luật gia] tự mình đặt vào vị thế tương phản với những con người máy khúm núm nịnh bợ với những kẻ chuyên quyền” – luật sư Nguyễn Mạnh Tường.
Luật sư Nguyễn Mạnh Tường (1909-1997) là luật sư, giáo sư luật và văn học từng phục vụ cho chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong giai đoạn toàn quốc kháng chiến chống Pháp và sau đó, từ 1946 đến 1957.
Ông Tường sang Pháp du học từ năm 1927 khi mới 18 tuổi. Ông tốt nghiệp với hai bằng tiến sỹ Luật và Văn chương 5 năm sau đó. Điều thú vị là ông bảo vệ cả hai bằng liên tiếp nhau trong các tháng 5 và 6 năm 1932 và kết quả cả hai luận án đều nhận được sự khen ngợi nồng nhiệt từ cả giới học thuật và giới báo chí tại Pháp.
Luật sư Nguyễn Mạnh Tường và vợ thời trẻ (Ảnh: bantroi5.blogspot.com)Năm 1936 ông về nước, tham gia giảng dạy văn chương song song với việc hành nghề luật sư. Từ khi về nước, ông Tường cương quyết từ chối phục vụ cho chính quyền thực dân Pháp và sau đó khi Nhật lật Pháp, ông cũng từ chối phục vụ người Nhật.
Ông đã chọn cống hiến tinh thần yêu nước bằng cách giúp đỡ phong trào Việt Minh của ông Hồ Chí Minh. Năm 1946, ông Tường lên chiến khu Việt Bắc. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ 1954, ông về đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng bao gồm Chủ tịch Hội đồng luật sư Hà Nội, Giám đốc trường Đại học Luật, và Phó Giám đốc Đại học Sư Phạm.
Lựa chọn phục vụ chính quyền của Đảng cộng sản Việt Nam cuối cùng đã đẩy ông tới bi kịch lớn của số phận. Kiến thức luật học, chính trị phương Tây cùng chính kiến với tinh thần dân chủ biến ông thành cái gai trong mắt lãnh đạo Đảng. Ông Tường đặc biệt cương quyết phản đối phong trào Cải cách Ruộng đất mà ông Hồ Chí Minh và những đồng chí của ông ta tiến hành.
Năm 1957, sau vụ án chính trị tai tiếng Nhân Văn – Giai Phẩm, ông Tường bị ép rời bỏ mọi chức vụ về làm chuyên viên Bộ Giáo dục.
Năm 1989, ông Tường được phép đi Pháp và tận dụng cơ hội này xuất bản cuốn hồi ký viết bằng tiếng Pháp Un Excommunié (Kẻ bị rút phép thông công).
Được viết suốt nhiều năm trong “một tình thế lén lút và bị cô lập”, cuốn hồi ký thuật lại những năm tháng khốn khó đầy dằn vặt của ông Tường khi phục vụ cho chính quyền Việt Nam để rồi sau đó bị chính họ đàn áp, kiểm soát và bỏ ra rìa. Cuốn hồi ký này được dịch giả Nguyễn Quốc Vĩ dịch sang tiếng Việt.
Café Luật Khoa cuối tuần này xin trân trọng giới thiệu một đoạn trong cuốn hồi ký thuật lại cuộc đối thoại giữa luật sư Tường và luật sư đoàn nước Cộng hòa Séc trong một chuyến viếng thăm năm 1956 trước khi ông Tường bị tước mọi chức vụ.
Bằng những lời nói thẳng thắn và không kém phần thống thiết, luật sư Tường vạch trần sự đàn áp, kiểm soát những tiếng nói luật sư, luật gia độc lập có tinh thần dân chủ của các lãnh đạo Đảng ở Việt Nam. Qua đó, ông cũng thể hiện lên một cái nhìn đầy lý tưởng về vai trò của người luật gia, luật sư trong một nền dân chủ.
