Bầu cử Mỹ: Đã có 7 “Bất tín Đại cử tri” cản đường Trump đến Nhà Trắng?

Bầu cử Mỹ: Đã có 7 “Bất tín Đại cử tri” cản đường Trump đến Nhà Trắng?

“Tôi thuộc hàng ngũ các Đại cử tri Hamilton (Hamilton electors), tôi xin hứa với những người đã bỏ phiếu cho tôi rằng tôi sẽ làm mọi cách để loại Donald Trump khỏi ghế Tổng thống”

Đó là những tuyên bố của Levi Guerra, một nữ thiếu niên 19 tuổi đến từ Vancouver, Washington. Cô là một trong 7 đại cử tri đã tuyên bố sẽ làm một “đại cử tri bất tín” (faithless elector) trong một nỗ lực ngăn chặn Donald Trump chính thức trở thành Tổng thống Mỹ sau cuộc bầu cử ngày 19/12 sắp tới.

Trong cuộc họp báo tại thủ phủ tiểu bang ở Olympia vào ngày 30/11 vừa qua, Levi thông báo cô sẽ gia nhập đội ngũ “đại cử tri Hamilton”. Đây là một nhóm các đại cử tri có ý định phản kháng lại quy tắc được ăn cả (winner take all), thông qua việc sẽ bỏ phiếu chống cho ứng viên thắng thế ở tiểu bang của mình.

Giải thích cho sự lựa chọn này, Levi Guerra và những “người nổi loạn” như cô cho rằng, trách nhiệm của 538 đại cử tri là ngăn chặn sự mị dân và những mối đe dọa khác đối với quốc gia khỏi Nhà Trắng – theo như những gì mà các Tổ phụ lập quốc đã định liệu khi sáng lập hệ thống cử tri đoàn.

“Tôi chỉ mới 19 tuổi và đây là lần đầu tiên tôi tham gia vào chính trị, nhưng tôi hy vọng việc tôi sẵn sàng đặt quốc gia lên trên đảng phái của mình sẽ cho mọi người thấy được rằng thế hệ của tôi quan tâm đến mọi người Mỹ”, Guerra cho hay.

“Đại cử tri Hamilton” – những kẻ nổi loạn bất tuân thông lệ

Khởi đầu cho phong trào “đại cử tri Hamilton” hiện nay là Michael Baca của tiểu bang Colorado và Bret Chiafalo của tiểu bang Washington. Họ đã tự gọi mình là những đại cử tri Hamilton, theo tên của một trong các Tổ phụ lập quốc và cũng là Bộ trưởng Tài chính đầu tiên của Hoa Kỳ.

3500

Các Đại cử tri Hamilton tin rằng 538 thành viên thuộc Đại cử tri đoàn có trách nhiệm đạo đức để can thiệp vào quyết định bầu cử Tổng thống, theo đúng mong mỏi của các Tổ phụ lập quốc. Ảnh: Kim Hong-Ji/Reuters

Khi bàn về sự cần thiết của cử tri đoàn, Hamilton đã từng nói: Cơ chế này tồn tại để đảm bảo rằng “văn phòng Tổng thống sẽ không bao giờ rơi vào tay bất kỳ ai không đủ ưu tú và trình độ cần thiết”. Đồng tình với quan điểm này và lấy đó làm tôn chỉ của mình, Michael Baca và Bret Chiafalo xác định “đại cử tri Hamilton” tồn tại là để ngăn cản nhiệm kỳ Tổng thống của Trump diễn ra, để tránh chiếc ghế Tổng thống thuộc về người “không phù hợp”.

“Chúng tôi đang cố gắng làm đúng vai trò “bình chữa cháy khẩn cấp”, thứ đã bị phủ bụi trong quên lãng 200 năm qua. Đây là trường hợp khẩn”, Chiafalo cho hay.

Hiện nhóm đại cử tri Hamilton gồm 7 người, trong đó có 3 người đến từ bang Washington và 4 người từ bang Colorado. Các bang này đều là nơi Hillary Clinton của đảng Dân chủ thắng thế.

Cho đến thời điểm hiện tại, đã có 1 đại cử tri thuộc “bang màu đỏ” (nơi phe Cộng hòa thắng thế) rời bỏ vị trí của mình. Ông Art Sisneros đã tuyên bố từ chức đại cử tri của bang Texas với lý do ông chưa sẵn sàng bỏ phiếu cho ứng viên của đảng Cộng hòa.

Nỗ lực “quái đản”

Tuy nhiên, cách thể hiện “nỗ lực chống Trump” của nhóm Hamilton không hề giống bình thường. Họ không bầu cho Trump, nhưng cũng không bầu cho Hillary. Họ quyết định bỏ phiếu cho một ứng cử viên đảng Cộng hòa khác.

