Thư cuối tuần - 24/11/2024
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Ở bài trước, chúng ta đã phân tích một biểu hiện xem thường pháp quyền của ông Donald Trump: công kích thẩm phán. Ở bài này, chúng ta sẽ phân tích biểu hiện thứ hai, thông qua một trong những vụ việc đình đám nhất của nước Mỹ trong suốt thời kỳ tranh cử tổng thống vừa qua: vụ scandal email của bà Hillary Clinton.
Donald Trump: “Bà sẽ vào tù”. Ảnh: WSJ
2. Sẵn sàng xem luật pháp thuần túy như công cụ để đấu đá chính trị
Scandal email của bà Hillary Clinton
Các biểu hiện tiếp theo đây của ông Trump có liên quan mật thiết đến scandal dùng email cá nhân thay vì email công vụ để chuyển gửi tài liệu của bà Hillary Clinton.
Nguyên tắc hàng đầu trong tố tụng hình sự Mỹ vẫn là suy đoán vô tội: một người không có tội cho đến khi được cơ quan nhà nước điều tra cụ thể, rồi được cơ quan công tố chứng minh tại tòa án là người đó có tội và bồi thẩm đoàn tại tòa cũng thỏa mãn là không còn một “nghi ngờ hợp lý” nào.
Cơ quan điều tra liên bang Mỹ FBI đã dành hơn một năm để điều tra các vấn đề email của bà Clinton và công bố kết quả điều tra vào tháng 7/2016.
FBI kết luận rằng “không có cáo buộc nào thích hợp trong vụ này”, và rằng “tuy có bằng chứng là có thể có vi phạm luật pháp liên quan đến xử lý thông tin mật, quyết định của chúng tôi là không có một công tố viên có lý trí nào (reasonable prosecutor) sẽ đưa vụ việc ra tòa.”
Hạ viện Mỹ, vốn do đảng Cộng hòa kiểm soát, đã không hề dễ dàng chấp nhận kết quả điều tra này của FBI. Ngày 28/09, Giám đốc FBI James Comey đã phải ra điều trần trước Hạ viện Mỹ.
Giám đốc FBI James Comey tại phiên điều trần trước Hạ viện Mỹ ngày 28/09 (Ảnh: youtube.com)
Trong gần 4 tiếng đồng hồ điều trần, các hạ nghị sĩ Cộng hòa đã ráo riết tra vấn ông James Comey (một cựu đảng viên đảng Cộng hòa). Ông Comey trả lời đầy đủ trong đúng khả năng và quyền hạn của mình và khẳng định sự độc lập, chí công vô tư của cơ quan FBI, và rằng “[việc điều tra] được thực hiện bởi những con người chuyên nghiệp, theo một cách thức đúng đắn”.
Sau đó, có thêm một đợt lùm xùm vào ngày 28/10 khi ông Comey tuyên bố mở lại cuộc điều tra scandal email của bà Clinton. Tuy nhiên, ông Comey vào ngày 06/11 đã tuyên bố là các bằng chứng từ cuộc điều tra mới không làm FBI thay đổi quyết định hồi tháng 7.
Như vậy, xét một cách khách quan trên tiêu chuẩn pháp lý hình sự Mỹ, bà Clinton vẫn chưa được chứng minh là có tội, ít ra cho đến khi (nếu có) điều tra lại và cơ quan FBI có quyết định khác.
Lời nói và thái độ hung hăng của ông Trump
Trong cuộc tranh luận tranh cử tổng thống thứ 2 ngày 09/10 tại bang Missouri, ông Trump đã phát biểu:
“…Nếu thắng, tôi sẽ chỉ đạo Tổng chưởng lý tìm một công tố viên đặc biệt để xem xét vụ việc của bà, bởi vì đã có quá nhiều dối trá, quá nhiều lừa đảo. Trước nay chưa từng có việc nào như vậy, và chúng tôi sẽ có một công tố viên đặc biệt.”