Trích đoạn “Un Excommunié. Hanoi: 1954-1991: Procès d’un intellectuel” (Hồi Ký Nguyễn Mạnh Tường: Kẻ bị mất phép thông công) – luật sư Nguyễn Mạnh Tường – Người dịch: Nguyễn Quốc Vĩ
“…Đối thoại với luật sư người Séc
Tiếng Pháp được dùng trong buổi thảo luận với luật sư đoàn, và vấn đề được bàn là một quan tâm rất lớn của giới luật gia ở các nước cộng sản. Các bạn chủ nhà bắt đầu cuộc thảo luận.
Trong một nước mà sự phân quyền được áp dụng, thông qua tổ chức các toà án, quyền tư pháp thi hành luật và chế tài những kẻ phạm pháp. Nhưng muốn những sinh hoạt tư pháp được vận hành tốt và luật pháp được áp dụng, giới luật gia phải hành nghề với tất cả lương tâm và trách nhiệm, vì thế bản thân họ không thể tự đứng ra bảo vệ quyền lợi riêng của mình mà phải nhờ đến sự can thiệp của hiệp hội luật sư, nhất là vào những khi họ bị chính quyền tăng cường áp bức trong một bối cảnh xã hội phức tạp, hay những khi xảy ra xung đột giữa các hội viên với nhau. Vấn đề nêu ra là để thấy là: chúng ta có cần một sự cho phép của những giới chức chính trị để được hành nghề luật sư hay không?
– Tôi đang ở vị thế mà tôi có thể thoả mãn sự tò mò của các bạn. Ở Pháp, năm 1931, khi tôi tuyên lời thề trước toà phá án ở Monpellier, họ không hề đòi hỏi bất cứ hình thái cho phép nào. Để hành xử một nghề tự do, chuyện xin phép một thẩm quyền nào đó là một điều đáng nực cười vì nó đã đánh mất quyền tự do của người này. Ngay cả chuyện quốc tịch cũng không là vấn đề, ít ra là cho những người là công dân của Pháp. Chỉ có hai đòi hỏi duy nhất: một là phải tốt nghiệp một trường luật, để nói rằng là đã có một trình độ hiểu biết luật pháp tối thiểu và điều thứ hai là chưa một lần mắc tội hình, một lần nữa để nói rằng mình có một đạo đức tốt.
Rất có lý. Nhưng tại sao ở những nước cộng sản, nhà lãnh đạo chính trị cho rằng họ phải nắm hiệp hội luật sư và cho rằng chúng ta, những người hành nghề phải tuỳ thuộc nơi họ?
Điều đó có thể giải thích được. Ở một nước cộng sản, Đảng tuyệt đối độc quyền chính trị, nắm giữ mọi quyền hành; theo chủ nghĩa cộng sản giai cấp nắm quyền không bao giờ san sẻ quyền lực cho bất cứ ai khác. Để mãi mãi nắm quyền, hưởng mọi đặc quyền, kéo dài đến vô tận, khai thác đến tột cùng của chiều sâu; nói một cách gãy gọn, đây là một chế độ chuyên chế ở ba chiều không gian, một chế độ chuyên quyền gần như tuyệt đối, gian xảo nhất, cứng rắn nhất trên thế giới và trong lịch sử nhân loại.
Dưới một chế độ như thế, quyền tự do là một lầm lẫn, một loại bệnh hoạn cần phải loại bỏ trong dân chúng. Vì vậy, không bao giờ có bất cứ loại ngành nghề nào là nghề tự do, không có nghề luật sư, không có nghề bác sĩ mà chỉ có những người là nhân viên làm việc và ăn lương của nhà nước, phải nhanh chóng thi hành lệnh của họ. Khi mà Đảng và những người chóp bu không thể có mặt ở mọi lúc mọi nơi để hành xử quyền tuyệt đối của mình, họ bắt buộc phải nhờ vả đến những người có khả năng, mà khả năng nếu có, chỉ là khả năng tuân chỉ người chủ của mình một cách mù quáng và tự động.
