Tội phạm phát-xít đã bị xét xử như thế nào?

Tội phạm phát-xít đã bị xét xử như thế nào?
Adolf Hitler (Ảnh: Getty Images)

Không có phiên tòa nào có thể cho thấy bản chất và nguyên nhân dẫn tới cái ác rõ ràng hơn những phiên tòa Nuremberg, được diễn ra từ năm 1945 đến năm 1949. Những ai đến với Nuremberg với ý định sẽ được nhìn thấy những con quỷ bạo tàn đội lốt người trước vành móng ngựa thường ra về trong thất vọng.

Sở dĩ phiên tòa này có thể gây sốc cho công chúng là vì các bị cáo hoàn toàn mang một dáng vẻ bình dị, như tất cả mọi người khác trong xã hội. Một người đàn ông vẫn luôn là một người cha tốt, tử tế ngay cả với động vật, thậm chí khiêm tốn – nhưng đồng thời cũng có thể phạm các tội ác kinh người.

Nhiều năm sau đó, khi báo cáo về phiên tòa xử Adolf Eichmann, Hannah Arendt đã viết, “cái ác vốn tầm thường”. Giống như Eichmann, các bị cáo của chuỗi phiên tòa khét tiếng nhất nhì lịch sử thế giới hiện đại chưa bao giờ mong muốn, hay thậm chí không nghĩ rằng mình là kẻ thủ ác.

Thay vào đó, họ gắn kết một cách cực đoan danh tính của bản thân với một ý thức hệ, mà ý thức hệ ấy vốn tự thân nó khiếm khuyết trí tưởng tượng, tính cởi mở và đồng cảm. Điều này đã làm họ trở nên mù quáng, để rồi họ không thể đánh giá đầy đủ những hệ quả nhân tính từ các quyết định trong sự nghiệp chính trị của mình.

Mười hai phiên tòa, với hơn 100 bị cáo tại nhiều tòa án khác nhau đã diễn ra ở Nuremberg từ năm 1945 đến năm 1949. Không có gì bất ngờ, là đến tận ngày nay, tâm điểm của mọi chú ý vẫn luôn là phiên Nuremberg đầu tiên về 21 trọng tội chiến tranh. Tuy nhiên, rất nhiều trong số 11 phiên Nuremberg sau đó cũng có những vấn đề và đáng suy nghĩ không kém phiên xử Trọng tội chiến tranh đầu tiên.

Ví dụ, phiên xử Tư pháp (The Justice Trial) xử 16 thẩm phán và quan chức của chính phủ Đức Quốc Xã. Đây là phiên xét xử xem xét trách nhiệm hình sự của các thẩm phán đã chấp nhận thực thi những đạo luật vô đạo đức.

Một tội phạm chiến tranh trong WWII -Reischsmarschall Hermann Goering – bị đưa ra xét xử tại tòa án Nuremberg. Nguồn: History.com

Phiên tòa Tư pháp đã trở thành nguồn cảm hứng cho một bộ phim Hollywood nổi tiếng với tựa đề “Phán quyết tại Nuremberg” (Judgment at Nuremberg). Những phiên tòa khác tiếp theo đó như phiên xử Bác sĩ (ND: Doctors Trial – xét xử các Các bác sĩ y khoa của Đức Quốc xã bị cáo buộc can dự vào những thí nghiệm trên người sống) hay phiên xử các đội đặc nhiệm (ND: Einsatzgruppen Trial – xét xử các đội đặc nhiệm dưới thời Đức Quốc xã bị cáo buộc sát hại người Do Thái và chính ủy Liên Xô, các dân tộc Slav… ở Đông Âu) đặc biệt thuyết phục bởi những sự kiện khủng khiếp được miêu tả qua lời kể của nhân chứng.

