Cư dân Thủ đô Hoa Kỳ không được bầu cử suốt 170 năm

Cư dân Thủ đô Hoa Kỳ không được bầu cử suốt 170 năm

Vào ngày 03/11/1964, người dân của Đặc khu Columbia lần đầu tiên được quyền bỏ phiếu bầu cử tổng thống. Khi Tu chính án số 23 của Hiến pháp Mỹ được thông qua vào năm 1961, những công dân sinh sống tại thủ đô Hoa Kỳ lần đầu có quyền bỏ phiếu cho chức danh “Tổng tư lệnh của các lực lượng vũ trang” mà trước đây họ chưa bao giờ được phép.

Nhưng tại sao lại như thế? Vì sao người dân tại một vùng lãnh thổ vốn là thủ đô của quốc gia đó, lại không có quyền bỏ phiếu bầu cử Tổng thống?

  • Hồng Tâm, tổng hợp

Tìm đất đóng đô và sự ra đời của “thành phố liên bang” 

Trong khoảng giữa những năm 1776 và 1800, khi nhà nước Hoa Kỳ mới thành lập, thành phố New York, và tiếp theo là Philadelphia, đã được xem là trung tâm chính phủ tạm thời. Việc chọn vị trí cho thủ đô đã gây ra nhiều bàn cãi và tranh luận, đặc biệt là đối với các chính trị gia thuộc các bang ở phía Nam vì họ không muốn thủ đô nằm ở một vị trí quá xa về phía Bắc. Năm 1790, Quốc hội Mỹ đã thông qua một đạo luật cho phép Tổng thống George Washington toàn quyền lựa chọn vị trí địa lý cố định cho thủ đô. Sau vài cuộc dàn xếp, Washington đã chọn vùng đầm lầy hoang sơ dọc theo sông Potomac, nằm giữa hai tiểu bang Maryland và Virginia.

64303-004-ed95d807

Vị trí địa lý của Washington, D.C. Ảnh: Wikipedia

Thủ đô của Hoa Kỳ, bắt đầu từ đấy cho đến nay, là một vùng lãnh thổ với diện tích khoảng trên dưới 100 dặm vuông, bao gồm 3 thành phố Alexandria, Georgetown, và “thành phố liên bang” (federal city), cùng các quận hạt (county) Washington và Alexandria (ngày nay là quận hạt Arlington).

Trước khi có được tên gọi chính thức, vùng đất thủ đô thường được gọi là “thành phố liên bang”. Tuy nhiên, sau một cuộc họp vào ngày 9 tháng 9 năm 1791 với sự góp mặt của 3 nhân vật nổi tiếng trong lịch sử lập quốc của Hoa Kỳ, Thomas Johnson, David Stuart, và Daniel Carroll, các ủy viên giám sát quy trình phát triển đã đặt tên cố định cho thành phố mới thành lập và cho thủ đô Hoa Kỳ.

Nhằm tôn vinh những đóng góp của vị tổng thống đầu tiên trong công cuộc giải phóng nước Mỹ, trung tâm thủ đô được đặt tên là thành phố Washington (Washington City) và toàn bộ vùng đất mới thành lập được gọi là Đặc khu Colombia (tên hiện nay là the District of Colombia, nhưng trước năm 1871 thì được gọi là Territory of Colombia). Quốc hội họp lần đầu tiên ở Washington, D.C. vào ngày 17 tháng 11 năm 1800.

Có thủ đô nhưng cư dân thủ đô không có tư cách trên bàn đàm phán

Tuy nhiên, vào năm 1801, Quốc hội Hoa Kỳ từ chối cho phép những công dân cư trú tại Đặc khu Columbia được có quyền bầu cử. Để giải thích điều này, các nhà lập pháp lúc đó cho rằng, theo Hiến pháp, chỉ các tiểu bang mới được quyền có đại cử tri trong cử tri đoàn và quyền bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử tổng thống.

Chính quyền liên bang Hoa Kỳ được xây dựng và xoay quanh nguyên tắc cốt lõi dựa trên sự đồng thuận và thương lượng giữa các tiểu bang. Cũng trong thời điểm này, những nghị sỹ và dân biểu theo trường phái chống lại chủ nghĩa liên bang vẫn là một lực lượng rất mạnh trong chính trường Hoa Kỳ. Vì không phải là một tiểu bang, thủ đô Washington, D.C. và toàn bộ Đặc khu Colombia nằm trong thẩm quyền của Quốc hội, và vì vậy, không có vị trí nào trên bàn đàm phán. Thêm vào đó, với dân số chỉ xấp xỉ 30.000 dân vào đầu thế kỷ 19, nhiều người cho rằng khu vực thủ đô quá nhỏ bé để xứng đáng có được dù chỉ một ghế trong Hạ viện.

