Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
ACLU, tổ chức dân quyền lớn nhất và lâu đời nhất nước Mỹ, tuyên bố sẵn sàng ‘nghênh chiến’ với Tổng thống Trump tại toà về 6 chính sách vi hiến của ông này.
Bài liên quan: Ngày tàn của chủ nghĩa pháp quyền toàn thế giới đã điểm? (Nam Quỳnh)
Chỉ vài giờ sau khi Donald Trump đắc cử tổng thống, luật sư Anthony D. Romero – Giám đốc điều hành của Liên đoàn Tự do Dân sự Mỹ (American Civil Liberties Union – ACLU) – đã gửi tới ông một thông điệp mạnh mẽ: “Nếu ông không rút lại những lời hứa hẹn khi còn tranh cử mà vẫn cố thực hiện, chúng tôi sẽ chiến đấu với ông bằng tất cả hoả lực của mình trong mọi tình huống”.
ACLU cho rằng nếu được thực thi, những chính sách này sẽ vi phạm Hiến pháp thiêng liêng của nước Mỹ.
Không nói suông, họ ngay lập tức công bố một báo cáo phân tích về tính hợp hiến của một số chính sách mà Tổng thống Donald J. Trump hứa hẹn sẽ thực thi trong 100 ngày đầu nhậm chức.
Trong đó, ACLU giải thích rõ ảnh hưởng của những chính sách này đến các quyền dân sự và chính trị của công dân Mỹ và bày tỏ sự lo ngại của họ đối với nền pháp trị nước này.
Luật Khoa tạp chí xin giới thiệu 6 chính sách vi hiến của Donald Trump được tóm tắt từ báo cáo này.
Chính sách 1: Điều chỉnh luật để dễ dàng kiện các công ty truyền thông về tội phỉ báng hơn.
Vi phạm Tu chính án số 1.
Trong quá trình tranh cử, vào tháng 2/2016, ông Trump đã tuyên chiến với giới truyền thông và hứa hẹn với cử tri là nếu trở thành tổng thống, ông ta sẽ tiến hành chấn chỉnh luật pháp Hoa Kỳ để việc thưa kiện những công ty truyền thông về tội phỉ báng (libel) sẽ dễ dàng hơn, cũng như có thể yêu cầu bồi thường cao hơn.
ACLU cực lực phản đối điều này vì cho rằng đây là tư tưởng kiểm duyệt báo chí, là hành động vi phạm quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí ở Mỹ vốn đã được quy định tại Tu chính án số 1 của Hiến pháp nước này.
Tuy nhiên, họ cũng chỉ ra, lời hứa hẹn này của Trump là viển vông và không thể thực hiện được vì luật về tội phỉ báng (libel) nằm ở các bang, chứ không phải luật liên bang. Tổng thống Mỹ không có quyền đụng đến vấn đề này.
Hơn nữa, lịch sử án lệ hàng trăm năm qua ở Mỹ đã đưa ra những chuẩn mực pháp lý rất khắt khe để bảo vệ quyền tự do báo chí, và rất khó để cho bất kỳ ai hay một nhóm người nào có thể thay đổi được điều đó.
Chính sách 2: Trừng phạt phụ nữ vì họ phá thai
Đi ngược với cách giải thích Hiến pháp của Tối cao Pháp viện trong án lệ Roe kiện Wade (1973)
Vào tháng 3/2016, cũng tại một buổi tiếp xúc cử tri, ông Trump đã tuyên bố phụ nữ nào phá thai phải bị “trừng phạt”.
Quyền được phá thai của phụ nữ Mỹ là quyền hiến định sau khi án lệ Roe kiện Wade ra đời năm 1973. Theo đó, phụ nữ có quyền phá thai và được phá thai cả vào những tháng cuối của thai kỳ nếu tính mạng của người mẹ gặp nguy hiểm.
Tối cao Pháp viện cũng phán rằng, đây là một trong những quyền con người căn bản (fundamental right) của người phụ nữ và là quyền hiến định dựa trên Tu chính án số 14. Tuy gặp không ít chỉ trích từ công luận và cũng rất nhiều lần phải đối diện với các cuộc thử thách pháp lý, án lệ Roe kiện Wade vẫn là văn bản pháp luật cao nhất ở Mỹ hiện nay trong vấn đề phá thai.
Sau phát biểu nêu trên, ông Trump đã rút lại ý kiến ấy và nói rằng ông bị hiểu lầm vì ông chỉ muốn trừng phạt những bác sỹ thực hiện việc phá thai.