Hậu quả là những người nắm giữ quyền hành từ cao đến thấp đều làm việc không với kiến thức hay khả năng cần thiết mà bằng sự thiếu sót về văn hoá và sự ngu dốt! Ở vài nước, bộ trưởng giáo dục chưa hề qua hết lớp trung học phổ thông, bộ trưởng và thứ trưởng bộ tư pháp chưa hề học qua trường luật. Trong những hoàn cảnh đó, một luật sư đoàn chân chính làm sao có thể hoạt động được? Bị lệ thuộc hoàn toàn vào nhà cầm quyền, luật sư đoàn không thể sinh hoạt theo như truyền thống được.
Chuyện xảy ra như thế nào?
Bước đầu, nhà cầm quyền chọn một số người để đưa vào luật sư đoàn: đa số là những nhân viên hưu trí với một lương hưu chết đói và một vài người trẻ tốt nghiệp ở những nơi gọi là trường luật do một số biết nói chuẩn tiếng Nga và đã học được một vài điều bóng bẩy của hệ thống tư pháp Liên Xô. Đám người này là những đầy tớ ngoan ngoãn cho nhà nước. Cùng lúc ấy, những người đau khổ để lộ một vài ý muốn độc lập thì bị loại ngay tức khắc khỏi luật sư đoàn và bị mất phần lớn, nếu không muốn nói là tất cả thu nhập. Chỉ nội bao nhiêu đó cũng đủ làm cho họ trở nên cam tâm thuần phục.
Hơn nữa, cái tên là “kẻ bảo vệ nhân dân” gán cho họ cũng để nhắc nhở là họ không phải là những luật gia với những kiến thức về Luật đang hành nghề tự do, họ không có quyền hay có những phương tiện vật chất, để mở văn phòng tư. Họ là thành phần của một đoàn thể có một văn phòng là nơi làm việc và tiếp thân chủ. Thiên hạ bu những người cố vấn ấy như những con ruồi bu một tảng đường.
Giá phí được định bởi nhà nước. Lối tổ chức này nhằm thoả mãn hai yêu cầu: thứ nhất, nguyên tắc làm việc tập thể được áp dụng như bất cứ nơi nào. Thứ hai, việc tập thể hoá là có lợi cho nhà nước; họ đưa người của họ và chỉ định thủ lãnh luật sư đoàn, dĩ nhiên người này là một quan chức, hoàn toàn không biết chi về luật nhưng lại là một tay cự phách trong việc điều hành, nhất là điều hành quân đội.
Tại sao Đảng lại than vãn về luật sư đoàn?
Thứ nhất, bất cứ nhà cầm quyền nào cũng bị điều kiện hoá bởi khuynh hướng chuyên quyền. Nhưng người cộng sản lại bị chuyện này hơn ai hết. Để áp đặt quyền thống trị mà họ rất biết đây là vấn đề hết sức tế nhị, chính quyền cộng sản đã sáng tạo ra muôn vàn thủ đoạn bằng cách đưa nhiều người ngoài vào tổ chức, có khi số người ấy lại nhiều hơn là người của chính tổ chức. Bằng cách trộn lẫn người trong người ngoài như thế trong một tổ chức quần chúng, Đảng kiểm soát họ dễ dàng hơn, hiệu quả hơn và gặt hái thành quả của một khối nhân sự mà trong đó có tay sai của mình. Những tay sai như Angus và Ceberus. Bên cạnh đó, bằng cách cấm cản người của họ dùng lý trí và ngôn từ, Đảng đã hạ họ xuống hàng động vật, nhồi nhét họ những phản xạ để biến họ thành những người máy. Chẳng phải không có lý do mà bà phù thuỷ Circé đã biến tù nhân của bà ta thành những con heo được phú cho tài năng duy nhất là biết nhảy qua chiếc máng ăn khi nhận hiệu lệnh.
