Thư cuối tuần - 24/11/2024
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Sinh ra trong một gia đình quý tộc vào năm 1874, Winston Churchill từng phục vụ trong Quân đội Anh quốc và là một tác gia trước khi bước chân lên vũ đài chính trị. Sau khi trở thành thủ tướng Anh vào năm 1940, ông đã giúp lãnh đạo quân Đồng minh cùng nước Mỹ và Liên Xô đánh bại phe Trục trong Thế chiến II và xây dựng lại hòa bình thời hậu chiến. Tái đắc cử vị trí Thủ tướng năm 1951, ông đã đưa ra áp dụng những cải cách quan trọng trong nước. Churchill mất ở tuổi 90 vào năm 1965.
Nhân kỷ niệm ngày sinh vị cựu Thủ tướng Anh nổi tiếng (30/11/1874), Luật Khoa mời bạn đọc cùng tìm hiểu về ông qua những sự thật thú vị dưới đây.
1. Xuất thân là một quý tộc “lai”
Cha mẹ của Churchill không phải đều là người Anh. Mẹ ông là một người Mỹ, một người thừa kế. Cuối thế kỷ 19, việc những quý tộc Anh cưới nữ thừa kế người Mỹ là khá phổ biến. Cuộc hôn nhân như vậy đã diễn ra giữa Huân tước Randolph Churchill với Jennie Jerome, con gái của một nhà tài chính giàu có ở Brooklyn. Họ đã có 2 đứa con với nhau là Winston vào năm 1874 và Jack vào năm 1880.
2. Từng là học sinh yếu kém
Khi còn là học sinh, Churchill thể hiện kém ở hầu hết các môn trừ lịch sử và tiếng Anh. Ông đặc biệt kém khoản ngoại ngữ. Trong một hồi tưởng, ông cho biết đã để trống hoàn toàn bài thi tiếng Latin 2 tiếng trừ phần tên và con số cho câu hỏi đầu tiên. Kế hoạch theo học Trường Quân đội Hoàng gia tại Sandhurst phải hoãn lại khi ông hai lần thi rớt kỳ tuyển sinh. Với sự giúp đỡ của một gia sư quân đội, ông cuối cùng cũng vượt qua ở lần thi thứ ba, nhưng chỉ đậu lớp kỵ binh, lớp có tiêu chuẩn thấp hơn nhiều so với bộ binh.
3. Nổi tiếng nhờ một cuộc đào thoát táo bạo
Sau khi tốt nghiệp trường Sandhurst, Churchill tới Cuba du lịch, nơi ông đã báo cáo về một cuộc nổi dậy cho một tờ báo London. Sau đó, ông trở thành một phóng viên chiến tranh kiêm sĩ quan quân đội ở Ấn Độ, Sudan và Nam Phi.
Khi đến Nam Phi vào năm 1899, tàu bọc thép của ông bị phục kích bởi những người Boers, hậu duệ của những người Hà Lan định cư đã chiến đấu với Anh vào thời điểm đó. Churchill bị bắt và bị đưa đến một trại tù. Ông đã trốn thoát bằng cách trèo qua một bức tường vào ban đêm, dù hai trong số những người bạn tù đã từ bỏ.
Không có kế hoạch chính xác, Churchill may mắn vấp ngã lên nhà của một người quản lý mỏ than của Anh, người này đã giấu ông trong ba ngày và sau đó gửi ông vào một chiếc xe vận tải đường sắt chứa đầy len tới Mozambique. Từ đó, Churchill đã bắt được một con tàu trở lại Nam Phi và tiến lên phía trước như một anh hùng mới nổi.
4. Thành công đến từ những thất bại
Sự nghiệp chính trị của Churchill bắt đầu vào năm 1900 khi ông được bầu vào Quốc hội, mở đầu cho 60 năm gắn bó với chính trị Anh Quốc. Năm 1911, ông trở thành Bộ trưởng Hải quân Anh.
Trong thời gian đảm nhiệm chức vụ này, ông đã chuẩn bị một cuộc đổ bộ lên Đế chế Ottoman đang suy yếu trong Thế chiến I. Churchill tin hành động này sẽ cho phép người Anh liên kết với các đồng minh Nga, tăng áp lực trên mặt trận phía đông của Đức và thậm chí có thể đảo ngược cân bằng của toàn bộ cuộc xung đột.
Nhưng khi chiến hạm của phe Đồng minh tiến vào eo biển Dardanelles, nằm gần Istanbul ngày nay vào tháng 3 năm 1915, quân Ottoman đã bắn chìm ba tàu của họ, ba chiếc khác bị hư hỏng nặng và phần còn lại phải rút lui. Quân Đồng minh cũng gặp thất bại tương tự sau nhiều tháng giao tranh trên bán đảo Gallipoli liền kề, với hơn 250.000 thương vong. Mặc dù Churchill bị mất đi danh tiếng trong hải quân của mình, ông cuối cùng đã có thể phục hồi danh tiếng của mình trong các hoạt động chính trị sau này.
