Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1: Vốn xã hội
Từ lúc chính thức ngồi vào ghế tổng bí thư, ông Tô Lâm đã có một số diễn ngôn đưa
—
Tác giả Richard Lewis “Dick” Thornburgh là một luật sư, chính trị gia – hoạt động trong chính trường Hoa Kỳ với chức vụ cao nhất đảm nhiệm là vị trí Bộ Trưởng Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ. Ông trình bày báo cáo tham luận mang tên The rule of law in the Soviet Union: How democracy might work trước World Affair Council tại San Diego, California, ngày 27 tháng 6 năm 1990. Báo cáo là tổng hợp trải nghiệm và quan điểm của ông về hệ thống tư pháp Liên Xô sau chuyến thăm và làm việc chính thức của mình tại đây.
—
… Nhiều sự chú ý hiện nay dồn vào những thay đổi đáng kể xảy ra ở Liên Xô và Đông Âu – đằng sau những gì thường được biết đến như là bức màn sắt. Biến động chính trị, kinh tế và xã hội nay đã trở thành quy luật chứ không phải là điều ngoại lệ, như một làn sóng thay đổi tiếp nối sự sụp đổ mang tính địa chấn của đế chế độc đoán trước đây. Nhưng, tôi gợi ý với bạn rằng tối nay, cách duy nhất để những biến động có thể mang đến những tác động thực sự tích cực đó là khi những thay đổi đó đưa đến kết quả – và các hệ thống mới được tạo ra – quy định của pháp luật.
Richard Lewis “Dick” Thornburgh – luật sư, chính trị gia – phục vụ với tư cách Bộ Trưởng Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ từ năm 1988 đến năm 1991. Ảnh: Wikipedia
Đây là thông điệp chúng tôi mang đến cho các đối tác Liên Xô của chúng tôi tại Bộ Tư pháp mùa thu năm ngoái – ngay thời điểm đất nước này bắt đầu những nỗ lực cải cách thể chế – pháp quyền khi nhận được lời mời của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Liên Xô, Venyamin F. Yakovlev.
Đó là một trải nghiệm đặc biệt. Chúng tôi được gặp các nhà lãnh đạo Liên Xô trong lĩnh vực thực thi pháp luật và tư pháp trong khoảng một tuần – các bộ trưởng, các luật gia, sinh viên luật, hay cả những người đứng đầu của Ủy Ban An Ninh Liên Bang Xô Viết (K.G.B). Chương trình nghị sự của chúng tôi là một chương trình tràn ngập màu sắc Mỹ, dành để nói về các chủ đề trọng tâm là những gì làm cho nền dân chủ của chúng ta hoạt động: tuyên ngôn nhân quyền của chúng ta, hệ thống liên bang của chúng ta, nguyên tắc phân chia quyền lực, với sự kiểm soát và cân bằng của nó, quy trình chính trị song phương của chúng ta – tất cả mọi thứ về các quyền tự do mà chúng ta giảng dạy (nhưng không phải lúc nào cũng hiểu được) trong các bài học giáo dục công dân cơ bản tại trường trung học Hoa Kỳ.
Và tôi cũng bất ngờ khi thấy rằng – chủ nhà Liên Xô, ngay từ thời điểm ban đầu, đã có tâm thế liều lĩnh với hy vọng thực thi một cuộc cải cách khoa học chính trị cho riêng họ. Các cuộc thảo luận của chúng tôi công khai với chủ đề tự do, bao hàm tất cả mọi thứ từ những lo ngại chung trong việc ngăn chặn chủ nghĩa khủng bố quốc tế đến nghĩa vụ nhân đạo quốc tế – như chúng ta thấy nó, và họ cũng đang ngày càng nhận ra vấn đề đó trong việc cho phép việc di cư tự do hơn của những người Do Thái Liên Xô.
Từ Sắc lệnh Nga Hoàng đến nền “Công lý điện thoại”
Để tóm tắt một cách vắn tắt một lượng lớn lịch sử pháp lý của Liên Xô, luật pháp của họ xuất phát từ ba truyền thống pháp lý: tập quán pháp trong tầng lớp nông dân, luật pháp của Nga hoàng, và sau này, như mọi quốc gia Châu Âu, bộ luật dân sự của người La Mã. Tập quán pháp và hệ thống vương pháp đã có ảnh hưởng rất lớn tại Nga, tạo ra thói quen về một chính phủ của những con người đứng trên pháp luật, từ người Mông Cổ đến các nhà quý tộc cho đến Nga hoàng và xa hơn nữa trong lịch sử hiện đại Liên Xô. Nhiều luật lệ mang tính hình thức pháp lý quy củ của hệ thống vương pháp đã từng xuất hiện, nhưng quyền lực pháp lý thực tế vẫn được trao cho thứ mà chúng ta thường biết đến là sắc lệnh của Nga hoàng. “Một tuyên bố của Nga hoàng,” như Webster cho biết, “luôn có hiệu lực pháp luật tuyệt đối.”
