Đức – Thống nhất bằng hòa bình – Kỳ 1: Tại Đông Đức thì dùng luật nào?

Đức – Thống nhất bằng hòa bình – Kỳ 1: Tại Đông Đức thì dùng luật nào?

Ngày 9 tháng 11 năm 1989, chính quyền Đông Đức (Cộng Hòa Dân Chủ Đức) chính thức mở cửa Bức tường Berlin, cho phép cư dân Đông Berlin được di chuyển sang Tây Berlin – vùng đất thuộc chủ quyền Tây Đức (Cộng Hòa Liên Bang Đức). Ngày kế tiếp, người Đức tại cả hai miền đất nước cũng bắt đầu ra tay đập bỏ Bức tường Berlin. Hàng chục năm là biểu tượng xấu xí và khét tiếng của Chiến tranh lạnh, phần còn lại của Bức tường nhanh chóng trở thành đối tượng của các tay chơi đồ sưu tầm, kỷ vật.

Vài tuần sau hành động của Đông Đức, giới chức Hungary nối gót mở cửa biên giới Hung – Áo; theo sau đó là hàng loạt các sự kiện khác, đánh dấu sự tan băng của Chiến tranh lạnh. Vì vậy, không ít người luôn nghĩ đến sự sụp đổ của Bức tường Berlin và thống nhất nước Đức như là cột mốc quan trọng của Chiến tranh lạnh và kể cả sự sụp đổ của hệ thống các quốc gia xã hội chủ nghĩa.

Tuy nhiên, Bức tường Berlin sụp đổ chỉ mang tính biểu trưng, chứ không đồng nghĩa với nước Đức thống nhất hoàn toàn. Người dân Đức vẫn còn phải trải qua một hành trình gian nan để giải đáp được phương thức, lộ trình, tiêu chí pháp lý nhằm đảm bảo xây dựng một nhà nước pháp quyền ổn định và bền vững.

Cụ thể hơn, người Đức đã tiêu tốn đến 1 năm để chuẩn bị cho sự thống nhất được kỳ vọng này (vào ngày 3 tháng 10 1990). Do đó, sự kiện là tượng trưng cho thành tựu trong lĩnh vực chính trị và pháp luật của nước Đức – là kết quả của một loạt các thỏa thuận cao trào, các điều khoản pháp lý được phát triển theo thể chế hợp hiến kết hợp trong suốt 40 năm, cộng với sự tình cờ của một ý nghĩ lóe lên trong đầu người dân Đức.

y9vfujl1xpeebbxymcbhv5wfpbw7juxe

Đập vỡ bức tường Berlin chỉ là bước biểu trưng đầu tiên cho quá trình soạn thảo và đàm phán pháp lý cân não giữa hai miền nước Đức. Ảnh minh họa: newsonia

Giữa những sự kiện xảy ra nhanh chóng vào giai đoạn 1989-90, những phát triển và thành tựu trong soạn thảo luật pháp và hiến pháp nước Đức mới trở thành khía cạnh chính yếu của quá trình thống nhất, chứ không dựa vào hiện tượng kinh tế và xã hội tự nhiên, vốn thiếu tính trật tự và không bảo đảm. Vì vậy, thành công của công cuộc thống nhất phụ thuộc nhiều vào việc tính toán thước đo thận trọng và kiểm soát hợp lý.

Ý tưởng về cơ cấu hiến pháp của nhà nước Đức mới trỗi dậy tại thời điểm đó phản ánh lo ngại và cả lạc quan. Những người soạn thảo nó đã tìm cách giảm bớt những di sản tai hại được kế thừa từ quá khứ; cùng lúc đó cố gắng mở ra những cơ hội cho sự phát triển chính trị, kinh tế và xã hội trong tương lai. Cũng giống như nhiều đạo luật lập hiến vĩ đại, cơ cấu hiến pháp này đưa ra các đường lối chỉ đạo cho sự phát triển của quá trình xã hội ngày càng phức tạp và khó khăn hơn. Thước đo thành công của nó sẽ là việc xem xét xem nó có thể dẫn dắt các quá trình đó hay không, hay là cuối cùng, sẽ bị chôn vùi bởi chúng.

