Ngày tàn của chủ nghĩa pháp quyền toàn thế giới đã điểm?

Ngày tàn của chủ nghĩa pháp quyền toàn thế giới đã điểm?

“Đó là một trong những thời tốt đẹp nhất, đó là một trong những thời tồi tệ nhất, đó là thời của sự khôn ngoan, đó là thời của sự xuẩn ngốc, đó là kỷ nguyên của lòng tin, đó là kỷ nguyên của sự ngờ vực, đó là mùa Ánh sáng, đó là mùa Bóng tối…”

Nhà văn người Anh Charles Dickens mở đầu tác phẩm “Chuyện Hai Thành Phố” (A Tale of Two Cities) như thế. Câu chuyện của Dickens là về hai thành phố London và Paris giữa thời Cách mạng Pháp năm 1789, khi cả thế giới, hay ít ra là Châu Âu, cũng đang bàng hoàng, mất phương hướng sau một sự kiện chính trị rung chuyển mang tính lịch sử: những người dân thường Pháp vùng lên lật đổ triều đình trong một cuộc cách mạng dân túy đẫm máu.

Trong thời điểm hiện nay, gần cuối năm thứ 16 của thế kỷ 21, đoạn văn này của Dickens trở nên âm vang hơn bao giờ hết.

Toàn thế giới vừa được biết kết quả cuộc bầu cử tổng thống tại Mỹ, với chiến thắng thuộc về ứng cử viên Donald Trump, vượt ra ngoài gần như tất cả các dự đoán của giới chuyên gia và giới chính trị chính thống.

Tổng thống mới đắc cử của Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ: Donald J. Trump. Ảnh: CNN

Donald Trump, một doanh nhân thô tục, lỗ mãng dấn bước sang ngang làm chính trị, đã được đa số người dân Mỹ chọn làm tổng thống.

Donald Trump, người đã thể hiện sự sẵn sàng nhục mạ bất kỳ ai, bất kỳ thiết chế chính trị truyền thống nào của nước Mỹ để tranh luận quan điểm của ông ta, đã chiến thắng.

Donald Trump, người đã thể hiện sự sẵn sàng chà đạp lên ngành tư pháp độc lập lâu đời của nước Mỹ, đã trở thành lãnh đạo của Mỹ, một trong những nước dân chủ quyền lực nhất thế giới.

Pháp quyền sẽ bị hắt hủi trên toàn thế giới?

Một cái nhìn lướt qua những địa danh khác trên thế giới không cho chúng ta được những cái nhìn tươi sáng hơn về triển vọng của thiết chế pháp quyền hay chủ nghĩa pháp quyền (rule of law) trên bình diện thế giới.

Tại Hong Kong, chính quyền Trung Quốc tiếm quyền tòa án Hong Kong, đe dọa ngành tư pháp độc lập để có thể công kích hai nhà lập pháp trẻ vừa được dân bầu vào Hội đồng lập pháp Hong Kong, khi hai nhà lập pháp này thể hiện thái độ bài Trung Quốc, ủng hộ Hong Kong độc lập trong các phần tuyên thệ nhậm chức của họ.

Tại Anh, ngay buổi sáng hôm sau khi tòa Cao Đẳng Pháp Viện tuyên chính phủ Anh thua kiện và phải thông qua ý kiến Nghị viện Anh trước khi gửi thông báo chính thức quyết định rời EU, những tờ báo dân túy của Anh thẳng thừng mắng chửi những người thẩm phán vì họ đã quyết định vụ việc bất lợi cho chính phủ khi mà kết quả trưng cầu dân ý hồi tháng 6 đã cho thấy đa số người đi bầu chọn việc rời EU.

Ba người thẩm phán, bao gồm vị Chánh tòa Tối cao Pháp viện Anh, là ba trong những luật sư già dặn, uy tín nhất của ngành tư pháp Anh. Thế nhưng họ đã bị đem ra bêu riếu là những “kẻ thù của nhân dân”. Một trong ba vị thẩm phán là vị thẩm phán đồng tính đầu tiên được bổ nhiệm vào tòa cao cấp của Anh. Một tờ báo đem khuynh hướng tính dục của ông ra đàm tiếu, bất chấp sự không liên quan của điều đó với quyết định của tòa Cao đẳng Pháp viện hay với tính độc lập nổi tiếng của hệ thống tòa án Anh.