Hơn 100 năm đấu tranh cho quyền đầu phiếu

Khi thủ đô Washington có vị thế hơn và dân số của đặc khu tăng trưởng dần thì người dân ở đây mong muốn được góp mặt và lên tiếng với các vấn đề của quốc gia thông qua các cuộc bầu cử. Dự thảo luật đầu tiên kêu gọi cho quyền đầu phiếu của cư dân Washington, D.C. được đề xuất vào năm 1888, nhưng không có được sức hút đáng kể. Khi một dự luật tương tự được đề xuất và lại thất bại vào năm 1890 đã khiến nhà báo Theodore W. Noyes của tờ nhật báo “Washington Evening Star” phát động một chiến dịch ủng hộ quyền đầu phiếu cho cư dân của Đặc khu Columbia.

Ông Noyes đã viết một số bài về chủ đề này trên tờ báo của mình và giúp thành lập Ủy ban liên hiệp của công dân về đại diện quốc gia cho Đặc khu Columbia. Tuy nhiên sau khi Noyes mất vào năm 1946, tổ chức này đã bị chia năm xẻ bảy, với một phe ủng hộ việc cho phép người dân bầu cử các chức danh thị trưởng và hội đồng địa phương ở Washington, và phe kia thì phản đối điều đó. Thế nhưng, đến thời điểm này, lực lượng đảng viên của cả hai đảng, Dân chủ và Cộng hòa, thường trú ở thủ đô là khá cân bằng, và đó là một cơ hội cho những người đòi hỏi quyền bầu cử tại đây.

smithsonian_institution_washington_d-c_-_nara_-_529074

Sự ra đời của Tu chính án số 23 và quyền cử tri của Đặc khu Colombia

Đến năm 1959, Thượng nghị sĩ bang New York – Kenneth Keating đề xuất thêm một điều khoản cho một nghị quyết (về dự thảo luật) đã hiện hành, cho phép cư dân tại Washington, D.C quyền bỏ phiếu trong cuộc bầu cử quốc gia, cũng như có đại diện (tuy không có quyền biểu quyết) trong Hạ viện Mỹ. Đề xuất này được cả Thượng viện và Hạ viện thông qua vào tháng Sáu năm 1960 và sau đó được chuyển đến các bang để xem xét và phê chuẩn.

Hiến pháp Mỹ yêu cầu phải có ba phần tư của tất cả các tiểu bang phê chuẩn dự luật trong vòng tối đa là bảy năm, để nó có thể trở thành một tu chính án. Tất cả các ứng cử viên tổng thống lúc đó, John F. Kennedy và Richard Nixon, đều ủng hộ cho quyền bầu cử của cư dân Washington DC. Đã có rất nhiều cuộc tuyển mộ những người ủng hộ cho dự luật này tại các bang để kêu gọi họ tham gia vào việc thúc đẩy và vận động cho tu chính án được thông qua.

Và cuối cùng, vào ngày 29/03/1961, những người vận động cho dự luật đã thành công khi Tu chính án số 23 của Hiến pháp Mỹ ra đời, cho phép cư dân Washington DC có quyền đầu phiếu. Ngoài ra, Đặc khu Colombia cũng được quyền có đại cử tri như một tiểu bang, nhưng không được phép có nhiều hơn con số đại cử tri của tiểu bang với dân số ít nhất, là bang Wyoming. Vì vậy, Đặc khu được trao cho ba phiếu đại cử tri trong đại cử tri đoàn.

Sau hơn 170 năm từ khi trở thành thủ đô của nước Mỹ, cư dân tại khu vực Washington, D.C. đã bỏ phiếu bầu tổng thống lần đầu tiên vào ngày 03 Tháng 11 năm 1964. Lá phiếu của họ đã giúp Lyndon Johnson đánh bại Barry Goldwater. Kể từ khi Tu chính án số 23 được thông qua, dân cư của Đặc khu Colombia phát triển dần theo hướng thân Dân Chủ và thường bầu cho đảng Dân Chủ trong mỗi cuộc bầu cử.

cs5est5wsaai5ig

Một phụ nữ với tờ báo loan tin công dân D.C. chính thức được tham gia bỏ phiếu bầu cử. Ảnh: Twitter – https://twitter.com/USArmyReserve

Trong những năm 1970, một số điều luật bổ sung được thông qua, cho phép người dân thủ đô Washington lần đầu tiên tự bầu ra thị trưởng và hội đồng thành phố của riêng mình. Từ đó cho đến nay, đã có thêm những cuộc kêu gọi đưa Đặc khu Columbia trở thành một bang của nước Mỹ và có quyền có các đại diện tương tự như các bang khác, nhưng chưa có thêm điều luật nào được thông qua.

Nếu Washington D.C. được xem là một tiểu bang, nó sẽ đứng cuối cùng tính theo diện tích, hạng hai từ dưới đếm lên nếu tính theo dân số, đứng đầu tính theo mật độ dân số, đứng thứ 35 tính theo tổng sản phẩm nội địa tiểu bang, và đứng hạng nhất về phần trăm dân số người Mỹ gốc châu Phi, khiến cho Washington D.C. trở thành một tiểu bang có đa số dân thiểu số.

Nguồn tham khảo

D.C. residents cast first presidential votes; History

Washington, D.C. Residents Vote in Their First Presidential Election; MysticStamp

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.