Tuy vậy, ACLU vẫn cho việc chống phá thai đến mức cực đoan và cho ra đời những đạo luật đi ngược lại các chuẩn mực pháp lý của vụ Roe kiện Wade là vi hiến.
Chính sách 3: Ủng hộ việc tra tấn các nghi phạm khủng bố
Vi phạm Tu chính án số 5 và số 8.
Sau vụ 11/9, báo chí liên tục đăng tin, hình ảnh về những nhân viên CIA và quân đội Hoa Kỳ tra tấn và bức cung những người bị bắt giữ vì nghi ngờ họ có liên quan đến khủng bố. Chính phủ Mỹ bị chỉ trích gay gắt về những hành vi này.
Một binh sĩ Mỹ tra tấn nghi phạm khủng bố sau vụ 11/9. Ảnh: Telegraph
Trong quá trình vận động tranh cử, vào tháng 4/2016, ông Trump đã lên tiếng ủng hộ những phương pháp tra tấn này và cho rằng cần làm như vậy để bảo vệ an ninh quốc gia. ACLU lên án điều này một cách mạnh mẽ.
Theo họ, Hiến pháp Hoa Kỳ từ hơn 200 năm trước đã không cho phép các hành vi tra tấn, quy định rõ trong các Tu chính án số 5 và số 8, cũng như các án lệ từ xưa đến nay.
ACLU cho rằng, việc ông Trump yêu cầu “hợp pháp hoá” những phương pháp tra tấn sau khi chính phủ Bush đã bị lên án và Quốc hội Hoa Kỳ đã thông qua những đạo luật nghiêm cấm chúng là một hành vi thách thức các chuẩn mực về pháp lý của Hiến pháp Hoa Kỳ, quyền hạn của các nhánh nhà nước, và là một dấu hiệu của tham vọng mở rộng quyền lực của nhánh hành pháp và của tổng thống.
Chính sách 4: Theo dõi công dân Mỹ trên diện rộng (mass surveillance)
Vi phạm Tu chính án số 4
Sau sự kiện 9/11 ở Mỹ, các đạo luật tăng cường an ninh quốc gia (homeland security laws) được ra đời và luôn luôn gặp sự phản đối từ các tổ chức bảo vệ quyền công dân và quyền hiến định như ACLU. Họ cho rằng các đạo luật này vi phạm quyền riêng tư và quyền không bị thu thập thông tin mà không có trát toà (warrantless collection of data) dựa trên Tu chính án số 4.
Ông Trump không phải là tổng thống Mỹ duy nhất ủng hộ việc theo dõi công dân. Từ năm 2001 đến nay, các đạo luật về theo dõi công dân của chính phủ Hoa Kỳ đã bị một số ràng buộc về pháp lý từ Tối cao Pháp viện trong những vụ kiện xâm phạm đời tư và có một số cũng đã bị tòa phán là vi hiến.
Tuy nhiên, khi tranh cử ông Trump cho rằng những điều luật theo dõi công dân này là cấp thiết trong cuộc chiến chống lại các thế lực khủng bố cực đoan. Theo đó, cơ quan an ninh Mỹ có thể theo dõi và thu thập những dữ liệu về các cuộc gọi điện thoại, emails, tin nhắn, v.v. của công dân, đặc biệt là người Hồi giáo, mà không cần toà cho phép.
ACLU cho rằng chính sách này đi ngược lại lịch sử án lệ của Tối cao Pháp viện và điều khoản “bảo vệ sự công bằng,” bắt buộc những phương pháp nghe lén và theo dõi công dân phải được tòa án cho phép trước khi thực hiện.
Chính sách 5: Ban bố lệnh cấm nhập cư đối với toàn bộ người Hồi giáo
Vi phạm Tu chính án số 1 và số 5
Tu chính án số 1 của Mỹ công nhận quyền tự do tôn giáo của công dân, bao gồm cả việc bảo đảm quyền không tin vào một tôn giáo. Diễn giải của các án lệ từ Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ qua các thời kỳ còn không cho phép chính phủ có những chính sách kỳ thị bất kỳ tôn giáo nào hoặc thiên vị một tôn giáo nào đó hơn các tôn giáo khác.
Theo ACLU, việc ông Trump muốn ban hành một lệnh cấm tất cả người Hồi giáo nhập cư vào Mỹ sẽ vi phạm đến quyền tự do tôn giáo của những người này. Theo chính sách của ông Trump, những ai chọn theo đạo Hồi thì sẽ bị cấm nhập cư vào Mỹ và như thế quyền được tự do để tin vào, cũng như quyền được tham gia, một tôn giáo của họ đã bị xâm phạm.