Điều này được thay đổi một cách dữ dội – nhưng thực sự lại không thay đổi – khi những người Bolshevik lên nắm quyền. Ban đầu Lenin bãi bỏ vương pháp, cùng với sở hữu tư nhân, và thiết lập các tòa án nhân dân. Các thẩm phán được hướng dẫn để làm theo các sắc lệnh của cuộc cách mạng đó”, hay theo “Lương tâm xã hội chủ nghĩa” của họ.
Nhưng sau đó, Lenin và người kế nhiệm của ông tiếp tục để cho những hệ thống chuyên quyền thống trị các tòa án mà người Nga thường biết đến với cái tên “telephone justice” (nơi mà các vụ án được giật dây từ một cú điện thoại của cấp trên). Các quan chức của Đảng thường xuyên gọi điện thoại cho các thẩm phán, và đến lượt mình các thẩm phán đưa ra quyết định trong từng vụ việc đúng theo những gì quan chức Đảng nói với họ phải làm.
Vậy ra, các sắc lệnh của Nga hoàng đã được biến đổi thành một cuộc điện thoại, nhờ công nghệ của thế kỷ 20. Đây là cách thức phổ biến được chuẩn bị cho các phiên tòa Moscow của Stalin trong suốt giai đoạn Đại Khủng Bố (the Great Terror). Một cuộc thanh trừng trên diện rộng bên trong Đảng Cộng sản Liên Xô và các quan chức chính phủ, đàn áp từ các địa chủ (kulak) đến cả các chỉ huy Hồng quân bị kết án mưu phản, hay cả những người những người trung lập không liên kết, trong một không khí giám sát và nghi ngờ lan rộng và nỗi sợ hãi “những kẻ phá hoại”. Và, tiếp đó, nền văn hóa pháp lý này tiếp tục được duy trì như là là sự phụ thuộc theo thói quen của các thành viên tư pháp đối với lợi ích nhóm.
Từ bỏ nền quân chủ Sa Hoàng, nhưng Liên Xô lại lựa chọn một hình thức nhà nước chủ nghĩa sùng bái cá nhân mới. Lời trong ảnh: “Vị thuyền trưởng khả kính của Liên Xô sẽ luôn dẫn chúng ta đến bến bờ chiến thắng”. Nguồn ảnh: Pinterest
Nhằm chống lại bối cảnh không hứa hẹn này, Xô Viết Tối Cao hiện đã bắt tay vào những nỗ lực thực sự lý tưởng và đáng khen ngợi nhằm thiết lập pháp quyền – hay theo cách nói của Gorbachev, một “Nhà nước dựa trên luật pháp”. Điều tồi tệ gì có thể thực sự xảy ra? Bạn thường tự vấn an mình một cách lạc quan: Hãy nhớ rằng Mikhail Gorbachev đã được đào tạo như một luật sư. Vâng, Lenin cũng như vậy.
Những cơ hội cho một sự cải cách thì chắc chắn nằm ở đó – như những gì chúng tôi được chứng kiến trong suốt tuần đó, và tiếp tục được mở rộng khi thăm hỏi các quan chức và các luật sư của Liên Xô. Tư tưởng về một nhà nước pháp quyền thật sự, tất cả đều ở đây, ngay trong lòng của Liên Bang Xô Viết. Nhưng cơ hội thành công luôn luôn phải được đánh giá dựa theo sự lao khổ lâu dài của lịch sử – sự phớt lờ thể chế và thiếu tôn trọng chính trị cho những gì mà chúng biết đến như là pháp quyền.
Điều đang thực sự còn thiếu có thể là thứ mang tên “nền văn hóa pháp lý.” Đã quá nhiều lần, chúng ta tin tưởng một cách dại khờ rằng đó là tất cả những gì cần thiết để thông qua những đạo luật phù hợp, để có được nhữn văn bản pháp lý chuẩn mực, và cuồi cùng hình thành nên “nguyên tắc pháp quyền”. Chúng tôi cũng đã làm hết sức để thức tỉnh họ về khái niệm pháp lý có phần đơn giản này. Pháp luật được ghi nhận rõ trên các văn bản phải được tuân theo một cách tuyệt đối và được thực thi một cách công bằng thông qua một cấu trúc nhất định, một quy trình rõ ràng, cũng như phải được công nhận và tôn trông bởi tất cả mọi công dân và cả các quan chức trong bộ máy nhà nước.
Chúng tôi chỉ ra cho họ rằng, nguyên tắc pháp quyền sẽ hoạt động trong một chế độ dân chủ, bởi vì tính tối thượng của pháp luật, bởi vì con người tuân theo sự điều chỉnh của luật pháp, và hành động để thấy rằng pháp luật được thi hành, theo những cách mà không ai có quyền đứng trên – hay chịu áp đặt dưới – pháp luật.