Ngay sau lời này của ông Trump, bà Clinton bèn nói ý rằng thật tốt là một người có tính khí như ông Trump không phụ trách việc thực thi luật pháp của đất nước. Ông Trump lập tức đáp lại “Vì nếu thế thì bà vào tù rồi.”
Khó mà có thể biện minh những lời nói trên của ông Trump là do nóng giận nhất thời khi tranh luận vì ông Trump đã luôn tỏ ra bản lĩnh và có kiềm chế trong cuộc tranh luận này. Đặc biệt, sau buổi tranh luận một ngày, tại một buổi mít tinh tại bang Pennsylvania, khi đám đông người ủng hộ ông Trump reo hò “Bỏ tù bà ta” để hưởng ứng lời kêu gọi dùng công tố đặc biệt của ông, Trump đã đáp lại “Bỏ tù bà ta là đúng.” Tiếp theo đó tại một buổi mít tinh tại bang Florida ngày 12/10, ông Trump tiếp tục nói với cử tri “Bà ấy phải vào tù”.
Vì công lý hay đấu đá chính trị?
Nếu ông Trump cảm thấy FBI đã điều tra không đàng hoàng, đã bao che cho bà Clinton, và các hạ nghị sỹ Cộng hòa đã không hoàn thành trách nhiệm tra vấn Giám đốc FBI, hay luật pháp liên quan đến việc quan chức sử dụng email của Mỹ quá mù mờ và không đủ khắt khe, ông Trump hoàn toàn có thể nói ra những ý kiến đó, và khẳng định rằng nếu ông trở thành tổng thống ông sẽ tìm hiểu lại vụ việc, dùng các biện pháp luật pháp và dân chủ để tìm ra bằng chứng của việc bao che Clinton và theo đó ép buộc FBI điều tra lại.
Tuy nhiên, ở đây ông Trump thể hiện rằng ông đã có sẵn quyết định về vụ scandal email của bà Clinton (“có tội” thế nên “vào tù”) bất kể các kết quả điều tra mà FBI đã công bố, và nếu có điều tra lại, sẽ công bố.
Lời tuyên bố bổ nhiệm công tố viên đặc biệt cho thấy một thứ tinh thần phản dân chủ pháp quyền nguy hiểm: sự sẵn sàng dùng quyền lực tổng thống để ra lệnh “công tố đặc biệt” điều tra lại một vụ việc mà cơ quan điều tra FBI đã điều tra và có kết luận, và sẵn sàng bắt FBI phải điều tra cho đến khi nào kết quả điều tra hợp với ý muốn cá nhân của tổng thống thì thôi.
Phong cách đó cho thấy ông Trump sẵn sàng lạm dụng quyền lực tổng thống để sử dụng luật pháp chống lại một đối thủ chính trị, thay vì dùng luật pháp để bảo vệ công lý. Phong cách lạm dụng quyền lực đó đã được nhìn thấy ở những chính trị gia chuyên chế như Putin, Tập Cận Bình, Duterte, chứ không phải là một chính trị gia kiểu mẫu trong truyền thống dân chủ Hoa Kỳ.
Thái độ sẵn sàng lạm dụng quyền lực và luật pháp của ông Trump cũng nhanh chóng nhận được sự phê phán của báo chí và các nhà bình luận cả hai phía bảo thủ và tự do tại Mỹ. Tuy nhiên, lời hứa bỏ tù bà Clinton vẫn trở thành một trong những lời hứa được ủng hộ nhất với số đông cử tri của ông Trump.
Thay đổi thái độ hậu tranh cử
Ngày 11/11 vừa rồi, trên đài CBS trong buổi phỏng vấn đầu tiên sau khi thắng chức tổng thống, ông Trump đã làm giới quan sát tương đối ngạc nhiên khi có vẻ ông sẽ không ưu tiên điều tra bà Clinton.
