Xã hội dân sự và phát triển quốc gia - Kỳ 1: Vốn xã hội
Từ lúc chính thức ngồi vào ghế tổng bí thư, ông Tô Lâm đã có một số diễn ngôn đưa
Cùng ngày hôm nay, vào năm 1865, Tu chính án thứ 13 của Hiến Pháp Hoa Kỳ được phê chuẩn bởi các tiểu bang, chính thức kết thúc chế định nô lệ tại Hoa Kỳ.
Tu chính án này đặc biệt bởi nó hạn chế quyền của công dân Hoa Kỳ được phép sở hữu nô lệ hay tham gia vào bất kỳ hình thức khổ sai nào khác, trong khi hầu hết các điều khoản còn lại của Hiến Pháp Hoa Kỳ nhằm hạn chế hay quản lý chính thể nhà nước. Mặt khác, Tu chính án này cũng đặc biệt bởi đây là nội dung đầu tiên trong Hiến pháp Hoa Kỳ đề cập đến chế độ nô lệ một cách trực tiếp.
“Không có bất kỳ hình thức nô lệ hay các hình thức khổ sai phi tự nguyện nào khác được phép tồn tại bên trong lãnh thổ, hoặc thuộc vùng nào khác thuộc thẩm quyền quản lý của Nhà Nước Hoa Kỳ, trừ trường hợp được áp dụng như là hình phạt dành cho những tội phạm đã được kết án hợp pháp”.
Với những dòng chữ tưởng chừng đơn giản này, sự thay đổi to lớn nhất, thành quả của cuộc Nội Chiến Hoa Kỳ đã được ghi nhận.
Quá trình phê chuẩn được thực hiện sau tám tháng kể từ khi kết thúc cuộc nội chiến, nhưng lại là cực điểm sự đấu tranh tư duy pháp lý, xã hội về nô lệ.
Khi chiến tranh vừa bắt đầu, nhiều luồng ý kiến chính trị tại Miền Bắc Hoa Kỳ có xu hướng phản chiến, cho rằng một cuộc chiến tranh chống lại liên bang Miền Nam không khác gì một cuộc thánh chiến vì người nô lệ da đen, và vì vậy không cần thiết.
Tranh vẽ một cuộc đấu giá nô lệ tại tiểu bang Virginia. Ảnh: history
Dù rất nhiều thành viên đảng Dân Chủ và Cộng Hòa cùng nhau chống đối việc mở rộng phạm vi chế định và số lượng nô lệ, còn rất nhiều ý kiến trái chiếu và mâu thuẫn giữa các bên. Trong đó, Đảng Dân Chủ có xu hướng phản chiến; và nhiều thành viên cấp cao Đảng Cộng Hòa, trong đó có Tổng thống Lincoln, chủ chiến.
Tình hình căng thẳng leo thang giữa hai miền sau Trận Bull Run, Virginia, tháng 7 năm 1861, khiến các bên xem xét lại vai trò của chế độ nô lệ trong tranh chấp của hai miền.
Đến năm 1861, Lincoln nhận ra rằng sẽ vô cùng dại dột nếu tiếp tục cuộc nội chiến đẫm máu mà không có kế hoạch nào để chấm dứt chế độ nô lệ.
Vì vậy, vào tháng 9 năm 1862, ngay sau chiến thắng Antietam tại Maryland của quân đội Miền Bắc, Tổng thống Lincoln ban hành Tuyên Ngôn Giải Phóng Nô Lệ, tuyên bố rằng nô lệ trên vùng lãnh thổ của Hoa Kỳ còn đang diễn ra chiến sự, kể từ ngày 1 tháng 1 năm 1863, sẽ được giải phóng khỏi kiếp nô lệ vĩnh viễn.
Hành động này có vẻ chỉ có giá trị biểu tượng, khi lại giải phóng những nô lệ không thuộc khu vực kiểm soát của chính phủ Liên bang. Nhưng thực tế nó lại tạo ra ý nghĩa chính danh rất lớn – biến cuộc nội chiến thống nhất đất nước trở thành một cuộc nội chiến mà trong đó, bao hàm việc triệt tiêu chế độ nô lệ.
Tổng thống Lincoln cũng tin rằng sửa đổi Hiến Pháp Hoa Kỳ là cần thiết để bảo đảm sự chấm dứt chế độ nô lệ có căn cứ và được thực thi.
Năm 1864, Nghị Viện Hoa Kỳ đã tranh luận một số dự thảo đề xuất liên quan. Hạ nghị sĩ James Mitchell Ashley là người đầu tiên đề xuất lên nhị viện Tu chính án. Một số kiến nghị cho rằng cần ghi nhận cả các quy định để chống phân biệt đối xử đối với người da đen, nhưng Ủy Ban Pháp Luật Thượng Viện là cơ quan đưa ra tiếng nói cuối cùng. Trong đó, họ đã mượn cách tiếp cận và ngôn ngữ từ Pháp Lệnh Tây Bắc, năm 1787, khi chế độ nô lệ bị cấm tại vùng phía bắc sông Ohio. Thượng viện thông qua Tu chính án này vào tháng 04 năm 1864.
Chiến thắng của Đảng Cộng Hòa trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 1864 là một bảo đảm chắc chắn cho sự thông qua của Tu chính án thứ 13.
Cương lĩnh cũng Đảng Cộng Hòa kêu gọi “một sự hủy bỏ hoàn toàn và tận gốc” chế độ nô lệ, trong khi các chính trị gia Dân Chủ thời kỳ đó ưa thích lựa chọn phục hồi thẩm quyền tự quyết của các tiểu bang, bao gồm việc để tiểu bang tự quyết định có nên duy trì chế độ nô lệ hay không.
Chiến thắng áp đảo của Lincoln đánh dấu cho sự khởi động mạnh mẽ cho quá trình phê chuẩn Tu chính án tại các tiểu bang. Hạ viện Hoa Kỳ thông qua dự thảo vào tháng 1 năm 1865 và gửi đến các tiểu bang phê chuẩn.
Khi bang Georgia – tiểu bang cuối cùng cần thiết để việc sửa đổi Hiến pháp có hiệu lực – phê chuẩn dự thảo Tu chính án thứ 13 vào ngày 6 tháng 12 năm 1865, chế định nô lệ chính thức chấm dứt sự tồn tại pháp lý đau thương của nó trên lãnh thổ Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, tại một số địa phương, thực hành hoạt động chiếm hữu nô lệ không hoàn toàn chấm dứt về mặt thực tế. Nhiều người trước đó là nô lệ hay các công dân nghèo không thể trả nợ cho chủ đồn điền hoặc nhà máy bị buộc cuốn vào vòng xoáy làm việc không lương không bao giờ chấm dứt. Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ đặt dấu chấm hết cho hình thức nô lệ “trá hình” với Án lệ Bailey v. Alabama (1911), khi tuyên rằng hình thức trả nợ này là vi hiến.
Tài liệu tổng hợp