Một Liên Xô ham học hỏi
Hạnh phúc thay, những điều mà người Nga thấy tò mò nhất về chế độ dân chủ Hoa Kỳ đã cho phép phái đoàn chúng tôi thảo luận về những thủ tục pháp lý mà thực sự làm cho tiến trình dân chủ hoạt động. Ví dụ, một trong những câu hỏi đầu tiên và dai dẳng nhất tôi được hỏi bởi hầu hết mọi người, chắc chắn, đó là một câu hỏi mang tính chất lập hiến: hệ thống liên bang của bạn hoạt động như thế nào? Làm thế nào bạn gắn kết các bang riêng biệt lại với nhau như Hoa Kỳ? Làm thế nào để bạn giữ cho mọi thứ không rơi vào tình trạng tồi tệ thông qua các cuộc đấu tranh không ngừng giữa chính phủ quốc gia trung ương và 50 chính phủ của các bang khác nhau?
Rõ ràng, họ đang lo lắng về tình trạng bất ổn giữa nền cộng hòa của chính họ. Bạn chỉ cần nhìn vào các phong trào độc lập ở Lithuania và các bang Baltic khác – cũng như tình trạng bất bình của những người chủ trương ly khai xảy ra tương tự tại Cộng hòa Liên Bang Nga, dưới thời Boris Yeltsin, và gần đây nhất, là tại Uzbekistan. Họ cũng đang nhờ chúng tôi tìm cách giúp họ, giải quyết các vấn đề đa dạng của chính họ. Chúng tôi đã cho họ một câu trả lời rất thực tế. Chúng tôi đã cố gắng giải thích. “Hãy nhìn xem, đây là cách chúng tôi làm điều đó, nhưng điều cốt lõi về hệ thống của chúng tôi thì nằm ở sự thích nghi của nó đối với sự thay đổi. Hầu hết các cơ chế và các bộ phận hợp thành chính phủ của chúng tôi được thiết kế để thích nghi với sự thay đổi. Và làm chủ quá trình đó sẽ đòi hỏi nhiều thứ hơn là việc chỉ thông qua luật mới của Xô Viết tối cao. “
Nó sẽ cần một cam kết theo quy trình hợp pháp, dân chủ, và chúng tôi đã cố gắng nhấn mạnh quy trình hợp pháp – thủ tục tố tụng hợp pháp – thậm chí là trên cả các quyền cơ bản được quy định, như là biện pháp bảo vệ thực sự cho các quyền tự do của con người. Một lần nữa, họ hỏi chúng tôi, và trong tình trạng rất bối rối, về sự phân chia quyền lực. Ý tưởng của việc chủ ý tạo nên sức ép giữa các nhánh riêng biệt của chính phủ – khái niệm về sự kiểm soát và cân bằng của chúng tôi – đã vô cùng khó hiểu đối với họ, và với một số người, thậm chí là không thể hiểu nổi.
Hiển nhiên, quá quen thuộc với hệ thống có tính nguyên khối của riêng họ, họ sẽ phải đấu tranh quyết liệt để có thể hiểu được hệ thống phân chia quyền lực của Hoa Kỳ. Ví dụ, thẩm phán Brandeis quan sát thấy rằng chúng tôi đã thông qua mô hình phân chia quyền lực vào năm 1787 không nhằm mục đích để tránh sự bất đồng, nhưng bằng những bất đồng không thể tránh khỏi này ,áp dụng với việc phân bổ quyền hạn nhà nước giữa các nhánh cơ quan, nhằm cứu dân khỏi chế độ chuyên quyền.
Vì vậy, chúng tôi kêu gọi mọi sự chú ý của các đồng cấp Liên Xô dồn vào việc bảo đảm các quyền công dân của họ theo hiến pháp của Liên Xô. Quyền của công dân Liên Xô – chúng đều ở đó cả, tất cả đều được dẫn chứng đầy đủ bằng tư liệu, giấy trắng mực đen hết cả, như Tuyên Ngôn Nhân Quyền của chúng ta vậy. Nhưng rồi lại có một điều khoản trốn tránh được đo ni đóng sẵn cho hầu hết các nhà nước xã hội chủ nghĩa: “Mọi quyền cơ bản công dân sẽ được bảo vệ bởi pháp luật” – đúng như pháp luật của chúng ta, nhưng rồi lại được thứ ngôn ngữ loại bỏ “…trừ khi chúng được thực thi mâu thuẫn với mục đích của nhà nước xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn xây dựng đi lên chủ nghĩa cộng sản”.
Điều đó, tất nhiên, thừa nhận bóng ma của sự chuyên quyền của đảng tồn tại ở khắp mọi nơi. Nhiều nhà tư tưởng mới đang nỗ lực loại bổ thứ ngôn ngữ công kích này ra khỏi dòng suy nghĩ lập pháp Xô Viết. Nhưng nó không làm đảo lộn dấu vết của lịch sử. Và vẫn tiến tới là các thử nghiệm thực tế về việc liệu các tòa án của Liên Xô có thể tự mình và sẽ chấp nhận hành động để bảo vệ quyền của công dân họ hay không. Tóm lại, các tòa án có sẽ tôn trọng quy trình tố tụng và loại bỏ những hành vi lạm dụng đến “telephone justice” trước đây hay không?
Như vậy rõ ràng là cải cách thực sự bản thân nó phải chạm tới văn hóa pháp lý, và tạo ra một sự tôn trọng vốn có không chỉ đối với các quyền cá nhân, mà còn đối với thủ tục pháp lý và quy trình tố tụng./.
Còn tiếp