Tất cả các tay nắm quyền đều chung mơ ước là có được chiếc đũa thần của thầy phù thuỷ. Nhưng, nếu Đảng áp dụng biện pháp khắt khe trên giới luật gia, trước hết là vì họ là người trí thức và là đối tượng ghét hận của những kẻ chuyên quyền, vì luật gia là người có cái đầu để suy nghĩ và có cái mồm để nói, hai thuộc tính gây ác cảm nơi kẻ cầm quyền, làm phức tạp cho công việc và gây xáo trộn cho kế hoạch của họ.
Hơn nữa, trong giới trí thức, giới luật gia lại càng nổi trội với kiến thức về luật, thông thạo, thường nắm vững những hội nghị và những cuộc phê bình, và còn hơn nữa là họ có ý thức về tư cách, danh dự và trách nhiệm.
Họ tự mình đặt vào vị thế tương phản với những con người máy khúm núm nịnh bợ với những kẻ chuyên quyền.
Từ đó, trong khi tác nghiệp bảo vệ quyền lợi thân chủ trước các cấp toà hình sự, rất thường khi, họ trở nên có thái độ khinh thường, ngay cả láo xược trong những lúc kình chống lại hệ thống pháp lý của công quyền hay các cấp lãnh đạo chính trị. Đối với quần chúng, trong khi những nhà “bào chữa nhân dân” luôn vạn lần cúi đầu, thì giới luật gia đứng thẳng trên tầm vóc của mình, gây sự chú ý và vì thế đã trở nên đối tượng bị ghét hận của giới cầm quyền. Họ theo mẫu mực của La Bruyère và chấp nhận đứng về phía của nhân dân.
Có thể nói là giới luật sư là một thành phần riêng của thế giới người trí thức?
Thượng đế lại phò trợ cho họ! Họ nắm những khuyết điểm của người luật sư là những người không chịu hy sinh, không nghĩa danh liệt sĩ, càng không muốn việc thay đổi chính quyền và thường là những kẻ cơ hội chủ nghĩa.
Nhưng là người trí thức, họ lại là những người dân đầy tính dân chủ chảy trong dòng máu. Tôi nghĩ rằng tôi có thể khẳng định luật sư đoàn là một tiêu chuẩn của nền dân chủ, rằng ở nước nào tiêu chuẩn đó thắng thế và có một luật sư đoàn chân chính hoạt động, nơi đó nền dân chủ chiến thắng.
Ông hãy cho chúng tôi biết nơi nào có một thể chế như thế?
Rất dễ hiểu. Trong khi tác nghiệp, và có được quyền tự do ngôn luận, tức là tự do tư tưởng, người luật sư sẽ phản đối nạn chuyên quyền của nhà chức trách, sự bất công của hệ thống pháp chế. Bất cứ chế độ chuyên chế nào cũng không chấp nhập quyền lực của họ bị đặt vấn đề, chấp nhận những cái điên rồ của nền pháp lý của họ bị bóc trần. Chỉ có ở những nước dân chủ, người dân mới có thể thấy cảnh đó.
Nhưng vần đề là làm sao một luật sư đoàn với ý thức trách nhiệm của mình, gồng mình can đảm để thực thi dân chủ đồng thời làm cho guồng máy chạy?
Đây là một câu hỏi chính đáng! Luật sư đoàn chỉ có thể hoàn thành một cách có hiệu năng vai trò của mình càng nhiều càng tốt, duy nhất là phải có một nền tư pháp độc lập ghi rõ trong hiến pháp và luật sư đoàn tự mình phải ý thức được trách nhiệm của mình. Toà án phải là nơi dũng cảm cũng như là nơi của chính trực và liêm khiết, là nơi luôn luôn có quyết tâm mãnh liệt trong việc áp dụng luật và công lý mà không dính đến những hệ luận về bổng lộc hay lợi ích cá nhân do tham nhũng đưa đến. Toà án và luật sư đoàn, với danh dự và phẩm giá như là hai đức hạnh đương nhiên, là hai cột trụ của một nền dân chủ. Toà án và luật sư đoàn liên kết với nhau trong cùng một cái nhìn về những ràng buộc của nghề nghiệp, cùng một niềm tôn trọng với luật pháp và công lý.
