Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Café Luật Khoa
—
Các cuộc tranh luận tổng thống Mỹ được tổ chức vào mỗi dịp bầu cử tổng thống, thường là mỗi 4 năm một lần. Hình thức tranh luận trên phát thanh truyền hình phục vụ cho tranh cử tổng thống được đưa ra lần đầu tiên năm 1960 với hai ứng cử viên John F. Kennedy và Richard Nixon.
Các cuộc tranh luận tổng thống trong năm nay giữa hai ứng cử viên Donald Trump và Hillary Clinton hiện đang diễn ra gồm 3 cuộc. Cuộc thứ nhất đã diễn ra hôm 26 tháng 9. Hai cuộc tranh luận tiếp theo sẽ diễn ra vào các ngày 9 tháng 10 tại thành phố St. Louis bang Missouri (8h tối giờ địa phương – 8h sáng giờ Việt Nam thứ hai ngày 10 tháng 10) và 19 tháng 10 tại thành phố Las Vegas bang Nevada.
Cuộc đối đầu của mùa tranh cử tổng thống Mỹ năm nay (Nguồn hình: wnd.com)
Trải qua 56 năm phát triển, hình thức tranh luận tranh cử tổng thống đã liên tục được thay đổi và cải tiến cả về hình thức lẫn nội dung, xuất phát từ chính sự phát triển của các phương tiện truyền thông là vô tuyến truyền hình và sau này là truyền thông xã hội trên mạng, cũng như các nhu cầu thực tế trong tranh cử của các đảng phái qua các thời kỳ.
Cuốn sách “Tranh Luận Tranh Cử Tổng Thống – 50 Năm Truyền Hình May Rủi” (Presidential Debates Fifty Years of High Risk TV) xuất bản năm 2000 (và mới được tái bản năm nay) điểm lại lịch sử khá kịch tính của hình thức tranh luận tranh cử tổng thống.
Tác giả cuốn sách Alan Schroeder (sinh năm 1954) là nhà báo và giáo sư báo chí của trường báo chí đại học Northeastern. Năm 2012, ông được tạp chí Princeton Review của trường đại học Princeton bình chọn là một trong 300 giáo sư giỏi nhất nước Mỹ.
Với nhiều thông tin, câu chuyện thú vị về mặt sau cánh gà các cuộc tranh luận tranh cử trước đây, cuốn sách cho người đọc một cái nhìn toàn cảnh về vai trò của tranh luận tranh cử tổng thống trong hiện tại và tương lai nền dân chủ Mỹ.
Phần trích dẫn hôm nay của Café Luật Khoa liên quan đến hoạt động hậu trường có thể nói là quan trọng nhất của tranh luận tranh cử: Thương lượng về việc tổ chức.
“… Trong các năm từ đợt tranh luận tranh cử giữa Kennedy và Nixon, công tác thương lượng tổ chức giữa nhân viên của các chiến dịch tranh cử đã ngày càng trở nên phức tạp. Các cuộc tranh luận năm 1960 đã làm cho các tay làm chính trị có một sự mẫn cảm cao với bản chất bất trắc của truyền hình trực tiếp; trong mỗi đợt tranh luận tranh cử từ đó tới nay, mục tiêu đã luôn là lắp đặt một lưới an toàn vô hình nhằm giúp cho các nghệ sỹ đi dây không phải ngã nhào xuống đất.
Các chiến dịch tranh cử tham gia vào một loạt các hoạt động có thể diễn tả là một khối hỗn hợp của việc quản lý ngôi sao (talent management) và kiểm soát ngăn ngừa thiệt hại, làm mọi việc có thể làm để bình ổn, cho các tay chơi hàng đầu của mỗi bên, công tác sản xuất truyền hình vốn tự nó đã là một tình thế ‘dễ cháy nổ’.
Khi Ford và Carter chuẩn bị cho việc khởi động lại truyền thống tranh luận tranh cử vào năm 1976, các chiến lược gia cho cả hai ứng cử viên nhìn về các cuộc tranh luận năm 1960 để tìm cảm hứng.