Khi được hỏi về vấn đề scandal email của bà Clinton, ông Trump cho biết: “Đó không phải là việc tôi suy nghĩ đến nhiều bởi vì tôi muốn giải quyết các vấn đề y tế, công việc, kiểm soát biên giới và cải cách thuế quan.”
Ông Trump trong buổi phỏng vấn với đài CBS (Ảnh: cbsnews.com)
Cách đánh lạc hướng này của ông Trump thể hiện một thái độ hòa hoãn, trái ngược hoàn toàn với thái độ hăng hái sốt sắng “vì công lý” mà ông thể hiện khi tranh cử.
Sự thay đổi này cho thấy ông Trump có một cách nhìn rất “đại tiện” với luật pháp và công lý. Sau tranh cử, những lời hứa và những công kích của ông trong vấn đề scandal email của bà Clinton có vẻ đã hoàn thành ‘nhiệm vụ chính trị‘ của chúng: tạo sự ủng hộ từ những nhóm quần chúng chán ghét bà Clinton và hệ thống chính trị truyền thống, làm nổi bật hình ảnh của ông Trump như một con người đấu tranh chống tiêu cực một cách không khoan nhượng.
Nói gọn, ông Trump đã chỉ viện tới uy quyền tối cao của luật pháp khi nó cho ông một công cụ hữu hiệu để đấu đá chính trị. Đó là một thái độ rất khuyển nho với pháp quyền – xem pháp quyền như một thứ tiện nghi cho bản thân, chứ không phải là một tiêu chuẩn, một lý tưởng phải bảo vệ của nền dân chủ Hoa Kỳ.
Việc ông Trump sẽ “tống giam” bà Clinton hay không vẫn là một câu hỏi còn để ngỏ. Nếu ông quyết định thực hiện lời hứa đó, một câu hỏi rất lớn là ông sẽ sử dụng quyền lực tổng thống của mình cho một cuộc điều tra lại công bằng, đúng chuẩn mực pháp lý và dân chủ, hay ông sẽ chỉ làm điều đó với một mục đích duy nhất: tống giam một đối thủ chính trị.
III. Kết luận
Bằng những lời lẽ cực đoan về vấn đề scandal email của bà Clinton, ông Trump cho thấy ông sẵn sàng lợi dụng quyền năng của luật pháp như công cụ thuần túy để đấu đá chính trị.
Bằng việc lợi dụng sự ủng hộ của đám đông để công kích một cách gay gắt và thô kệch cả hệ thống tòa án Mỹ lẫn vị thẩm phán Gonzalo Curiel trong vấn đề vụ kiện trường Trump, ông Trump cho thấy ông không sẵn sàng dốc toàn khả năng và tấm lòng ra để bảo vệ hệ thống tư pháp độc lập, bảo vệ những thành viên của hệ thống đó trước bất kể loại uy quyền nào, dù là uy quyền chính trị hay uy quyền đám đông quần chúng.
Một phản hồi có thể có ở đây đó là trong các hành vi trên ông Trump chỉ đang hành xử quá quắt như một doanh nhân tranh cử tổng thống, hét giá cho cao lên để dễ dàng thương lượng về sau hơn. Và rằng khi nắm chức vụ ông Trump sẽ trở nên biết điều hơn.
Phản hồi này nghe có vẻ xác đáng, nhưng nó dựa trên một giả định không thực tế. Những hành vi gay gắt, quá khích của ông Trump đã định hình qua suốt một sự nghiệp kinh doanh dài chứ không phải bây giờ mới có.
Dựa vào đâu để có thể tin rằng một con người 70 tuổi sẽ bỗng chốc trở thành một con người khác, và sẽ không bao giờ thể hiện con người cũ nữa, vào phút giây ông ta trở thành tổng thống, khi ông ta được ban cho những quyền lực to lớn hơn bao giờ hết? Chưa kể, chỉ cần ông ta xây dựng được bè phái của bản thân vững mạnh hơn trong nội bộ đảng Cộng hòa, ông ta hoàn toàn có thể điều khiển và tạo ảnh hưởng đến cả 3 nhánh hành pháp, lập pháp, tư pháp.