Nhưng ngành tư pháp chỉ chăm lo việc áp dụng luật và trừng phạt kẻ phạm pháp. Nó chỉ tiêu biểu cho khoảng một phần ba của một nền dân chủ.
Vả lại, tự bản thân, nó bảo vệ cho nền dân chủ nằm trong một cấu trúc mà nó tham gia. Nền dân chủ mà “Chính quyền là của dân, do dân và vì dân” tự nó là tập trung trong tay ngành lập pháp nơi làm ra luật, và ngành hành pháp sẽ lo áp dụng luật. Sự nguy hiểm sẽ xảy ra khi cả hai đều cùng cho rằng mình có quyền, với những đặc quyền riêng, được đứng trên luật pháp.
Nguyên tắc cơ bản của một nền dân chủ là mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Hệ quả là ba ngành cùng tồn tại trong một tương quan “cân bằng và tự kiểm soát lẫn nhau”, tự cô lập mình trong một cách nào đó khỏi phải đi trật đường, rơi vào xa cách và vào cảnh bên lề, để giữ gìn cho một chính quyền vì dân và do dân.
Như thế, việc chia ra làm ba ngành (lập pháp, tư pháp và hành pháp) đã ngăn chận những kẻ độc tài có cơ hội tập trung mọi quyền lực trong tay một người. Nguy cơ tổn hại về kinh tế, xã hội từ những thảm hoạ gây nên bởi sự độc quyền về chính trị, nói một cách chính xác, bởi những tay chóp bu, có thể được tránh khỏi hay có thể giảm đến mức tối thiểu.
***
Giới luật gia Séc rất kinh hoàng khi biết về sự can thiệp của chính trị và của những kẻ độc quyền vào lãnh vực luật pháp, về việc Đảng nắm hết chính quyền, cám ơn chúng tôi đã giúp xua tan những khổ tâm của họ.
Trước đó họ thấy những tác hại nhưng không làm sao tìm ra nguyên nhân, lý do là họ sống trong một thế giới bưng bít, không hề nhận được một thông tin gì từ thế giới bên ngoài, mà chỉ thấy một dân chúng quỳ lạy suy tôn thần tượng và đồng ca những bài kinh cầu để vinh danh chủ nhân của họ. Họ thấy những tác hại một cách mập mờ rối rắm, nhưng lại không làm sao tìm ra giải pháp cho vấn đề. Ít ra, giờ đây họ đã thấy một chút đại cương về toa thuốc của cơn bệnh đang tàn phá đất nước mà họ là những người đang chứng kiến.
Chúng tôi đã mở mắt và mang cho họ nét đại cương của một nền dân chủ. Chúng tôi đã đốt ngọn nến tò mò của tri thức, họ sẽ tự tìm thấy những kiến thức với những tìm tòi nghiên cứu. Khi chúng tôi lên đường, trong lòng chúng tôi mong mỏi rồi đây họ và nhân dân của họ sẽ được hưởng ánh sáng ban mai của nền dân chủ đang chói sáng về phía chân trời…”
Tìm đọc thêm
Hồi Ký Nguyễn Mạnh Tường – Bản PDF từ trang Việt Nam Văn HiếnNgười thầy đại học đầu tiên của đời tôi (Giáo sư Trần Thanh Đạm – Báo Hồn Việt)Kỷ niệm về thầy Nguyễn Mạnh Tường (Giáo sư Nguyễn Văn Hoàn – Báo Hồn Việt)Ông thầy của hai bằng tiến sĩ (Trang web Trường đại học Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn)Nguyễn Mạnh Tường, Lưỡng Khoa Tiến Sĩ (Trang Chúng Ta)Nhân cách Nguyễn Mạnh Tường qua thử thách (Trang Văn Hóa Nghệ An)