Trong một biên bản hoạch định, một quân sư của Carter thể hiện sự ngưỡng mộ dành cho những cãi vã ầm ĩ của những người tiền nhiệm: “Việc cãi vã thường xuyên giữa nhân viên của các ứng cử viên với nhóm sản xuất truyền hình về nhiệt độ phòng thu, trang thiết bị cho ứng cử viên, đồ đạc, bài trí, ánh sáng, v.v. có một mục đích quan trọng: Nó nói cho bên đối địch biết rằng bạn không tin tưởng vào họ và rằng bạn đủ cứng rắn để không bị xem thường.”
Trong lời trích lại này có thể nhận thấy thứ triết lý chủ đạo đã dẫn dắt các cuộc thương lượng tổ chức tranh luận từ năm 1960 đến nay: Không nhân nhượng tí nào.
Kennedy và Nixon tranh luận năm 1960 (Nguồn ảnh: smithsonianmag.com)
James Karayn, một người phụ trách sản xuất của loạt tranh luận năm 1976 giữa Ford và Carter, nhìn ra một mối nguy lớn trong việc để cho bản thân người của các chiến dịch tranh cử tự thương lượng vấn đề tổ chức. “Nếu các đại diện của các ứng cử viên làm công tác hoạch định,” Karayn cảnh báo trong một bài xã luận viết trước đợt tranh luận năm 1988, “họ sẽ không làm điều đó với việc đảm bảo thông tin cho cử tri là mục tiêu tối thượng trong tâm trí họ. Mối quan tâm chính của họ là – bắt buộc phải là – đảm bảo các ứng cử viên của họ được ‘lên sóng’ nhiều nhất và giảm tối thiểu rủi ro.”
Lee Hanna, một người kế nhiệm của Karayn, còn có một cái nhìn kém tươi sáng hơn thế nữa dựa vào kinh nghiệm của chính ông từ đợt tranh luận năm 1980: “Các đại diện của các ứng cử viên đều rất thảm thương với mong ước bảo vệ những gì họ cho là lợi ích tốt nhất của các ứng của viên của họ. Những cuộc thương lượng tổ chức đều là những hoạt động vừa gây thất vọng vừa gây cười.”
Jody Powell, thư ký báo chí của Carter trong các đợt tranh luận năm 1976 và 1980, gọi việc thương lượng tổ chức là một quá trình của việc “bịp và phản-bịp, bày mưu tính kế, thông đồng, và mặc cả gay gắt (hard-nosed horse trading).”
Theo Powell, các phiên mặc cả cho các chuyên gia tổ chức chiến dịch tranh cử “một cơ hội, rất hiếm trong các cuộc tranh đấu chính trị, được ngồi xuống mặt đối mặt với đối thủ. Nó là một cơ hội để dò xét đối thủ, đánh giá trí khôn và độ nhát đòn (flappability) của đối phương.” Lời bình luận này cho thấy một lý do ngoài việc bảo vệ ứng cử viên cho việc các chiến dịch tranh cử thường hay thích thú với các phiên thương lượng dai dẳng về tổ chức tranh luận: Họ thích việc kiểm tra đối phương, mắt chạm mắt.
Một trong những đối thủ mà Powell phải kiểm tra năm 1976 cuối cùng trở thành một huyền thoại trong việc mặc cả về tổ chức tranh luận tranh cử tổng thống: James Baker, người đàm phán chính của đảng Cộng Hòa trong những năm 1980. Baker thiết kế được những quy tắc có lợi trong tranh luận cho Ronald Reagan và George Bush (cha). Trong số những chiến thắng trong thương lượng của mình, Baker được kể công là đã giúp lên chương trình cho cuộc tranh luận phút cuối giữa Carter và Reagan năm 1980, và đẽo gọt đợt tranh luận năm 1984 giữa Reagan và Mondale xuống còn thành hai cuộc tranh luận.