Ông Trump liệu có đe dọa được nền pháp quyền Mỹ?
Người viết khá lạc quan trong ngắn hạn vì đã có những dấu hiệu hoà hoãn của ông Trump.
Cho đến nay, ông đã tạm thời cho thấy ông không thật sự nguy hiểm như những lời nói, hành vi khi tranh cử của ông. Trong các phát biểu và phỏng vấn báo chí đầu tiên, ông đã tỏ ra hiền hòa và chừng mực. Một số các chính sách ngược ngạo nhất của ông có vẻ là đã và đang bị rút lại và xếp xó, ít ra trong ngắn hạn.
Việc này có thể xem là một sự thất hứa khá phũ phàng của ông Trump với nhiều nhóm cử tri nhiệt thành nhất của ông, những người đã tin vào hình ảnh doanh nhân mạnh bạo “dám nghĩ dám làm” của ông.
Nhưng nó cũng cho thấy ông Trump có một mức độ “biết mình biết người” chứ không hẳn là một nhà chuyên chế thích gì thì làm, xem mình to lớn hơn các thiết chế chính trị Mỹ. Và đặc biệt nó cho thấy mức độ lợi dụng chủ nghĩa dân túy của ông có một giới hạn nhất định.
Đó là những dấu hiệu rất tốt, và nếu ông Trump có thể duy trì lối cư xử hiền hòa, chừng mực này suốt 4 năm nhiệm kỳ, đồng thời xây dựng các chính sách của chính phủ ông dựa trên tinh thần này, các rủi ro của việc ông dùng các chính sách cực đoan xâm hại đến quyền cá nhân của người dân sẽ được giảm thiểu.
Đồng thời, nếu ông Trump đã học được bài học từ các chỉ trích trong thời gian tranh cử, các rủi ro của việc ông lợi dụng chủ nghĩa dân túy để tấn công hệ thống tòa án, tấn công các cá nhân trong hệ thống tư pháp độc lập cũng sẽ được giảm thiểu.
Ông Trump đã không ưu tiên việc điều tra lại vụ scandal email của bà Clinton. Đây có thể là một quyết định làm những người căm ghét bà Clinton nổi giận, nhưng nó là một quyết định khôn ngoan về mặt chính trị, đặc biệt khi nước Mỹ hậu bầu cử đang bị chia rẽ sâu sắc.
Nhưng, thẳng thắn mà nói, không có gì bảo đảm là lối cư xử “hiền hòa, chừng mực” này của ông Trump sẽ kéo dài suốt nhiệm kỳ, hay tinh thần của nó sẽ được đưa vào các chính sách của ông Trump.
Các bổ nhiệm quan chức vào nội các tương lai hiện nay của ông Trump cho thấy ông chuộng một nội các bao gồm những con người bảo thủ cứng rắn, sẵn sàng theo ông, nghe ông, và áp dụng các ý tưởng chính sách quá khích và cứng rắn nhất của ông, hơn là một nội các có thể duy trì và phát triển tinh thần “hiền hòa, chừng mực” lâu dài.
Người được ông Trump bổ nhiệm làm Tổng chưởng lý (attorney general) tương lai, cai quản Bộ Tư pháp Mỹ là Jeff Sessions, cựu Tổng chưởng lý bang Alabama. Năm 1986, ông Jeff Sessions từng được xem xét bổ nhiệm làm thẩm phán liên bang nhưng việc bổ nhiệm này đã không thành vì có bốn nhân viên Bộ Tư pháp Mỹ khai có tuyên thệ là họ đã nghe ông Sessions nói những lời phân biệt chủng tộc.