Nghiên cứu này nhằm giải thích các sự kiện chính của quá trình thống nhất nước Đức qua cái nhìn quan điểm lập hiến. Theo cách nhìn tổng quan này, luật hiến pháp sẽ được hiểu theo ý nghĩa rộng hơn – bao gồm không chỉ là sự giải thích các văn bản hiến pháp bởi tòa án, các học giả, và chính phủ, mà còn mở rộng đến các thỏa thuận quốc tế quan trọng giúp xác định bản chất của một nhà nước, cũng như một số đạo luật có vai trò chính yếu cố định, những quy định và thực tiễn áp dụng đưa ra ý nghĩa cụ thể đối với các nguyên tắc cơ bản của hệ thống hiến pháp.

Vậy, họ đã làm điều đó thế nào?

…..

Luật áp dụng ở Đông Đức sau thống nhất

…Nhiệm vụ trọng tâm thứ hai của Hiệp ước thống nhất là xác định mức độ mà luật pháp của nước Cộng hòa Liên bang Đức sẽ được áp dụng ở Đông Đức và mức độ mà các luật lệ của Đông Đức trước đây sẽ được tiếp tục áp dụng. Một nhiệm vụ khác có liên quan là đặt ra những sửa đổi thích hợp trong mỗi hệ thống pháp luật, cân nhắc đến những vấn đề đặt trưng và riêng biệt của quá trình thống nhất.

Mặc dù phần nhiều của công việc cực kỳ phức tạp này được cam kết và ghi nhận chủ yếu trong Phụ lục I và II của Hiệp ước, các phác thảo cơ bản được trình bày chính trong nội dung của Hiệp ước thống nhất. Nguyên tắc cốt yếu đầu tiên đó là pháp luật của nước Cộng hòa Liên bang Đức sẽ mở rộng phạm vi đến cả Đông Đức và Đông Berlin trừ những phạm vi mà Phụ lục I của Hiệp ước thống nhất – xác định bằng cách khác. Phụ lục I chiếm 244 trang trong bản được xuất bản bởi Quốc hội Liên bang (tiếng Đức là Bundestag, là hạ viện của Nghị viện Đức, còn gọi là Viện dân biểu – ND). Rõ ràng rằng mặc dù pháp luật Tây Đức về nguyên tắc được áp dụng đối với Đông Đức trước đây, rất nhiều những điều chỉnh đã được thực hiện, ít nhất là đối với giai đoạn chuyển tiếp.

Tư cách pháp lý của pháp luật được áp dụng Đông Đức cũng sẽ rất phức tạp. Pháp luật Đông Đức thuộc thẩm quyền của Lander (Phân cấp hành chính của Cộng hòa Dân chủ Đức) theo Luật cơ bản (Basic Law) (cũng như pháp luật mà có thể là luật liên bang theo Luật cơ bản nhưng quy định những vấn đề mà luật pháp liên bang đã không điều chỉnh một cách toàn diện) vẫn sẽ được tiếp tục duy trì như là pháp luật của Lander mới tại phía đông, nhưng chỉ khi nó không trái ngược với Luật cơ bản, luật của nhà nước liên bang, pháp luật Cộng đồng châu Âu, và các điều khoản của Hiệp ước thống nhất. Hơn nữa, pháp luật Đông Đức được đề cập cụ thể tại Phụ lục II (được sửa đổi cụ thể trong Phụ Lục) nhìn chung sẽ có tư cách pháp lý của pháp luật liên bang ở miền đông nước Đức, nếu nó nằm trong khu vực thuộc thẩm quyền liên bang theo Luật cơ bản, và nếu nó phù hợp với Luật cơ bản và pháp luật Cộng đồng châu Âu.

Với căn cứ trên, các nguyên tắc cơ bản áp dụng pháp luật có thể ngầm hiểu như sau:

  1. Pháp luật của nước Cộng hòa Liên bang Đức sẽ có hiệu lực trên lãnh thổ Đông Đức, trừ khi được thay thế rõ ràng bởi Hiệp ước thống nhất, và rằng hệ thống pháp luật liên bang sẽ vô hiệu hóa bất kỳ điều luật nào từ hệ thống Đông Đức cũ không phù hợp.
  2. Pháp luật Đông Đức không tương phản với luật tương ứng của Cộng hòa Liên bang Đức, vẫn tiếp tục có hiệu lực như là pháp luật của Lander. Nguyên tắc này loại trừ một số pháp luật Đông Đức đã được nêu tại Phụ lục II sẽ có danh nghĩa pháp lý tương đương với luật liên bang trong phạm vi lãnh thổ của khu vực Đông Đức (và do đó, cũng có thể làm vô hiệu bất kỳ điều luật trái ngược nào của Lander).