Quan điểm của phe Đồng Minh

Năm 1944, khi chiến thắng cuối cùng có vẻ nghiêng về phe Đồng Minh, Tổng thống Franklin Roosevelt đã yêu cầu Cục Chiến tranh Hoa Kỳ (sau này đã được sát nhập với Cục Binh chủng Không quân và Cục Hải quân để hình thành Bộ Quốc Phòng hiện nay – ND) lập một kế hoạch nhằm đem tội phạm chiến tranh ra công lý.

Tuy nhiên, trước khi Cục Chiến tranh có thể đưa ra một kế hoạch cụ thể, Bộ trưởng Tài chính Henry Morgenthau đã gửi ý tưởng của riêng ông về vấn đề này tới Tổng thống. Đề xuất “ăn miếng trả miếng” của Morgenthau đưa ra gợi ý là nên bắn bỏ tại chỗ nhiều lãnh đạo chủ chốt của Quốc xã tại thời điểm bắt được, và “đuổi cổ” những kẻ còn lại đến những vùng đất xa xôi trên thế giới.

Theo kế hoạch của Morgenthau, tù binh chiến tranh Đức sẽ bị buộc làm việc để tái xây dựng châu Âu. Vị Bộ trưởng Tài chính thậm chí còn hướng đến ý tưởng hủy diệt nền móng công nghiệp mạnh mẽ của Đức và biến nước này thành một quốc gia yếu kém, nông nghiệp.

Cục trưởng Cục Chiến tranh, Henry Stimson nhìn nhận sự việc khác hẳn so với Morgenthau. Một đề xuất phản biện mà Stimson ủng hộ, được hoàn thiện bởi Đại tá Murray Berays của Nhánh Dự án Đặc biệt, có nội dung trái ngược với ý tưởng của Bộ Tài chính.

Theo đó, phe Đồng minh sẽ đưa những lãnh đạo Quốc xã có trách nhiệm ra tòa. Kế hoạch của Cục Chiến tranh là coi những hành động tàn bạo và việc phát động một cuộc chiến tranh xâm lược là tội phạm chiến tranh. Cụ thể hơn, kế hoạch này kiến nghị nên xử lý chế độ Đức Quốc xã như một vụ án hình sự.

Đến cuối cùng, Tổng thống Roosevelt đã chọn ủng hộ kế hoạch của Cục Chiến tranh. Tuy nhiên, những lãnh đạo đồng minh khác cũng có chính kiến của riêng mình.

Churchill đã từng nói với Stalin rằng, ông ủng hộ việc hành hình những thủ lĩnh Đức Quốc xã bị bắt. Stalin đã trả lời: “Ở Liên Xô, chúng tôi không bao giờ hành quyết ai mà không thông qua xét xử”. Churchill đồng ý: “Tất nhiên, tất nhiên. Chúng ta nên xét xử họ trước tiên”. Và thế là cả ba nhà lãnh đạo thế giới khi đó đã ban hành một tuyên bố chung tại Yalta vào tháng 2/1945, đi kèm với một số thủ tục pháp lý dành cho những lãnh đạo phe kẻ thù đã bị bắt giữ.

Thẩm phán Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ Robert Jackson. Ảnh: history.com.

Từ chiến tranh đến tòa án

Vào tháng 4/1945, hai tuần sau cái chết đột ngột của Tổng thống Mỹ Roosevelt, Thẩm phán Tối cao Pháp viện Robert Jackson tiếp Samuel Rosenman tại nhà riêng. Rosenman đã thay mặt cho Tổng thống Truman yêu cầu Jackson trở thành Công tố viên trưởng của Hiệp chúng quốc Hoa Kỳ tại phiên tòa xét xử các tội phạm chiến tranh sau khi thế chiến kết thúc.

Truman muốn có một gương mặt đáng kính, một người liêm chính không thể gây tranh cãi, và một nhà hùng biện hạng nhất để đại diện cho Hoa Kỳ. Và Roseman đã khẳng định, người đó chỉ có thể là Thẩm phán Jackson. Ba ngày sau đó, Jackson đồng ý. Vào ngày 2/5, Harry Truman đã bổ nhiệm Jackson làm công tố viên trưởng. Nhưng công tố viên của ai, dưới cơ chế nào? Nhiều câu hỏi vẫn chưa được giải đáp.

