Thư cuối tuần - 18/1/2025
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Tối cao Pháp viện Vương quốc Anh xác nhận rằng Scotland và Wales được phép can thiệp vào phiên điều trần xác định xem liệu Thủ tướng Theresa May có thẩm quyền đưa Anh ra khỏi EU mà không cần bỏ phiếu thông qua nghị viện hay không.
Trụ sở Tối Cao Pháp Viện Anh tại London. Ảnh: Yui Mok/PA
Vào đầu tháng này, Pháp viên đã ra phán quyết rằng Điều 50 của Hiệp ước Lisbon, cho phép Anh rời khỏi EU, chỉ có thể được kích hoạt thông qua một cuộc bỏ phiếu bởi Nghị viện Anh.
Chính phủ Anh ngay lập tức kháng cáo quyết định này, cùng với việc Scotland và Wales yêu cầu sự can thiệp ngay sau đó. Chính phủ Anh cho rằng một cuộc bỏ phiếu tại Nghị viện Anh có thể trì hoãn vô thời hạn việc kích hoạt Điều 50 do hầu hết các nghị sĩ Anh muốn nước này ở lại EU.
Hiện chính phủ của Thủ tướng Theresa May đã bắt đầu soạn thảo một dự luật về quy trình Brexit, đồng thời bày tỏ tin tưởng có thể đảo ngược phán quyết của tòa án. Bà May cũng khẳng định sẽ quyết tâm thực hiện “ý nguyện của người dân”, theo đó thời hạn cuối vào tháng 3/2017 nhằm khởi động các cuộc đàm phán về Brexit sẽ không thay đổi.
Trong phiên điều trần chưa từng có tiền lệ, tất cả 11 thẩm phán Tối cao Pháp viện Anh Quốc sẽ họp lại với nhau vào đầu tháng 12 để quyết định xem liệu các dân biểu có thẩm quyền tối cao trong việc bỏ phiếu kích hoạt Điều 50, đi ngược lại với mong muốn của chính phủ Anh và cuộc trưng cầu dân ý mới đây hay không.
Scotland và Wales đã có luật sư của mình tham dự phiên xử trước đó. Nhưng giờ đây, họ sẽ được phép tranh luận trực tiếp về việc kích hoạt Điều 50 mà không thông qua sự đồng ý của Nghị viện của hai quốc gia này sẽ xâm phạm quyền lợi và quyền lực chính phủ của họ như thế nào.
Chính phủ Anh đã bác bỏ các tuyên bố của Scotland cho rằng Nghị viện Holyrood phải có tiếng nói trực tiếp trong việc kích hoạt Điều 50. Họ lập luận rằng các vấn đề ngoại giao và các điều ước pháp lý là những vấn đề hoàn toàn thuộc quyền của chính phủ Anh và họ được độc quyền kiểm soát.
Một phát ngôn viên của chính phủ Anh cho biết “Lập trường của chính phủ Anh vẫn giữ nguyên, và chúng tôi sẽ có những tranh luận pháp lý sắc bén tại tòa vào tháng tới,” ông nói.
Tuyên bố của Tối cao Pháp viện đề nghị chính phủ Scotland đóng một vai trò tương đối hạn chế trong phiên xử, tập trung vào phạm vi của pháp luật Scotland có tính liên quan và mới mẻ đối với vụ việc.
Nicola Sturgeon, Bộ trưởng thứ nhất của Scotland, cho biết việc kích hoạt Điều 50 đặt ra câu hỏi lớn về thẩm quyền thật sự của Nghị viện Scotland bởi vì quyền hạn và nhiệm vụ trong phạm vi bị ảnh hưởng trực tiếp bởi EU đã được xác định rõ ràng về mặt pháp lý.
Bà Nicola Sturgeon – Bộ trưởng thứ nhất của Scotland. Ảnh: Crowfunder.co.uk
“Chính phủ Scotland nhận thức rõ việc kích hoạt Điều 50 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích được chuyển giao ở Scotland,” bà nói. “Và việc kích hoạt Điều 50 chắc chắn sẽ làm cho người dân Scotland và các doanh nghiệp của Scotland mất đi các quyền lợi và quyền tự do mà họ đang được hưởng”. Bà Sturgeon cho rằng việc kích hoạt này phải được Nghị viện của Vương quốc Anh đưa ra bàn thảo, xem xét kỹ lưỡng và chấp thuận. Trong khi đó Nghị viện Scotland cũng phải được có ý kiến trước.