Các phán quyết của tòa

Hiệp ước thống nhất cũng đặt ra các quy định liên quan đến tính hiệu lực tiếp tục của các quyết định, phán quyết tư pháp của các tòa Đông Đức. Khung quy định này nhằm cân nhắc kết hợp sự cần thiết giữa việc tôn trọng giá trị bản án đối với các trường hợp thông thường và nền tảng kinh tế – xã hội tại Đông Đức, nhưng đồng thời nghi ngại sâu sắc nhiều quyết định phản ánh các hình thức áp bức chính trị.

Vì vậy, về nguyên tắc, quyết định của Toà án Đông Đức đã ban hành trước quá trình thống nhất đất nước vẫn có hiệu lực. Những quyết định này, tuy nhiên, có thể được xem xét lại để đảm bảo rằng chúng phù hợp với nguyên tắc pháp quyền.

09d756f5-2f5e-49c2-806d-dad7cafebeb6-2060x1236

Đám đông người dân Tây Đức đứng trên Bức tường Berlin dưới sự giám sát của các cảnh sát Đông Đức. Ảnh: GDR Museum, nguồn Guardian

Hơn nữa, một dự thảo luật đã được cân nhắc nhằm vào việc “khôi phục nhân phẩm” và bồi thường cho các nạn nhân của các bản án hình sự có động cơ chính trị hoặc những bản án hình sự mang tính vi hiến hoặc vi phạm nguyên tắc pháp quyền. Tương tự như vậy, các quyết định hành chính của Đông Đức vẫn có hiệu lực, trừ khi chúng “không phù hợp với các nguyên tắc pháp quyền hoặc với hiệp ước này [Hiệp ước thống nhất].”

Mối liên hệ với pháp luật quốc tế

Tại thời điểm này, ở các quốc gia Tây Âu, pháp luật của Cộng đồng châu Âu đã được thừa nhận một vị trí quan trọng mà trên nhiều phương diện có thể so sánh với pháp luật quốc gia. Hiệp ước thống nhất giải thích rõ hơn rằng các hiệp ước của Cộng đồng châu Âu sẽ có hiệu lực trong lãnh thổ trước đây của Đông Đức. Các quy định khác của Cộng đồng châu Âu cũng sẽ được áp dụng ở đó, ngoại trừ trong phạm vi mà cộng đồng đã chấp thuận những ngoại lệ để giảm thiểu khó khăn về kinh tế cho người dân Đông Đức hoặc để thích ứng với các vấn đề hành chính của quá trình thống nhất.

Những người soạn thảo Hiệp ước thống nhất cũng công nhận rằng cả Đông Đức lẫn Tây Đức là đối tượng của nhiều thỏa thuận quốc tế khác nhau – thậm chí là có thể mâu thuẫn.

Theo Điều 11 của Hiệp ước thống nhất, các hiệp ước của Cộng hòa Liên bang Đức sẽ vẫn có hiệu lực và sẽ mở rộng ảnh hưởng đến CHDC Đức trước đây, ngoại trừ trong phạm vi được quy định tại Phụ lục 1.

Đối với các hiệp ước của Đông Đức, như mong đợi, có phần phức tạp hơn. Theo Điều 12, chính phủ liên bang sẽ thảo luận về sự mở rộng có thể có, sự điều chỉnh, hoặc chấm dứt của mỗi thỏa thuận trong các thỏa thuận này với các bên khác trong thỏa thuận, cân nhắc đến một số yếu tố cụ thể. Chúng bao gồm việc duy trì tín nhiệm quốc tế, lợi ích của các nước liên quan, các nghĩa vụ theo hiệp ước của Cộng hòa Liên bang Đức, các nguyên tắc “trật tự cơ bản mang tính tự do và dân chủ theo hướng pháp quyền”, và sự tuân thủ của chính phủ đối với quy tắc của Cộng đồng chung Châu Âu. Như vậy, có thể nói các hiệp ước của Cộng hòa Liên bang Đức sẽ tiếp tục có hiệu lực, nhưng hiệp ước của CHDC Đức trước đây sẽ được đánh giá một cách cẩn thận có cân nhắc đến các yếu tố liên quan để xác định giá trị pháp lý trong tương lai./.

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.