Ông Sessions cũng được khai báo là đã dùng những từ như “phản-Mỹ” (“un-American”) và “có tinh thần Cộng sản” (“Communist-inspired”) để nhắc đến hai tổ chức đấu tranh dân quyền tại Mỹ: Liên đoàn Tự do Dân sự Mỹ (American Civil Liberties Union – ACLU) và Hiệp hội Quốc gia vì sự Phát triển của Người Da màu (National Association for the Advancement of Colored People – NAACP).
Jeff Sessions, Mike Pompeo, Michael Flynn: Ba cá nhân bảo thủ cứng rắn vừa được Trump chọn vào nội các tương lai, cho thấy ông có thể không “hiền hòa, chừng mực” được lâu. Ảnh: AP/AFP
Bản thân ông Trump hoàn toàn có thể buông bỏ sự “hiền hòa, chừng mực”, đặc biệt trong các hoàn cảnh nước Mỹ lại gặp phải khủng hoảng an ninh hay kinh tế. Khi gặp sức ép lớn, có thể ông Trump sẽ dễ dàng bộc lộ những mảng tối trong cá tính của mình hơn. Lúc đó, không có gì ngăn cản ông khơi lại các chính sách ngạo ngược mà ông đã tạm cất đi, cũng như biến vụ scandal email của bà Clinton trở lại thành một ưu tiên.
Nếu ông quay lại với lối cư xử quá quắt như ông đã thể hiện khi tranh cử, hệ thống tư pháp độc lập Mỹ đương nhiên sẽ phản kháng.
Tuy nhiên, như đã nói ở bài 1, bối cảnh chính trị xã hội Mỹ hiện nay khá đặc biệt với phong trào dân túy đang dâng cao và đang tồn tại sự nghi ngờ, chống đối lại các thiết chế chính trị truyền thống.
Nếu ông Trump quay lại lạm dụng những đám đông ủng hộ ông, và sự chống đối lại ông không đủ mạnh mẽ, hoàn toàn có thể hình dung tinh thần thượng tôn pháp luật và chủ nghĩa pháp quyền tại Mỹ sẽ đi xuống.
Tuy nhiên, với các lực lượng luật sư bảo vệ dân quyền năng nổ như ACLU, cũng như với cái cách mà truyền thông Mỹ bất kể đảng phái đã sẵn sàng phê phán đanh thép các hành vi gay gắt của ông Trump như hồi trước bầu cử, hoàn toàn có thể duy trì một sự lạc quan là ngay cả khi ông Trump thể hiện sự xem thường pháp quyền nhất, ông cũng khó mà có thể đe dọa pháp quyền tại Mỹ lâu dài.
Ông Trump liệu có đe dọa được pháp quyền trên thế giới?
Vấn đề ở đây là vai trò của nước Mỹ trong việc làm gương về dân chủ pháp quyền cho cả thế giới.
Nếu người quyền lực nhất nước Mỹ không tôn trọng pháp quyền, và nền tư pháp độc lập Mỹ không kiểm soát được quyền lực của con người đó, nước Mỹ sẽ đánh mất vai trò hình mẫu dân chủ pháp quyền của nó. Việc đó có thể khởi đầu cho sự lụi tàn của chủ nghĩa pháp quyền trên toàn thế giới.
Chừng nào ông Trump còn duy trì đường lối “hiền hòa, chừng mực”, tránh lập lại những hành vi quá khích thời kỳ tranh cử, ông vẫn sẽ cho thấy ông là một Tổng thống Mỹ đúng khuôn mẫu ít nhất ở khía cạnh tôn trọng pháp quyền.
Còn nếu không, ông Trump sẽ cho các nhà chuyên chế khác trên thế giới thấy rằng các chuẩn mực dân chủ và tư pháp độc lập Mỹ có thể bị thách thức một cách cay độc từ bên trong như thế nào.
Cuộc chiến của nền tư pháp độc lập Mỹ lúc đó sẽ là cuộc chiến mà những người học luật, làm luật trên thế giới phải theo dõi cẩn thận.