Quân sư James Baker (bên trái) và Tổng thống George Bush (cha) (Nguồn ảnh: alarabiya.net)
Lần thương lượng năm 1988, khi Baker phối hợp cùng Roger Ailes [sau này là giám đốc kênh truyền hình thiên hữu của Mỹ là Fox News – ND] đối đầu các giám đốc chiến dịch của Dukakis là Paul Brountas và Susan Estrich, được xem là lần thương lượng ‘một-chiều’ nhất trong lịch sử tổ chức tranh luận. Đội của Bush có gần như mọi thứ họ muốn, trong khi giải khuyến khích cho đội đảng Dân Chủ là một cái bệ đứng cao hơn cho ông lùn Michael Dukakis.
Thuật thương lượng của Baker thuyết phục tới nỗi nó “gậy ông đập lưng” đảng Cộng Hòa trong các đợt tranh luận không có Baker tham gia vào các năm 1992 và 1996.
Mickey Kantor, người đàm phán tổ chức tranh luận chính của Bill Clinton, sử dụng lại nhiều vị thế cứng rắn mà Baker đã sử dụng, thậm chỉ cả cùng ngôn ngữ của Baker, trong việc soạn thảo các thỏa thuận với đổi thủ của ông ta. Như Baker, Kantor giành được phần lớn những gì ông ta muốn có, đặc biệt vào năm 1996 khi đối mặt với đám đàm phán tay mơ của Bob Dole.
Đã sẵn bất lợi vì chỉ số thăm dò ý kiến (poll) kém, các đại diện của Dole làm trầm trọng thêm khó khăn của họ bằng cách đưa ra một số vấn đề chả liên quan gì, có lúc còn hỏi không biết các khán giả xem trực tiếp tại trường quay có thể bị bắt phải tuân theo một yêu cầu ăn mặc nhất định nào đó hay không.
Tới năm 1996, như sự ngây thơ của những người đàm phán cho Dole đã cho thấy, việc thương lượng tổ chức tranh luận đã trở thành một công tác được chuyên môn hóa quá cao để có thể được giao cho những kẻ non nghề. Thương lượng tổ chức tranh luận là một môn thể thao máu me, với những luật lệ bí hiểm, được chơi bởi một nhóm những tay trong cứng cựa của Washington.
Các cuộc mặc cả trước tranh luận tranh cử gần đây thường có tới 5 hay 6 người từ mỗi bên tranh cử, mỗi người có một lĩnh vực chuyên môn nhất định. Họ được tuyển chọn từ hàng ngũ tinh hoa của những chiến lược gia chính trị, tư vấn gia truyền thông và những công ty luật triệu đô. Cai quản chung là người đàm phán chính, thường kiêm luôn vai trò phát ngôn viên báo chí. Ngoài tầm mắt, nhưng không bao giờ ngoài tâm trí, chính là bản thân các ứng cử viên, mỗi người lại có một mức độ tham gia vào quá trình thương lượng khác nhau.
Tùy theo thế thời thịnh suy của mỗi mùa chính trị, lợi thế thương lượng có thể chuyển từ bên này sang bên kia và ngược lại. Việc kèn cựa qua lại qua nhiều năm đã trở tạo ra một truyền thống kình địch vốn lên cao trào trong mỗi đợt thương lượng tổ chức tranh luận mới.
Janet Brown, giám đốc điều hành của Ủy Ban về Tranh Luận Tranh Cử Tổng Thống (Commission on Presidential Debates) nói: “Quá trình đó thật sự là một cuộc song đấu đầy tự tôn nam tính với trọng tâm là ai hạ gục được người kia trước… Bởi vì mỗi bên đều cảm thấy rằng đợt trước họ đã bị qua mặt.”
Việc thương lượng tranh luận thường kéo dài nhiều buổi họp: một buổi họp sơ bộ mà các tay trong diễn tả là “chủ yếu là làm màu (posturing)” và có thể là hai buổi họp tiếp theo khi các chi tiết ‘bu lông ốc vít’ của thỏa thuận được hoàn thành.
Các buổi thảo luận này có thể dài dòng và cam go. Một buổi thương lượng năm 1992 bắt đầu lúc 9:30 sáng đã không kết thúc cho đến 3:45 sáng hôm sau. Việc mặc cả về các cuộc tranh luận càng trở nên gay gắt hơn, những người đàm phán càng dựa nhiều hơn vào thứ ngôn ngữ của tòa án để pháp điển hóa (codify) các quy tắc ứng chiến.