Donald Trump thể hiện rõ ông sẽ rất cứng rắn với người Hồi giáo muốn nhập cư vào Mỹ. Ảnh: Youtube
Ngoài ra, Tu chính án số 5 và điều khoản về chuẩn mực tố tụng (due process) còn đòi hỏi, nếu một người đã có đủ tiêu chuẩn được nhập cư vào Mỹ thì họ chỉ bị tước đi quyền đó khi quy trình ra quyết định phải đảm bảo các thủ tục cần thiết và chuẩn mực.
ACLU nghiên cứu chính sách đưa ra từ phía ông Trump và cho rằng ngoài lý do từ chối họ vì họ theo đạo Hồi, không có bất kỳ một quy trình tố tụng nào được đề ra để đảm bảo quyền lợi cho những người này. Vì thế, chính sách cấm người Hồi giáo sẽ đồng thời vi phạm Tu chính án số 5.
Chính sách 6: Lập tức trục xuất hàng loạt người nhập cư trái phép (mass deportation) đang cư trú ở Mỹ.
Vi phạm Tu chính án số 4.
Điều khoản “bảo vệ sự công bằng” của Tu chính án số 4 chính là nền tảng pháp lý cho các án lệ bảo vệ quyền của người dân khi bị bắt giam, tạm giữ, và khám xét. Theo đó, một người sẽ không bị bắt giam, tạm giữ hay bị khám xét mà không có trát của tòa án (warrant).
ACLU cho rằng, kế hoạch
điều tra, bắt giữ, và trục xuất 11 triệu người di dânhiện đang cư trú bất hợp pháp (illegal immigrants) ở Mỹ trong vòng vỏn vẹn 2 năm sẽ dẫn đến tình trạng bắt người hàng loạt dựa trên lý lịch chủng tộc (racial profiling) và giam giữ người bất hợp pháp (illegal detentions). Đây là những phương pháp vốn bị Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ xem là
các hành vi vi hiếnkhi diễn giải Tu chính án số 4 và những quyền dân sự dựa trên điều khoản “bảo vệ sự công bằng” (equal protection clause), cũng như Tu chính án thứ Năm về chuẩn mực tố tụng (due process).
Chính sách của ông Trump không hề nêu đến những yếu tố bảo vệ các quyền lợi pháp lý của những người bị tiến hành điều tra. Hiện nay, công việc điều tra, tạm gia, và trục xuất những người vi phạm luật cư trú ở Mỹ đang
đối mặt với tình trạng quá tải.
Có vẻ Tổng thống Trump sẽ không có một nhiệm kỳ dễ dàng với ACLU. Ảnh: Chụp màn hình website ACLU.
Qua 6 điểm tóm tắt trên, ACLU cho rằng để thực thi một số chính sách mà tổng thống Trump hứa hẹn sẽ đồng nghĩa với việc viết lại các Tu chính án số 1, số 4, số 5 và số 8 của Hiến pháp Mỹ và điều đó sẽ đi ngược lại những giá trị đã định hình nên đất nước Hoa Kỳ ngày hôm nay.
Tổng hợp từ: Donald Trump: A One-Man Constitutional Crisis
Được thành lập từ năm 1920 bởi một nhóm các nhà hoạt động xã hội, Liên đoàn Tự do Dân sự Mỹ (American Civil Liberties Union – ACLU) là tổ chức lâu đời và lớn nhất ở Mỹ chuyên bảo vệ các quyền về dân sự, chính trị của người dân dựa trên hiến pháp. ACLU là một tổ chức phi lợi nhuận, phi chính trị và phi đảng phái có 500.000 thành viên ở khắp nước Mỹ cùng với 100 luật sư làm việc toàn thời gian và hơn 2.000 luật sư thiện nguyện để giải quyết gần 6.000 hồ sơ mỗi năm. ACLU không thuộc phe thủ cựu hay cấp tiến, Dân chủ hay Cộng hòa, cũng không ủng hộ bất kỳ chính trị gia nào. ACLU lựa chọn tuyệt đối trung thành với việc bảo vệ các quyền hiến định cho mọi công dân, từ các nhà đấu tranh của phong trào Dân quyền (Civil Rights Movement), phụ nữ và quyền phá thai, sinh viên phản đối chiến tranh Việt Nam, đến Ku Klux Klan (KKK) hay những nhóm Tân Quốc Xã (neo-Nazis), và gần đây là những nghi phạm khủng bố sau 9/11 hay cựu nhân viên Edward Snowden. Nỗ lực của họ đã tạo ra hàng loạt án lệ bảo vệ quyền công dân có ảnh hưởng bậc nhất trong hệ thống pháp luật Mỹ hiện nay. |