Tổng thống Mỹ không được lựa chọn trực tiếp từ đầu phiếu phổ thông, mà thông qua hệ thống cử tri đoàn với 538 đại cử tri do các bang bầu ra. Trong mỗi kỳ bầu cử Tổng thống trong quá khứ, thành viên của cử tri đoàn bầu theo đa số phiếu phổ thông tại bang của họ. Trump đã thắng nhiều phiếu đại cử tri hơn so với Hillary (290-232), nên dường như kết quả đầu phiếu phổ thông tháng 11 có thể coi là một chiến thắng được báo trước cho kỳ bầu cử tháng 12 của cử tri đoàn.

Nhưng Baca và Chiafalo cho rằng trường hợp hiện tại không hề giống những cuộc bầu cử trước đây, và do đó các đại cử tri cần cảm thấy mình được trao quyền là để phá vỡ truyền thống.

Theo các quy ước hiện đại, các đại cử tri ở mỗi bang bỏ phiếu cho cùng một ứng viên theo nguyên tắc được ăn cả (winner-take -all). Tức là ứng viên nào có nhiều phiếu phổ thông ở bang đó hơn thì tất cả các đại cử tri của bang đó phải bầu cho ứng viên thắng thế.

Tuy nhiên, đó không phải là điều hoàn toàn bắt buộc. Ông Sisneros đã nghiên cứu sâu về lịch sử của cử tri đoàn và đi đến kết luận rằng hệ thống cử tri đoàn cho phép mỗi đại cử tri quyết định bỏ phiếu theo lương tri. Tức là họ không bị kiềm chế hay ràng buộc vào một ứng viên nhất định nào, và có quyền quyết định theo lương tâm của mình.

Kịch bản trong trường hợp thuận lợi nhất mà nhóm Hamilton đưa ra là: thuyết phục được 135 đại cử tri phe Dân chủ (được kỳ vọng sẽ bầu cho Clinton) và 135 đại cử tri phe Cộng hòa (được kỳ vọng sẽ bầu cho Trump), bỏ phiếu cho một ứng cử viên khác mẫu mực hơn của đảng Cộng hòa. Và như vậy, người đó sẽ trở thành Tổng thống với 270 phiếu theo quy định.

Nếu lựa chọn trên không thể thực hiện, họ hy vọng sẽ thuyết phục được ít nhất 37 đại cử tri Cộng hòa ở những bang Trump chiến thắng, chuyển sang ủng hộ cho một ứng viên Cộng hòa khác, người mà họ cùng đồng ý với nhau để bầu chọn.

Phong trào phản đối Tổng thống tân cử Donald Trump vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Ảnh: Today

Phong trào phản đối Tổng thống tân cử Donald Trump vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Ảnh: Today

Điều này sẽ làm cho số phiếu đại cử tri của Trump giảm xuống dưới 270 phiếu, và như vậy cuộc bầu cử sẽ về tay Hạ viện. Tuy khả năng cao là một Hạ viện do đảng Cộng hòa kiểm soát vẫn sẽ bầu cho Trump, song những “đại cử tri nổi loạn” hy vọng cơ hội để bầu cho một ứng viên Cộng hòa khác mẫu mực hơn vẫn xuất hiện.

Theo họ, đây sẽ là quyền lợi tốt nhất dành cho cơ quan lập pháp, bởi một ứng viên Cộng hòa khác ngoài Trump “thực sự biết những gì phải làm” để có thể đưa ra một chương trình nghị sự trước “Quốc hội Cộng hòa”.

Dù bang của Baca và Chiafalo bầu cho bà Clinton, họ cho biết vẫn sẵn sàng ủng hộ cho một ứng viên được nhất trí đến từ đảng Cộng hòa.
Họ đối mặt với nhiều nguy cơ, đặc biệt là những đại cử tri Hamilton tại các bang “Dân chủ”, trước các mức phạt của tiểu bang vì đã “làm trái thông lệ”. Chẳng hạn, Chiafalo có thể phải chịu mức phạt 1000 USD vì phá vỡ quy tắc của cử tri đoàn. Còn ông Sinesros và gia đình có thể bị đe dọa bởi những phần tử quá khích.

Chiafalo đang xem xét kiện mức phạt ra Tòa án Liên bang vì cho rằng những nỗ lực ngăn chặn các đại cử tri bỏ phiếu theo lương tâm là vi hiến.

Chiafalo cho rằng phong trào nổi loạn này có thể đi xa hơn con số 7 người ở thời điểm hiện tại. Theo tính toán của anh, có khoảng 50-100 đại cử tri trên toàn quốc đang cân nhắc có nên bỏ phiếu theo ý mình để chống lai Trump hay không. Dù những bằng chứng hiện tại cho thấy dự tính này vẫn còn xa vời, nhưng chúng ta vẫn còn thời gian để quan sát sự chuyển biến cho đến ngày 19/12 sắp tới ./.

Tài liệu tổng hợp
Teen becomes seventh ‘faithless elector’ to protest Trump as president-elect, Ed Pilkington, 30/11/2016
Meet the ‘Hamilton Electors’ Hoping for an Electoral College Revolt, LILLY O’DONNELL, 21/11/2016.

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.