Một số lãnh đạo Đức Quốc xã đã thoát khỏi phiên tòa và sự trừng phạt. Hai ngày trước khi Jackson được bổ nhiệm, trong một boongke dày khoảng 7 mét dưới hệ thống thoát nước của Berlin, Adolf Hitler tự sát.

Không lâu sau đó, Heinrich Himmler, có thể là gương mặt đáng sợ nhất nhì của chế độ Phát xít Đức, đã uống tinh thể Xyanua trong khi được kiểm tra sức khỏe bởi một bác sĩ người Anh. Ông ta chết chỉ vài phút sau đó.

Không có mặt tại phiên tòa còn có Joseph Goebbels (đã chết) và Martin Bormann (mất tích). Tuy vậy, nhiều thủ lĩnh phe Quốc xã đã rơi vào tay quân Đồng minh, vì đầu hàng hoặc bị bắt. “Phó tướng” của Hitler là Rudolph Hess đã bị bắt từ năm 1941 khi đang nhảy dù xuống bầu trời nước Anh trong một nỗ lực cá nhân nhằm thuyết phục lãnh đạo Anh quốc giảng hòa với chính quyền Đức quốc xã.

Reischsmarschall Hermann Goering đầu hàng quân Mỹ vào ngày 6/5/1945. Ông đã uống rượu và hát hò với các sỹ quan người Mỹ trong đêm đầu tiên bị bắt. Những sỹ quan này sau đó đã bị Tướng Eisenhower khiển trách vì những đãi ngộ đặc biệt với kẻ địch.

Hans Frank, “Tay đồ tể người Do Thái ở Cracow”, thì không nhận được đãi ngộ thân thiện như thế từ binh sỹ Mỹ ở Bavaria. Họ đã bắt hắn phải chạy qua đoạn đường 70 foot (khoảng 22 m) bao quanh bởi lính Mỹ, và bị đấm đá trên suốt quãng đường đó.

Những nghi can tội phạm chiến tranh khác bị quân lực Anh vây bắt vào ngày 23/5 ở Flensburg, vị trí cuối cùng còn tồn tại chính quyền thuộc Quốc xã. Nhóm bị bắt tại Flensburg bao gồm Karl Doenitz (người kế thừa vai trò Quốc trưởng của Hitler), Field Marshall Wilhelm Keitel, nhà triết học của Đảng Quốc xã Alfred Rosenberg, Tướng Alfred Jodl, và Bộ trưởng Vũ trang Albert Speer. Cuối cùng, đã có 22 trong số những kẻ tai to mặt lớn của chính quyền Đức Quốc xã bị quân Đồng minh bắt giữ, được mang ra truy tố trước tòa.

Các bị cáo khét tiếng tại phiên xử Nuremberg. Hàng đầu (từ trái sang phải): Hermann Goering, Rudolf Hess, Joachim Von Ribbentrop, Wilhelm Keitel và Ernst Kaltenbrunner. Hàng sau (từ trái sang phải): Karl Doenitz, Erich Raeder, Baldur von Schirach and Fritz Sauckel. Ảnh: Getty Images.

Áp dụng phương pháp tranh tụng của hệ thống luật Anh – Mỹ

Vào ngày 26 tháng 7, Robert Jackson bay đến London gặp các đại biểu từ ba thế lực Đồng minh để thảo luận về những gì thủ tục tố tụng dành cho phiên xử các lãnh tụ Đức Quốc xã đang bị giam giữ. Mỗi quốc gia có luật hình sự của riêng mình, và vì vậy, họ cũng có các quan điểm khác nhau trong việc tổ chức phiên tòa.

Jackson dành ra một khoản thời gian đáng kể để giải thích tại sao những đạo luật hình sự liên quan đến tội chiến tranh xâm lược và tội ác chống lại loài người mà ông đề xuất soạn thảo để xét xử ở Nuremberg, sẽ không phải là các điều luật mang hiệu lực hồi tố (ex post facto laws). Jackson đã đàm phán với những quốc gia khác rằng: “Những gì chúng ta đề xuất là để trừng phạt những hành vi vốn bị coi là tội ác kể từ thời đại của Cain (Ý nói đến ngụ ngôn Cain giết anh trai Able trong Kinh thánh-ND), và điều này đã được ghi nhận trong bất kỳ bộ luật văn minh hiện đại nào”.

Các đại biểu cũng tranh luận liệu có nên sử dụng hình thức tố tụng tranh tụng (adversarial system) theo hệ thống Anh-Mỹ, vốn tập trung vào vai trò của luật sư biện hộ cho bị cáo và bên công tố, hay là hình thức tố tụng thẩm vấn (inquisitive system) – tập trung vào vai trò của thẩm phán thường được áp dụng ở Pháp và Liên Xô.

Sau 10 ngày tranh luận, quy trình đã được định hình ngày một rõ ràng.

Tòa được gọi là Tòa án Quân sự Quốc tế, và sẽ bao gồm một chánh thẩm và một thẩm phán luân phiên đến từ mỗi nước. Quy trình tố tụng tranh tụng của Anh-Mỹ sẽ được áp dụng. Các cáo trạng chống lại các bị can nghiêm cấm những lời biện hộ dựa trên mệnh lệnh cấp cao, cũng như ngụy biện “anh cũng vậy” (tu quote). Các đại biểu hạ quyết tâm là họ sẽ không để cho các bị can và luật sư bào chữa người Đức biến phiên tòa thành nơi có thể phơi bày những hành vi gây chiến đáng tranh cãi từ phía lực lượng Đồng minh.

Binh lính Đức Quốc xã tại một phiên mít tinh ủng hộ Hitler năm 1936 ở Nuremberg. Ảnh: history.com.

Jackson tin rằng các phiên tòa xử tội phạm chiến tranh nên được tổ chức ngay tại Đức. Vào năm 1945, ở vài thành phố ở Đức đã có những tòa án đã từng là nơi xét xử các phiên xét xử lớn. Một trong số ít các thành phố đó là Nuremberg, với quảng trường Zeppelin nơi mà các cuộc mít tinh, diễu hành ngoạn mục nhất ủng hộ Đức Quốc xã của Hitler đã từng xảy ra. Cũng chính tại Nuremberg, vị thủ lĩnh Đức quốc xã đã ban hành Đạo luật Nuremberg khét tiếng, tước quyền công dân của người Do Thái, cũng như tài sản và các quyền cơ bản khác của họ.

Robert Jackson thích tính tương quang đó. Tuy thành phố đã bị phá hủy 91%, nhưng bên cạnh Cung điện Công lý, khách sạn tốt nhất của thành phố là Grand Hotel lại được bảo toàn một cách thần kỳ và có thể sử dụng làm cơ sở điều hành cho các quan chức tòa án và báo chí thế giới. Trước sự phản đối của Liên Xô (vốn ưa chuộng Berlin hơn), các đại diện Đồng minh vẫn quyết định tiến hành phiên tòa ở Nuremberg.

Vào ngày 6/8, các đại biểu đã ký kết Hiến chương Tòa án Quân sự Quốc tế (Charter of the International Military Tribunal), thiết lập hành lang pháp lý và quy trình tố tụng cho các phiên tòa Nuremberg. Sáu ngày sau đó, một máy bay chở hàng đã chuyển hầu hết các bị can phạm trọng tội chiến tranh đáp xuống Nuremberg. Quân đội Đồng minh đã đưa các tù nhân vào xe cứu thương và chở họ đến một nhà giam kiên cố ở Cung điện Công lý, nơi họ sẽ ở đó trong 14 tháng tiếp theo.

Các thẩm phán của Tòa án Quân sự Quốc tế gặp nhau lần đầu vào ngày 13/10. Thẩm phán người Mỹ là Francis Biddle, được Harry Truman chỉ định. Robert Jackson đã ngăn cản không để cho Biddle, một người liều lĩnh có được vị trí chủ tọa, và ủng hộ vị thẩm phán người Anh là Ngài Geoffrey Lawrence đảm đương vai trò đó.

Jackson cho rằng, chọn một người Anh đứng đầu Tòa án Quân sự Quốc tế sẽ giảm bớt những chỉ trích đối với việc người Mỹ đang đóng vai trò quá lớn ở các phiên tòa Nuremberg. Các phiếu từ Mỹ, Anh và Pháp đã bầu Lawrence làm chủ tọa.

Các quan tòa đến từ 4 quốc gia khác nhau để xét xử tội phạm Đức Quốc xã tại Nuremberg. Ảnh: history.com

Càng gần đến ngày mở phiên xét xử 20/11, càng có nhiều khách đến Nuremberg.

Đội ngũ hơn 600 nhân viên công tố của Mỹ cộng thêm hàng trăm người từ ba cường quốc còn lại đã tập hợp lại, bắt đầu thẩm vấn những nhân chứng có tiềm năng và xác định tài liệu trong số hơn 100.000 người bị bắt để phục vụ cho các trường hợp bị truy tố.

Các luật sư Đức, một số trong đó từng là người của Đức Quốc xã, cũng đến và phỏng vấn thân chủ của họ để bắt đầu chuẩn bị cho phiên xét xử. Báo chí thế giới đổ về Grand Hotel. Và bất kỳ góc nào mà họ có thể tìm được, bắt đầu viết về những đặc trưng cơ bản của phiên tòa sắp tới. Gần một nghìn công nhân vội vã hoàn thành công trình phục hồi Cung điện Công lý.

***

Các phiên tòa ở Nuremberg còn tiếp tục kéo dài hơn hai năm sau đó. Tuy nhiên, Tòa án Quân sự Quốc tế đã hoàn thành nhiệm vụ của nó vào ngày 30/9/1946. Tất cả thẩm phán của các phiên Nuremberg tiếp theo đều được lấy từ cơ quan tư pháp Hoa Kỳ. Những phiên tòa Nuremberg tiếp tục dấy lên các cuộc tranh luận. Nghi vấn được đặt ra đối với cả tính hợp pháp của tòa án và tính thích đáng của các bản án cá nhân được tuyên.

Quan trọng hơn, có thể là câu hỏi liệu “Phiên tòa Nuremberg” có ý nghĩa quan trọng nào hay không? Không ai có thể phủ nhận rằng phiên tòa này đã cung cấp hồ sơ thấu đáo về tội ác của phát xít Đức. Trong hơn một nửa thế kỷ, những hình ảnh và lời khai đi ra từ Nuremberg không hề mất đi tính kinh hoàng của nó.

Các phiên tòa cũng giúp bắt các bị cáo phải đối mặt và nhìn nhận những tội ác khủng khiếp mà mình gây ra, và không cho phép những người này có cơ hội “tử vì đạo” một cách đầy chính nghĩa trong mắt công chúng Đức. Không có bức tượng tưởng niệm anh hùng chiến tranh nào dành cho Đức quốc xã. Những tiết lộ của Nuremberg cũng đã góp phần xây dựng nền dân chủ ở Đức về sau.

Tuy nhiên, những phiên tòa Nuremberg không hoàn thành được giấc mơ vĩ đại của những người mong muốn lập ra nó.

Họ đã không thành công trong việc chấm dứt chiến tranh xâm lược. Họ đã không thể đặt dấu chấm hết cho nạn diệt chủng. Tội ác chống lại loài người vẫn còn hiện hữu bên cạnh chúng ta.

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.