Bà Sturgeon còn nhấn mạnh Scotland không muốn làm người dân xứ England và xứ Wales tức giận bởi Scotland luôn tôn trọng nguyện vọng của họ ra khỏi EU, nhưng Vương Quốc Anh cũng cần đảm bảo nguyện vọng dân chủ của người Scotland và của Quốc hội Scotland không bị gạt sang một bên. Bà Sturgeon cũng kêu gọi Thủ tướng Anh Theresa May tôn trọng lời hứa sẽ đối xử với Scotland như một thành viên bình đẳng trong Vương quốc Anh và phải lắng nghe nguyện vọng của người dân xứ này.
“Nghị viện có quyền quyết định việc kích hoạt Điều 50,” Russell bộ trưởng Brexit của chính phủ Scotland nói. “Chúng tôi thừa nhận quyết định của người dân Anh và Wales ủng hộ Brexit, nhưng quan điểm của người Scotland không thể bị gạt sang một bên một cách dễ dàng.”
Chính phủ Wales là người đầu tiên kêu gọi quyền can thiệp, vào ngày 04 tháng 11, nhưng không giống chính phủ Scotland, chính phủ Wales lại chấp nhận quyết định rời khỏi EU, sau khi Wales bỏ phiếu một cách sít sao chọn rời khỏi EU – Brexit.
Mick Antoniw, cố vấn pháp lý cho Wales cho biết phiên điều trần liên quan đến Điều 50 “đặt ra các vấn đề có tầm quan trọng sâu sắc” cho các quốc gia liên quan. Chính phủ Wales cũng lo lắng về việc đảm bảo tiếng nói của mình không bị lấn át vào những tháng tới đây.
“Vụ việc này không phải là về việc liệu Anh có rời khỏi EU hay không,” Antoniw cho biết vào hôm thứ Sáu. “Nếu thật sự người dân quyết tâm chọn Anh rời khỏi EU, nước Anh sẽ làm như vậy. Vấn đề pháp lý duy nhất nằm ở việc là liệu chính phủ Anh có thể, như là đối tượng của luật hiến pháp, sử dụng đặc quyền để đưa ra thông báo rút khỏi Liên minh châu Âu hay không.”
Kết quả phiếu bầu Brexit tính theo từng vùng của Vương Quốc Anh. Nguồn: ảnh.
Ba bên sẽ tranh luận bảo vệ lập trường của mình tại phiên điều trần dự kiến vào đầu tháng Mười Hai. Tối cao Pháp viện Anh cho biết Hội đồng thẩm phán sẽ dành ra 4 ngày trước ngày 5/12 – thời điểm ra phán quyết quan trọng liên quan việc khởi động tiến trình đàm phán về Brexit, để xem xét kháng cáo của Chính phủ Anh và có thể sẽ ra phán quyết cuối cùng vào đầu năm mới 2017.
Như vậy, sau khi đa số các cử tri Anh chọn rời khỏi EU vào tháng 6 năm 2016, một loạt vấn đề pháp lý phát sinh liên quan đến ý nghĩa pháp lý của cuộc trưng cầu dân ý.
Cuộc trưng cầu dân ý thì không có tính ràng buộc về mặt pháp lý, nhưng cựu Thủ tướng David Cameron đã cam kết thực hiện kết quả của cuộc trưng cầu dân ý đó. Vấn đề phức tạp hơn đó là thực tế cả Scotland và Bắc Ireland chọn ở lại EU và thông báo ý định sẽ rời khỏi Vương quốc Anh nếu chính phủ Anh tiếp tục các thủ tục hoàn tất Brexit.
Tháng trước, Tối cao Pháp viện Bắc Ireland bác bỏ các yêu cầu phủ nhận cuộc trưng cầu dân ý Brexit, cáo buộc rằng cuộc trưng cầu dân ý không có tính ràng buộc đối với Bắc Ireland.
Nguồn tham khảo
UK Supreme Court allows Scotland and Wales to enter Brexit lawsuit; Matthew Santiago; Jurist