5. Con người có tư tưởng đế quốc
Trong suốt cuộc đời mình, Churchill phản đối mọi hình thức tự trị đối với Ấn độ. Ông đặc biệt có hiềm khích với vị lãnh đạo độc lập bất bạo động Mohandas Gandhi. Churchill mỉa mai Gandhi là “một luật sư nổi loạn của Middle Temple (trường dòng dạy nghề Luật nổi tiếng ở Anh) nay lại xuất hiện như một thầy tu điển hình phương Đông”.
Ông thậm chí còn ủng hộ cứ mặc để cho Gandhi chết trong một cuộc tuyệt thực. Thái độ đế quốc của Churchill cũng được thể hiện đối với những vấn đề liên quan đến các thuộc địa khác của Anh. Ví dụ, ông từng khẳng định, rằng người Zulus, người Afghanistan và thầy tu đạo Hồi là “lũ người man di”.
6. Người đã đoàn kết nhân dân Anh quốc trong Thế chiến II, và đã đưa đất nước này từ bờ vực thất bại đi đến thắng lợi
Churchill lên làm Thủ tướng Anh vào tháng 5 năm 1940, sau khi Thế chiến II bắt đầu, và phát xít Đức xâm chiếm phần lớn châu Âu.
Là một bậc thầy hùng biện, ông đã làm hết sức mình để đoàn kết quốc gia, đối mặt với cuộc tấn công gần như chắc chắn của quân Phát xít, với 6 bài phát biểu quan trọng trong bốn tháng. Trong những phát ngôn đầu tiên đó, ông nói với Quốc hội rằng ông “không có gì để cống hiến ngoài máu, sức lực, nước mắt và mồ hôi”.
Vào ngày 4/6, ông tuyên bố : “Chúng ta sẽ bảo vệ các hòn đảo của chúng ta, bằng bất cứ giá nào. Chúng ta sẽ chiến đấu trên các bãi biển, chúng ta sẽ chiến đấu trên các cứ điểm, chúng ta sẽ chiến đấu trong các khu vực và trên các đường phố, chúng ta sẽ chiến đấu trên các ngọn đồi. Chúng ta sẽ không bao giờ đầu hàng.”
Và vào 18/6, khi Pháp sắp rơi vào tay Đức Quốc Xã, ông nói với nhân dân của mình rằng : “mạnh mẽ và hết lòng với nhiệm vụ để rồi sau này, dù Đế quốc Anh và Khối Thịnh vượng chung có tồn tại ngàn năm, người dân vẫn tự hào nói rằng “đây là thời khắc rực rỡ nhất của họ.”
7. Bị loại ra khỏi nội các Anh trước khi Thế chiến II kết thúc
Vào tháng 7/1945, sau khi Đức đầu hàng nhưng vẫn còn Nhật Bản, Anh đã tổ chức cuộc tổng tuyển cử đầu tiên sau một thập kỷ.
Trước sự ngạc nhiên của nhiều người, Đảng Bảo thủ của Churchill đã thua đậm trước Đảng Lao động. “Họ hoàn toàn có quyền loại chúng tôi ra”, ông thú nhận khi nghe tin. “Đó là dân chủ. Đó là những gì chúng tôi đã phấn đấu”.
Ông quay trở lại vị trí thủ tướng vào năm 1951, tại vị cho đến khi bệnh khiến ông phải từ chức sau 3 năm rưỡi.
8. Người đầu tiên dùng thuật ngữ “Bức màn sắt” (The iron curtain)
Dù lo ngại về chủ nghĩa cộng sản, Churchill sẵn sàng liên minh với Liên Xô trong Chiến tranh Thế giới II.
Tuy nhiên sau đó, ông bắt đầu dấy lên mối nghi ngại nghiêm trọng về mục tiêu của Liên Xô. Trong một bài phát biểu tháng 3/1946, ông đã nói về “một bức màn sắt đã phủ khắp châu lục”.
Ông nói: “Phía sau ranh giới đó, các nước có thể phải chịu các biện pháp kiểm soát gắt gao và ngày càng gia tăng từ Moscow”. Từ đó, các quan chức phương Tây liên tục đề cập đến “bức màn sắt” khi nói về Liên Xô.
9. Một tác gia lỗi lạc với nhiều giải thưởng
Trong cuộc đời của mình, Churchill đã viết khoảng 20 cuốn sách.
Cuốn đầu tiên trong số đó mô tả kinh nghiệm quân sự của ông ở Ấn Độ, Sudan và Nam Phi. Sau đó ông viết một cuốn tiểu sử về cha mình, một tiểu sử về Công tước đầu tiên của Marlborough, nhiều tập sách về Thế chiến I và Thế chiến II, một cuốn sách lịch sử của các dân tộc nói tiếng Anh và một cuốn tiểu thuyết mà ông không khuyến khích bạn bè mình đọc.
Năm 1953, trong nhiệm kỳ thủ tướng thứ hai, ông được nhận giải Nobel Văn học “vì những bài viết lịch sử và tiểu sử đầy uyên thâm, cũng như tài hùng biện phi thường khi bảo vệ cho các giá trị cao quý của con người”./.
Tài liệu tham khảo
Winston Churchill Biography, Biography.com
10 Things You May Not Know About Winston Churchill, Jesse Greenspan, 9/4/2014