Nhìn về trước hơn, chúng ta chứng kiến cách mà chính quyền Trung Quốc tuyên bố không công nhận phán quyết bất lợi cho Trung Quốc của Tòa trọng tài quốc tế (PCA) trong vụ tranh chấp biển Đông. Phán quyết này tuyên rằng Trung Quốc đã và đang vi phạm các luật biển quốc tế trong các động thái hung hăng chiếm lấn biển đảo của họ tại biển Đông. Một vị quan chức Trung Quốc đã thẳng thừng nói rằng quyết định này chỉ là một mảnh giấy lộn.

Thêm vào, bây giờ chúng ta phải thấy vị tổng thống mới của Philippines, ông Rodrigo Duterte, mới đây chọn việc đối thoại tay đôi thân thiện với Trung Quốc, thay vì dùng phán quyết Tòa trọng tài quốc tế làm cơ sở cho một chiến dịch đa phương trong khu vực nhằm gây sức ép bắt buộc Trung Quốc phải tuân thủ pháp luật quốc tế. Duterte vốn cũng chả phải là một con người suy tôn chủ nghĩa pháp quyền. Có thể thấy cách ông ta cũng chà đạp lên tư pháp, lên nhân quyền, trong những chính sách an ninh trật tự bạo lực đẫm máu của mình.

duterte-presser-7_00000-e1478674591188_2

Nhìn vào bức tranh toàn cảnh đó, bất giác nhiều con người học luật, làm luật phải giật mình, ngơ ngác nhìn nhau: Ngày tàn của chủ nghĩa pháp quyền trên toàn thế giới đã điểm?

Đã hết rồi niềm tin vào luật pháp như một thứ có thể ràng buộc tất cả mọi người, tất cả mọi tổ chức, quốc gia theo một cách bình đẳng và công bằng nhất có thể trong thực tế?

Đã hết rồi niềm tin vào những ngành tư pháp độc lập, sẵn sàng chiến đấu đến chết, không phải để bảo vệ một lãnh tụ, một đảng phái, hay một nhóm đa số dân chúng nào đấy, mà để bảo vệ Hiến pháp, pháp luật, và quyền hiến định của tất cả nhân dân trong một đất nước, một lãnh thổ?

Đã đến rồi, thời của những nhà chuyên chế sẵn sàng một tay che trời, sẵn sàng quyết án bỏ túi hay đe nẹt các tòa án phải làm theo ý mình, giống như cách Putin, Tập Cận Bình, Duterte vẫn hay cư xử và Trump, rất có thể, sẽ cư xử?

Đã đến rồi, thời của độc tài số đông, thời của những đám đông cuồng nộ, cả trên Facebook và ngoài đời, sẵn sàng nhân danh “ý chí nhân dân” để nhục mạ, đàn áp, đe nẹt những thiết chế chính trị độc lập và những nhóm dân thiểu số không chia sẻ “ý chí nhân dân” đó?

Đã đến rồi, thời của độc tài số đông, thời của những đám đông cuồng nộ, cả trên Facebook và ngoài đời, sẵn sàng nhân danh “ý chí nhân dân” để nhục mạ, đàn áp, đe nẹt những thiết chế chính trị độc lập và những nhóm dân thiểu số không chia sẻ “ý chí nhân dân” đó?

Giữa âm u của thất vọng tràn trề, thật quá dễ để người ta chỉ có thể liên tưởng đến những điều tồi tệ.

Nhưng cũng như Dickens, người viết tin rằng sự nhìn nhận thời thế một cách tuyệt vọng chỉ là một cách nhìn mang tính tương đối.

Cuộc tranh đấu mới của những người học luật 

Viktor Frankl là một bác sỹ người Áo may mắn sống sót qua thảm họa diệt chủng Do Thái. Ông có 3 năm khốn khổ trong trại tập trung của Đức Quốc Xã. Người vợ và cả gia đình ông, trừ một cô em gái, mất mạng trong các trại tập trung.

Khi tổng kết những bài học xương máu của mình trong cuốn sách “Cuộc kiếm tìm ý nghĩa của loài người” (Man’s Search for Meaning), ông viết: “Mọi thứ đều có thể bị tước đoạt từ một con người trừ một thứ: thứ cuối cùng trong những quyền tự do của con người – quyền chọn thái độ của chính mình trong một hoàn cảnh bất kỳ nào đấy, quyền chọn con đường của chính mình.”

Sự khủng hoảng của chủ nghĩa pháp quyền thế giới, có lẽ đã đạt đỉnh điểm qua việc một quốc gia dân chủ bậc nhất thế giới chọn một con người xem thường pháp quyền, xem luật pháp như công cụ kiếm ăn và đấu đá chính trị lên làm tổng thống.

Đó là hoàn cảnh mà chúng ta, những con người học luật và làm luật, phải chấp nhận. Nhưng chúng ta vẫn luôn và sẽ mãi mãi có quyền chọn cho mình một thái độ.

Hệ thống tư pháp Hoa Kỳ đã có hơn 240 năm phát triển, có lẽ đã đến lúc nó phải đối mặt với một trong những thử thách lớn nhất trong lịch sử: đương đầu ra sao với một vị tổng thống xem thường pháp quyền?

Như ai đó nói, một con thuyền thường được an toàn khi neo đậu tại cảng, nhưng đó không phải là lý do thuyền được đóng. Lửa thử vàng, gian nan thử sức. Hay như Viktor Frankl nói, “thứ nào muốn đem lại ánh sáng, trước tiên nó phải chịu cháy”.

“Thứ nào muốn đem lại ánh sáng, trước tiên nó phải chịu cháy” – Viktor Frankl

Như cách mà hệ thống tòa án Anh đang thử thách chính niềm tin của dân chúng Anh vào những thiết chế truyền thống của họ, hệ thống tòa án Hoa Kỳ trong ít nhất là 4 năm tới sẽ phải thử thách niềm tin của dân chúng Mỹ. Hệ thống tòa án Hoa Kỳ sẽ bảo vệ hiến pháp, bảo vệ quyền người dân, hay sẽ èo uột cúi mình, hay sẽ bị co giãn, đàn áp đến thui chột?

Điều đó phụ thuộc rất nhiều vào lựa chọn thái độ của những con người học luật, làm luật tại Mỹ.

Và có lẽ cũng phụ thuộc rất nhiều vào lựa chọn thái độ của những con người học luật, làm luật tại bất kỳ đâu trên thế giới.

Khi đối mặt với làn sóng báo chí vùi dập ba người thẩm phán vụ Brexit, giới luật sư Anh đã không chịu ngồi im. Bằng tiếng nói, bằng ngòi bút, họ đồng lòng tranh đấu. Tới mức họ phê bình đanh thép thủ tướng Anh và vị bộ trưởng tư pháp khi hai người này quá chậm chạp và lí nhí trong việc lên tiếng bảo vệ các thẩm phán, bảo vệ pháp quyền và sự thượng tôn luật pháp truyền thống của Anh.

Khi đối mặt với sự đàn áp từ Bắc Kinh, giới luật sư Hong Kong mặc đồ đen, diễu hành xuống phố trong sự im lặng phản kháng.

Cuộc đấu tranh đó bây giờ là cuộc đấu tranh toàn cầu, một cuộc đấu tranh mà những người học luật, làm luật khắp thế giới có thể chọn cho mình một chiến tuyến: đấu tranh cho sự độc lập, hay cúi mình trước những uy quyền chính trị.

Cuộc đấu tranh bảo vệ chủ nghĩa pháp quyền, bảo vệ sự thượng tôn pháp luật, bây giờ đã không còn chỉ diễn ra tại những nước dưới các chế độ chuyên chế, độc tài.

Cuộc đấu tranh đó bây giờ là cuộc đấu tranh toàn cầu, một cuộc đấu tranh mà những người học luật, làm luật khắp thế giới có thể chọn cho mình một chiến tuyến: đấu tranh cho sự độc lập, hay cúi mình trước những uy quyền chính trị.

Ngành tư pháp Anh đã lên tiếng, ngành tư pháp Hong Kong đã lên tiếng, bây giờ, chúng ta chờ người Mỹ.

“…Đó là mùa Ánh sáng, đó là mùa Bóng tối, đó là mùa xuân hy vọng, đó là mùa đông tuyệt vọng, chúng ta có mọi thứ phía trước mình, chúng ta chả có gì phía trước mình cả…”


*Đính chính 1:
Bản trước của bài báo viết hệ thống tư pháp Hoa Kỳ đã có hơn 400 năm phát triển. Con số chính xác là 240 năm. Xin cáo lỗi với bạn đọc.

*Đính chính 2

: Bài báo ghi rằng Tổng thống Trump được đa số người dân Mỹ bầu chọn. Điều này sai. Tổng số phiếu bầu cho ứng cử viên Hillary Clinton vào thời điểm viết đính chính này là 59,814,018 . Nhiều hơn của ông Trump 202,340 phiếu. Ông Trump thắng bằng số lượng đại cử tri đoàn ủng hộ. Xin cáo lỗi với bạn đọc.

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.