Sách “Dân chủ và dân chủ hóa”: Nhận thức cần thiết về dân chủ

Sách “Dân chủ và dân chủ hóa”: Nhận thức cần thiết về dân chủ

Dân chủ hóa là quá trình chuyển đổi từ các thể chế quân chủ, độc tài, toàn trị sang thể chế dân chủ. Trong lịch sử nhân loại, tiến trình dân chủ hóa trải qua nhiều giai đoạn.

  • Minh Anh

Theo Huntington, cho đến nay nhân loại đã trải qua ba làn sóng dân chủ hóa. Làn sóng thứ nhất theo sau Cách mạng Mỹ và Cách mạng Pháp kéo dài từ năm 1828 cho đến 1926, tại đó một số quốc gia như Anh, Pháp, Mỹ… bắt đầu chuyển đổi sang thể chế dân chủ.

Làn sóng thứ hai theo sau Thế chiến thứ hai kéo dài từ năm 1943 đến 1962. Lần này có khá nhiều quốc gia chuyển đổi sang dân chủ như Tây Đức, Nhật, Ấn Độ…

Và làn sóng thứ ba kéo dài từ năm 1974 cho đến nay. Khởi đầu với sự sụp đổ của chế độ độc tài của Bồ Đào Nha, và lên đến đỉnh điểm là sự sụp đổ của chế độ cộng sản ở Liên Xô và Đông Âu. Trong giai đoạn này một số lượng lớn các chế độ độc tài bị thay thế bởi các chế độ dân chủ ở Đông Âu, Mỹ Latin, và Châu Á.

Xen kẽ giữa các quá trình chuyển đổi sang dân chủ là những làn sóng thụt lùi, quay trở lại chế độ độc tài ở một số nước. Như sự sụp đổ của chế độ dân chủ ở nhiều nước Tây Âu những năm 1920 và 1930, sau đó là sự chuyển sang chế độ độc tài ở Nam Mỹ vào những năm 1960 và 1970.

Hiện nay, theo nghiên cứu của học giả Larry Diamond, thế giới đang chứng kiến một làn sóng thụt lùi mới về dân chủ. Trong đó quá trình dân chủ hóa ở nhiều nơi đang bị chững lại, thể chế dân chủ sụp đổ ở nhiều khu vực như Trung Á, Trung Đông, Nam Mỹ.

Có thể nói rằng dân chủ hóa là một tiến trình phức tạp, kéo dài. Trong hơn 200 năm qua, từ khi các nền dân chủ tự do đầu tiên xuất hiện ở Anh, Mỹ, quá trình dân chủ hóa dần lan rộng ra thế giới, số nước dân chủ ngày càng tăng.

Tuy nhiên, tiến trình dân chủ diễn ra khá phức tạp. Ngoài Tây Âu và Bắc Mỹ có nền dân chủ ổn định, thì nền dân chủ ở Đông Á, Nam Mỹ, Nam Âu vẫn còn nhiều bất ổn, phải cần nhiều thời gian và cố gắng mới có thể trở thành các nền dân chủ ổn định. Ngoài ra, rất nhiều nước hiện chỉ được coi là dân chủ một phần hay dân chủ độc đoán, như Malaysia, Singapore, Nga…

khaiminhcoverquyen12-danchuvadanchuhoa

Thêm nữa, hiện còn một phần lớn người dân trên thế giới ở các khu vực Đông Á, Trung Đông, Châu Phi vẫn sống dưới các chế độ độc tài. Có thể nói rằng, tiến trình dân chủ còn một con đường dài để có thể tiến đến thời điểm mà tất cả người dân trên thế giới được sống dưới các chế độ do chính họ tạo nên.

Nghiên cứu về dân chủ hóa là một chủ đề rất quan trọng, vì trên cơ sở các nghiên cứu đó, chúng ta mới có thể thúc đẩy cho tiến trình dân chủ hóa được diễn ra thuận lợi hơn, khiến nó đi đến củng cố và ổn định.

Nghiên cứu về dân chủ hóa trên thế giới đã có từ rất lâu, với nguồn tư liệu rất đồ sộ. Có thể kể đến các công trình quan trọng như Some Social Requisites of Democracy của Seymour Lipset; Social Origins of Dictatorship and Democracy của Barrington Moore; Political Order in Changing Societies và How Countries Democratize của Samuel Huntington; Transitions to Democracy: Toward a Dynamic Model của Dankwart Rustow; Polyarchy: Participation and Opposition của Robert Dahl; Transitions from Authoritarian Rule của Guillermo O’Donnell…

Ngoài ra, còn rất nhiều công trình quan trọng khác, như các tạp chí chuyên ngành chuyên về dân chủ hóa như: http://journalofdemocracy.org, http://tandfonline.com/loi/fdem20, và trung tâm nghiên cứu dân chủ http://cddrl.fsi.stanford.edu.

Dù cho tình hình dân chủ hóa và nghiên cứu dân chủ hóa trên thế giới phát triển như vậy, tuy nhiên, hiện nay việc nghiên cứu về dân chủ hóa ở Việt Nam chưa dành được nhiều sự chú ý. Ở Việt Nam hiện nay dường như chỉ có TS Nguyễn Quang A là người nghiên cứu một cách bài bản, hệ thống và có các công trình công bố về dân chủ hóa. (Các bạn có thể tìm đọc các công trình TS Nguyễn Quang A trong tủ sách SOS2, và các bài giảng về dân chủ hóa của ông: https://www.youtube.com/watch?v=1jfPr7F6dUo&list=PLclPnbiyzMwK_xuT4iAGFwPqabZvpYCU9).

Sự thiếu sót này có lẽ là một phần nguyên nhân khiến cho việc phong trào thúc đẩy dân chủ hóa ở Việt Nam chưa đạt được nhiều thành tựu tích cực. Việc không có nhận thức đúng về dân chủ, tiến trình dân chủ hóa diễn ra như thế nào, điều gì thúc đẩy cho tiến trình này diễn ra, và làm thế nào để củng cố nền dân chủ một khi nó chuyển đổi sang thể chế dân chủ… sẽ khiến cho việc thúc đẩy dân chủ hóa diễn ra khó khăn hơn. Do đó, chúng tôi tin rằng trong thời gian tới, việc nghiên cứu một cách có hệ thống về dân chủ hóa, và phổ biến những kiến thức ấy cho những người hoạt động dân chủ như một sự chuẩn bị về mặt nhận thức, là một công việc cần thiết cho tiến trình dân chủ hóa ở Việt Nam.

Cũng chính vì lý do trên, chúng tôi đã biên tập quyển sách Dân chủ và Dân chủ hóa. Trong tuyển tập này, chúng tôi lựa chọn các bài viết, bài dịch quan trọng về dân chủ hóa, trong đó tập trung vào các vấn đề như: dân chủ hóa diễn ra như thế nào, các điều kiện cần thiết cho dân chủ, và tình hình dân chủ hóa hiện nay trên thế giới. Hy vọng tuyển tập này sẽ mang lại cho bạn đọc một nhận thức ban đầu về các vấn đề của dân chủ hóa, qua đó có được sự đồng thuận về con đường thúc đẩy tiến trình dân chủ hóa ở Việt Nam./.

Bấm vào đây để tải sách

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.