Một phụ phẩm sinh ra từ các lần thương lượng tổ chức tranh luận trong quá khứ chính là một tài liệu mang tính pháp lý từa tựa (quasi-legal) được gọi là biên bản ghi nhớ (memorandum of understanding) hay biên bản thỏa thuận (memorandum of agreement) có vai trò kiểm soát tất cả những gì có thể được nghĩ ra về việc lên lịch, thể thức, và công tác sân khấu.
Bản hợp đồng này ban đầu chỉ rất ngắn gọn như vào năm 1984 khi các chiến dịch của Reagan và Mondale thảo và ký một tài liệu dài 3 trang về những nguyên tắc cơ sở trong tổ chức, sản xuất truyền hình của đợt tranh luận tranh cử.
Biên bản ghi nhớ dài dòng hơn đầu tiên được thảo vào năm 1988 bởi một tư vấn gia về tổ chức tranh luận của đảng Cộng Hòa là Robert Goodwin. Goodwin đã có kinh nghiệm chinh chiến trong vai trò trợ lý cho George Bush (cha) từ đợt tranh luận giành quyền ứng cử năm 1980 và trong vai trò người đàm phán của Bush trong cuộc tranh luận tranh cử phó tổng thống với Geraldine Ferraro [ứng cử viên chức phó tổng thống Mỹ năm 1984 – ND]. Từ những kinh nghiệm đó, ông ta soạn thảo một bản thỏa thuận sản xuất chương trình mà sau này sẽ làm bản mẫu cho cả ba đợt tranh luận tranh cử tổng thống.
Thứ hồi năm 1988 chỉ là mộ bản hợp đồng 16 trang thì vào năm 1992 đã biến thành một tài liệu 37 trang, lúc đó có thêm các thể thức tranh luận mới chưa được thử nghiệm và sự có mặt của một thành viên tranh luận thứ ba làm phức tạp hơn công tác tổ chức.
Clay Mulford, luật sư của chiến dịch tranh cử của Perot [ứng cử viên tổng thống độc lập năm 1992 – ND], nhớ lại rằng ông ta đã kinh ngạc đến thế nào khi đọc được biên bản thỏa thuận của năm đó. “Nó trông như cả cái Bộ Luật Thuế (Internal Revenue Code).” ông ta nói.
Các biên bản thỏa thuận như vậy tiên đoán trước mọi khả năng, từ cách xưng hô với nhau giữa mỗi người tranh luận cho đến vị trí ngồi của vợ (hay chồng) ứng cử viên trong ghế khán giả xem trực tiếp. Ngôn ngữ của bản hợp đồng đó bộc lộ sự không tin tưởng lẫn nhau tồn tại giữa các chiến dịch tranh cử tổng thống.
Một trong số các chi tiết của biên bản năm 1992 viết: “Các bên đồng ý rằng không thước phim hay thước video quay từ các cuộc tranh luận nào có thể được sử dụng công khai bởi bất kỳ ứng cử viên hay chiến dịch của ứng cử viên nào.”
“Mọi ứng cử viên khác và các đại diện của họ phải rời trường quay tranh luận trong khi một ứng cử viên cùng đơn vị sản xuất và kỹ thuật riêng của ứng cử viên đó đang họp bàn và diễn tập trong trường quay tranh luận.”
Rồi còn: “Không ứng cử viên nào được phép cho nhân viên được ở trong cánh gà hay phía sau sân khấu trong vòng 5 phút trước khi tranh luận bắt đầu và trong vòng 5 phút trước khi tranh luận kết thúc.” Rõ là mỗi bên đều cảnh giác với một trò gây sốc không đoán trước được nào đó của phía bên kia…”
Bìa sách “Tranh Luận Tranh Cử Tổng Thống – 50 Năm Truyền HìnhMay Rủi” bản mới tái bản năm nay (Nguồn ảnh: columbia.edu)
Tìm Đọc Thêm: