‘Ông lớn’ truyền hình VTC dừng phát sóng; TP. HCM, Hà Nội ‘chữa cháy’ cho Nghị định 168
Các sự kiện nổi bật: * VTC từ biệt khán giả * TP. HCM, Hà Nội “giải cứu” giao thông sau Nghị
Vài lời thưa trước: Thật khó để tiếp tục nói về việc xoá bỏ án tử hình trong bối cảnh hiện nay. Ở Thổ Nhĩ Kỳ, khủng bố đe doạ an ninh và hoà bình thế giới. Ở Đức, người ta đang buộc tội những người theo chủ nghĩa hoà bình đã quá nương tay, khiến cho đất nước trở nên mất an toàn. Bầu không khí hiếu chiến bao trùm mọi nơi, và Việt Nam không ngoại lệ. Tuy nhiên, tôi tin rằng trong những lúc con người thiếu khoan dung nhất thì chúng ta càng phải nói lên các quan điểm trái chiều.
Lá thư trước của tôi về án tử hình gặp rất nhiều sự phản đối từ độc giả. Họ chỉ trích bài viết quá cảm tính và không thực sự phù hợp với bối cảnh Việt Nam hiện nay. Độc giả cũng chỉ trích rằng quan điểm của tôi quá “cực tả” và những gì tôi nói về khía cảnh nhân đạo không được phép áp dụng cho những kẻ giết người. Họ cũng đặt ngược lại câu hỏi cho tôi rằng nếu tôi thương cảm cho thủ phạm giết người, ai thương cảm cho gia đình nạn nhân.
Bản thân tôi rất mừng khi chứng kiến những tranh luận đó. Đó là mục tiêu chính của tôi khi tham gia diễn đàn Luật Khoa – tạo ra một tranh luận bổ ích và khách quan về các chủ đề nhân quyền.
Là một người tôn trọng các giá trị nhân quyền, tôi cũng đặt giá trị khoan dung lên hàng đầu, sẵn sàng trao đổi và trân trọng các ý kiến trái chiều. Tôi mong rằng những cuộc tranh luận tiếp theo của chúng ta sẽ dựa trên tinh thần đa nguyên và khoan dung đó. Quan điểm của mỗi người hình thành qua quá trình tồn tại và học hỏi và tôi không có tham vọng thay đổi quan điểm của bất kỳ ai chỉ qua một bài viết – nhưng tôi tin rằng tôi có thể cho họ thêm thông tin về những quan điểm trái chiều với họ.
Trên hết, tôi mong rằng bản thân có thể học hỏi thêm từ những người tham gia tranh luận với tôi vì cuối cùng thì chúng ta cùng sống trong một đất nước, một trái đất và cùng hít thở một bầu không khí. Chúng ta có thể khác nhau về quan điểm nhưng giống nhau về nhiều thứ và đặc biệt là mong muốn cho xã hội tốt đẹp hơn, bằng cách này hay cách khác.
Thể theo nguyện vọng của nhiều độc giả muốn nhìn nhận vấn đề án tử hình một cách bài bản hơn – tôi xin được phép tiếp tục viết về chủ đề này với nhiều góc nhìn. Trong bài này, tôi sẽ nhìn nhận án tử hình dưới góc nhìn của luật nhân quyền quốc tế. Trong những bài tiếp theo, chúng ta sẽ xem xét nó dưới khía cạnh triết học pháp quyền và các khía cạnh về lợi và hại của án tử hình.
Quốc gia kiểu gì thì sẽ xoá án tử?
Tranh luận về án tử hình trên góc độ luật Nhân quyền quốc tế có một lịch sử lâu đời và vẫn chưa kết thúc. Tuy nhiên, theo một báo cáo năm 2015 của Ân xá Quốc tế (International Amnesty), hiện đã có 102 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới (gọi chung là “nước” hoặc “quốc gia”) xoá bỏ hoàn toàn án tử hình trong luật pháp hình sự, 6 nước xoá bỏ án tử hình cho các tội thông thường (ví dụ như mưu sát, tham nhũng) và chỉ duy trì cho những tội ác về diệt chủng hoặc tội phạm chiến tranh, và 32 nước không tuyên án tử hình từ nhiều năm nay.[1]
Bản đồ án tử hình thế giới tháng 6-2015. Ảnh: The Economist
Các nước còn duy trì án tử hình lại là những nước đông dân như Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ, Pakistan, Việt Nam, Indonesia, Nhật Bản…[2] Có tổng cộng 58 nước còn duy trì án tử hình, trong đó có cả những đại diện lớn nhất của cánh tả (Trung Quốc, Cuba, Việt Nam, Bắc Hàn), cánh hữu (Mỹ, Singapore), và các nước trung dung (Đài Loan, Indonesia, Malaysia, Nhật Bản). Tương tự như vậy, trong những nước đã xoá bỏ án tử hình, có rất nhiều quốc gia có nền chính trị cánh hữu (Anh, Ý, Philippines, Nga, Hàn Quốc, Israel…).[3]
Tóm lại, việc một nước có xoá bỏ án tử hình hay không rõ ràng không phụ thuộc vào quan điểm và xu hướng chính trị mà nước đó theo đuổi. Gọi những người kêu gọi xoá bỏ án tử hình là cánh hữu hay cánh tả là một nhận định không có cơ sở.
Bên cạnh đó, có những nước rất giàu nhưng vẫn duy trì án tử hình như Mỹ và có những nước rất nghèo nhưng đã xoá bỏ án tử hình như Lào, Albania. Có những nước theo thể chế dân chủ vẫn duy trì án tử và có những nước có thể chế đóng hơn đã xoá bỏ án tử. Có những nước ít dân vẫn duy trì án tử (Bahamas) và có những nước đông dân đã xoá bỏ án tử (Nga, Brazil, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ).
Một trong những nguyên nhân mà các quốc gia xoá bỏ án tử hình chính là nghĩa vụ của quốc gia theo luật nhân quyền quốc tế.
Luật Nhân quyền Quốc tế về án tử hình
Tất cả các công ước khung về nhân quyền trên thế giới đều đề cao quyền sống (right to life) của mọi người.
Tuyên ngôn Nhân quyền Phổ quát (Universal Declaration of Human Rights), văn kiện nhân quyền tối cao của Liên Hiệp Quốc, ghi nhận quyền sống ở Điều 3. Hiến chương Quyền Căn bản của Liên minh Châu Âu (Charter of Fundamental Rights of European Union) thậm chí còn cấm tuyệt đối án tử hình (Điều 2.2).[4]
Luật Nhân quyền Quốc tế coi quyền sống bên cạnh quyền tự do tư tưởng (freedom of thought), tự do lương tâm (freedom of conscience), tự do tôn giáo (freedom of religions), và các quyền tự do thân thể (như quyền không bị tra tấn, không bị bắt làm nô lệ) là những quyền tuyệt đối (absolute rights) – tức là không có bất kỳ trường hợp nào Nhà nước được giới hạn những quyền này.
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra rằng liệu có trường hợp nào quyền sống có thể bị tước đoạt vì an ninh chung không? Câu trả lời là có.
Một Công ước quan trọng khác của Liên Hiệp Quốc là Công ước về các quyền dân sự, chính trị (ICCPR) ghi nhận rằng “tất cả mọi người đều có quyền sống” và “không một ai bị tước đoạt mạng sống một cách tuỳ tiện (arbitrally deprived of his life)” (Điều 6.1). Như vậy, ICCPR để ngỏ một khả năng là mạng sống con người vẫn có thể bị tước đoạt một cách không tuỳ tiện. ICCPR không giải thích thêm về khái niệm này, nhưng Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc đang đề xuất một Bình luận chung số 36 để giải thích Điều 6 này của ICCPR. Theo đó, bản thảo của Bình luận chung số 36 ghi nhận rằng có những trường hợp sau được coi là tước đoạt mạng sống một cách không tuỳ tiện và không bị ICCPR cấm:
Tự vệ;Bảo vệ tài sản;Trấn áp, bắt tội phạm; vàÁn tử hình trong các quốc gia còn duy trì.Bình luận này vẫn chưa được Hội đồng Nhân quyền thông qua nhưng nó cũng cho ta một số quan điểm chung về quyền sống.
Về vấn đề án tử hình, ICCPR ghi nhận rằng đối với những nước còn duy trì án tử hình thì việc tước đoạt mạng sống phải tuân thủ các tiêu chuẩn sau: (1) chỉ dành cho các tội phạm nghiêm trọng nhất (most serious crimes), (2) theo luật phù hợp với thời điểm tội phạm diễn ra, (3) không trái với các điều khác trong ICCPR và Công ước chống Diệt chủng, và (4) được tuyên chung thẩm bởi một toà án có thẩm quyền (Điều 6.2). Đặc biệt, tử tù có thể xin ân xá trong mọi trường hợp (Điều 6.4) và không được áp dụng án tử hình cho tội phạm phạm tội khi dưới 18 tuổi và phạm nhân là phụ nữ có thai (Điều 6.5).
ICCPR cũng quy định rõ rằng những quy định về án tử hình trong Điều 6 ICCPR không ảnh hưởng đến nỗ lực loại bỏ vĩnh viễn án tử hình tại các quốc gia (Điều 6.6).
Việt Nam đã trở thành thành viên của ICCPR từ rất sớm (1982) và rất nhiều những người tự nhận là hoạt động nhân quyền đang ra sức kêu gọi Việt Nam thực thi tốt ICCPR. Điều đó có nghĩa là họ cũng sẽ phải chấp nhận những gì ghi nhận trong Điều 6 về quyền sống.
Việc Việt Nam không tử hình Lê Văn Luyện dù tội ác của phạm nhân này là rất kinh khủng chính là nghĩa vụ quốc tế của Việt Nam về nhân quyền, cũng như việc Việt Nam xoá bỏ án tử hình cho tội phạm ma tuý và tội phạm tham nhũng cũng là thực thi tốt những gì Việt Nam đã cam kết. Cho dù công chúng có thể kêu gọi hạ độ tuổi chịu án tử hình xuống hoặc mở rộng thêm các tội phạm phải chịu án tử thì Việt Nam cũng không được phép làm trái ICCPR.
Lê Văn Luyện – người bị tuyên án 18 năm tù năm 2012 về 3 tội danh, trong đó có giết người. Do chưa đến tuổi thành niên, Luyện tránh được án tử hình. Ảnh: VOV
Nếu công chúng dung túng hoặc cổ vũ cho Việt Nam vi phạm Điều 6 của ICCPR thì cũng có nghĩa là chúng ta từ bỏ tất cả những quyền khác của công dân trong ICCPR, bao gồm cả quyền tự do ngôn luận, tự do thân thể, tự do tư tưởng, tự do lập hội… Một người hoạt động về nhân quyền, kêu gọi tôn trọng những giá trị về nhân quyền không được phép lựa chọn chỉ tôn trọng quyền này mà lại vi phạm quyền kia. Chính vì thế, mọi tranh luận về án tử hình hay những lời kêu gọi tử hình một ai đó cần hết sức cẩn trọng để xem liệu nó có cấu thành một hành vi vi phạm nhân quyền hay không? Hoặc nó có thể tạo tiền lệ xấu cho những hành vi vi phạm nhân quyền khác hay không.
Hướng đến việc xoá bỏ hoàn toàn án tử hình
Như vậy, Liên Hiệp Quốc vẫn thừa nhận sự tồn tại của án tử hình trong ICCPR. Những tổ chức hoạt động nhân quyền hoàn toàn không ủng hộ điều này.
Hai tổ chức nhân quyền lớn nhất thế giới là Human Rights Watch và Ân xá Quốc tế đều giữ quan điểm phản đối đến cùng án tử hình trong mọi trường hợp. Những quốc gia còn duy trì án tử hình, kể cả Mỹ, thường xuyên nhận được các khuyến nghị của Liên Hiệp Quốc, của các quốc gia thành viên khác và của các tổ chức nhân quyền rằng họ phải bãi bỏ án tử hình ngay lặp tức hoặc theo một lộ trình nào đó.
Mặc dù thừa nhận sự tồn tại của án tử hình, Liên Hiệp Quốc vẫn thông qua 5 nghị quyết khuyến nghị vào các năm 2007, 2008, 2010, 2012 và 2014 kêu gọi các nước còn án tử hình phải “tạm ngừng tuyên và thi hành án tử hình” (moratorium). Con số các nước ủng hộ ngày càng tăng. Nếu như nghị quyết năm 2007 chỉ có 104 nước ủng hộ và có đến 54 nước bỏ phiếu chống thì nghị quyết năm 2014 có đến 117 nước ủng hộ và chỉ còn 38 nước phản đối nghị quyết. Việt Nam luôn bỏ phiếu trắng trong các lần nghị quyết này.
Thân nhân của ba tử tù trong những vụ án có dấu hiệu oan sai. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Nhìn từ góc nhìn luật nhân quyền quốc tế, án tử hình cũng như tham nhũng là một hiện tượng xã hội chứ không phải là bản chất con người. Một ngày nào đó không xa, Việt Nam cũng sẽ đi theo xu hướng chung là xoá bỏ án tử hình và nó phải được thực hiện thông qua quá trình trao đổi, thảo luận và quyết định thật dân chủ của xã hội.
Những người ủng hộ án tử hình vẫn có cái lý của họ và những lý lẽ đó phải được tôn trọng. Nhân quyền chưa bao giờ là một giá trị bất biến mà nó là một cuộc thương thuyết, vận động xã hội lớn. Xu thế hiện nay đang ghi nhận sự thắng thế của quan điểm phản đối án tử hình nhưng nó cũng để ngỏ khả năng nói lên ý kiến và thay đổi quan điểm từ những người ủng hộ.
Còn hiện tại, chúng ta nên hết sức cẩn thận với những chỉ trích đối với việc xoá bỏ án tử hình tại Việt Nam. Dù thích hay không, dù tin tưởng hay không, thì những gì Việt Nam đang làm vẫn là những thực hành tốt các công ước quốc tế về nhân quyền mà nước ta đã ký kết với Liên Hiệp Quốc.
Tham nhũng có thể là quốc nạn, những người như Lê Văn Luyện có thể không xứng đáng tồn tại trong mắt nhiều người, nhưng giá trị và luật pháp về nhân quyền đòi hỏi nhân loại có cách xử lý nhân văn hơn cho những hiện tượng xã hội đó. Giết một người để bắt họ đền tội tức là đang lấy một hành vi vi phạm nhân quyền để bào chữa cho một hành vi vi phạm nhân quyền khác.
Tài liệu tham khảo:
[1] Báo cáo xem tại đây: https://www.amnesty.org/en/documents/act50/3487/2016/en/
[2] Như trên
[3] Như trên
[4] Điều 2 Hiến chương: “Không ai bị kết án tử hình hoặc bị hành hình”.